EU ra ‘tối hậu thư’ cho Nga về Ukraine
Khuya 30.8 và rạng sáng chủ nhật (giờ Việt Nam), lãnh đạo các nước EU nhất trí ra hạn chót: trong một tuần nữa, Nga phải thôi can thiệp quân sự vào Ukraine, nếu không muốn phải chịu thêm một tầng cấm vận nữa.
Quân ly khai kiểm tra vũ khí
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cảnh báo họ đang bên bờ vực một cuộc chiến tranh tổng lực với Nga.
Nỗi sợ cuộc xung đột quân sự ở vùng biên giới phía đông của EU có thể lan ra toàn lục địa đã bùng lên, khi Mỹ và NATO tuyên bố Nga đã cử quân ủng hộ phe đòi ly khai mở chiến tuyến mới ở đông nam Ukraine.
Chủ tịch EC Herman Van Rompuy nói EU không đặt ra các tiêu chuẩn đặc biệt nào để kích hoạt các mức trừng phạt mới đối với Nga, nhưng 28 lãnh đạo các nước EU “quyết tâm” buộc Nga phải trả giá vì đã làm leo thang căng thẳng.
Lúc kết thúc cuộc họp thượng đỉnh các lãnh đạo EU, ông nói: “Tôi có thể bảo đảm với quý vị, rằng mọi người hoàn toàn ý thức chúng ta phải hành động nhanh, do tình hình ngày càng đáng ngại”.
Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel nói trừng phạt là điều không thể tránh khỏi, nếu tình hình không được cải thiện đáng kể: “Nếu cứ thế này hoặc còn căng thẳng hơn nữa, các mức cấm vận những lãnh vực mà EC đã xem xét cho đến lúc này, như lĩnh vực tài chính và năng lượng, sẽ được nâng lên”.
Đến dự cuộc họp này, tổng thống Poroshenko nói chính phủ Ukraine đang soạn một kế hoạch hòa bình mới, nhưng cảnh báo cuộc khủng hoảng có thể lên tới mức “không còn có đường lùi”.
Các quan chức khác cũng nhận định như vậy. Phe đòi ly khai đang giành lại chút ưu thế, nên các lãnh đạo EU như Tổng thống Pháp Franois Hollande, Thủ tướng Anh David Cameron…nói tình hình ở miền đông Ukraine khiến cần có một phản ứng của EU.
Nhưng EU có quan hệ tài chính, thương mại và năng lượng với Nga, nên một số nước thành viên cẩn trọng trong việc nâng cao mức căng thẳng với Nga. Thủ tướng Áo Werner Faymann là một trong số các lãnh đạo đặt câu hỏi: cấm vận có tác động nào lên Tổng thống Nga Vladimir Putin?
Video đang HOT
EU và Mỹ đã có nhiều mức cấm vận Nga về vai trò của họ trong cuộc khủng hoảng Ukraine, như việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3.
Nga luôn phủ nhận không hề đưa quân qua láng giềng phía tây của họ trong khi thứ Năm tuần qua, NATO nói Nga đã cử ít nhất 1.000 lính qua Ukraine giúp quân nổi dậy, cùng một số khí tài quân sự như xe tăng, xe bọc thép cũng như dàn 20.000 quân ở vùng biên giới.
Theo Một Thế Giới
"Khủng hoảng Ukraine đang vượt ngoài tầm kiểm soát"
Cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine đang "vượt ngoài tầm kiểm soát", và cần phải được hạ nhiệt để tránh một cuộc đối đầu quân sự giữa Ukraine và Nga, ngoại trưởng Đức cảnh báo. Trong khi đó, NATO tỏ ý sẽ cân nhắc kết nạp Ukraine.
Tuyên bố trên được ông Frank-Walter Steinmeier đưa ra trong chuyến công du tại Milan, Ý.
Đến nay, Nga vẫn phủ nhận những cáo buộc của NATO rằng các lực lượng của nước này đã xâm nhập trái phép vào Ukraine để hỗ trợ các phần tử ly khai tại đây.
Nhiều dân thường Ukraine đã thiệt mạng và bị thương sau 4 tháng giao tranh
Khoảng 2600 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa phe ly khai và các binh sỹ chính phủ Ukraine, vốn bùng phát từ tháng 4 vừa qua.
Ông Steinmeier cảnh báo tình hình "vốn đã nguy hiểm" tại Ukraine giờ đang bước sang "một mức độ hoàn toàn mới".
"Chúng tôi đã hy vọng các cuộc đối thoại trực tiếp (giữa Ukraine và Nga) sẽ góp phần hạ nhiệt tình hình, nhưng thật đáng thất vọng", vị ngoại trưởng Đức nói. "Các vụ xâm nhập qua biên giới ngày càng tăng, và làm dấy lên quan ngại rằng tình hình đang vượt ngoài tầm kiểm soát"
"Việc này cần phải chấm dứt, đặc biệt nếu chúng ta muốn tránh một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa các lực lượng quân đội Ukraine và Nga".
Nga có khả năng phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mới khi lãnh đạo của 28 quốc gia thành viên EU sẽ nhóm họp tại Brussels trong hôm nay (30/8).
Hiện Mỹ và EU đã áp đặt một loạt các lệnh cấm vận đối với quan chức cấp cao của Nga, lãnh đạo phe ly khai cùng nhiều công ty bị cáo buộc đang gây tổn hại cho chủ quyền của Ukraine.
Cân nhắc để Ukraine gia nhập NATO
Trước đó trong ngày thứ Sáu, NATO đã tổ chức một cuộc họp khẩn, sau khi công bố những hình ảnh vệ tinh mà họ khẳng định cho thấy hàng đoàn xe của lực lượng vũ trang Nga hiện diện trong lãnh thổ Ukraine.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã kêu gọi Nga "có những bước đi ngay lập tức và có thể kiểm chứng để hạ nhiệt căng thẳng".
Hình ảnh vệ tinh của NATO cho rằng chụp được đoàn xe quân sự Nga tại Đông Ukraine
Ông Rasmussen cũng bày tỏ NATO có thể cân nhắc đơn xin gia nhập tổ chức này của Ukraine, không lâu sau khi thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk tuyên bố ông đang hướng nước mình tới việc trở thành thành viên của NATO.
Liên minh quân sự này trong ngày thứ Sáu đã cảnh báo Nga về những hành động mà họ miêu tả là "xâm phạm trắng trợn" chủ quyền Ukraine, sau khi phương Tây khẳng định Mátxcơva đang tham gia trực tiếp vào việc leo thang căng thẳng.
"Đây không phải một hành động riêng lẻ, mà là một phần của những hành động nguy hiểm kéo dài nhiều tháng để gây bất ổn cho Ukraine, với tư cách một quốc gia có chủ quyền", Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen khẳng định, và miêu tả việc Nga tập hợp binh sỹ số lượng lớn tại biên giới là một sự "xâm phạm trắng trợn" chủ quyền Ukraine.
"Chúng tôi hối thúc Nga dừng các hành động quân sự phi pháp, chấm dứt hỗ trợ cho các tay súng ly khai và có những bước đi có thể kiểm chứng ngay lập tức để hạ nhiệt cuộc khủng hoảng trầm trọng này".
Cả Kiev và phương Tây đều khẳng định binh sỹ Nga đang đi đầu trong một cuộc phản công chớp nhoáng, vốn giúp phe ly khai chiếm lại một diện tích rộng lớn lãnh thổ phía Đông Nam từ tay lực lượng chính phủ, làm xoay chuyển nhanh chóng tình hình sau gần 5 tháng giao tranh.
Tuy vậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã liên tục bác bỏ các cáo buộc rằng nước này đang hỗ trợ cho phe ly khai, hay đưa binh sỹ tới Ukraine.
Phải hạ vũ khí đầu hàng
Những cuộc phản công mới của phe ly khai đã làm dấy lên lo ngại rằng, điện Kremlin có thể đang tìm cách tạo lập một hành lang giữa Nga và bán đảo Crimea tại biển Đen mà nước này sáp nhập hồi tháng 3.
Mariupol, một cảng chiến lược do quân chính phủ Ukraine nắm giữ trên biển Azov, nằm ở phía Nam thành trì Donetsk của phe ly khai, đang có nguy cơ thất thủ sau khi các tay súng ly khai đã chiếm được nhiều ngôi làng gần đó.
Người dân Mariupol đào hào chuẩn bị cho giao tranh
Cư dân địa phương hiện đang di chuyển về phía bắc trên những chiếc xe buýt có dòng chữ "trẻ em" trên xe, với hy vọng xe sẽ không trở thành mục tiêu của hỏa lực.
Trong ngày thứ Năm, Kiev khẳng định các binh sỹ Nga đã chiếm được Novoazovsk, một thị trấn ven biển từng rất yên tĩnh, cách xa biên giới Nga, cùng một loạt ngôi làng nằm về phía Đông Mariupol. Đồng thời quân chính phủ Ukraine đang phải đối mặt với hỏa lực mạnh tại Ilovaysk.
Lãnh đạo hàng đầu của phe ly khai Alexander Zakharchenko, người từng khẳng định các binh sỹ Nga có mặt tại Ukraine "để đi nghỉ", cho biết các binh sỹ của mình sẵn sàng để cho binh sỹ chính phủ rút lui, nếu họ hạ vũ khí, sau khi Tổng thống Putin kêu gọi mở một hành lang nhân đạo để giúp đỡ các binh sỹ Ukraine bị bao vây.
Theo Dân Trí
Ukraine: Xe tăng của Nga "rầm rộ" tiến vào Novoazovsk hỗ trợ phe ly khai Ngày 28-8, một quan chức quân sự Ukraine tuyên bố, lực lượng ly khai đã được Nga hỗ trợ xe tăng và xe bọc thép, chiến đấu với lực lượng chính phủ tại miền đông Ukraine. Hiện tại, đoàn xe này đang tiến vào Novoazovsk để hỗ trợ phe ly khai. Hiện tại, cuộc chiến khốc liệt đang diễn ra dọc theo bờ...