EU sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Tiến sĩ Franz Jessen, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam khẳng định, EU không có bất cứ sự do dự nào trong việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Điều quan trọng là Việt Nam cần đáp ứng được 5 tiêu chí kỹ thuật mà EU đề ra.
Chiều ngày 29/1, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-EU (1990-2015).
Tiến sĩ Franz Jessen, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam trong buổi họp báo
Trước câu hỏi của phóng viên về việc tại sao cho đến nay EU vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, Đại sứ Franz Jessen nói, EU không hề có bất cứ sự do dự nào trong việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, tuy nhiên, Việt Nam cần đáp ứng được 5 tiêu chuẩn kỹ thuật mà EU đề ra.
Theo ông Jessen, “Nền kinh tế Việt Nam có nhiều thay đổi tích cực trong thời gian gần đây và chính phủ Việt Nam đã hết mình để có được sự chuyển biến ấy. Tuy nhiên, để thỏa mãn được các tiêu chí kỹ thuật phải cần thời gian, chứ không phải trong một sớm một chiều.”
Ông hy vọng rằng khi kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) cũng là lúc Việt Nam đạt được những thành quả để khẳng định mình là nền kinh tế thị trường.
Video đang HOT
Đại sứ Franz Jessen cho biết, quá trình đàm phán Hiệp định FTA đến nay diễn ra khá suôn sẻ. Vấn đề còn tồn tại ở đây chỉ là khác biệt giữa sự kỳ vọng của EU và Việt Nam vào sự hình thành của Hiệp định FTA. Hai bên hiện đang nỗ lực làm việc cùng nhau để giải quyết vấn đề và cũng đã có những biến chuyển căn bản về thiện chí của hai bên.
Tuy nhiên, ông Jessen cũng cho rằng, “hiện tại nền kinh tế Việt Nam đang ở ngưỡng rất dễ bị rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình nên đã đến lúc chính phủ Việt Nam cần có những bước đi táo bạo hơn để đạt được sự phát triển cao hơn trong những năm tới.”
Theo ông Jessen, Việt Nam và EU cần hợp tác chặt chẽ trong một số lĩnh vực như mua sắm chính phủ hay cách thức sử dụng nguồn quỹ minh bạch. Điều này rất quan trọng vì khi tiền của người dân được sử dụng minh bạch, sẽ giúp mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần chú ý nâng cao tính hiệu quả của mạng lưới phân phối hàng hóa để làm sao đem lại cho người tiêu dùng những hàng hóa có giá cả phù hợp hơn, đặc biệt là những hàng nhập khẩu.
Quan hệ Việt Nam-EU khăng khít hơn bao giờ hết
Đại sứ Franz Jessen nhận định rằng, “chưa bao giờ mối quan hệ EU-Việt Nam lại khăng khít và tốt đẹp như bây giờ, tạo ra những cơ hội mới cho hai bên trên các lĩnh vực có thể. Quan hệ Việt Nam-EU đã phát triển một cách mạnh mẽ từ hướng tập trung ban đầu là cung cấp viện trợ, tới mối quan hệ Đối tác sâu rộng và toàn diện hơn bao gồm cả đối thoại chính trị và hợp tác kinh tế chặt chẽ.”
Logo kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-EU
Trong thời gian qua, Việt Nam và EU đã làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác song phương bằng Hiệp định Khung Hợp tác năm 1995 và mới đây là Hiệp định Khung về Đối tác và Hợp tác Toàn diện (PCA) năm 2012. Tính đến năm 2015, 20 trong tổng số 28 nước thành viên của EU đã thành lập Cơ quan đại diện ngoại giao tại Hà Nội, phản ánh vị thế chính trị quan trọng của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á.
Theo tinh thần này, EU sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu trong Chiến lược Phát triển Kinh tế- Xã hội. Việc tăng đáng kể khoản viện trợ không hoàn lại, từ 300 lên 400 triệu euro trong giai đoạn 2014-2020 dành cho Việt Nam, bất chấp bối cảnh chính sách tài khóa thắt chặt tại Châu Âu, là minh chứng rõ ràng cho những cam kết đó. Cho đến nay, EU cùng các quốc gia thành viên của mình đã trở thành nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam.
Theo Đại sứ Franz Jessen, để kỷ niệm 25 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, một chuỗi hoạt động ngoại giao nhân dân đa dạng sẽ được tổ chức xuyên suốt năm 2015 tại Việt Nam. Trong đó có các sự kiện dành cho giới trẻ, các diễn đàn công chúng với các học giả đến từ Châu Âu, Liên hoan phim và Liên hoan âm nhạc, cùng các hội nghị, hội thảo…
Nam Hằng
Theo Dantri
Mỹ "dằn mặt" Nga ủng hộ bầu cử của quân ly khai ở đông Ukraina
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo, Nga sẽ phá vỡ thỏa thuận quốc tế nếu công nhận cuộc bầu cử của quân ly khai ở miền đông Ukraina.
Nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk đã tẩy chay bầu cử quốc hội Ukraina hôm 26.10 vừa qua và tuyên bố tự tổ chức bầu cử vào ngày 2.11. Mátxcơva tuyên bố sẽ công nhận kết quả của cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi này.
Tổng thống Ukraina Petro Oleksiyovych Poroshenko cho rằng, các cuộc bầu cử này sẽ đe dọa tiến trình hòa bình với Kiev.
Tại một cuộc họp báo ở thủ đô Ottawa của Canada, Ngoại trưởng Mỹ Kerry cho biết, người dân Ukraina đã có sự lựa chọn rõ ràng và dũng cảm vì dân chủ khi họ bỏ phiếu cho cuộc bầu cử Quốc hội Ukraina cuối tuần qua.
Đề cập đến các cuộc bỏ phiếu dự kiến tổ chức vào 2.11, ông Kerry bày tỏ: "Đây là sự vi phạm rõ ràng những thỏa thuận mà cả Nga và lực lượng ly khai đã cam kết trong các hiệp định ở Minsk".
"Mỹ và phần còn lại của cộng đồng quốc tế sẽ không công nhận các cuộc bầu cử của lực lượng ly khai trừ khi nó được thực hiện trong khuôn khổ về tình trạng đặc biệt được thông qua bởi Quốc hội Ukraina và được ký bởi Tổng thống Poroshenko", ông Kerry nói.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, cuộc bầu cử ở các vùng Donetsk và Luhansk "sẽ rất quan trọng để hợp pháp hóa chính quyền tại đây". Ông nói thêm: "Chúng tôi hy vọng cuộc bầu cử sẽ được tiến hành như đã định, và tất nhiên chúng tôi sẽ công nhận kết quả này".
Tại Kiev, theo dự kiến, các đảng thân phương Tây của Tổng thống Poroshenko và Thủ tướng Arseniy Yatseniuk sẽ thành lập chính phủ liên minh.
Theo LDO
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Nhật Bản Ngày 10/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến chào xã giao Thủ tướng Shinzo Abe. Sau đó, Phó Thủ tướng đã hội kiến với Ngoại trưởng Fumio Kishida, đồng thời chứng kiến một số lễ ký kết thỏa thuận hợp tác quan trọng trong lĩnh vực tư pháp và vệ tinh. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản...