Em vẫn chưa một lần trở lại thăm thầy
Đã tám năm trôi qua kể từ ngày em tốt nghiệp Đại học và cũng rất nhiều lần em vào lại trường cũ để học các khóa bồi dưỡng, để tham dự các lớp tập huấn những kiến thức mới nhưng chưa một lần em chủ động đến văn phòng gặp thầy, cùng thầy trò chuyện hay đơn giản chỉ là để hỏi thăm sức khỏe của thầy.
Nhớ ngày ấy, thầy vừa là phó khoa Kỹ thuật cơ sở, vừa là giảng viên dạy cho tụi em những môn học ở học kỳ cuối và vừa là người nhận hướng dẫn đề tài tốt nghiệp cho em. Những lần gặp thầy ở văn phòng khoa là thầy lại cung cấp thêm thông tin, hướng dẫn cách thực hiện và đưa thêm tài liệu, giáo trình, sách tham khảo. Trong thời gian ấy, tuy có những khó khăn, những lúc chưa tìm được hướng đi thích hợp, chưa xác định được các bước tiếp theo nhưng em cũng phần nào yên tâm vì có sự hỗ trợ từ thầy. Những lần trao đổi cùng nhau ở trường và kể cả những lúc thầy dành thời gian cho em để hướng dẫn thêm tại nhà thầy dù lúc đó gia đình thầy đang có người bệnh nặng đã làm em có thêm động lực mà hoàn thành luận văn đúng thời gian quy định.
Em còn nhớ sáng hôm sau là ngày khoa tổ chức bảo vệ thì chiều hôm trước em đã đem tất cả những tài liệu thầy cho mượn đến gặp thầy để trả lại và cảm ơn thầy đã giúp đỡ. Trước thời điểm ấy, theo “truyền miệng” của nhiều bạn cùng khóa là nên có quà gởi cho người hướng dẫn trước khi bảo vệ. Em cũng “bắt chước” và đã gọi về quê xin thêm tiền của gia đình. Khi có tiền rồi, em đã ra sau Trung tâm Việt Đức vì nơi ấy vắng vẻ và bỏ vào phong bì 200 ngàn để gởi thầy khi gặp. Với em, số tiền ấy là một số tiền lớn và mục đích để em làm việc ấy chỉ để cảm ơn thầy vì đã tận tình giúp đỡ trong thời gian em làm luận văn.
Nhưng khi gặp thầy rồi, trao đổi với thầy xong, thầy cũng dặn dò cố gắng bình tĩnh, cố gắng bảo vệ cho tốt và đánh giá là cả hội đồng chứ thầy không thuộc hội đồng ấy thì em đã đưa phong bì chuẩn bị trước gởi thầy. Em còn nhớ, nét mặt của thầy lúc ấy rất bất ngờ và thầy đã kiên quyết từ chối. Thầy không la em nhưng những lời nói của thầy là nghiêm khắc và dứt khoát. Và thầy vẫn hy vọng khi em tốt nghiệp, có việc làm ổn định, có cơ hội thì thầy trò có thể gặp nhau. Lúc ấy, nếu có một món quà gởi đến thầy, thành tâm cảm ơn mà không vướng bận chuyện gì khác thì thầy sẽ nhận chứ giờ thì không.
Câu chuyện này, em vẫn thường kể lại với những lớp sinh viên đàn em mà em có cơ hội truyền đạt kiến thức cũng như các đồng nghiệp của em. Dù em vẫn theo dõi những thông tin về trường, biết thầy đã chuyển sang khoa Cơ khí (ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) và vẫn tiếp tục công tác, lãnh đạo khoa nhưng em vẫn chưa một lần gặp trực tiếp thầy dù bây giờ em có thể mua được nhiều cái áo, nhiều món quà gởi đến thầy bằng chính số tiền em có được và chắc thầy cũng không còn khó xử với việc “trao tặng” này.
Video đang HOT
Những bài học thầy dạy, những lời thầy chỉ bảo, em hứa sẽ luôn khắc ghi và truyền dạy lại cho thế hệ đi sau. Em cũng phải dứt khoát hơn nữa để trong một tương lai gần có thể, em sẽ về thăm thầy. Cảm ơn thầy – Thầy Dương Đăng Danh của em.
Theo người lao động
Những luống cao lương không còn
Ngày ấy, thị trấn quê tôi có đủ ba ngôi trường của bậc học phổ thông. Con kênh đào chảy ngang qua chia cắt thị trấn làm hai phần: bên này quốc lộ và phần còn lại gọi là bên chợ. Trường của chúng tôi nằm ở bên chợ, một ngôi trường xây dựng từ thời thuộc Pháp, tường vôi loang lổ, mái ngói rêu phong.
Tôi học suốt ở đấy, và tất nhiên, có rất nhiều kỷ niệm.
Dấu ấn sâu đậm nhất đến vào năm cuối cấp. Tôi được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi văn của trường, hãnh diện cùng nhóm bạn ngày đêm ôn luyện văn chương, khi thì ở lớp học vào những ngày cuối tuần, khi ở nhà cô giáo dạy văn sau một ngôi chùa của người Hoa. Máu văn chương nhen nhúm trong lòng cậu nam sinh nhà quê được cô bạn cùng nhóm "tác động" làm cháy lên ngọn lửa nhỏ.
Ở cuối trường, các em khối lớp dưới trồng nhiều cao lương. Năm ấy cao lương trĩu hạt. Tôi cứ vơ vẩn ở đấy suốt trong những phút giải lao, bâng quơ nghĩ về em- người bạn gái học văn xinh đẹp, dịu dàng.
Khi bắt gặp cái nhìn đáp lại của em ngày một ấm áp hơn, tôi đã có một quyết định "lịch sử": tỏ tình. Đêm ấy, tôi cứ ngồi dưới ánh đèn dầu viết thư cho em. Tôi khổ sở vì không sao viết nổi một lá thư ưng ý. Sao khi đốt hết một xấp "bản thảo", cuối cùng "tác phẩm" cũng được duyệt, tôi cất lá thư trong quyển sách giáo khoa và thiếp đi...
Sáng hôm sau đến lượt đội cò đỏ của tôi trực nhật. Giờ thể dục giữa giờ tôi chỉnh tề đứng ở hành làng lớp của em. Trống thể dục nhịp nhàng vang lên trong nắng nhẹ vàng ươm sân trường. các khối lớp khỏe khoắn thực hiện các động tác thể dục theo lệnh của trống. Tim tôi đập liên hồi chẳng nhịp nhàng tí nào. Khi hàng trăm chiếc áo trắng quay lưng lại sau một động tác, tôi vội lẻn vào lớp em, mở vở của em, để vào đấy "tác phẩm" của mình hoàn thành sau một đêm trắng.
Sau đấy, cho đến hết giờ, tôi cứ lo lắng không hiểu mình có thần hồn nát thần tín để lá thư tỏ tình nhầm vào vở của người khác không và nếu có sự cố như thế thì hậu quả sẽ như thế nào, nghĩ đến đấy tôi ướt cả mồ hôi...
Hôm sau, hôm sau nữa, gặp em ở lớp và ở nhà cô giáo, qua ánh nhìn, tôi hiểu em đã đọc thư. Chỉ như thế thôi, chẳng có gì, nhưng đấy là những cảm xúc đẹp đầu tiên của một chàng trai. Em là một Tonhia lá ngọc cành vàng...
Tôi vào đội tuyển văn của tỉnh, tập trung lên sở để ôn luyện tiếp, em rời cuộc chơi. Lá thư không được "phúc đáp", nhưng tình cảm trong lành giữ trong lòng cho đến tận hôm nay.
Lận đận trong đời, thỉnh thoảng về quê lại tạt ngang thăm trường. Những luống cao lương không còn, những dãy phòng học rêu phong không còn, ngôi trường tinh tươm bề thế mới xây... Nhưng hình ảnh về em vẫn còn. Này là chỗ chúng tôi thường ngồi uống trà đá tranh luận với nhau về một đề văn, và cuộc tranh luận ấy chỉ là một cái cớ để... nhìn nhau. Này là vị trí bàn em ngồi học, nơi mà mấy mươi năm trước anh chàng cờ đỏ là tôi đã liều lĩnh "phát hành" tác phẩm tỏ tình của mình... Kỷ niệm không phai, ký ức cứ hiện về.
Lũ bạn bắn tin em đã có chồng, có con và hạnh phúc ở quốc gia xa xôi tận Bắc Mỹ. Mừng cho em, Tonhia...
Vâng, tất cả hãy còn, chỉ trừ những luống cao lương...
Theo người lao động
Có một con đường cần phải đi Bước ra từ tòa soạn báo, tôi vui mừng muốn hét lên. Tôi đã được nhận kiến tập tại cơ quan báo mà tôi thích. Tôi muốn chia sẻ niềm vui và gửi lời cảm ơn đến mọi người thân, bạn bè của tôi. Đặc biệt, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến cô, người đã cho tôi động lực để đi trên...