Everest – đỉnh núi không thể bị chinh phục năm 2015
Từ 2013 trở về trước, hàng trăm người chinh phục được đỉnh Everest mỗi năm. Tuy nhiên, kể từ sau vụ lở tuyết giết chết 24 người vào tháng 4/2015, Everest dần trở thành điểm đến bất khả chinh phục trên thế giới.
Lần đầu tiên kể từ năm 1974, năm 2015 là năm không một ai thành công chạm đến nóc nhà của thế giới. Thông tin này đã được xác nhận bởi những nhà leo núi giàu kinh nghiệm, các quan sát viên của Everest và cơ sở dữ liệu Himalaya.
Nằm giữa biên giới Tây Tạng và Nepal, Everest là đỉnh núi cao nhất thế giới ở độ cao 8.848m so với mực nước biển. Ảnh: Budda Land Nepal.
Mặc dù các nhà leo núi luôn nói về những khó khăn trong quá trình chạm đích nhưng chẳng ai có thể tưởng tượng đến trận lở tuyết kèm động đất kinh hoàng hồi tháng 4 năm ngoái. Thảm họa đã biến một buổi sáng bình thường thành ngày đen tối nhất trong lịch sử chinh phục ngọn núi. Trận động đất 7,8 độ richter xảy ra ở khu vực đông dân cư nhất Nepal lấy đi mạng sống của hơn 8.000 người và làm bị thương 21.000 người khác.
“Chính phủ Nepal chưa bao giờ chính thức đóng cửa lối vào Everest nhưng kể từ sau thảm họa, tuyến đường chính tới thác băng Khumbu đã không còn hoạt động”, Alan Arnette, một nhà báo từng chinh phục Everest cho biết.
“Về phía Tây Tạng, Chính phủ Trung Quốc thông qua Hiệp hội leo núi Tây Tạng – Trung Quốc (CTMA), quyết định đóng cửa lối vào Everest ngay sau trận động đất do e ngại dư chấn và những rủi ro không lường trước”.
Sau trận lở tuyết tháng 4/2015, không còn ai có thể chinh phục Everest. Ảnh: Navesh Chitrakar.
Năm ngoái là lần thứ hai liên tiếp thảm họa xảy ra trên ngọn núi này. Trước đó vào năm 2014, 16 người Sherpa dẫn đường đã thiệt mạng trong trận lở tuyết trên khu cắm trại ở thác băng Khumbu.
Phil Powers, Giám đốc điều hành của American Alpine Club cho hay Everest đang dần trở nên bất ổn hơn trước tác động của biến đổi khí hậu, do vậy mức độ nguy hiểm sẽ không chỉ đơn giản dừng lại ở đó. “Everest không thiếu các khu vực nguy hiểm, nhưng nơi đáng lo nhất chính là thác băng Khumbu. Trong quá trình vận động bên dưới dễ gây ra sự đứt gãy và lở tuyết” – Powers nói.
Hai thảm họa năm 2014 và 2015 đã thuyết phục Powers tin rằng chinh phục đỉnh Everest đang bước vào kỷ nguyên mới. Những nhà leo núi phải đối mặt với nhiều thử thách hơn và đôi khi vượt quá sự kiểm soát của con người.
Video đang HOT
“Nhiệt độ trái đất nóng lên gây ra biến động có thể nhìn thấy được trên ngọn núi. Rõ ràng nhất chính là việc vượt qua dòng sông băng ngày càng trở nên khó khăn hơn”, Powers giải thích.
Người Sherpa chịu trách nhiệm dẫn đường và mang đồ cho nhóm leo núi. Ảnh: Business Insider.
Ngoài ra, nhà báo Arnette cũng chia sẻ quan điểm: “Theo ý của tôi, những bi kịch này sẽ không bao giờ chấm dứt bởi hầu hết những nhà leo núi khát khao chinh phục Everest đều chấp nhận rủi ro. Việc cộng đồng người Sherpa dừng hướng dẫn trên Everest do nguy hiểm ngày càng tăng và áp lực từ phía gia đình họ không biết sẽ kéo dài bao lâu, khi mà lợi ích kinh tế đem lại lớn hơn nhiều so với nguy cơ”.
Người Sherpa làm nhiệm vụ dẫn đường, lập dây thang trên những dãy núi tuyết và không thể thiếu trong các cuộc chinh phục Everest. Họ nhận tiền công và đứng sau hỗ trợ các đoàn leo núi. Họ có thể thích nghi với khí hậu băng tuyết lạnh giá nhờ sống ở ngôi làng có độ cao lớn nhất thế giới (từ 3.000-5.000m).
Theo VNExpress
15 ngày chinh phục Everest Base Camp
Bạn sẽ rất mệt mỏi nhưng khung cảnh hùng vĩ trên đường đi và khi lên được tới Trạm căn cứ, bạn sẽ thấy những mệt nhọc đó hoàn toàn xứng đáng.
Nói tới Nepal, những người đam mê xê dịch thường hay nhắc tới việc chinh phục ngọn núi cao nhất và thách thức nhất thế giới - Everest. Nhưng để leo được Everest không đơn giản chút nào bởi bạn cần cả sức khỏe, thời gian và túi tiền rủng rỉnh. Sẽ phải mất ít nhất một năm luyện tập thể lực và khi đã sang tới Nepal cũng cần ít nhất 2-3 tháng làm quen với độ cao, leo lên các thác bang vĩnh cửu... Ngoài việc phải có một sức khỏe cực kỳ tốt, bạn phải có nguồn tài chính dào vì chuyến đi Everest cần mất ít nhất từ 70 đến 100.000 USD. Ngoài ra bạn cần vài tháng rảnh rỗi. Vì vậy, không nhiều người có thể leo lên đỉnh của Everest.
Những đoàn người đi bộ chinh phục đỉnh cao.
Tuy nhiên, Nepal rất nổi tiếng với nhiều cung đường trekking dành cho những người có sức khỏe, thời gian và tài chính vừa phải như cung đường Annapura Circuit, Gokyo Lake, upper và lower Mustrang... Trong đó cung Everest Base Camp là một sự lựa chọn hoàn hảo nếu bạn chưa đủ sức leo Everest nhưng vẫn muốn tới được Trạm căn cứ - Base Camp, điểm cắm trại ở độ cao khoảng 5.000 m, nơi những người leo Everest đều phải ghé qua, và tận hưởng phong cảnh hùng vĩ trong suốt chuyến đi. Đây cũng là chặng đường được nhiều người lựa chọn.
Hoàn thành cung Everest Base Camp sẽ mất khoảng 15 ngày. Từ thủ đô Kathmandu (Nepal) bạn sẽ đi máy bay tới Lukla - một trong những sân bay nguy hiểm nhất thế giới với đường băng dài vẻn vẹn 800 m và rất dốc. Vào tháng 1/2008, sân bay được đổi tên để vinh danh Sir Edmund Hillary và Sherpa Tenzing Norgay, những người đầu tiên leo lên đến đỉnh Everest và cũng để đánh dấu những nỗ lực của họ trong việc xây dựng sân bay.
Ama Dhalam nằm ở phía đông Nepal, cao khoảng 6.800 m.
Từ Lukla bạn sẽ đi bộ tới Phakding, Namche Bazzar, Dingboche, Luboje... qua những ngôi làng nhỏ dọc theo sông Dudk Kosi với những vườn cải vàng rực rỡ trong nắng, vườn rau cải, khoai tây xanh mướt. Những rừng thông xanh, những ruộng lúa mạch vàng, những dải lungta xanh đỏ tím vàng bay phấp phới trong gió và nắng khiến quãng đường trekking rất thú vị, có thể vừa đi vừa hát được.
Tháng 3 đến tháng 5 và tháng 10-11 là mùa leo núi ở Nepal nên bạn có thể thấy từng đoàn người nối nhau đi, mặc áo màu rất nổi bật để có thể dễ nhận thấy trên những triền đồi. Người đông, bên cạnh đó còn có các cửu vạn (porter), bò yaks chở hành lý với những tiếng leng keng vui tai.
Những ngọn núi tuyết vĩnh cửu đẹp ngẩn ngơ và ngạo nghễ đầy uy quyền như Ama Dablam, Thamserku, Taweche, Nuptse, Lhotse... sẽ theo bạn trong suốt hành trình. Nếu đi vào tháng 4 và 5 cung đường này sẽ rất nhiều hoa đỗ quyên đỏ, tím, trắng nở hai bên đường. Núi tuyết trắng, nền trời xanh, hoa đỗ quyên đỏ, lung ta xanh đỏ tím vàng bay phấp phới khiến bạn như lạc vào một cõi khác.
Trong suốt 15 ngày đi bộ, bạn sẽ đi từ độ cao 2.600 m tới hơn 5.000 m vì vậy bạn phải rèn luyện sức khỏe, chuẩn bị thuốc thang để cơ thể có thể thích nghi dần dần với độ cao này. Hội chứng độ cao (Acute Mountain Sickness - AMS) là tình trạng xảy ra phổ biến với cơ thể khi lên tới độ cao từ 2.500 m trở lên, tùy thuộc vào cơ thể của từng người sẽ có những phản ứng khác nhau. Nhẹ là mất ngủ, đau đầu, chóng mặt. Nặng thì nôn, phù não, không thở được....
Cờ Việt Nam tại một nhà nghỉ ở Namchee Bazzar.
Tuy có thể gặp bệnh về độ cao, cả 15 ngày đi bộ sẽ khiến bạn rất mệt mỏi nhưng khung cảnh hùng vĩ trên đường đi, khi lên được tới Trạm căn cứ rồi bạn sẽ thấy những mệt nhọc đó hoàn toàn xứng đáng. Bạn sẽ thấy mình vượt qua được chính bản thân mình và đó sẽ là những trải nghiệm rất khó quên.
Namchee Bazzar.
Đường đi từ Pangboche tới Dingboche.
Trên đường từ Namche Bazzar tới Debuche.
Những đoàn người nối nhau trên hành trình chinh phục đỉnh cao.
Những hòn đá cầu nguyện trên đường đi tới Everest Base Camp.
Ama Dhalam.
Cờ Việt Nam tại một nhà nghỉ ở Namchee Bazzar.
Theo ngôi sao
Khám phá vẻ đẹp siêu thực của Nepal Dù là một quốc gia nhỏ bé, Nepal nổi tiếng với những dãy núi cao hùng vĩ. Đỉnh núi Everest chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh toàn cảnh ấn tượng của đất nước này. Dãy núi Annapurna Là một trong những dãy núi nguy hiểm nhất thế giới, Annapurna nằm ở hướng đông của hẻm núi cắt xuyên qua rặng Himalaya...