EU sẽ ‘tan rã’ vì Hiệp ước Schengen?
Sự sụp đổ của Hiệp ước Schengen, một kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai do cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu đem lại, sẽ kéo theo sự sụp đổ của cả Liên minh châu Âu (EU), cũng như đe dọa sự tồn tại của đồng Euro.
Visa Schengen
Nhận định trên được tạp chí Deutsche Welle của Đức đưa ra. Theo đó, nếu như không gian kinh tế và chính trị thống nhất của châu Âu không còn tồn tại, châu Âu sẽ không cần đến đồng tiền chung nữa và đồng Euro có thể chấm dứt tồn tại.
Trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều nước thành viên của Hiệp ước Schengen đơn phương quyết định ngừng thực hiện hiệp ước này.
Nguyên nhân một số nước ngừng thực hiện Schengen xuất phát từ việc châu Âu đang phải đối mặt với làn sóng nhập cư tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Các nước ngừng thực hiện Schengen cho biết họ sẽ tiếp tục thực hiện lại các nội dung của Schengen cho đến khi cuộc khủng hoảng nhập cư được giải quyết.
Đáng chú ý, Đức, quốc gia được coi là có chính sách cởi mở nhất đối với người nhập cư, lại chính là quốc gia đầu tiên tuyên bố ngừng thực hiện Schengen từ ngày 13/9/2015.
Hiện ngoài Đức còn có các quốc gia như Đan Mạch, Thụy Điển, Áo… đã tạm thời ngừng thực hiện Schengen.
Xuất phát từ thực tế trên, việc Hiệp ước Schengen đang đứng trước mối đe dọa sẽ bị ngừng thực hiện nếu như thời gian tới, các nước châu Âu không kiểm soát được tình hình nhập cư vào châu Âu và không đạt được thỏa thuận giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư này.
Theo Deutsche Welle, các nước Schengen hiện còn gần 2 tháng để giải quyết vấn đề khi Hội nghị Thượng đỉnh EU sẽ nhóm họp từ 17-1/3 tới đây để bàn về tương lai châu Âu.
Theo Nicolai von Ondartsa, chuyên gia thuộc quỹ “Khoa học và Giáo dục” ở Berlin, Đức, quan ngại về sự sụp đổ của Hiệp ước Schengen là hoàn toàn có cơ sở.
Video đang HOT
“Chúng tôi biết rằng đối với nhiều quốc gia, cuộc khủng hoảng nhập cư là những thử thách không hề đơn giản”- Nicolai von Ondartsa bình luận.
Theo giới phân tích chính trị, nhiều khả năng những dòng người di cư đến châu Âu thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng. Nếu như trong khoảng thời gian này các nước châu Âu không kịp tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề thì tiếp sau Áo sẽ có thêm nhiều quốc gia khác ngừng thực hiện Schengen.
Theo Nicolai von Ondartsa, các nước châu Âu hoàn toàn hiểu rằng những nỗ lực giải quyết vấn đề (khủng hoảng nhập cư) bằng cách đóng cửa biên giới trong nội bộ EU sẽ dẫn đến những hậu quả kinh tế tiêu cực.
Kịch bản này sẽ dẫn đến sự hoài nghi về sự cần thiết phải cần đến một đồng tiền chung cho toàn khối là đồng Euro.
“Nếu như chúng tôi đóng cửa biên giới, nếu như thị trường nội địa bắt đầu chịu những tác động tiêu cực thì sẽ có một ngày nào đó chúng tôi phải nghi ngờ rằng liệu chúng tôi có thực sự cần đến một đồng tiền chung hay không”- Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker phát biểu trong phiên họp của Nghị viện châu Âu ngày 20/1 vừa qua.
Đáng chú ý, vấn đề này cũng đã được đưa ra trao đổi khá nhiều tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Davos được khai mạc ngày 20/1 vừa qua. Theo các nội dung thảo luận tại diễn đàn, sự sụp đổ của Hiệp ước Schengen sẽ có những tác động rất tiêu cực đến hoạt động của giới doanh nghiệp.
Kết quả cuộc thăm dò dư luận xã hội do hãng tư vấn Price Waterhouse Coopers tiến hành trước khi diễn ra Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos cho thấy, lãnh đạo của các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đang coi cuộc khủng hoảng nhập cư là một trong những hiểm họa chính đối với sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh của họ trong năm 2016.
Bên cạnh đó, những tranh cãi xung quanh việc một số nước đơn phương ngừng thực hiện Schengen có thể sẽ khiến nội bộ EU trở nên lục đục.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của giới phân tích, khả năng Schengen sụp đổ là khá thấp vì các nước EU sẽ tìm mọi cách ngăn cản khả năng này nhằm cứu vãn chính mình.
Nếu Schengen sụp đổ, đồng EURO liệu có còn?
Theo ước tính, nếu như Schengen sụp đổ, nền kinh tế các nước thành viên sẽ chịu thiệt hại nặng nề. Ước tính thiệt hại kinh tế của riêng giới tài xế xe tải do phải dừng lại kiểm tra giấy tờ tại các cửa khẩu sẽ là 3 tỷ euro/năm.
Schengen đổ vỡ còn tạo nên tình trạng gia tăng thất nghiệp và suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của các quốc gia thành viên châu Âu.
Do đó, tương lai về khả năng hiệp ước Schengen sụp đổ vẫn là “xa vời” vì thiệt hại kinh tế khi đó sẽ là rất lớn và châu Âu không thể để điều này xảy ra.
Bên cạnh đó, có một thực tế là dù các nước châu Âu áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới, hiệp ước Schengen không thay đổi nếu người dân có đủ giấy tờ hợp pháp.
Được biết, Schengen là hiệp ước về đi lại tự do do một số nước châu Âu ký kết. Hiệp ước Schengen được thoả thuận xong ngày 19/6/1990 với 6 nước thành viên ban đầu là Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Italia và Luxembourg.
Hiện có 26 quốc gia là thành viên của Schengen, trong đó có 22 nước là thành viên EU.
Hiệp ước Schengen cho phép công dân 26 nước tham gia Schengen tự do đi lại trong khuôn khổ các nước thành viên mà không cần visa. Người có visa Schengen được cấp tại bất cứ quốc gia nào là thành viên của Schengen cũng được hưởng đặc quyền này.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ RIA Novosti, một trong những hãng tin lớn nhất tại Nga, đặt trụ sở chính tại Moscow và hơn 80 văn phòng trên khắp thế giới.
Đào Cảnh (Lược dịch)
Theo Infonet
EU để ngỏ khả năng kéo dài thời gian kiểm soát biên giới
Động thái này được cho là để đối phó với dòng người di cư ồ ạt tới châu Âu đang vượt quá tầm kiểm soát.
Tại hội nghị Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ Liên minh châu Âu diễn ra ở thành phố Amsterdam, Hà Lan diễn ra ngày 25/1, một số nước thành viên Liên minh châu Âu đã đề nghị người đứng đầu khối này chuẩn bị cho việc kéo dài thời gian kiểm soát biên giới thêm hai năm nữa.
Dòng người nhập cư quá đông khiến các nước châu Âu buộc phải kéo dài thời gian kiểm soát biên giới. Ảnh DPA
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp, Bộ trưởng Di cư Hà Lan Klaas Dijkhoff cho biết, việc kéo dài thời gian kiểm soát biên giới là cần thiết vì châu Âu đang phải nỗ lực để đối phó với dòng người di cư ồ ạt đang đổ về mọi ngả của châu Âu, đặc biệt là làn sóng người di cư đang hướng về khu vực Bắc Âu từ Hy Lạp.
"Hiện tại, các biện pháp kiểm soát biên giới tạm thời chỉ được áp dụng trong thời gian 6 tháng. Tuy nhiên, dòng người xin tị nạn ào ạt đổ về châu Âu thời gian qua đã buộc các nước thành viên phải áp dụng các biện pháp kiểm soát ở tầm quốc gia, song cũng không giảm được áp lực.
Vì vậy, một số các quốc gia thành viên đã đề nghị Ủy ban châu Âu chuẩn bị các cơ sở pháp lý và thực tế cho việc thực thi các biện pháp kiểm soát biên giới tạm thời theo điều 26 hiệp ước Schengen", ông Dijkhoff nói.
Theo quy định, lệnh kiểm soát biên giới hiện hành sẽ hết hiệu lực vào tháng 5/2016. Tuy nhiên, các Bộ trưởng Nội vụ Liên minh châu Âu có thể căn cứ vào các điều khoản trong Bộ quy tắc qua lại biên giới các nước tham gia Hiệp ước Schengen để kéo dài kiểm soát biên giới thêm 2 năm, tức là đến năm 2018, nếu xét thấy khu vực Schengen vẫn gặp nguy hiểm do thiếu sự đảm bảo ở khu vực biên giới vòng ngoài của Liên minh châu Âu.
Cho đến nay, chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra sau cuộc họp của Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ Liên minh châu Âu diễn ra hôm qua song nhìn chung dư luận châu Âu dường như đồng tình với ý kiến kéo dài thời gian kiểm soát biên giới thêm hai năm nữa.
Cao ủy về người di cư châu Âu Dmitris Avramopoulos cho biết: "Nếu tình hình không thay đổi và những nguy cơ mà làn sóng di cư vẫn đặt ra đối với trật tự xã hội và an ninh quốc gia, một số các quốc gia thành viên mà tôi không tiện công bố ở đây sẽ vẫn cần tiếp tục biện pháp kiểm soát biên giới. Chúng tôi vẫn đang xem xét mọi khả năng theo đúng quy định của Liên minh châu Âu trước khi quyết định giải pháp được xem là khả thi nhất".
Liên minh châu Âu hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng người di cư lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, với hơn 1 triệu người tị nạn và di cư đến liên minh này chỉ trong năm ngoái, trong đó chủ yếu là những người chạy trốn chiến tranh và nạn đói tại Syria và những nước Trung Đông, Bắc Phi khác.
Để đối phó có không ít các nước thành viên Liên minh châu Âu đã phải áp dụng biện pháp thắt chặt biên giới. Đây được xem là giải pháp tạm thời nhằm đối phó với làn sóng người nhập cư ngày càng vượt tầm kiểm soát, dù được cho là đi ngược với quy định chung về tự do đi lại của hiệp ước Schengen, vốn được coi là "nguyên tắc quan trọng" và là một trong những "thành tựu" lớn nhất của Liên minh châu Âu.
Những thực tế này cho thấy hiệp định Schengen, vốn xóa nhòa biên giới cho người dân đi lại giữa 22 nước thành viên Liên minh châu Âu và 4 quốc gia ngoài Liên minh châu Âu, đang dần mất hiệu lực và có nguy cơ sụp đổ, nếu cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay không được kiểm soát.
Khu vực Schengen gồm 26 quốc gia, trong đó đa phần là các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu. Trong khi chờ đợi một quyết định chính thức, cho đến nay đã có 6 quốc gia thuộc không gian tự do đi lại Schengen gồm Áo, Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Đức là đích đến hàng đầu của những người nhập cư vào châu Âu, đã quyết định khôi phục tạm thời các biện pháp kiểm soát biên giới./.
Hồng Nhung Tổng hợp
Theo_VOV
Hiệp ước Schengen trước nguy cơ "sụp đổ" Ngày 20-1, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk cảnh báo Châu Âu còn "chưa đầy hai tháng" để kiểm soát cuộc khủng hoảng người di cư, nếu không khối Hiệp ước tự do đi lại (Schengen) sẽ sụp đổ. Ngoài ra, ông D.Tusk cũng cho rằng nếu không thể kiểm soát phù hợp các đường biên giới ngoài của mình,...