EVFTA chính thức có hiệu lực, đường sang EU rộng hơn với gạo, tôm, đồ gỗ
Sau gần 10 năm đàm phán, hôm nay 1/8, EVFTA chính thức có hiệu lực. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đang được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam như thủy sản, đồ gỗ, gạo…
“Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ giành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (thuế 0%) đối với gạo xay xát và gạo thơm, đồng thời xóa bỏ thuế đối với tấm trong 5 năm. Đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU trong thời gian tới, bởi khu vực này đang tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo/năm” – ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu ( Bộ Công Thương) nhấn mạnh.
Cho đến thời điểm này, gạo Việt Nam vẫn còn là một cái tên xa lạ với thị trường EU. Năm 2019, Việt Nam chỉ xuất khẩu được một số lượng hạn chế gạo sang EU với giá trị khiêm tốn là 10,7 triệu USD.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc gạo Việt khó tìm đường sang EU là bởi thuế suất mà EU đang áp lên gạo nhập khẩu từ Việt Nam khá cao, cụ thể là thuế tuyệt đối 175 EUR/tấn với gạo xay xát, 65 EUR/tấn với gạo tấm, 211 EUR/tấn với lúa. Nhưng với việc EVFTA chính thức có hiệu lực, mọi rào cản về thuế suất gần như được xóa bỏ.
Theo dự báo, xuất khẩu gạo vào EU đến năm 2025 sẽ tăng tới 60% so với hiện nay sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực.
Xuất khẩu gỗ sang EU được kỳ vọng sẽ khởi sắc khi EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8. Trong ảnh: Chế biến gỗ ghép thanh tại Công ty Hoàng Thông (Bình Dương).
Mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ cũng được kỳ vọng sẽ bứt phá khi EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trở lại. Đáng chú ý, trong khối EU 27, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Đức đạt 8,5 triệu USD trong tháng 6/2020, tăng 86,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất lớn thứ 11 cho Đức, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng nhập khẩu nên vẫn còn cơ hội để tăng thị phần.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cả nước có hơn 4.600 doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ. Hiện, các doanh nghiệp kỳ vọng, EVFTA chính thức có hiệu lực sẽ giúp cho ngành gỗ có những đột phá trong xuất khẩu.
EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp gỗ Việt Nam tiệm cận vị trí mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ hiện có với khách hàng EU, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến các chuỗi cung ứng đồ gỗ toàn cầu như Mỹ, Nhật Bản.
Trong khi đó, theo nhận định của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngoài cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, EVFTA chính thức có hiệu lực sẽ giúp sản phẩm thủy sản Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh so với các đối thủ chưa có FTA với EU như Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh hay Indonesia bởi khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 212 dòng thuế của ngành thủy sản có thuế suất cơ sở từ 0-22%.
Video đang HOT
Xuất khẩu tôm sẽ được hưởng ưu đãi về thuế khi EVFTA chính thức có hiệu lực. Ảnh: I.T
Ngoài ra, ngành thủy sản cũng sẽ có cơ hội thu hút giới đầu tư nước ngoài, hiện đại hóa công nghệ chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận dịnh, tôm chính là mặt hàng được hưởng lợi khi EVFTA chính thức có hiệu lực.
Hiện, mặt hàng này đang chịu thuế suất khá cao (tôm tươi thuế suất 4,2%) nhưng sẽ về 0% ngày khi EVFTA chính thức có hiệu lực, tôm luộc (đang chịu mức thuế 15%) sẽ giảm thuế sau 3-7 năm.
Cá ngừ đông lạnh, cá ngừ hộp cũng sẽ được hưởng lợi nhiều khi mức thuế giảm về 0% sau khi EVFTA có hiệu lực và hạn ngạch cũng nâng lên hơn 10.000 tấn/năm.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng chủ lực khác của ngành thủy sản cũng được hưởng ưu đãi để có thể gia tăng xuất khẩu vào EU trong thời gian tới.
“EVFTA sẽ tạo bước đệm để ngành thuỷ sản đi sâu hơn vào thị trường tiêu thụ thủy sản khổng lồ, với dân số trên 500 triệu người, thu nhập bình quân cao, mức tiêu thụ bình quân các sản phẩm thủy sản thuộc hàng đầu thế giới” – VASEP nhận định.
Những cam kết trong EVFTA được kỳ vọng sẽ mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông sản nhiệt đới, thủy sản, giày dép, dệt may, đồ gỗ… Việt Nam cũng tiếp cận các sản phẩm ôtô, dược phẩm, hóa chất, máy móc, thiết bị phụ trợ… của EU.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU – Việt Nam (EVIPA), EVFTA dự kiến sẽ thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025. Ủy ban châu Âu ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035.
Trong 18 năm gần nhất, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam – EU đã tăng gần 14 lần từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019. Trong đó, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ), còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU (sau Singapore) tại ASEAN.
"Vua tôm" Minh Phú nói phí vận chuyển tôm nội địa quá cao, ngành chức năng nói gì?
Mới đây, trong một cuộc hội nghị về logistics, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Minh Phú nêu chi phí vận chuyển tôm từ TP.HCM ra Hà Nội quá cao, cản đường tiêu thụ nông sản của nhiều doanh nghiệp. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nói gì về nhận định này?
Nhận diện đúng chi phí logistics cho nông sản
Theo ông Nguyễn Duy Minh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), chi phí logistics của một số chuỗi cung ứng hiện còn ở mức cao, khiến giá thành sản xuất của nông sản Việt Nam khó có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác.
Cụ thể, chi phí logistics của sản phẩm hải sản chiếm 12,1% giá thành sản xuất, con số này với mặt hàng gạo lên tới 29,8%, rau quả 29,5%.
"Nguyên nhân khiến chi phí logistics tăng cao là do phí vận chuyển cao (giá nhiên liệu cao, quá nhiều trạm thu phí BOT, các chi phí không chính thức khác,... hệ thống hạ tầng còn hạn chế" - ông Minh nói.
Chia sẻ tại Hội nghị Giải pháp cắt giảm chi phí logistics - giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt do Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) tổ chức mới đây, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Minh Phú nêu một thực tế, chi phí vận chuyển nội địa quá cao đang cản đường tiêu thụ nông sản của nhiều doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Minh Phú cho rằng, chi phí vận chuyển tôm trong nội địa đang quá cao. Ảnh: I.T
Ông Quang lấy ví dụ, chi phí vận chuyển 1 container tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ 41 triệu đồng, từ Việt Nam sang Nhật Bản là 15 triệu đồng thì vận chuyển 1 container tôm từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội mất 80 triệu đồng, tăng gấp đôi vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ.
Tương tự, một container tôm từ TP.Hồ Chí Minh đến biên giới Trung Quốc mất 100 triệu đồng, trong khi Ecuador cũng vận chuyển sang Trung Quốc nhưng chi phí chỉ bằng một nửa.
"Đây là điều hết sức vô lý, đẩy giá thành lên cao, vì vậy ngành chức năng cần có giải pháp cắt giảm chi phí vận chuyển nội địa, do có quá nhiều trạm thu phí đã đẩy giá lên cao, trong khi hệ thống đường biển, đường sông có nhiều nhưng không phát huy tác dụng do không có cảng nội địa" - ông Quang nói.
Tuy nhiên, trước nhận định này của ông Quang, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, container vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ thường bằng đường biển, do lợi thế về quy mô của phương tiện vận tải biển (một tàu biển có thể chở hàng chục nghìn cho đến trăm nghìn container) nên chi phí tính trên từng container sẽ thấp.
Còn container vận chuyển từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội bằng đường bộ, một phương tiện chỉ chở được một container nên không thể so sánh với đường biển.
"Để dễ hình dung về lợi thế của quy mô tác động đến chi phí, cũng với container từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội nói trên, chi phí mất 80 triệu đồng, khoảng cách từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội là 1.700km, container chứa được 20 tấn hàng, tức 20.000kg hàng. Như vậy mỗi kg hàng có chi phí vận chuyển mất 4.000 đồng. Trong khi đó, nếu bạn thuê taxi để chuyển 1kg hàng cho quãng đường 1km thì tối thiểu bạn cũng phải trả bằng giá mở cửa xấp xỉ 8.000 đồng. Tuy nhiên, không ai có thể so sánh như trên vì taxi có khả năng vận chuyển và phạm vi hoạt động khác hẳn với xe chở container" - ông Hải nói.
Trong khi đó, ông Võ Quan Huy (Đức Huệ, Long An) cho biết, năm 2019, doanh nghiệp của ông xuất khẩu khoảng 14.000 tấn chuối đi Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, trong đó, chi phí logistics chiếm khoảng 30% chi phí sau thu hoạch.
"Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, chi phí logistics tăng tới 45%, trong đó cước tàu biển tăng tới 40% do những tác động của dịch Covid-19" - ông Huy nêu một thực tế.
Cũng theo ông Huy, việc các thị trường xuất khẩu liên tục thay đổi chính sách kiểm dịch thực vật đã tác động lớn đến chi phí logistics.
"Thời gian qua Trung Quốc thay đổi quy trình kiểm dịch thực vật khiến doanh nghiệp mất thêm 5- 7% sản phẩm vì hư hỏng do thời gian chờ đợi được kiểm dịch tăng lên 12 giờ từ lúc hạ đảo chuyến đến lúc mở container kiểm hàng, đồng thời chúng tôi tốn thêm 1 - 2 triệu đồng cho 1 container. Đó là chưa kể, lượng container lạnh đủ tiêu chuẩn xuất khẩu không đủ gây nên tình trạng kẹt chờ lấy container rỗng từ 12 - 24 giờ" - ông Huy cho biết thêm.
Ông Lê Tiến Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bắc Kỳ cho rằng, chỉ bản thân doanh nghiệp sẽ không thể làm giảm chi phí logistics nếu không có quy hoạch logistics tốt.
"Tôi sang Quảng Châu, Trung Quốc, đi thăm chợ đầu mối nông sản lớn nhất ở đây, chợ Giao Nam rộng đến 50ha, trong đó có 10ha là khu ngoại quan. Mỗi ngày chợ tiếp nhận 500 container hoa quả, trong đó có 250 container sầu riêng từ Thái Lan. Tại chợ này Việt Nam cũng tiêu thụ khoảng 100 container thanh long. Nhưng nếu như sầu riêng Thái Lan là do các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đưa sang thì thanh long Việt Nam do thương nhân Trung Quốc thu mua nên bao bì, nhãn mác đóng gói không đồng nhất, vì vậy, giá bán cũng khác" - ông Nam nêu một ví dụ.
Từng đoàn container chờ thông quan tại cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn trong thời điểm dịch Covid-19 phức tạp phải tăng cường các biện pháp kiểm soát. Ảnh: I.T
Trong khi đó, ông Lê Đức Huy - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2/9 (Đắk Lắk) cho rằng, việc phải mua qua trung gian đã đẩy chi phí logistics lên quá cao. Hiện, có đến 70% nguyên liệu cà phê của công ty là mua qua trung gian, chỉ 30% trong tổng số sản lượng 100.000 tấn/năm được mua trực tiếp từ nông hộ. Mua qua trung gian dù được lượng hàng nhiều nhưng hạn chế về quản lý và nâng cấp chất lượng, truy xuất nguồn gốc. "Chi phí thu mua nguyên liệu từ nông dân đến nhà xuất khẩu là 15 USD/tấn, chiếm 25% chi phí logistics từ nông dân đến cảng TP.Hồ Chí Minh, gấp đôi cước tàu đi Nhật là 7,5 USD/tấn" - ông Huy nói.
Giảm phí BOT cho nông sản
Thừa nhận logistics đang là một điểm nghẽn trong tiêu thụ nông sản, ông Nguyễn Duy Minh cho rằng, cần thiết phải hình thành các trung tâm logistics hiện đại. Theo ông Minh, hiện nay Chính phủ đã nhìn rõ vai trò của ngành dịch vụ logistics nên về thể chế đã có nhiều quyết định cũng như kế hoạch hành động quốc gia liên quan đến phát triển ngành này.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho rằng, cần có quy hoạch logistics theo từng vùng, từng loại hình để thúc đẩy liên kết giữa các địa phương để hình thành các trung tâm vận chuyển, logistics hiện đại.
Trong khi đó, ông Lê Đức Huy đề xuất, để giảm thiểu chi phí logistics cần hỗ trợ đại lý lớn mạnh về năng lực quản lý, hạch toán tài chính, giao nhận hàng, kho lưu trữ, phương tiện vận chuyển để họ mua được trực tiếp từ hệ thống nông dân, vẫn chuyển trực tiếp cho kho nhà xuất khẩu.
Hỗ trợ ban quản lý hợp tác xã nâng cao năng lực quản trị, tài chính, tổ chức cung cấp các dịch vụ cho nông hộ. Nâng cấp các đường giao thông ở nông thôn hiện nay...
Ông Đỗ Văn Tôn, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp hiện đại Tiến Nông kiến nghị, cần kiểm soát các mức phí mà đại lý hãng tàu tại Việt Nam thu từ các doanh nghiệp; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, loại bớt các trạm thu phí (BOT) hoặc mua lại BOT; miễn giảm phí BOT khi xe trình hóa đơn gốc chở phân bón, nông sản...
Dân Đồng Tháp Mười lại "xé rào" nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt Mặc dù Đồng Tháp Mười (khu vực tỉnh Long An) là vùng ngọt hóa, nhưng thời gian qua hàng loạt diện tích đất lúa đã được bà con nông dân chuyển thành ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Năm 2019, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tại vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) là con số 0. Đến tháng 3/2020, số diện tích...