EU thiệt hại hơn 160 tỷ USD mỗi năm vì tham nhũng
Tham nhũng đang ảnh hưởng tới toàn bộ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), gây thiệt hại kinh tế khoảng 120 tỷ euro, tương đương 162,2 tỷ USD mỗi năm, báo cáo chính thức của EU cho biết.
Ủy viên châu Âu Cecilia Malmstrom
Đây là kết quả của nghiên cứu đầu tiên về tình trạng tham nhũng tại 28 quốc gia thành viên EU, được công bố ngày 3/2.
Theo ủy viên châu Âu Cecilia Malmstrom, người chủ trì đợt nghiên cứu này, con số tổn thất ước tính 120 tỷ euro/năm nêu trên là do việc lo lót cho các hợp đồng của chính phủ, các khoản tài trợ chính trị trá hình, hối lộ để được chăm sóc y tế và các loại hình tham nhũng khác. Con số trên tương đương nhân sách hoạt động một năm của cả EU.
Theo bản báo cáo, toàn bộ 28 quốc gia thành viên EU đều có tình trạng tham nhũng, dù ở những cấp độ khác nhau.
“Không có một khu vực nào không có tham nhũng tại châu Âu”, bà Malmstrom khẳng định trong buổi họp báo. “Chúng ta đều chưa hành động đủ mức cần thiết. Và điều này diễn ra ở tất cả các quốc gia thành viên”.
Bản báo cáo không xếp hạng tình trạng tham nhũng tại các quốc gia, nhưng bà thừa nhận những “nền dân chủ non trẻ hơn” tại Đông Âu đối mặt với thách thức đặc biệt. Bản báo cáo cũng nêu cụ thể vấn đề ở từng quốc gia và các câu chuyện chống tham nhũng thành công.
Video đang HOT
Theo bản báo cáo, nhìn chung ở các chính quyền cấp địa phương và khu vực, tham nhũng phổ biến hơn. Và tại một số quốc gia EU, tham nhũng rất thường xuyên khi muốn được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hoặc trong các ngành xây dựng và quảng bá dự án bất động sản tại đô thị.
Các hợp đồng của chính phủ bị đội giá cũng là một vấn đề cụ thể khác, bà Malmstrom nói. Các khoản mua sắm hàng hóa, dịch vụ do ngân sách chính phủ tài trợ chiếm khoảng 20% tổng chi tiêu của toàn EU. Và khoảng 1/4 số tiền chi tiêu này bị “rò rỉ” bởi tham nhũng.
Đối với khu vực tư nhân, 4/10 công ty tham gia khảo sát coi tham nhũng là một trở ngại trong kinh doanh tại EU, Malmstrom khẳng định.
“Một lượng tiền khổng lồ bị thất thoát vì đây”, bà nói. “Nếu chúng ta không lên án tham nhũng bởi vì nó là vô đạo đức và nó đang ăn mòn sự hợp pháp dân chủ, thì ít nhất vì lý do kinh tế cũng đáng để hành động nhiều hơn”.
Số tiền thuế người dân châu Âu chi trả rất thường xuyên bị chi sai mục đích để mua các hàng hóa, dịch vụ mà không đem lại cho người dân những lợi ích tương xứng với đồng tiền của họ, vị ủy viên châu Âu nói.
Theo Dantri
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ: Châu Âu nên biết ơn về chương trình do thám
Người dân châu Âu nên biết ơn vì những chương trình do thám của Mỹ bởi vì những chương trình này là nhằm 'chống khủng bố' và đảm bảo an toàn cho họ, các quan chức Mỹ cho biết vào ngày 27.10.
Trụ sở NSA tại bang Maryland, Mỹ - Ảnh: Reuters
Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, ngày 27.10 cho rằng truyền thông thế giới đưa tin không đúng về chương trình do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).
Truyền thông thế giới dẫn các tài liệu mật của Mỹ do cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Edward Snowden, từng làm việc cho NSA cung cấp, cho rằng NSA đã bí mật do thám, nghe lén điện thoại, theo dõi email của dân thường và lãnh đạo các nước.
NSA cũng bác bỏ cáo buộc báo đài Đức cho rằng Barack Obama đã được thông báo vào năm 2010 về việc các điệp viên Mỹ nghe lén được thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, ông James Clapper, khẳng định Mỹ áp dụng các biện pháp thu thập thông tin tình báo tương tự như tất cả các quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, vụ do thám của NSA đã tạo ra làn sóng phản đối gay gắt cả trong và ngoài nước Mỹ.
Vào ngày 27.10, khoảng 4.500 người biểu tình rầm rộ gần trụ sở Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington D.C để phản đối chương trình do thám của NSA.
Các nước châu Âu và Nam Mỹ cũng phản ứng gay gắt đòi chính quyền Mỹ giải thích về chương trình do thám của NSA.
Đức và Brazil đang soạn thảo một nghị quyết trình lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, đề nghị chấm dứt những hoạt động do thám và xâm phạm đời tư.
Ông Peter King, người đứng đầu Tiểu ban Chống Khủng bố và Tình báo Hạ viện Mỹ, ngày 27.10 cho biết Tổng thống Obama nên "ngừng xin lỗi" về vụ bê bối nghe lén của NSA, cho rằng các chương trình do thám của NSA đã cứu "hàng ngàn mạng sống".
"Sự thật là NSA đã cứu sống hàng ngàn con người, không chỉ ở Mỹ mà còn ở Pháp, Đức và khắp châu Âu", ông King khẳng định.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, ông Mike Rogers, cho rằng báo đài đưa tin "100% sai sự thật" về việc NSA theo dõi 70 triệu cuộc điện thoại của dân Pháp.
Ông Rogers cho biết người dân Pháp sẽ phải "biết ơn" vì Mỹ đã bí mật theo dõi điện thoại của họ.
"Nếu người dân Pháp biết đích xác chương trình do thám Mỹ là gì, họ sẽ vỗ tay hoan hô. Chương trình do thám của Mỹ là điều tốt cần phải làm và nó giúp đảm bảo an toàn cho người dân Pháp, đảm bảo an toàn cho Mỹ, đảm bảo an toàn cho các đồng minh châu Âu", ông Rogers cho biết thêm.
Kể từ khi vụ bê bối NSA diễn ra, Mỹ luôn cho rằng chương trình giám sát của họ là nhằm thu thập thông tin tình báo chống lại khủng bố.
Ông Rogers cũng khẳng định rằng chương trình do thám của NSA là một chương trình chống khủng bố, chứ không phải nhắm vào các thường dân, nhưng không hề đề cập đến việc NSA do thám các nguyên thủ quốc gia trên thế giới.
Theo TNO