EVN khuyến cáo sử dụng điện an toàn, tiết kiệm mùa nắng nóng
Theo nhận định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 7/2022, nắng nóng tiếp tục xuất hiện ở Bắc bộ và Trung bộ, nền nhiệt độ trung bình cao hơn 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Dự kiến sản lượng tiêu thụ điện bình quân toàn hệ thống ở mức 793,8 triệu kWh/ngày (tăng 6,4% so với cùng kỳ), công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 42.390 MW.
Công nhân Công ty Điện lực Hòa Bình kiểm tra vận hành trạm biến áp 110kV Hòa Bình. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Trước tình hình đó, EVN cho biết, tập đoàn tiếp tục các giải pháp đảm bảo sản xuất, cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và sinh hoạt người dân, đặc biệt là yêu cầu đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT; trong đó, vận hành tối ưu hệ thống điện trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, đồng thời từng bước giảm bớt khó khăn về tài chính của EVN.
Cụ thể, về huy động nguồn điện, EVN sẽ huy động tối đa các nhà máy thủy điện có nước về tốt; nhiệt điện than, tuabin khí huy động theo nhu cầu hệ thống và bài toán tối ưu thủy – nhiệt điện; dự phòng nhiệt điện dầu.
Ngoài ra, tập đoàn tiếp tục bám sát tiến độ thi công, đảm bảo kế hoạch đóng điện các công trình lưới điện quan trọng, như: Đường dây 500 kV Vũng Áng – Quảng Trạch, trạm biến áp 220 kV Chư Sê và đấu nối, mạch 2 đường dây 220 kV Lào Cai – Bảo Thắng…
Trong tháng 7/2022 này, EVN tiếp tục chỉ đạo các công ty/nhà máy thủy điện vận hành hồ đập theo đúng chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Ban chỉ đạo của các tỉnh/ thành phố, tăng cường tuyên truyền về vai trò của thủy điện trong việc cắt/giảm lũ. Các tổng công ty/công ty điện lực tiếp tục thực hiện tốt đảm bảo điện mùa khô, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, tăng cường ứng trực 24/24h để kịp thời ứng phó thiên tai bão lũ, cũng như các tình huống quá tải cục bộ, xử lý kịp thời sự cố, tiếp tục nỗ lực để đảm bảo cung cấp điện cho khách hàng.
Tuy nhiên, để giảm bớt những khó khăn trong vận hành hệ thống điện, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố về điện do nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến – nhất là ở miền Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối (buổi trưa từ 11h30 đến 14h30, buổi tối từ 20h00 đến 23h00); đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ (đặt ở mức 26 – 27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn…
Báo cáo của EVN cho hay, trong tháng 6 năm 2022, nắng nóng diễn ra tại cả 3 miền nên nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao. Công suất đỉnh của toàn quốc cũng lên kỷ lục mới ở mức 45.528 MW vào ngày 21/6/2022 (tăng gần 3.100 MW so với công suất đỉnh năm 2021). Sản lượng ngày cao nhất cũng lên mức kỷ lục mới với 900 triệu kWh cũng vào ngày 21/6/2022.
Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 6/2022 đạt 24,52 tỷ kWh. Lũy kế 6 tháng đạt 133,11 tỷ kWh, tăng 3,8% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng thủy điện đạt 41,58 tỷ kWh, chiếm 31,2%; niệt điện than đạt 55,79 tỷ kWh, chiếm 41,8%; tua bin khí đạt 15,22 tỷ kWh, chiếm 11,4%. Năng lượng tái tạo đạt 19,2 tỷ kWh, chiếm 14,4% (trong đó điện mặt trời đạt 14,25 tỷ kWh, điện gió đạt 4,67 tỷ kWh).
Video đang HOT
Trong các tháng đầu năm 2022, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn cả nước đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, giá cả vật tư, nguyên vật liệu tăng cao, không huy động được chuyên gia nước ngoài cũng như khan hiếm nguồn nhân lực trong nước, công tác phối hợp với các địa phương để triển khai giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù vậy, quá trình triển khai thực hiện các dự án đã được áp dụng các công nghệ phục vụ theo dõi, quản lý dự án; sự vào cuộc của các đơn vị để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.
Đồng thời, tập đoàn đã ban hành các văn bản hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc của đơn vị liên quan đến quy định pháp luật và quy định quản lý nội bộ của EVN trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án.
Về lưới điện, trong 6 tháng đầu năm 2022, EVN và các đơn vị đã khởi công 67 công trình và hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 49 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500 kV (bao gồm: 4 công trình 500 kV, 8 công trình 220 kV và 37 công trình 110 kV).
Bên cạnh đó, EVN và các đơn vị đã hoàn thiện xong quy trình quản lý chất lượng dự án và quy trình quản lý chất lượng nội bộ khối lưới phân phối… Về nguồn điện, EVN tiếp tục tập trung thi công các dự án Thủy điện Ialy Mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I, các dự án Điện mặt trời Phước Thái 2, 3.
Nhiều giải pháp cung ứng điện cho phục hồi kinh tế
Bộ Công Thương, các chuyên gia ngành điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đều khẳng định, việc cung ứng điện trong năm nay về cơ bản sẽ được đảm bảo.
Tuy vậy, trong bối cảnh nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19, nhu cầu điện dự báo tiếp tục tăng mạnh và sẽ có nhiều khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt vào một số thời điểm nắng nóng cực đoan.
Bộ Công Thương, các chuyên gia ngành điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đều khẳng định, việc cung ứng điện trong năm nay về cơ bản sẽ được đảm bảo. Ảnh: TTXVN
Phóng viên TTXVN đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Quốc Trung, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) về những giải pháp cho vấn đề này.
Xin ông cho biết về thực trạng và khó khăn trong sản xuất và cung ứng điện từ nay đến cuối năm, nhất là mùa khô năm nay, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang bước vào giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19?
Bộ Công Thương đã có Quyết định số 3063/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2022; trong đó giao EVN đảm bảo vận hành, cung cấp điện an toàn, ổn định và tin cậy cho hệ thống điện quốc gia. Nhu cầu phụ tải dự kiến cả năm là 275,5 tỷ kWh, tương ứng với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đã được Quốc hội phê duyệt là từ 6 đến 6,5%.
Về mặt tổng thể, việc đáp ứng nhu cầu phụ tải như trên tại các khu vực miền Trung, miền Nam là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên với khu vực miền Bắc có thể có tình trạng một vài thời điểm gặp khó khăn, nhất là trong giai đoạn các tháng cao điểm nắng nóng kéo dài tại miền Bắc (thường vào tháng 5,6,7 hàng năm).
Thực trạng này đã khiến EVN chủ động xây dựng các kịch bản và có những giải pháp nào triển khai nhằm đáp ứng đủ điện cho sự hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch?
Trên thực tế, EVN đã chủ động xây dựng các kịch bản về cung ứng điện và phối hợp với các đơn vị có liên quan và các khách hàng sử dụng điện để thực hiện nhóm các giải pháp đảm bảo cung cấp điện về vận hành; về bổ sung nguồn cung; về tăng cường năng lực truyền tải; sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và điều chỉnh nhu cầu phụ tải.
Để đảm bảo khả năng cung cấp điện trong thời gian tới, trong bối cảnh phụ tải phục hồi sau đại dịch COVID-19, EVN đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về vận hành và đầu tư.
Cụ thể, đối với việc quản lý nhu cầu điện, Tập đoàn tuyên truyền tiết kiệm điện sâu rộng trong khách hàng, khuyến khích sử dụng các thiết bị điện hiệu suất tốt, sử dụng điện hiệu quả vào các thời gian thấp điểm; đồng thời đàm phán với khách hàng điều chỉnh nhu cầu sử dụng điện, sử dụng nguồn điện sẵn có.
Đối với việc đảm bảo cung cấp điện, EVN cũng giữ mực nước các hồ thủy điện cao trong giai đoạn cuối mùa khô để tăng cường công suất khả dụng của hệ thống điện; nâng cao khả năng truyền tải của các tuyến đường dây 500kV huyết mạch từ miền Trung ra miền Bắc. Mặt khác, Tập đoàn đàm phán nhập khẩu điện trong giai đoạn nắng nóng và làm việc với các bên liên quan đảm bảo cung cấp nguồn nhiên liệu đầy đủ cho các tổ máy nhiệt điện than nhằm hoạt động đủ toàn bộ công suất.
Ngoài ra, EVN cũng yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch vận hành, sửa chữa thiết bị hợp lý, đảm bảo thiết bị vận hành ổn định, sẵn sàng vật tư thay thế ngay khi sự cố. Đồng thời có thể phải tính đến phương án đàm phán, dịch chuyển khung giờ hưởng chi phí tránh được của các thủy điện nhỏ trùng vào thời gian cao điểm tối của phụ tải miền Bắc.
Nhờ sự nỗ lực này, dự kiến trong các tháng còn lại của mùa khô 2022, miền Bắc sẽ đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho nhu cầu sử dụng của nhân dân và các đơn vị sản xuất, trừ trường hợp có sự cố bất thường lớn trên hệ thống.
Về mặt dài hạn, các đơn vị trong ngành điện từ EVN, đơn vị điều độ, đơn vị quản lý vận hành lưới điện cũng như các đơn vị phát điện sẽ cần lập phương án vận hành phù hợp nhất; đồng thời tăng cường quản lý kỹ thuật để đảm bảo độ tin cậy và tối ưu vận hành nguồn điện, cũng như lưới điện.
Trong đầu tư, xây dựng, Tập đoàn cần đảm bảo và đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn và lưới điện quan trọng, đặc biệt là các công trình nguồn tại miền Bắc và các công trình nâng cao năng lực truyền tải giữa miền Bắc - Trung; đẩy mạnh nhập khẩu điện, đặc biệt là các liên kết đấu nối vào khu vực miền Bắc; nghiên cứu, đề xuất đầu tư các hệ thống pin tích trữ năng lượng, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo tại miền Bắc.
Cùng với đó, ngành điện cần có cơ chế khuyến khích khách hàng tham gia chương trình tiết kiệm, điều chỉnh phụ tải nhằm giảm công suất điện tiêu thụ vào các ngày nắng nóng. Đây là giải pháp đặc biệt hiệu quả và ít tốn kém khi tình trạng thiếu điện chỉ xảy ra vào một số thời điểm cực đoan nhất định.
Ngoài sự chủ động trên, ông có những đề xuất gì tới chủ đầu tư các nhà máy điện ngoài EVN, các đơn vị cung cấp nguồn nguyên nhiên liệu cho sản xuất điện của EVN nói riêng và các nhà máy điện sử dụng than, khí nói chung với mục tiêu đảm bảo đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế đang hồi phục và sẽ tăng trưởng cao trong thời gian tới?
Nhiệm vụ đảm bảo cung ứng đủ điện an toàn, liên tục cho nền kinh tế và nhu cầu của nhân dân là hết sức nặng nề. EVN mong muốn chủ đầu tư các nhà máy điện, các đơn vị cung cấp nguồn nguyên nhiên liệu cho sản xuất điện cùng chung tay, phối hợp và hỗ trợ Tập đoàn, các đơn vị của EVN để hoàn thành mục tiêu chung, nhiệm vụ chung mà Đảng và Chính phủ giao phó.
Bên cạnh đó, các đơn vị nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia luôn đảm bảo tuân thủ mệnh lệnh điều độ về lên/xuống tổ máy, sẵn sàng tình trạng kỹ thuật tổ máy để huy động nhằm đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện. EVN cũng kiến nghị các đơn vị cung cấp nhiên liệu than, khí, dầu đảm bảo thực hiện theo đúng các hợp đồng đã ký kết.
Ông dự báo thế nào về tình hình sản xuất và cung ứng điện sau năm 2023, khi mà nền kinh tế tăng trưởng trở lại, nhiều dự án nguồn điện và lưới điện còn chậm được triển khai vì nhiều lý do, gây áp lực trong việc cung cầu điện những năm tới?
Theo tính toán cân đối của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, dựa trên dự kiến tiến độ nguồn điện và dự báo phụ tải cho hệ thống điện miền Bắc trong giai đoạn từ nay tới năm 2025, khu vực miền Bắc vẫn có thể gặp một số thời điểm khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp điện trong một số thời điểm nắng nóng cực đoan.
Nguyên nhân chủ yếu do lượng công suất nguồn điện ở miền Bắc được bổ sung hàng năm không theo kịp với sự tăng trưởng phụ tải đỉnh trong giai đoạn này, cụ thể theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, phụ tải đỉnh trong giai đoạn 2022 - 2025 tăng trưởng trung bình với công suất 2.830 MW/năm, trong khi công suất nguồn điện mới được bổ sung dự kiến chỉ đạt trung bình 1.565 MW/năm. Do đó, tình hình vận hành hệ thống điện miền Bắc có xu hướng ngày càng căng thẳng trong các năm tới.
Bên cạnh đó, việc thiếu nhiên liệu đầu vào, sự suy giảm công suất do nhiệt độ môi trường, sự vận hành không ổn định của thiết bị của các nhà máy nhiệt điện than hay suy giảm công suất của các nhà máy thủy điện do mực nước thấp vào cuối mùa khô, các nhà máy thủy điện nhỏ không đủ nước để huy động trong suốt thời gian phụ tải tăng cao cũng là một trong các nguyên nhân gây suy giảm công suất dự phòng của hệ thống điện.
Tuy nhiên, khó khăn này sẽ không xảy ra thường xuyên và dài ngày mà chỉ có nguy cơ xảy ra vào các thời điểm nắng nóng kéo dài trong giai đoạn cuối mùa khô làm cho nhu cầu tiêu dùng điện tăng cao đột biến...
Xin cảm ơn ông!
Chưa cân đối được vốn nâng cấp Quốc lộ 37, đoạn Gia Phù - Cò Nòi Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản trả lời kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La về việc đầu tư nâng cấp Quốc lộ 37, đoạn Gia Phù - Cò Nòi. Một đoạn đường quanh co, độ dốc lớn trên đèo Chẹn thuộc Quốc lộ 37 đoạn qua huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh minh họa:...