Ép con bú mẹ hại con lồng ruột
Vừa cố ép con ti nốt cho no, mẹ bỗng tái mặt khi thấy con đôt nhiên gập bụng, khóc thét, sữa phun trào kín cả mắt mũi.
Chủ nhật vừa rồi quả là một ngày kinh hoàng của mình. Hôm đấy là cữ bú trưa của Thỏ. Vì đã khá mệt mỏi sau cả buổi sáng cuối tuần hì hục dọn nhà nên khi cho con bú, dù thấy bé đã có vẻ hơi no nhưng mình vẫn cố ép bé bú nốt. Một phần là vì muốn Thỏ bú được sữa cuối cho nhiều chất, phần cũng vì để con bú đẫy thì ngủ cho sâu, mẹ còn nghỉ ngơi.
Đang cố ép Thỏ bú thêm theo thói quen, mình bỗng hoảng hốt, tái mặt khi thấy con đột nhiên gập bụng, khót thét, sữa phun ra trào kín mặt mũi, ướt cả áo mẹ. Bố nó và bà nội ở nhà dưới cũng sợ quá, chạy vội vào phòng hai mẹ con. Cả nhà thay phiên nhau bế dỗ, nựng nịu nhưng Thỏ vẫn khóc, trớ ra hết sạch. Bế ngửa thì con gập cong người, bế đứng thì con đạp thẳng vào bụng mẹ. Hoảng hốt, mình nước mắt như mưa vừa bảo chồng gọi taxi vừa gói ghém đồ đạc vào viện Nhi.
Hôm đấy sau khi siêu âm, bác sĩ chuẩn đoán Thỏ bị lồng ruột, phải bơm tháo lồng gấp. Vậy là, con ngây ngô chẳng biết gì, chỉ biết đau nên khóc đỏ cả mặt. Mình và bố Thỏ mỗi người một bên giữ con để bác sĩ thực hiện. Nhìn con đau đón mà tim mình khi ấy như có hàng vạn mũi kim đâm. Đến buổi tối đã về nhà rồi, con vẫn bỏ ăn, bỏ uống. Đút được thìa sữa nào là nôn ra thìa đấy. Có khi ở trên đang ăn, ở dưới đã đi ngoài, phân lỏng toàn màu nâu đỏ. Mãi đến đêm thì mệt mỏi lả đi. Mấy hôm sau mới khỏi hoàn toàn.
Khi ấy nhớ lại, Thỏ trước đấy mấy hôm cũng đã có biểu hiện đau bụng và trớ sữa, khóc gào sau khi ăn. Vậy nhưng bế ẵm dỗ dành con một lúc lại thôi nên mình cũng chủ quan không theo dõi sát sao. Bác sĩ mắng mình “té tát” vì tội ham ép con ăn, thấy bé có biểu hiện đau bụng nhưng không đưa đi khám kịp thời. “Để chậm chút nữa thì mất con”, lời bác sĩ hôm đấy vẫn khiến mình sợ đến thắt ruột khi nghĩ lại.
Trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi, nhất là những bé bú mẹ và bụ bẫm thì thường có khả năng cao xảy ra lồng ruột. Vì vậy, các mẹ cần lưu ý rõ về căn bệnh này để còn kịp đưa con đi cấp cứu, nhất là khi thấy bé có biểu hiện đau bụng. Mình muốn viết ra đây những thông tin mình tìm hiểu được về căn bệnh này. Một là để bản thân phải nhớ, hai cũng là muốn chia sẻ với các chị em đang chăm con nhỏ
Lồng ruột là gì?
Trong quá trình phát triển của bào thai, đoạn đầu của ruột già bao gồm manh tràng và đại tràng được cố định vào thành bụng, còn ruột non thì không. Nhưng trong trường hợp manh tràng và đại tràng không được cố định, không dính vào thành bụng, cộng với nhu động quá mạnh của ruột khiến cho ruột non chui vào lòng ruột già sẽ gây ra lồng ruột.
Nguyên nhân
Video đang HOT
Lồng ruột thường xảy ra ở trẻ còn bú mẹ, hay gặp nhất ở lứa tuổi 4 – 9 tháng. Đặc biệt ở trẻ khoẻ mạnh, bụ bẫm, ham ăn do nhu động ruột mạnh nên càng dễ bị lồng ruột. Ngay cả trong trường hợp cha mẹ, người trông trẻ nô đùa với trẻ làm trẻ cười quá nhiều, hoặc tung trẻ lên cao, rung lắc mạnh… cũng có thể khiến trẻ bị lồng ruột. Tuy nhiên, tới 90% trẻ bị lồng ruột lần đầu tiên không rõ nguyên nhân. Có một số giả thiết cho rằng kích thước của ruột có sự mất cân đối hoặc do quá sản tế bào lympho, trẻ có polip, bị viêm đường hô hấp trên và viêm ruột cũng có thể khiến trẻ bị lồng ruột.
Lồng ruột thường xảy ra ở trẻ còn bú mẹ, hay gặp nhất ở lứa tuổi 4 – 9 tháng (ảnh minh họa)
Biểu hiện của trẻ bị lồng ruột
Lồng ruột là một trạng thái bệnh lý, khi một đoạn ruột chui vào lòng của một đoạn ruột kế cận. Khi chui vào kèm theo các mạch máu cũng bị cuốn vào trong lòng đoạn ruột chứa lồng, hậu quả là tạo nên sự thắt nghẹt các mạch máu này khiến tổn thương đoạn ruột bên dưới và chảy máu, có khi khiến ruột bị tắc, dẫn đến đoạn ruột lồng sẽ bị hoại tử nếu không can thiệp kịp thời. Dưới đây là những biểu hiện khi bé bị lồng ruột:
- Khi đang ăn chơi bình thường, bé bỗng nhiên khóc thét lên từng cơn. Trong cơn khóc bé thường ưỡn người, bỏ bú, khóc kéo dài độ vài phút sau đó nằm yên 10 – 15 phút lại tỉnh dậy, có thể bú một ít rồi khóc tiếp.
- Khi khóc mặt bé thường trắng bệch, lưng cong ưỡn lên, hai tay nắm chặt, chân co lại hay đạp lung tung.
- Nếu không được phân biệt và phát hiện sớm, sau lần quấy khóc đầu, ở lần khóc thứ hai, cách lần đầu khoảng 5 – 6 tiếng, bé sẽ bắt đầu nôn. Ở giai đoạn sớm, bé nôn ra thức ăn chưa kịp tiêu hóa, giai đoạn muộn hơn bé sẽ nôn ra mật xanh vàng, sau đó nôn ra dịch dạng phân.
Điều trị
Khi trẻ có những dấu hiệu đầu tiên của bệnh lồng ruột thì cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để việc xử trí được đơn giản và không để lại hậu quả nghiêm trọng. Nếu trẻ bị lồng ruột được phát hiện sớm thì có thể áp dụng phương pháp tháo lồng: bơm hơi qua hậu môn để đẩy chỗ ruột lồng ra.
Còn nếu sau 24 tiếng, khi khối ruột lồng đã bị hoại tử, thủng ruột, viêm phúc mạc, thì phải phẫu thuật cắt đại tràng ngoài ổ bụng hoặc cắt nửa đại tràng phải.
Theo Eva
Trẻ lồng ruột dễ bị cấp cứu muộn
Thấy con trai 11 tháng chốc chốc lại khóc ngằn ngặt, sau đó nôn, đi ngoài ra máu, vợ chồng chị Bích nghĩ con bị lỵ nên mua thuốc cho bé uống. Mấy hôm sau con không đỡ, anh chị đưa con đi viện mới biết bé bị lồng ruột, ruột đã hoại tử.
"Lúc đầu thấy con cứ sau một hồi gào khóc lại chơi như bình thường mình còn tưởng cháu quấy, bày trò ăn vạ. Sau đó nghĩ con đau bụng, đi kiết lỵ nên cứ tìm cách chữa ở nhà, ngờ đâu khiến con đi chữa muộn, phải cắt một đoạn ruột", chị Bích (Từ Liêm, Hà Nội) kể.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày tại đây tiếp nhận cấp cứu, tháo lồng ruột cho 4-5 trẻ. Nhiều bé vì không được phát hiện bệnh kịp thời khiến tình trạng bệnh nặng, gây biến chứng.
Trường hợp bé Nam, 13 tháng tuổi ở Bắc Ninh, là một điển hình. Cháu nhập viện trong tình trạng sốt, nôn, đau bụng dữ dội, khóc ngặt từng cơn. Bố mẹ không biết, đưa đến viện muộn khi đoạn ruột lồng đã chui sâu vào nhau gây sưng nề, tắc nghẽn mạch máu. Các bác sĩ phải phẫu thuật để tháo lồng cho bé.
Bệnh nhi đi khám tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: MT.
Bác sĩ Đặng Thúy Hà, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, lồng ruột là tình trạng quai ruột cuộn vào nhau. Đây là cấp cứu ngoại nhi thường gặp và là nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ. Bệnh hay xảy ra với trẻ dưới 2 tuổi, thường gặp ở trẻ trai nhiều hơn gái và ở trẻ bụ bẫm nhiều hơn trẻ nhẹ cân. Trẻ lớn vẫn có thể bị lồng ruột nhưng tỷ lệ ít hơn.
Theo bác sĩ, cho đến nay, nguyên nhân gây lồng ruột ở trẻ nhỏ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nhiều phụ huynh cho rằng trẻ lồng ruột là do bị tung hứng hay chọc cười quá mức nhưng chưa có nghiên cứu nào xác nhận điều này. Với trẻ 2 tuổi trở lên, lồng ruột thường do có polip đại tràng, khối u... Trong các trường hợp trẻ bị tái đi tái lại nhiều lần, trên 2 tuổi, thầy thuốc thường phải cố gắng tìm nguyên nhân để xử lý.
Bác sĩ Hà cho hay, lồng ruột ở trẻ hay xảy ra vào mùa lạnh. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất là trẻ khóc từng cơn, bụng đau quặn, nôn, ban đầu nôn ra thức ăn, sau là ra dịch vàng, đi ngoài phân máu. Hiện nay, chẩn đoán qua siêu âm cho kết quả gần như tuyệt đối.
Trẻ bị lồng ruột được điều trị bằng cách đặt xông trong hậu môn, tháo lồng, bơm hơi, theo dõi, nếu ổn định có thể về nhà. Nhiều trường hợp bị lồng ruột phức tạp phải tháo nhiều lần. Có trẻ lồng ruột tái đi tái lại nhiều lần, thậm chí có bé phải nhập viện tháo lồng ruột tới 9 lần. Với những bệnh nhi này, thường bác sĩ chỉ định nội soi đại tràng xem có polip hay vấn đề gì bất thường không, hoặc mổ cố định hồi manh tràng.
Theo bác sĩ, các bậc phụ huynh thường không có kinh nghiệm về bệnh lồng ruột ở trẻ, nhất là khi thấy các triệu chứng khá mù mờ. Trẻ vẫn ăn, chơi, thi thoảng đau bụng theo cơn như giả vờ...
Mặt khác, biểu hiện của lồng ruột dễ nhầm với nhiều rối loạn tiêu hóa khác. Nhiều trường hợp trẻ nhỏ quấy khóc, nôn, bố mẹ lại nghĩ con bị tiêu chảy cấp, tiêu chảy do rotavirus, hay khi thấy trẻ đi ngoài ra máu lại nghĩ con bị lỵ hay tắc ruột... Khi trẻ nôn ra dịch vàng là biểu hiện rõ ràng. Những trường hợp đi ngoài ra máu thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Nếu để muộn lồng ruột có thể dẫn tới viêm ruột, hoại tử ruột (vì ruột xoắn lại, không có mạch máu nuôi), khi đó phải mổ, cắt ruột. Khi muộn, trẻ sốc hoại tử ruột, rối loạn huyết động, ly bì, nhiễm trùng huyết động, một số phải hồi sức cấp cứu tích cực, bụng chướng căng phồng.
"Nên cho con đi khám khi thấy trẻ đau bụng, quấy khóc, nôn (lúc đầu ra thức ăn, lúc sau ra dịch vàng), đi ngoài ra máu (máu đỏ thẫm)... để bác sĩ xác định chính xác bệnh của bé. Nếu lồng ruột phải cấp cứu ngay, tránh các biến chứng đáng tiếc", bác sĩ Hà khuyến cáo.
Theo VNE
Lỗi dinh dưỡng mẹ hại con "lùn tịt" Có những thực phẩm tưởng giàu canxi mà hoá ra không phải! Ngày nay, các bà mẹ vẫn hay truyền nhau câu nỏi "nuôi con chiều dài chứ không ai nuôi con chiều ngang". Có thể thấy được, vấn đề cải thiện chiều cao cho thế hệ sau đang rất được xã hội quan tâm. Chị em không tiếc tiền mua sữa ngoại,...