EU sẽ tiếp tục cấm nhập cảnh từ Mỹ và 5 quốc gia khác
EC thông báo sẽ tái áp đặt lệnh cấm nhập cảnh vào Liên minh châu Âu (EU) đối với những người đến từ 6 quốc gia trong đó có Mỹ kể từ ngày 30/8.
Phóng viên TTXVN tại Praha dẫn trang tin schengenvisainfo.com cho biết, ngày 28/8, Hội đồng châu Âu (EC) thông báo sẽ tái áp đặt lệnh cấm nhập cảnh vào Liên minh châu Âu (EU) đối với những người đến từ 6 quốc gia trong đó có Mỹ kể từ ngày 30/8, còn 5 quốc gia và vùng lãnh thổ bị đưa ra khỏi “Danh sách nước thứ ba an toàn về dịch tễ học” của EC bao gồm Israel, Kosovo, Liban, Montenegro và Bắc Macedonia.
Hành khách tại khu vực kiểm tra an ninh ở sân bay quốc tế Los Angeles, California, Mỹ, ngày 4/6/2021. Ảnh tư liệu: AFP/ TTXVN
Theo quyết định trên, các quốc gia thành viên EU được khuyến cáo thực hiện cấm nhập cảnh với những người đến từ 6 nước trên, tương tự việc bãi bỏ quy định cho phép nhập cảnh không hạn chế đối với những người có mục đích không thiết yếu như du lịch hoặc kinh doanh.
Quy định trên được ban hành từ ngày 27/8, tuy nhiên sẽ được công bố chính thức vào ngày 30/8. Cả 6 quốc gia trong danh sách nêu trên hiện đều ghi nhận số ca mắc COVID-19 đang tăng cao.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại Mỹ, trong số 328,2 triệu dân trên lãnh thổ Mỹ đã ghi nhận tới 38,1 triệu ca mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát, trong đó chỉ trong 24 giờ qua Mỹ đã ghi nhận 169.512 ca mắc mới.
Trong khi đó, Israel – quốc gia tới nay đã tiến hành tiêm vaccine cho khoảng 80% trong tổng số hơn 8,81 triệu dân, cũng ghi nhận tới 8.078 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này lên 1.031.810 người. Trước tình hình này, EC đã buộc phải đưa ra quyết định tái áp đặt lệnh cấm nhập cảnh.
Danh sách các nước thứ ba an toàn về dịch tễ học gồm các quốc gia không thuộc EU hoặc Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) được đánh giá là an toàn trong đại dịch COVID-19 căn cứ vào tỉ lệ lây nhiễm thấp và các thành viên EU được khuyến nghị mở cửa biên giới trở lại cho những người đến từ các khu vực trên với mục đích không thiết yếu. Danh sách được xem xét lại vào lúc 0h hằng ngày và các thành viên EU không được phép cản trở việc áp dụng danh sách này. Theo quy định nói trên, công dân Andorra, Monaco, San Marino và Vatican được tính là công dân EU.
Danh sách các nước thứ ba an toàn về dịch tễ học được EC công bố lần đầu vào ngày 30/6/2020 và lần gần đây nhất là ngày 15/7/2021.
Đức chuyển toàn bộ vaccine AstraZeneca cho các nước thứ ba
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Chính phủ Đức ngày 7/7 đã quyết định từ tháng 8 tới sẽ chuyến giao miễn phí toàn bộ các lô vaccine AstraZeneca mà nước này dự kiến tiếp nhận cho các nước thứ ba.
Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: PAP/TTXVN
Một thông cáo được đưa ra sau cuộc họp liên ngành của Chính phủ Đức nhấn mạnh rằng trong bối cảnh tình hình đại dịch và nguồn cung ứng tại Đức cũng như trên thế giới đã được cải thiện, song vẫn hết sức căng thẳng, Chính phủ Đức quyết định cho tới cuối năm 2021 sẽ chuyển giao miễn phí ít nhất 30 triệu liều vaccine AstraZeneca và Johnson&Johnson cho các nước thứ ba, đặc biệt là các nước đang phát triển. Thời điểm cũng như khối lượng chuyển giao sẽ phụ thuộc vào tình hình cung ứng vaccine của Đức. Phần lớn lượng vaccine này (ít nhất 80%) sẽ được phân phối qua cơ chế COVAX của Liên hợp quốc nhằm phân bổ vaccine một cách công bằng.
Ngoài ra, một phần nhỏ (tối đa 20%) vaccine sẽ được Đức trao song phương cho khu vực Tây Balkan (Albania, Kosovo, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia), các nước Đối tác phương Đông của EU (Gzudia, Moldova và Ukraine) và Namibia, thuộc địa trước đây của Đức. Khu vực Tây Balkan dự kiến nhận được 3 triệu liều vaccine của Đức. Từ tháng 8/2021, Chính phủ Đức dự kiến chuyển tất cả các lô vaccine AstraZeneca mà nước này tiếp nhận cho cơ chế COVAX và các nước thứ ba, trong đó số lượng ban đầu chuyển cho COVAX ít nhất là 500.000 liều.
Cho tới nay, các loại vaccine phòng COVID-19 chủ yếu thuộc về những nước giàu. Đã có nhiều tiếng nói chỉ trích các nước giàu làm quá ít giúp các nước nghèo chống dịch bệnh. Tại Đức, hầu hết người dân chỉ thích tiêm vaccine BioNTech/Pfizer do lo ngại phản ứng phụ cũng như hiệu quả kém hơn của các vaccine khác. Tuần trước, Bộ Y tế Đức thông báo những người đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca sẽ được tiêm mũi 2 là vaccine công nghệ mRNA, như BioNTech/Pfizer hoặc Moderna.
Giáo sĩ hàng đầu Liban cảnh báo quốc gia đang trên bờ vực hoàn toàn sụp đổ Ngày 27/8, Đại giáo sĩ Hồi giáo dòng Sunni của Liban, ông Sheikh Abdul Latif Derian cảnh báo nước này đang tiến tới bờ vực hoàn toàn sụp đổ nếu không có hành động kịp thời nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính của quốc gia Trung Đông này. Các phương tiện xếp hàng dài tại trạm xăng ở Beirut, Liban, ngày...