Epic Games Store đã dùng tiền “vả mặt” Steam như thế nào?
Epic Games Store còn quá mới và không có nhiều khách hàng bằng Steam, nên Epic đã dùng một “độc chiêu” hữu hiệu để thu hút các tựa game indie hấp dẫn.
Kể từ khi công bố Epic Games Store, Epic đã khiến khá nhiều game thủ bất ngờ vì tung ra hàng loạt tựa game độc quyền trên cửa hàng của mình. Từ Hades của Super Giant Games, Satisfactory của Coffee Stain Studios, đến Super Meat Boy Forever, những tựa game này thi nhau “bỏ rơi” Steam để bước chân sang Epic Games Store với lời hứa về khoản chia 88% hậu hĩnh. Đối với nhiều game thủ, đây là một điều phiền hà bởi họ phải quản lý thêm một phần mềm launcher mới và một tài khoản mới, nhưng cũng không ít người nghĩ rằng điều này có thể khiến Steam phải nâng cao chất lượng phục vụ để tạo nên một thị trường có lợi cho khách hàng và nhà phát triển hơn.
Không hiểu sao tiền trong store lại là đồng Rúp…
Nhưng hãy bỏ những tranh cãi đó sang một bên. Điều mà mọi người đều đang thắc mắc không phải là liệu Epic Games Store có sống khỏe hay không, mà là Epic làm những gì để thuyết phục các nhà làm game indie chuyển sang sử dụng cửa hàng của mình. Quả thật con số 88% nghe rất hấp dẫn, nhưng nếu một tựa game bán được 5.000 bản trên Steam và chỉ 1.000 bản trên Epic Games Store, nhà phát triển vẫn có lợi hơn khi phát hành tựa game của mình trên nền tảng của Valve.
Những ưu thế đáng kể của Steam bao gồm cơ hội tiếp cận với hơn 125 triệu khách hàng (số liệu 2015), những công cụ hỗ trợ các tính năng cloud save, chơi mạng, update, phân phối mod, quảng bá… và cả một hệ thống diễn đàn có sẵn để giúp nhà phát triển xây dựng cộng đồng cho game. Nhưng có lẽ chính những ưu điểm này của Steam trở thành gánh nặng của nó. Ngày càng nhiều tựa game indie được ra mắt trên Steam – theo số liệu thống kê, trong năm 2017 có đến 7.672 tựa game ra mắt trên Steam, tức trung bình 21 game mỗi ngày. Điều này tạo thành một thử thách lớn với Steam: làm thế nào để “tiếp thị” tất cả những tựa game đó đến với người dùng, và làm sao để đảm bảo những người thấy được trò chơi là những người sẽ có hứng thú với trò chơi đó.
Có hàng ngàn game indie tranh nhau sự “sủng ái” của game thủ trên Steam.
Video đang HOT
Có lẽ là biết mình chưa thể cạnh tranh với Steam về lượng khách hàng tiềm năng và các tính năng trong cửa hàng, Epic Games Store chọn một hướng đi khác để hấp dẫn các nhà làm game indie. Theo lời tiết lộ của giám đốc Epic là ông Tim Sweeney, hướng đi đó không gì khác hơn là… tiền. Mọi tựa game phát hành trên Epic Games Store đều được “đảm bảo doanh thu,” tức là Epic hứa với nhà phát triển rằng trò chơi đó sẽ đem lại một khoản thu nhất định cho nhà phát triển. Nếu trò chơi không bán chạy đến mức đủ để tạo ra khoản thu đó, Epic sẽ tìm cách bù đắp vào phần còn thiếu cho nhà phát triển game.
“Khi nhiều cửa hàng cạnh tranh nhau, kết quả là sự kết hợp giữa giá tốt hơn cho bạn (game thủ), các hợp đồng tốt hơn cho nhà phát triển, và các nội dung mới, sáng tạo được đầu tư nhiều hơn,” ông Tim cho biết. “Những tựa game độc quyền này không lên cửa hàng một cách miễn phí, chúng là kết quả của sự phối hợp giữa cam kết đầu tư vào marketing, quỹ phát triển game và đảm bảo doanh thu. Tất cả những điều này giúp ích cho người làm game.”
Nhờ Fortnite, Epic đang bơi trong tiền chẳng khác gì Scrooge McDuck.
Đây có lẽ là một chiến thuật đơn giản nhưng hữu hiệu, ít nhất là trong tương lai gần. Ngay cả khi phải tự bỏ tiền túi ra bù cho những tựa game lỗ lã, Epic vẫn thừa sức gánh khoản chi này nhờ “gà đẻ trứng vàng” Fortnite Battle Royale. Nếu bạn chưa biết thì theo các số liệu thống kê của năm 2018, Epic đã đút túi 3 tỉ USD lợi nhuận (không phải doanh thu) chỉ trong năm nay. Để so sánh, người ta ước tính rằng Steam thu được 4,3 tỉ USD doanh thu bán game trong năm 2017. Con số 3 tỉ USD lợi nhuận của Fortnite thật ra còn có thể cao hơn, bởi trong suốt 9 tháng vừa qua, Fortnite dù đã được Tencent phát hành tại Trung Quốc nhưng lại không thể kiếm tiền tại nước này vì chưa được cấp phép kinh doanh. Nếu được phép vận hành các biện pháp thu phí tại thị trường này, Fortnite hẳn sẽ còn đem về những khoản tiền lớn hơn nữa cho Epic. Trước Fortnite, Epic cũng chưa từng thiếu tiền, chẳng hạn như họ kiếm được 100 triệu USD từ bản Gears of War đầu tiên vốn có chi phí phát triển chỉ 12 triệu USD.
Chiến thuật này hữu hiệu đến mức nào thì chưa biết, nhưng có vẻ nó rất hấp dẫn. Ngoài những tựa game đã được nhắc đến ở đầu bài viết, các chương cuối cùng của The Walking Dead do Skybound Games phát triển cũng sẽ được ra mắt độc quyền trên Epic Games Store, bất kể việc hai chương đầu đã xuất hiện trên Steam. Chương 3 sẽ ra mắt vào ngày 15/1/2019, đồng thời hai chương đầu cũng sẽ được đưa lên Epic Games Store, trong khi chương 4 chưa có ngày phát hành. Những game thủ đã trả tiền mua trọn gói The Walking Dead trên các cửa hàng khác sẽ vẫn nhận được chương 3 và chương 4, nhưng ngày phát hành trên các cửa hàng đó chưa được ấn định. Trong khi đó bất kỳ ai mua mới đều chỉ có một lựa chọn là Epic Games Store.
Và có vẻ như trong trường hợp của The Walking Dead, Epic không chỉ đảm bảo doanh thu cho trò chơi. Hai lãnh đạo của Skybound là tổng giám đốc Ian Howe và chủ tịch Dan Murray nói rằng họ rất hào hứng được hợp tác cùng Epic, và rằng “ Epic lập tức đứng ra chấp nhận thử thách để làm việc cùng chúng tôi nhằm tập hợp đội ngũ ban đầu lại cùng nhau để đảm bảo các fan sẽ nhận được phiên bản The Walking Dead hoàn chỉnh.” Có vẻ như Epic đã giật dây bắc cầu và thậm chí có thể đã cung cấp kinh phí cho việc hoàn thành tựa game này.
Cũng trong dịp này, ông Tim Sweeney đã đề cập đến vấn đề chia sẻ dữ liệu khách hàng, một điều đang khiến game thủ thế giới rất e ngại sử dụng Epic Games Store vì không muốn dữ liệu của mình rơi vào tay Tencent. Theo ông, quả thật Epic Games Store chia sẻ dữ liệu của khách hàng với “công ty mẹ,” nhưng nhận định rằng công ty mẹ của Epic là Tencent hoàn toàn không chính xác. “Epic không chia sẻ dữ liệu người dùng với Tencent hay bất kỳ công ty nào khác. Chúng tôi không chia sẻ, bán, hay giao dịch quyền truy cập vào chúng nhằm mục đích quảng cáo như nhiều công ty khác thực hiện.”
Theo ông, Tencent chỉ là một công ty độc lập đầu tư vào Epic bên cạnh những công ty khác chứ không có quyền truy cập vào dữ liệu của họ. Trên thực tế, Epic quả thật nhận một khoản đầu tư 330 triệu USD từ Tencent vào năm 2012, và Tencent sở hữu 40% của Epic nhờ số tiền này, chưa đủ để nắm quyền sở hữu Epic và trở thành một “công ty mẹ.” Công ty mẹ được nhắc đến trong điều khoản người dùng của Epic Games Store thật ra là bản thân Epic, bởi họ cần phải tuân thủ theo một số quy định về thuế của một số thị trường như các nước châu Âu.
Theo Motgame
Epic Games Store tiếp tục giành bán độc quyền một trò chơi nổi tiếng khác từ tay Steam
Số phận của Clementine trong The Walking Dead: The Final Season cuối cùng cũng được định đoạt vào năm tới. Nhưng nếu chưa mua nó trước khi Telltale đóng cửa, thì giờ bạn chỉ có thể làm điều đó thông qua cửa hàng Epic Games Store.
Sau khi hãng khai sinh nên series là Telltale đóng cửa, The Walking Dead: The Final Season hiện đã được sang tay phát triển tại Skybound Games, với sự giúp sức của các thành viên cũ từng tham gia dự án.
Theo lời giải đáp của Melissa Hutchison, nữ diễn viên lồng tiếng cho nhân vật chính Clementine, thì cửa hàng Epic Games Store sẽ đảm nhiệm vai trò đối tác của công ty cho các sản phẩm tải xuống trên PC trong tương lai. Chính vì vậy, các tập game còn lại của The Walking Dead: The Final Season chỉ bán độc quyền trên nền tảng này chứ không xuất hiện trên Steam.
Tuy nhiên, nếu bạn đã mua gói Season Pass của trò chơi trước đó, vẫn được nhận những episode còn lại bình thường. Chỉ những ai chưa sở hữu game trong thư viện mới phải sang Epic Games Store để mua.
Hiện chưa có đề cập cụ thể nào về các tựa game Telltale Walking Dead khác, đã bị hủy bỏ từ Steam và các cửa hàng khác cách đây vài tuần. Nếu bạn đã bỏ lỡ bất kỳ thứ gì trong số đó, thì có vẻ như bạn sẽ phải đến Epic Games Store để tìm kiếm trong tương lai.
Vậy là The Walking Dead sẽ tham gia vảo danh sách các trò chơi độc quyền của cửa hàng Epic bao gồm Hades, Ashen và bản port PC của tựa game đình đám trên PS3 - Journey.
Việc đóng cửa Telltale diễn ra rất đột ngột và gây bất ngờ cho toàn thể nhân viên cũng như người hâm mộ. Thật tốt khi thấy một nhóm các nhà phát triển bị ảnh hưởng có thể chuyển sang làm việc tại Skybound, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong số 250 nhân viên bị ảnh hưởng bởi vụ việc.
Theo Game4V
Epic Games hé lộ chiêu bài "cướp" game độc quyền từ tay Steam Giám đốc điều hành của Epic Games, Tim Sweeney, đã chia sẻ một vài phương án nhằm đảm bảo tính độc quyền cho cửa hàng do hãng điều hành. Epic Games Store vừa xuất hiện với vai trò của một đối thủ cạnh tranh đáng gờm với Steam. Cửa hàng nhanh chóng tạo lợi thế riêng bằng cách chia đến 88% doanh thu...