EP ra nghị quyết phê phán cách đối phó dịch bệnh của 2 nước thành viên
Nghị viện Châu Âu cho rằng các bước đi của Hungary và Ba Lan là “hoàn toàn không tương thích với các giá trị của Châu Âu”.
Nghị viện Châu Âu hôm qua (17/4) đã thông qua một nghị quyết trong đó mô tả các bước đi mới đây của Hungary và Ba Lan trong hoàn cảnh bùng phát dịch Covid-19 là “hoàn toàn không tương thích với các giá trị của Châu Âu” về dân chủ và công bằng. Đây là động thái chính thức mới nhất của Liên minh Châu Âu sau hàng loạt chỉ trích từ các lãnh đạo cấp cao của khối liên quan đến tình hình tại hai quốc gia thành viên này.
Chủ tịch Nghị viện Châu Âu David Sassoli phản ứng trong phiên họp toàn thể của Nghị viện Châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Reurativ.
Nghị quyết của Nghị viện Châu Âu được đưa ra trong bối cảnh Quốc hội Hungary đã trao cho Thủ tướng Viktor Orban quyền cai trị bằng sắc lệnh vô thời hạn để đối phó với dịch bệnh, trong khi đảng Pháp luật và Công lý cầm quyền tại Ba Lan vẫn quyết tâm theo đuổi kế hoạch tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 5 tới dù dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cụ thể, trong một điều khoản thuộc nghị quyết được thông qua với 395 phiếu thuận và 171 phiếu chống, Nghị viện Châu Âu cho rằng các bước đi của cả hai nước là “hoàn toàn không tương thích với các giá trị của Châu Âu” về dân chủ và công bằng. Theo nghị quyết này, việc giám sát hoạt động của chính phủ tại Hungary đã bị suy yếu và việc tổ chức bầu cử trong thời điểm khủng hoảng dịch bệnh tại Ba Lan có thể đe dọa cả tính mạng người dân và hủy hoại khái niệm lá phiếu tự do, công bằng, trực tiếp và bí mật.
Cũng trong nghị quyết chung về cách thức ứng phó của Liên minh Châu Âu trước đại dịch và các hệ quả của nó, các Nghị sĩ Châu Âu nhắc lại lập trường của Ủy ban Châu Âu cho rằng, các biện pháp ứng phó phải nhất quán với quy tắc pháp quyền, có mối liên hệ rõ ràng với tình hình dịch bệnh và giới hạn về thời gian.
Thông qua nghị quyết, các nhà lập pháp Châu Âu cũng kêu gọi Ủy ban Châu Âu quyết định xem liệu Hungary và Ba Lan có vi phạm luật pháp EU hay không, đồng thời thúc giục đưa Điều 7 trong Hiệp ước Lisbon trở lại chương trình nghị sự Ủy ban Châu Âu. Biện pháp trừng phạt cao nhất trong Điều 7 của Hiệp ước Lisbon là tước quyền bỏ phiếu của một quốc gia thành viên trong EU./.
Hải Đăng
Thỏa thuận Xanh châu Âu: Một khởi đầu không dễ dàng
Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã trải qua các cuộc thảo luận căng thẳng kéo dài tới 10 giờ để tạm đạt được sự thống nhất cho Thỏa thuận Xanh châu Âu.
Video đang HOT
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen phát biểu trong cuộc họp báo công bố "Thỏa thuận Xanh" tại Brussels, Bỉ, ngày 11/12/2019. Ảnh: THX/ TTXVN
Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU)- hội nghị mở đầu của nhiệm kỳ 5 năm- đã trải qua các cuộc thảo luận căng thẳng kéo dài tới 10 giờ để tạm đạt được sự thống nhất cho mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của khối, Thỏa thuận Xanh châu Âu.
Cùng với đó, việc tiến trình nước Anh rời EU bắt đầu trở nên rõ ràng hơn sẽ khiến EU phải cùng lúc đối mặt với nhiều vấn đề hóc búa, mà trước mắt là khoảng trống ngân sách mà EU phải tìm cách lấp đầy.
Ba Lan, Hungary và CH Séc, những nước có nền kinh tế còn phải phụ thuộc nhiều vào than đá, đã tìm mọi cách để trì hoãn kế hoạch trên của EU. Sau những đàm phán cam go, CH Séc và Hungary cuối cùng đã gật đầu cho Thỏa thuận khi các lãnh đạo EU nhất trí cho phép một số thành viên có thể sử dụng hạt nhân trong cơ cấu năng lượng hỗn hợp của mình. CH Séc và Hungary là hai nước vẫn đang sử dụng nhiều hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình.
Khác biệt sâu sắc xảy ra giữa các nước châu Âu và Ba Lan, đất nước đã từ chối đăng ký vào mục tiêu lượng thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã đưa ra nhiều đề xuất.
Đầu tiên ông Mateusz Morawiecki yêu cầu được nhận 560 tỷ euro từ nay đến năm 2030 để giúp Ba Lan đóng cửa các nhà máy điện than. Quả là một khoản tiền siêu khủng khi so sánh với 100 tỷ euro mà người châu Âu dự định dành cho Quỹ chuyển đổi, được Ủy ban thiết lập để hỗ trợ các quốc gia cần nhất trong kế hoạch ngân sách dài hạn 2021-2027.
Tiếp đó, Thủ tướng Ba Lan đề xuất mục tiêu đạt khí thải bằng 0 vào năm 2070 thay vì năm 2050 như kế hoạch ban đầu của châu Âu.
Ba Lan, cùng với các quốc gia thành viên khác của Liên minh, cuối cùng cũng đã thông qua kết luận của Hội nghị về chương trình chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, mục tiêu chung về trung hòa carbon (lượng khỉ thải bằng 0) vào năm 2050, được viết : "một quốc gia, ở giai đoạn này, không thể cam kết thực hiện mục tiêu trên. Hội đồng sẽ trở lại thảo luận vấn đề này vào tháng 6/2020".
Như vậy, sau thời điểm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố "Thỏa thuận xanh", các quốc gia thành viên vẫn chưa thể thống nhất được về nền tảng của kế hoạch, nhưng họ hy vọng sẽ đạt được sự nhất trí vào trước mùa hè năm 2020. Đến lúc đó, EC sẽ xác định rõ về cơ cấu tài chính của Quỹ chuyển đổi cũng như các tiêu chí cần và đủ khác.
Thủ tướng Đức Angela Merkel bình luận rằng bà "cảm thấy hài lòng". Bà Merkel nhấn mạnh đã không có sự chia rẽ giữa những người châu Âu, và trên thực tế chỉ có một quốc gia phải cần thêm thời gian.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen cho biết lịch trình của "Thỏa thuận xanh" sẽ không có gì thay đổi. Hầu hết các luật đã lên kế hoạch sẽ được đưa ra thảo luận trước bởi vì nó phải được sự chấp thuận của đa số tuyệt đối. Trước tiên là luật về khí hậu sẽ được trình bày vào tháng 3 tới. Tiếp đó vào tháng 6, luật này sẽ phải được sửa đổi để có thể kết hợp mục tiêu tạm thời là giảm lượng khí thải CO2 từ 50% đến 55% vào năm 2030.
Khi các lãnh đạo đang "mặc cả" về một kế hoạch Xanh đầy tham vọng thì cũng là lúc chính trường Anh phát đi dấu hiệu chắc chắn về tiến trình ra đi của nước này vào thời điểm 31/12.
Cuộc bỏ phiếu tại Anh với kết quả khẳng định cho Brexit đã đánh dấu một sự giải tỏa về pháp lý cũng như tâm lý cho cả đôi bên, nhưng trên thực tế, nó còn giúp duy trì hiện trạng các mối quan hệ cho đến khi một thỏa thuận thương mại mới được tìm ra.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hứa sẽ hoàn tất thỏa thuận thương mại với EU trong vòng chưa đầy một năm, tuy nhiên thời hạn này bị Brussels coi là không thực tế vì theo họ, có những vấn đề phải mất tới vài năm mới có thể ngã ngũ.
Ông Boris Johnson vẫn tin rằng nước Anh có thể ký kết thỏa thuận thương mại tự do với EU- đối tác thương mại lớn nhất của London- vào thời điểm kết thúc quá trình chuyển đổi tức ngày 31/12/2020.
Bóng đen về khả năng "không thỏa thuận" trong lĩnh vực thương mại vẫn không bị loại trừ, vì thời gian chuyển tiếp được Brussels đánh giá là không đủ để kết thúc các cuộc đàm phán về chủ đề thương mại và London vẫn còn thời hạn để đưa ra yêu cầu kéo dài tới trước ngày 1/7/2020.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh luôn khẳng định sẽ không xin gia hạn và như vậy một kịch bản Brexit không thỏa thuận vẫn là một nỗi ám ảnh bởi những hậu quả kinh tế có thể trở thành thảm họa.
Chắc chắn là EU sẽ không còn sự góp mặt của nước Anh, và đây là điều không thể đảo ngược. Việc Anh ra đi sẽ để lại một khoảng trống ngân sách cho Liên minh châu Âu, cũng là một nội dung quan trọng đang được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh lần này. Mục tiêu đi đến thống nhất về ngân sách dài hạn của EU ngay từ đầu đã được xem là rất phức tạp.
Phần Lan, nước nắm giữ chức chủ tịch 6 tháng của Hội đồng châu Âu, đã đưa ra một đề xuất đặt mức đóng góp ngân sách châu Âu ở mức 1,07% tổng thu nhập quốc dân (GDP).
Về phần mình, Ủy ban đã đề xuất mức 1,114% trong khi một số quốc gia như Đức, Hà Lan và Áo chỉ muốn đóng góp 1,0% GDP. Ở chiều ngược lại, Nghị viện châu Âu lại đang muốn chốt con số 1,3%.
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã nhất trí yêu cầu Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thúc đẩy các cuộc đàm phán để có thể đi đến được thỏa thuận cuối cùng.
Sự chắc chắn trong kế hoạch ra đi của nước Anh, về mặt nào đó, sẽ là yếu tố thúc đẩy châu Âu tập trung vào công cuộc cải cách và hiện thực hóa các kế hoạch đầy tham vọng của mình. Bất chấp hàng loạt khó khăn trước mắt, các nhà lãnh đạo EU thực sự cho thấy sự nỗ lực trong việc dàn xếp một giải pháp mang tính thỏa hiệp tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhiệm kỳ lãnh đạo mới./.
Kim Chung (P/v TTXVN tại Liên minh châu Âu)
Theo bnews.vn
Các quốc gia thành viên EU bác bỏ luật 'tài chính xanh' Ngày 11/12, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã bác bỏ thỏa thuận về quy định quản lý các sản phẩm tài chính được gắn mác "xanh" và "bền vững". Cờ của Liên minh châu Âu bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Vương quốc Bỉ. Ảnh: Reuters Đây được cho là một bước thụt lùi...