EU phản ứng về động thái của Belarus triển khai nhóm quân sự chung với Nga
Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo sẽ trừng phạt Belarus liên quan đến việc thành lập một lực lượng quân sự chung với Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: Belta
Theo trang tin Euronews, Ủy ban châu Âu mới đây đã cảnh báo trừng phạt Belarus, cho rằng nước này phát tán “những cáo buộc sai trái” nhằm vào Ukraine và có động thái triển khai một nhóm quân sự chung với Nga.
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Peter Stano nói với các phóng viên tại Brussels rằng Cơ quan này “đã ghi nhận những cáo buộc sai trái” mà ông cho là “hoàn toàn vô căn cứ và hoàn toàn không thể chấp nhận được” đối với Kiev.
“Chúng tôi cũng kêu gọi Belarus ngay lập tức ngừng cho phép sử dụng lãnh thổ của họ làm bệ phóng cho các cuộc không kích, bao gồm các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái gần đây nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine”, ông Stano nói thêm.
Khi được hỏi về các biện pháp trừng phạt tiếp theo, ông Stano nhấn mạnh rằng nếu Belarus tiến hành triển khai lực lượng quân sự chung với Moskva thì “đây sẽ là một sự leo thang” và “sẽ phải đối mặt với các biện pháp hạn chế mới và mạnh mẽ hơn từ phía EU”.
Những bình luận trên của ông Stano được đưa ra sau khi Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết trong cuộc họp với các quan chức quân sự và an ninh nước này rằng “việc thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Belarus không chỉ đang được thảo luận, nó đang được lên kế hoạch ở Ukraine”.
Ông Lukashenko thông báo rằng hai nhà lãnh đạo Belarus và Nga đã đồng ý thành lập một “nhóm quân sự khu vực chung”, nhưng không đưa ra chi tiết về địa điểm hoặc thời điểm một đơn vị như vậy có thể được triển khai.
Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Nga và Ukraine sớm thiết lập thỏa thuận ngừng bắn khả thi
Theo hãng tin AFP (Pháp), ngày 11/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi Nga và Ukraine nhanh chóng thiết lập một thỏa thuận ngừng bắn khả thi bởi cuộc xung đột tại Ukraine càng kéo dài, tình hình càng trở nên xấu đi và phức tạp hơn.
Phái đoàn Ukraine (trái) và Nga tại cuộc đàm phán ở vùng Brest, Belarus ngày 7/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh: "Phải thiết lập một thỏa thuận ngừng bắn càng sớm càng tốt". Ông cho rằng Moskva và Kiev đang xa rời các nỗ lực ngoại giao kể từ khi diễn ra các cuộc đàm phán giữa hai bên tại Istanbul hồi tháng 3 năm nay.
Cũng theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc xung đột tại Ukraine càng kéo dài, tình hình càng trở nên xấu đi và phức tạp hơn.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Cavusoglu còn cho rằng "mối quan hệ rạn nứt giữa phương Tây với Nga sẽ ảnh hưởng tới mọi người, như những tác động hiện nay đối với nguồn cung năng lượng và giá khí đốt tự nhiên". Ông nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ không đồng tình với bất kỳ biện pháp trừng phạt đơn phương nào.
Do có mối quan hệ thân thiết với cả Moskva và Kiev, Thổ Nhĩ Kỳ luôn cố gắng giữ thái độ trung lập kể từ khi xảy ra cuộc xung đột giữa 2 nước láng giềng ở Biển Đen hồi tháng 2 năm nay. Nước này hiện được coi là trung gian hòa giải tiềm năng cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Vào tháng 7 vừa qua, chính quyền Ankara và Liên hợp quốc đã làm trung gian cho một thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine tại các cảng ở Biển Đen.
Ba Lan kiểm kê các hầm tránh bom, kêu gọi công dân rời ngay Belarus Ba Lan bắt đầu kiểm kê các hầm trú bom từ thời Chiến tranh Lạnh để đảm bảo chúng sẵn sàng sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Warsaw cũng kêu gọi công dân rời ngay Belarus. Người dân trong một hầm trú ẩn không kích ở Lviv, miền tây Ukraine, cách biên giới Ba Lan 70km, vào tháng 8/2022. Ảnh: Getty Images...