EU thử nghiệm công nghệ cao trong kiểm soát biên giới
Cơ quan kiểm soát biên giới của Liên minh châu Âu (EU) Frontex đang thử nghiệm một thiết bị giám sát công nghệ cao mới nhằm phát hiện các tàu chở người di cư.
Người di cư từ Afghanistan sau hành trình vượt biển Aegean tới đảo Lesbos, Hy Lạp. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các bước tiến nhanh chóng của Taliban ở Afghanistan có thể dẫn đến tình trạng nhiều người dân bỏ chạy sang các nước châu Âu.
Frontex đang tiến hành thử nghiệm một hệ thống khinh khí cầu có gắn camera. Các cuộc thử nghiệm diễn ra ở sân bay Alexandroupolis, gần biên giới trên bộ giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ và ở đảo Limnos nhằm cung cấp cho giới chức biên giới hình ảnh rõ ràng hơn của các tàu tiến gần khu vực này.
Video đang HOT
Hệ thống tích hợp camera và cảm biến nhiệt độ kết nối với máy tiếp sóng và vệ tinh thông tin sẽ cung cấp hình ảnh thời gian thực, bao phủ diện tích rộng tới 40.000 km2, trong chu vi 60 km trên biển.
Người phát ngôn của Frontex, ông Piotr Switalski, cho biết cơ quan này đang quan sát và theo dõi các diễn biến, đặc biệt ở Afghanistan và Tunisia. Tình hình ở những nơi này có thể dẫn đến các làn sóng di cư tới các nước EU.
Hiện có trên 400 nhân viên của Frontex cùng hàng chục phương tiện, một số trong đó được trang bị máy ảnh nhiệt hồng ngoại, cùng 8 tàu tuần tra, đã được triển khai tại Hy Lạp để đối phó với các cuộc khủng hoảng di cư.
Nhiều quốc gia thành viên EU quan ngại rằng tình hình bất ổn ở Afghanistan, nơi phiến quân Taliban đang nhanh chóng chiếm đóng phần lớn lãnh thổ và buộc người dân phải chạy trốn, có thể sẽ làm nổ ra cuộc khủng hoảng di cư tương tự năm 2015 của EU, khi mà hơn 1 triệu người đến châu Âu xin tị nạn, trong đó đa số là người Syria, Afghanistan và Iraq.
Trước việc một số nước EU đã ngừng trục xuất những người Afghanistan bị từ chối tị nạn về nước, Hy Lạp đã phản đối mạnh mẽ động thái này vì cho rằng EU không thể đối phó thêm một cuộc khủng hoảng di cư khác và phải hành động để cố gắng hạn chế làn sóng di cư từ Afghanistan.
Frontex cho biết số người di cư bất hợp pháp vào Liên minh châu Âu (EU) bằng cách đi qua Tây Balkan đã tăng gần gấp đôi trong năm nay, phần lớn đến từ Syria và Afghanistan. Riêng trong 7 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 22.600 người di cư nhập cảnh trái phép vào EU qua tuyến đường này.
Nga, Mỹ lo ngại về tình hình ngày càng xấu đi tại Afghanistan
Ngày 11/8, nhật báo Kommersant (Thương nhân) của Nga dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này Sergei Shoigu cho biết lực lượng Taliban đã kiểm soát vùng biên giới phía Bắc của Afghanistan với các nước láng giềng Tajikistan và Uzbekistan, làm gia tăng lo ngại về an ninh đối với Moskva.
Khói bốc lên sau các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và phiến quân Taliban tại Shiberghan, tỉnh Jawzjan , Afghanistan, ngày 6/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Hiện Nga đang vận hành một căn cứ quân sự ở Tajikistan và nước Cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây này đang là thành viên của một khối quân sự do Nga đứng đầu, có nghĩa là Moskva sẽ có nghĩa vụ bảo vệ Tajikistan trong trường hợp bị tấn công. Trong khi đó, Uzbekistan cũng có quan hệ chặt chẽ với Nga. Theo ông Shoigu, Taliban đã cam kết không vượt qua biên giới Afghanistan, nhưng Nga sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc tập trận chung với 2 nước đồng minh trong khu vực này.
Cùng ngày, tờ Washington Post dẫn lời giới chức Mỹ cho biết nước này lo ngại lực lượng Taliban có thể chiếm thủ đô Kabul của Afghanistan trong vòng 1-3 tháng, sớm hơn nhiều so với đánh giá tình báo đưa ra trước đó.
Theo tờ báo, tình hình hiện nay ở Afghanistan đã xấu đi so với hồi tháng 6 vừa qua khi cơ quan tình báo Mỹ dự đoán Kabul sẽ sụp đổ trong thời gian 6-12 tháng sau khi Mỹ rút quân khỏi quốc gia Tây Nam Á này. Một nguồn thạo tin cho biết "mọi việc đang diễn biến theo chiều hướng xấu".
Xung đột giữa quân chính phủ và lực lượng Taliban đã leo thang sau khi các binh sĩ nước ngoài rút khỏi Afghanistan. Các tay súng Taliban đã giành quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở nông thôn và mở chiến dịch tấn công vào các thành phố lớn.
Trong một diễn biến khác, ông Amruddin Wali, ủy viên hội đồng tỉnh Kunduz, miền Bắc Afghanistan cho biết hàng trăm binh sĩ đã đầu hàng Taliban sau khi rút lui về sân bay bên ngoài Kunduz trong bối cảnh Taliban chiếm được thành phố này vào cuối tuần qua. Ông Wali nêu rõ, binh lính, cảnh sát và các lực lượng nổi dậy "đã đầu hàng Taliban cùng với tất cả vũ khí, trang bị của họ".
Trước đó, sáng cùng ngày, giới chức Afghanistan cho biết Taliban đã chiếm giữ thành phố Faizabad - thủ phủ tỉnh Badakhsan ở miền Bắc. Đây là thủ phủ tỉnh thứ 9 rơi vào tay Taliban trong vòng chưa đầy một tuần. Trong khi đó, các lực lượng Chính phủ Afghanistan vẫn đang giao tranh với Taliban tại Kandahar, Helmand và một số tỉnh ở miền Nam.
Dù tình trạng bạo lực tại Afghanistan đang ngày một gia tăng, Tổng thống Mỹ Joe Biden không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về việc hoãn thời hạn rút toàn bộ binh lính nước này về nước vào ngày 31/8. Phát biểu với báo giới tại Washington, Tổng thống Biden khẳng định ông không cảm thấy hối tiếc về quyết định rút quân khỏi Afghanistan sau 2 thập kỷ Mỹ đưa quân đến quốc gia Tây Nam Á này. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo Afghanistan đoàn kết và chiến đấu chống lại Taliban, đồng thời cho biết Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ các lực lượng an ninh Afghanistan.
Pháp và Anh siết chặt kiểm soát biên giới Pháp và Anh ngày 20/7 đã nhất trí triển khai thêm cảnh sát và đầu tư vào công nghệ phát hiện tại bờ biển của Pháp nhằm ngăn chặn tàu thuyền chở người di cư bất hợp pháp tới được bờ biển Anh. Người di cư bất hợp pháp di chuyển từ Pháp vào Anh qua eo biển Manche. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN...