EU ra tuyên bố kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng ngay chiến dịch ở Syria, Nga – Mỹ đồng loạt bác bỏ
Nga và Mỹ bác tuyên bố chung của các nước EU đưa ra nhằm kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ dừng ngay chiến dịch quân sự ở Syria.
Hôm 10/10, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập một cuộc họp khẩn về chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Bắc Syria. Sau khi kết thúc phiên thảo luận kín, 5 nước châu Âu gồm Pháp, Đức, Anh, Bỉ và Ba Lan kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ dừng chiến dịch tấn công lực lượng người Kurd tại Syria, đồng thời c ảnh báo cuộc tấn công sẽ đe dọa đến tiến trình hòa bình ở Syria.
Mỹ không đồng thuận với tuyên bố này. Washington đề xuất đưa ra một tuyên bố trong đó bày tỏ “quan ngại sâu sắc”, kêu gọi bảo vệ dân thường và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ thông qua các kênh ngoại giao thay vì các hoạt động quân sự và kêu gọi chấm dứt ngay sự hiện diện bất hợp pháp của các lực lượng nước ngoài ở Syria.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Kelly Craft. (Ảnh: Kyodo News)
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Kelly Craft cũng khẳng định Tổng thống Trump đã nói rõ Washington không tán thành quyết định tấn công quân sự của Ankara vào vùng Đông Bắc Syria.
Bà Craft nhắc lại việc ông Trump từng nhấn mạnh với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ rằng nước này phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc bảo vệ người Kurd và người dân thuộc các tôn giáo thiểu số, đồng thời bảo đảm các tay súng IS vẫn ở trong tù và tổ chức khủng bố này không thể ngóc đầu dậy.
Video đang HOT
Nữ Đại sứ Mỹ cũng cảnh báo Ankara sẽ phải hứng chịu hậu quả nếu không thực hiện những điều này.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia khẳng định bất cứ tuyên bố nào của Hội đồng Bảo an cũng cần phải tính tới các khía cạnh khác của cuộc khủng hoảng Syria, không chỉ là hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ và yêu cầu chấm dứt ngay lập tức “sự hiện diện quân sự bất hợp pháp” ở nước này.
Theo AP, cuộc họp của Hội đồng Bảo an một lần nữa cho thấy sự bất lực của cơ quan quyền lực này trong việc đối phó với cuộc xung đột Syria kéo dài hơn 8 năm qua.
Chiến dịch quân sự mang tên “Mùa xuân Hòa bình” được Thổ Nhĩ Kỳ khởi phát chiều 9/10 nhằm “dọn sạch” những kẻ khủng bố IS và Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd (SDF) dẫn đầu khỏi khu vực biên giới.
Nó diễn ra không lâu sau khi Tổng thống Trump bắt đầu rút quân đội Mỹ khỏi Syria, mở ra một trong những trận chiến lớn nhất trong nhiều năm sau cuộc nội chiến kéo dài 8 năm ở Syria với sự tham gia của các cường quốc toàn cầu.
Ankara cho biết cuộc tấn công chỉ nhắm vào các tay súng có liên hệ với IS và lực lượng dân quân người Kurd trong nỗ lực tạo ra một “vùng an toàn”, tạo điều kiện để 3,6 triệu người tị nạn Syria quay trở lại. Nhưng các cường quốc thế giới lo ngại chiến dịch mới đây sẽ làm gia tăng cuộc xung đột kéo dài 8 năm của Syria và giúp các tù nhân IS trốn thoát khỏi các nhà tù trong cảnh loạn lạc.
(Nguồn: AP)
SONG HY
Theo VTC
Putin áp chiến thuật vừa rắn vừa mềm với Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria
Khác với Mỹ, Nga công nhận quyền đảm bảo an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng đặt ra những lằn ranh đỏ để Ankara không làm đảo lộn các kế hoạch quan trọng của Moscow tại Syria.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan
Vài giờ sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ "xóa sổ" nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ, nhắc nhở đồng minh NATO không nên làm bất cứ điều gì mà ông cho là "vượt quá giới hạn" trong bối cảnh Ankara đang phát động cuộc tấn công vào người Kurd ở Syria thì Moscow lại đưa ra một giai điệu khác.
Ngày 7/10, Phát ngôn viên của Điện Kremlin, Dmitry Peskov đã nhắc lại sự công nhận của Nga đối với quyền đảm bảo an ninh cuả Thổ Nhĩ Kỳ sau khi quân đội Mỹ rút quân, bật đèn xanh cho Ankara mở chiến dịch tấn công người Kurd - kẻ thù không đội trời chung của nước này.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã định vị họ là một đối tác thực dụng hơn và có khả năng phân phối vũ khí nhiều hơn cho Ankara so với Mỹ. Chẳng hạn như trường hợp Nga bán hệ thống phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Với một đối tác khó tính như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã đúc kết 3 điều. Đầu tiên, cần phải thể hiện sự đồng cảm về các vấn đề nhạy cảm và quan trọng đối với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ hai, đặt ra các lằn ranh đỏ của riêng mình và cơ hội hợp tác trong tương lai của đôi bên. Thứ ba, tận dụng những sai lầm của Mỹ và biến chúng thành cơ hội cho mình. Tuyên bố của người phát ngôn Điện Kremlin cho thấy Nga đã áp dụng chiến thuật này đối với Ankara.
Tuy nhiên, Moscow vẫn tỏ ra cảnh giác rằng, các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria có thể làm đảo lộn các dự án quan trọng của chính họ, trong đó có đứa con tinh thần của Nga - Ủy ban Hiến pháp Syria.
"Điều quan trọng là phải kiềm chế mọi hành động có thể cản trở thỏa thuận Syria. Chúng tôi hiểu rằng đó sẽ là một con đường dài và chông gai. Nhưng bây giờ, Ủy ban Hiến pháp Syria đã được thành lập và trước khi ngày họp của Ủy ban này được chỉ định, điều quan trọng là phải kiềm chế mọi bước đi có thể gây tổn hại cho thỏa thuận Syria", ông Peskov nhấn mạnh.
Theo đó, mối quan tâm hàng đầu của Nga là tương lai của Ủy ban Hiến pháp Syria và Moscow đang gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ rằng, cuộc tấn công của nước này ở đông bắc Syria không được cản trở tiến trình của Ủy ban.
Ngoài ra, Nga được cho là cũng muốn chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ thông điệp liên quan đến cam kết của "các quốc gia bảo trợ thỏa thuận Astana" - Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran - để đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Nhìn chung, bằng cách không ngăn Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Syra, Nga đã đâm mũi giáo vào mối quan hệ giữa Washington, Ankara và người Kurd để rồi sau đó đóng vai trò là người hòa giải giữa chính phủ Syria và người Kurd, Damascus và Ankara.
Theo danviet
Chưa hết "cơn đau" S-400, Nga-Thổ tiếp tục tung đòn "chí mạng" khiến Mỹ "ra về tay trắng"? Trong trường hợp Nga làm ngơ cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành hoạt động quân sự chống người Kurd ở Syria, nó sẽ càng khiến cho "vết thương hở" S-400 trở nên đau đớn hơn với người Mỹ. Nga có thể đánh đổi cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ lấy Idlib. Trong bối cảnh quân đội Mỹ rút dần khỏi biên giới...