“Ép” công nhân làm khi giàn giáo rung lắc, giám sát Hàn Quốc tù 12 năm?
Giám sát người Hàn Quốc bắt công nhân quay lại làm khi giàn giáo rung lắc vụ sập giàn giáo Formosa Hà Tĩnh có thể bị phạt tù cao nhất 12 năm.
Liên quan đến vụ sập giàn giáo ở dự án Formosa, tỉnh Hà Tĩnh khiến 13 người chết và hơn 20 người bị thương, luật sư Nguyễn Anh Thơm -VPLS Nguyễn Anh – Đoàn LSTP Hà Nội cho rằng giám sát người Hàn Quốc có thể phải chịu hình phạt theo quy định tại Điều 247 Bộ luật Hình sự (BLHS).
Khu vực hiện trường vụ sập giàn giáo ở dự án Formosa, Hà Tĩnh.
Nhận định về vụ tai nạn, luật sư Thơm cho biết: “Trước hết phải xác định đây là vụ tai nạn trong lĩnh vực an toàn lao động do không thực hiện đầy đủ hoặc thực hiện sai các quy định về an toàn lao động trong xây dựng nên mới dẫn tới bị sập giàn giáo và 13 người công nhân tử vong, gây thiệt hại về tài sản”.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý tại sự cố nghiêm trọng này chính là việc giàn giáo đã rung, lắc mạnh trước khi đổ sập xuống. Theo lời kể của các nạn nhân, hiện tượng rung, lắc xảy ra trước đó khoảng 1 tiếng, một số công nhân bỏ chạy và đã có ý kiến với tư vấn giám sát người Hàn Quốc. Tuy nhiên, người giám sát này vẫn yêu cầu công nhân trở lại làm việc.
“Trách nhiệm chủ yếu dẫn tới vụ tai nạn là do giám sát thi công trực tiếp giám sát, chỉ đạo thi công đã không tuân thủ các quy định về an toàn lao động. Khi các công nhân đã có ý kiến thấy hiện tượng rung lắc mạnh trên giàn giáo mà giám sát không kiểm tra, đánh giá và yêu cầu ngừng thi công để đảm bảo an toàn tính mạng công nhân và tài sản của công trình.
Hậu quả xảy ra gây chết nhiều người và thiệt hại về tài sản. Hành vi của người giám sát có dấu hiệu “vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 227 BLHS”, luật sư Thơm phân tích.
Bên cạnh đó, theo luật sư Thơm, lỗi của người tư vấn giám sát trong vụ việc này là lỗi vô ý được quy định tại khoản 1 điều 10 BLHS: “Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được”.
“Nếu người giám sát công trình không có mặt ở hiện trường thì quy vào tội lơ là. Nhưng ở đây, người giám sát có mặt ở công trường và được công nhân báo giàn giáo rung lắc, nhưng vẫn cho thi công thì người này phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra sự việc. Người trực tiếp giám sát phải bị khởi tố hình sự được quy định tại Điều 227 BLHS với mức án cao nhất 12 năm tù”.
Video đang HOT
Nói về trách nhiệm của nhà thầu khi để xảy ra tai nạn nghiêm trọng nói trên, Luật sự Anh Thơm cho rằng khó có căn cứ để xác định trách nhiệm nhà thầu. “Vệc đảm bảo an toàn lao động đã được nhà thầu thuê đơn vị giám sát phải chịu trách nhiệm giám sát về các biện pháp đảm bảo an toàn khi trong thi công. Do vậy, nếu hậu quả xảy ra thì bên giám sát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả thiệt hại do không làm đúng trách nhiệm của mình”.
“Cần khởi tố vụ án hình sự để làm căn cứ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền trong việc đảm bảo an toàn lao động trong thi công các công trình xây dựng. Yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu, giám sát,.. phải đảm bảo tuyệt đối theo đúng các qui chuẩn về an toàn lao động trong thi công thì công trình mới được xây dựng”, luật sư Thơm nhấn mạnh.
Điều 227 (Bộ Luật Hình sự): Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người
1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3.Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
5.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo Kiến Thức
Sập giàn giáo Formosa: Nhiều uẩn khúc chưa được làm rõ
Cuộc họp báo diễn ra nhanh chóng, nhiều chất vấn không được các bên liên quan trả lời thỏa đáng. Xuất hiện một doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến dự án nhưng lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh thừa nhận không biết.
Nỗ lực cứu hộ tại hiện trường vụ sập giàn giáo.
Chưa thỏa đáng
Mở đầu buổi họp báo, rất nhiều phóng viên báo chí hụt hẫng khi hai đơn vị Formosa và Cty Samsung C&T chưa có mặt. Sau phần báo cáo tóm tắt và giải quyết sự việc của ông Đặng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, rất nhiều phóng viên báo chí đặt câu hỏi về vụ việc.
Ông Phạm Trần Đệ, Phó trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hợp đồng cung ứng lao động giữa Samsung C&T Việt Nam và Nibel đã được kiểm tra và đúng luật. "Về bảo hiểm, chế độ chính sách của các lao động, do số lượng công nhân trên công trường quá lớn (xấp xỉ 3 vạn người - PV) nên thực tế chúng tôi chưa tiếp cận được. Chúng tôi sẽ kiểm tra làm rõ.
Vấn đề công nhân phản ánh về hiện tượng rung lắc giàn giáo trước khi sập, đây là thông tin để tổ thanh tra kiểm tra, xử lý", ông Đệ nói. Về thông tin có nạn nhân thứ 29 tên Lê Văn Núi (quê huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đang điều trị ở Thừa Thiên - Huế, ông Phạm Trần Đệ cho biết, sẽ cử cán bộ điều tra để thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân.
Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của Sở trong việc quản lý để xảy ra sự việc đau lòng trên, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, chủ đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm, Sở chỉ quản lý về lao động. Sở cũng thường xuyên kiểm tra các công trình của Formosa. Năm 2014 có 16 nhà thầu chính và phụ ở Formosa đã được kiểm tra, xử phạt gần 2 tỷ đồng, trong đó về an toàn lao động là hơn 700 triệu đồng. Riêng công trình của Cty Samsung C&T, từ 2013 đến nay đã kiểm tra nhiều lần nhưng không phát hiện sai phạm về an toàn lao động.
Ông Thái Chí Pháp, Trưởng đại diện Formosa tại Hà Tĩnh chia sẻ những đau thương và mất mát với nạn nhân và người nhà. "Đây là sự cố ngoài ý muốn. Formosa tạ lỗi với nạn nhân và gia đình. Cảm ơn các bộ ngành, lãnh đạo tỉnh và lực lượng cứu hộ đã vào cuộc cứu hộ nhanh chóng", ông Thái Chí Pháp nói. Ông Pháp cho biết đang cùng phía Cty Samsung C&T Việt Nam tích cực giải quyết sự việc.
Về trách nhiệm của Formosa trong việc kiểm tra quá trình xây dựng, vận hành tại công trường, đại diện Formosa cho biết, đã giao tổng thầu cho Cty Samsung C&T, và Samsung C&T phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Đại diện Cty Samsung C&T cho biết, số nhân lực làm việc tại công trường được Cty hợp đồng với Cty cổ phần xây dựng và cung ứng lao động quốc tế (Nibelc). "Cty Nibelc chỉ cung cấp nhân lực, còn điều hành, vận hành, chỉ đạo của Cty Samsung C&T Việt Nam", đại diện Cty Samsung C&T Việt Nam nói.
Nhiều uẩn khúc?
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong về việc, có thông tin hệ thống giàn giáo bị sập là do một Cty có tên Samku lắp ráp và cung cấp cho Cty Samsung C&T? Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cho biết, hiện tỉnh vẫn chưa nắm được thông tin này.
Phía Formosa và Cty C&T cúi đầu tạ lỗi với nạn nhân và gia đình. Ảnh: Cẩm Kỳ
Đại diện Cty Samsung C&T Việt Nam cho biết, vụ việc không liên quan đến Cty Samku. Tuy nhiên, một đại diện khác lập tức đứng dậy xin đính chính lại rằng Cty Samku là nhà thầu cung cấp toàn bộ thiết bị, hệ thống giàn giáo là đúng. "Các thiết bị sử dụng tại công trường đã được sự kiểm duyệt của Việt Nam. Hệ thống này được nhập về từ Thụy Điển", đại diện Cty Samsung C&T Việt Nam nói.
Một thông tin cho Tiền Phong hay, "Samku thi công toàn bộ hệ thống giàn giáo và cốp pha trượt không đảm bảo chất lượng. Còn phía Cty Samsung C&T vận hành hệ thống không đảm bảo an toàn".
Về thông tin trước khi sập giàn giáo, công nhân bỏ chạy ra ngoài, nhà thầu yêu cầu công nhân trở lại làm việc. Đây là thông tin gây sốc, nhiều cơ quan báo chí đề nghị được làm rõ. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, lãnh đạo BQL Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đều né tránh trả lời và cho rằng chờ đoàn kiểm tra liên ngành làm rõ sẽ trả lời sau.
Còn đại diện nhà thầu là Cty Samsung C&T cũng không đưa ra câu trả lời mặc dù phóng viên nhắc lại nhiều lần. Nhiều phóng viên đưa ra thông tin, người trực tiếp quản lý, vận hành là người Hàn Quốc. Lúc xảy ra sự việc bị nhiều công nhân bức xúc đuổi đánh. Có hay không việc người này đang bị cấm xuất cảnh. Tuy nhiên, những chất vấn của phóng viên không được các bên liên quan đáp lại.
Đại tá Nguyễn Văn An, Phó GĐ Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đang tiến hành điều tra để làm rõ nguyên nhân xẩy ra sự cố. "Ban đầu đã có dấu hiệu hình sự nhưng đang điều tra. Nếu đủ yếu tố thì sẽ khởi tố vụ án hình sự", đại tá An nói.
Ông Lê Thành Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, yêu cầu phía chủ đầu tư Formosa và các nhà thầu rà soát lại toàn bộ việc an toàn lao động tại công trường dự án Formosa, kiên quyết đình chỉ các công trường không đủ điều kiện. "Cái này tỉnh đã nhắc rất nhiều. Sau khi kiểm tra rà soát phải báo cáo UBND tỉnh. Cơ quan cảnh sát điều tra phải điều tra sâu nguyên nhân vụ việc để có hướng xử lý", ông Lê Thành Long nhấn mạnh.
Theo Tiền Phong
Công bố nguyên nhân vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa Ngày 27/3, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Họp báo về vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa thuộc Khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Các lực lượng chuyển khối sắt thép ra khỏi hiện trường. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN) Nguyên nhân ban đầu được xác định là do quá trình vận hành, hệ thống má phanh thủy lực...