EU tung đòn khiến Nga choáng váng
Quốc hội Châu Âu hôm qua đã thông qua một nghị quyết khiến Nga có thể choáng váng và tức giận. Theo đó, Quốc hội Châu Âu muốn tăng cường các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nữa nhằm vào Nga.
Tại cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Châu Âu
Quốc hội Châu Âu hôm qua (15/1) đã lên án Nga như là “một mối đe dọa tiềm năng đối với chính Liên minh Châu Âu (EU)” trong khi cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU lại muốn tìm kiếm sự hợp tác với Moscow.
Quốc hội Châu Âu đã thông qua nghị quyết kêu gọi tiếp tục trừng phạt Nga khi thời hạn tháng 3 kết thúc. Nghị quyết này nhận được sự ủng hộ của đông đảo nghị sĩ trong Quốc hội Châu Âu.
Theo nghị quyết mới, Quốc hội Châu Âu kêu gọi Hội đồng Châu Âu tiến hành thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga nếu không có tiến triển nào trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Các nghị sĩ Châu Âu cũng đề xuất mở rộng các biện pháp trừng phạt sang lĩnh vực năng lượng cũng như áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào năng lực của Nga trong việc tiến hành các giao dịch tài chính quốc tế.
Đồng thời, Quốc hội Châu Âu kêu gọi để ngỏ các kênh ngoại giao. Cao ủy Chính sách đối ngoại của EU – bà Federica Mogherini đã nói với các nghị sĩ rằng, EU “nên nghĩ đến việc khôi phục, một phần, các lựa chọn hoặc phương tiện hợp tác dựa trên pháp quyền và luật pháp với Nga”.
Mối quan hệ giữa Nga với EU sẽ là trọng tâm trong cuộc họp vào ngày thứ Hai tới (19/1) của các Ngoại trưởng EU. Chủ tịch EU Donald Tusk nói rằng 28 nước thành viên EU phải “duy trì con đường” trừng phạt Nga trong khi nhiều nước đã bắt đầu lên tiếng kêu gọi thực hiện một số linh hoạt trong quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Quốc hội Châu Âu kêu gọi không dỡ bỏ lệnh trừng phạt cho đến khi Nga từ bỏ việc sáp nhập bán đảo Crimea. Quốc hội Châu Âu còn nói rằng, nếu các hành động của Nga ở khu vực biên giới phía đông Ukraine còn tiếp tục thì các biện pháp trừng phạt cần phải được tăng cường trong lĩnh vực tài chính và năng lượng.
EU: Kẻ muốn cứng rắn, người muốn mềm dẻo
Video đang HOT
Trong khi Quốc hội Châu Âu tiếp tục tỏ ra cứng rắn, quyết liệt dồn ép Nga đến cùng thì cao ủy chính sách đối ngoại EU đã thể hiện một lập trường dịu nhẹ hơn. Cùng với đó, một loạt nước thành viên EU bắt đầu lên tiếng đòi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Trong một phát biểu thể hiện sự nhượng bộ, bà Federica Mogherini đã nói, các nước thành viên EU có thể tái hợp tác với Moscow trong các hoạt động ngoại giao toàn cầu, thương mại và các lĩnh vực khác để đổi lấy những bước đi dần dần, từng bước trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều tháng qua ở Ukraine.
Trước đó, hãng tin Reuters từng có trong tay một văn bản thảo luận mật của EU được chuẩn bị cho cuộc họp Ngoại trưởng các nước EU vào ngày 19/1 tới ở Brussels, trong đó nói rằng chiến lược trừng phạt Moscow nên được thực hiện với “một phương pháp tiếp cận chủ động hơn” để khiến Nga thay đổi chính sách về Ukraine.
Cân nhắc đến mục đích chung về thương mại tự do từ Lisbon đến Vladivostok, bà Mogherini cho hay, EU nên xem xét khả năng mở rộng quan hệ thương mại với Nga và Liên minh Âu Á gồm các nước cựu Xô-viết vừa có hiệu lực hồi đầu tháng này.
“Có những lợi ích đáng kể đối với cả hai phía dù có thể có những mâu thuẫn lợi ích. Tuy nhiên, điều đó là nền tảng của các cuộc trao đổi, giao dịch thương mại và nó là phương pháp tiếp cận cho và nhận”, văn bản trên đã viết như vậy.
Bà Mogherini cho rằng EU nến cân nhắc kế hoạch khôi phục sự hợp tác, nỗ lực chung với Nga để giải quyết các vấn đề Syria, Iraq, Libya, Iran, Triều Tiên, Palestine cũng như cuộc chiến chống dịch bệnh Ebola.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm 14/1 cũng đã phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Gaidar rằng, ông hy vọng Moscow sẽ có thể quay trở lại mối quan hệ hợp tác với EU càng sớm càng tốt.
Nội bộ Châu Âu lâu nay vẫn mâu thuẫn về chính sách trừng phạt Nga và điều này đang được thể hiện ngày càng rõ. Một nguồn tin ngoại giao từ Brussels hôm qua tiết lộ, có 7 nước thành viên EU ủng hộ việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
“7 nước gồm Áo, Hungary, Italia, Cyprus, Slovakia, Pháp và CH Czech đều đồng loạt thể hiện sự ủng hộ đối với việc dở bỏ các biện pháp trừng phạt”, nguồn tin giấu tên cho biết.
Một nguồn tin ngoại giao Châu Âu thân cận với Hội đồng EU trước đó đã nói rằng, cuộc họp của 28 nước thành viên EU vào đầu tuần tới sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định nào về các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. “Nga tất nhiên sẽ là trọng tâm trong chương trình nghị sự” của cuộc họp đầu tiên trong năm mới của EU nhưng vấn đề cụ thể là các biện pháp trừng phạt liệu có được dỡ bỏ, được nới lỏng, được tăng cường hay không sẽ không phải là chủ đề được thảo luận. Quyết định về các biện pháp trừng phạt Nga sẽ được đưa ra vào tháng 3″, nguồn tin cho hay.
Trong khi đó, theo một nguồn tin khác, dù không có quyết định cụ thể nào được đưa ra liên quan đến chính sách trừng phạt Nga trong cuộc họp cấp Ngoại trưởng EU sắp tới nhưng “giọng điệu khi bàn về vấn đề này sẽ trở nên dịu nhẹ hơn, mềm mỏng hơn.” “Các ngoại trưởng hầu như đều chuẩn bị sẵn cơ sở cho việc mềm hóa chính sách trừng phạt. Có lẽ là trong thời gian sắp tới”, nguồn tin ngoại giao trên cho biết thêm.
Theo VnMedia
Vì sao đòn trừng phạt Nga của EU lại yếu ớt?
Cùng với Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) trong những ngày này liên tục hô hào trừng phạt mạnh tay Nga vì vụ sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, EU được tin sẽ chỉ có thể tung ra những đòn trừng phạt yếu ớt bởi bản thân nội bộ liên minh này đang bị chia rẽ trong vấn đề phản ứng với Nga.
Ảnh minh họa
Sự mâu thuẫn, chia rẽ trong Liên minh Châu Âu liên quan đến vấn đề phản ứng với Nga sau vụ sáp nhập Crimea được thể hiện khá rõ qua những phát biểu của giới chức liên minh này trong thời gian qua và qua cả việc một số nước thành viên kiên quyết chối từ việc trừng phạt mạnh tay Nga.
Mới đây nhất, ngày hôm qua (1/4), Phó Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Olli Rehn vừa lên tiếng nhắc nhở, EU nên kiềm chế, không nên đưa ra những biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh hơn với Nga nếu như tình hình liên quan đến Ukraine không leo thang. Ông Rehn khẳng định: "Không người Châu Âu hiểu biết nào lại muốn chứng kiến các biện pháp trừng phạt kinh tế hay bất kỳ hành động leo thang nào trong cuộc khủng hoảng. Và trong trường hợp Nga không làm leo thang tình hình thì chúng ta cũng nên tránh đưa ra thêm những biện pháp trừng phạt".
Trước đó, cách đây vài ngày, một thành viên của Quốc hội Châu Âu cũng đã lên tiếng kêu gọi EU đừng "theo đuôi" Mỹ trừng phạt Nga bởi điều đó chỉ gây tổn hại đến chính liên minh này.
Theo ông Pino Arlacchi, lập trường của EU đối với vấn đề Ukraine nên khác so với lập trường của Mỹ. Châu Âu không nên trừng phạt mạnh tay Nga bởi những biện pháp đó là ngu ngốc và thực sự là nhằm vào chính người dân Châu Âu chứ không phải ai khác, vị quan chức EU nhấn mạnh.
Tiếp đó cựu Thủ tướng nổi tiếng của Đức - ông Helmut Schmidt cũng thẳng thừng nhận xét, các biện pháp trừng phạt của EU và Mỹ hiện nay đang áp dụng với Nga là "ý tưởng ngu ngốc". Ông này cảnh báo, những biện pháp trừng phạt đó chỉ mang tính biểu tượng còn nếu áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn thì "chúng sẽ tác động tới phương Tây mạnh như với Nga".
Rõ ràng, nhiều quan chức và các nhà phân tích Châu Âu đã thể hiện một quan điểm phản đối mạnh mẽ việc áp dụng biện pháp trừng phạt với Nga - một đối tác mà EU rất cần.
Không chỉ vậy, một số nước thành viên EU cũng kiên quyết không chịu trừng phạt Nga. Phó Thủ tướng thứ nhất của Serbia - ông Aleksandar Vucic hôm qua tuyên bố, Belgrade sẽ không trừng phạt Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tuyên bố trên được ông Vucic đưa ra ngay sau khi ông này vừa dẫn đầu phái đoàn Serbia đến Brussels tham dự cuộc họp hôm 31/3 với Cao uỷ chính sách đối ngoại EU Catherine Ashton.
"Chúng tôi tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia nhưng chúng tôi sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Chúng tôi sẽ không là một phần của chiến lược trừng phạt bởi điều đó đồng nghĩa với việc chống lại một quốc gia không bao giờ áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Serbia, thậm chí cả khi nước chúng tôi đang bị oanh tạc bởi bom đạn và sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi bị các nước khác xâm phạm", ông Vucic thẳng thừng tuyên bố như vậy khi được đề nghị bình luận về nỗ lực của bà Ashton nhằm thúc đẩy Serbia tham gia vào kế hoạch trừng phạt của EU.
Bản thân Đức - cường quốc có ảnh hưởng hàng đầu trong Liên minh Châu Âu, cũng chần chừ không muốn áp đặt biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với Nga. Thủ tướng Angela Merkel hồi tuần trước từng lên tiếng nhấn mạnh, phương Tây chưa tiến đến giai đoạn mà ở đó các nước sẵn sàng áp đặt biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Nga. Đây là câu trả lời của bà Merkel trước lời kêu gọi đầy hùng hồn của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc các nước phải thể hiện thái độ cứng rắn đối với Moscow bằng cách tăng cường thêm nữa biện pháp trừng phạt và cô lập Nga.
Rõ ràng, các nước thành viên EU không tìm được tiếng nói chung thống nhất trong vấn đề trừng phạt Nga. Chủ đề áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đủ mạnh lên Nga đã được đưa ra tranh luận nóng bỏng trong suốt nhiều tuần qua nhưng không có kết quả rõ ràng nào được đưa ra. Ngày càng có nhiều chính khách, chuyên gia, các nhà kinh doanh ở Châu Âu lên tiếng cảnh báo về việc một đòn trừng phạt nhằm hạn chế thương mại với Nga cuối cùng sẽ gây phản tác dụng, làm hại chính người Châu Âu chứ không phải ai khác. Đây cũng là lời cảnh báo được Nga đưa ra ngay từ ban đầu khi Liên minh Châu Âu hùa theo Mỹ nhăm nhe tìm cách áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga.
Đúng như ông Pino Arlacchi, thành viên Quốc hội Châu Âu, đã phân tích, EU không thể theo chân Mỹ để trừng phạt Nga bởi họ ở hai chỗ đứng hoàn toàn khác nhau trong mối quan hệ với Nga. Trong khi mối quan hệ giữa Mỹ và Nga không phụ thuộc vào nhau nhiều và giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước không lớn thì quan hệ giữa EU và Nga hoàn toàn khác hẳn.
EU và Nga phụ thuộc rất lớn vào nhau. Giá trị trao đổi thương mại song phương giữa hai bên gấp hơn 10 lần so với Mỹ. Hơn nữa, các nước thành viên EU lại phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng từ Nga. Ước tính, Liên minh Châu Âu phụ thuộc đến hơn 30% khí đốt và dầu mỏ của Nga trong khi khu vực này vẫn chưa có được mấy thành công trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng.
Trừng phạt kinh tế Nga cũng chẳng khác nào giáng đòn xuống nền kinh tế đang không mấy sáng sủa của Liên minh Châu Âu. Giới lãnh đạo phương Tây thừa hiểu nếu để nền kinh tế của họ bị ảnh hưởng bởi việc trừng phạt vào Nga thì chính họ sẽ bị người dân của mình trừng phạt.
Không rõ có phải vì nhận thức được thực tế trên hay không nhưng đến nay EU vẫn chưa "tung" ra bất kỳ biện pháp trừng phạt đủ mạnh nào nhằm vào Nga, đặc biệt trong vấn đề kinh tế.
Kiệt Linh
Theo_VnMedia