Em trai “ra tay” với anh vì không được cưới vợ
Trong bữa cơm sum họp của gia đình, Chương buông lời trách cha mẹ không chịu cưới vợ cho mình. Thấy em trai trách mẹ vô lý, người anh liền khuyên giải, không ngờ nhận cái chết tức tưởi.
Đi tù về tội giết người, nhiều đêm Chương mơ thấy anh trai nhìn mình giận dỗi. Nước mắt ướt đầm, Chương muốn nói lời xin lỗi mà không sao cất được lên lời. Nôi đau cứ thế từng đêm dằn vặt Chương.
Bữa cơm định mệnh
Chiều ngày 8/7/2003, tại nhà ông Lường Văn Tủa, ở bản Ngoa, xã Phú Sơn, huyện Văn Chấn, Yên Bái, có tổ chức bữa cơm gọi là cám ơn những người đã tới hộ việc ma chay.
Ăn uống xong, mọi người kéo nhau về, chỉ còn lại hai người đàn ông cạnh nhà với bố con ông Tủa là Lường Văn Chương và Lường Văn Ơn. Tuổi cao lại phải uống nhiều nên chỉ một lúc sau, ông Tủa cũng đứng dậy vào buồng ngủ. Vợ ông, bà Quàn Thị Lả thấy thế cũng đứng lên ra chỗ bàn uống nước xem tivi và ăn trầu.
Một lát sau, có thêm hai thanh niên cùng bản vào ngồi song anh Ơn lấy lý do mệt, cáo từ chuyện uống rượu, ra ngồi nói chuyện với mẹ. Chỉ còn Chương và bốn người khác ngồi nhâm nhi với nhau.
Dường như chỉ lúc này khi đã ngà ngà say Chương mới có can đảm nói ra điều ấm ức bấy lâu cất giữ trong lòng nên đứng dậy, ra chỗ mẹ cất tiếng hỏi: “Mẹ đã say chưa, sao không uống rượu nữa?”. Bà Lả đáp: “Mẹ không say nhưng không uống nữa, nhai trầu xong thì đi ngủ thôi”. Chương hỏi tiếp, giọng gắt gỏng: “Sao mẹ không tổ chức cưới cho con?”.
Mặc dù nghe mẹ phân tích rằng gia đình vừa dồn hết tiền vào việc lo hậu sự cho hai người mới mất, rồi thêm việc anh trai Chương tên là Chò vừa làm nhà mới nên hiện giờ không thể xoay đâu ra tiền để hỏi vợ cho Chương nhưng anh ta không chịu.
Chương đá cái nọ, ném cái kia rồi lớn tiếng nói lại mẹ, cho rằng bà thiếu công bằng, không cho anh ta lập gia đình vì muốn bắt anh ta ở lại nhà thêm một thời gian nữa để làm việc. Nghe tiếng con trai nói hỗn với vợ, ông Tủa từ trong buồng ngủ đi ra, quát Chương, tức thì bị anh ta xông vào đánh.
Anh Ơn ngồi gần đó liền xông tới, đấm một cái vào ngực Chương với ý can ngăn: “Mày định đánh bố mẹ à?”. Chương quay sang đánh người anh. Những người có mặt liền xúm vào can song Chương như kẻ cuồng điên, không còn biết gì nữa.
Anh ta lấy liềm chém anh trai nhưng bị bà Lả giằng được, vứt xuống sân. Chương lại chạy đi lấy dao song vẫn không đạt được ý định chém anh mình vì bị những người ở đó cản, giữ.
Nghe lời khuyên của mọi người, anh Ơn đi về nhà mình nhưng mới vừa đi xuống sân thì Chương đã nhảy qua cửa sổ, chặn đầu. Như một kẻ cuồng điên, Chương cầm dao đuổi theo anh mình, mặc cho anh Ơn vừa chạy vừa van xin. Chương đuổi kịp anh và những nhát dao trong tay kẻ say rượu đã khiến anh Ơn thiệt mạng.
Ngày hầu tòa, đứng trước vành móng ngựa, Chương cảm nhận hết nỗi đau đớn, ân hận khi trước mặt anh ta là khuôn mặt đau khổ của bố mẹ, là đôi mắt tiều tụy, âu sầu của người chị dâu và cái nhìn ngơ ngác của 4 đứa cháu mồ côi. Đứa bé nhất ngồi trên lưng mẹ cứ chìa đôi tay bé xíu về phía Chương đòi bế khiến mẹ nó là chị Lường Thị È, vợ anh Ơn, phải cõng con ra ngoài.
Chương bảo hôm bị đưa ra tòa xử, cô người yêu cũng tới dự nhưng chỉ gục đầu khóc. Án 16 năm tù, Chương biết chẳng còn cơ hội nên nghĩa vợ chồng với người mình thương yêu.
Phạm nhân Lường Văn Chương.
Video đang HOT
Thương em chồng vì nôn nóng lấy vợ, trong lúc say rượu không làm chủ bản thân nên chị Ẻ đã làm đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt cho Chương nhưng qua 2 phiên tòa xét xử, Chương vẫn chịu mức án 16 năm tù.
Sẽ nuôi con anh trai để chuộc lỗi
Về trại giam Quyết Tiến cải tạo, Chương ôm nỗi hận vì lỡ dở tình duyên thì ít mà xót xa cho những đứa cháu mồ côi cha thì nhiều bởi mẹ chúng, chỉ một năm sau đã bỏ đi lấy chồng.
“Gia đình tôi ở xa, điều kiện kinh tế không có nên một, hai năm mới có được một lần thăm gặp. Trong này tôi cũng chẳng thiếu gì, chỉ mong tin tức về gia đình thôi”, Chương tâm sự.
Chương bảo ngày mới bị bắt, đêm nào anh ta cũng khóc vì thương người anh xấu số và cả thương cho thân mình. Nhưng khi biết chị dâu đi lấy chồng, các cháu phải sống với ông bà thì Chương càng thấy ân hận. Gia đình ở xa, không có điều kiện xuống thăm nuôi thường xuyên nên anh ta không biết nhiều về gia đình.
Mãi năm ngoái, tức là sau gần chục năm anh ta sống trong trại cải tạo, người anh trai mới xuống thăm. Nghe anh kể về gia đình người anh xấu số, Chương thấy xót xa trong lòng. Vẫn biết chị dâu còn trẻ, chẳng dây nào trói được chân người nhưng khi biết chị đã sang Trung Quốc lấy chồng, bỏ đàn con nheo nhóc cho ông bà nội, Chương vẫn thấy day dứt.
“10 năm tôi ở trong này, bố mẹ giờ già lắm rồi, tóc bạc, chắc chẳng còn uống được rượu như ngày xưa nữa. Nghĩ đến bố mẹ là tôi lại ân hận, giá như ngày đó tôi không quá sốt sắng chuyện lấy vợ thì gia đình tôi vui vẻ biết bao”, Chương tâm sự.
Theo lời anh ta thì tại lúc đó trong nhà anh ta ai cũng yên bề gia thất, Chương cũng muốn lấy vợ để đỡ đơn lẻ mới giục bố mẹ cưới vợ cho mình. Rồi Chương cũng tạm yên tâm với lời hứa của bố mẹ rằng năm sau sẽ tính chuyện gia đình cho Chương, nhưng khi nghe cô người yêu thông báo đã có thai, sợ bị làng phạt nên Chương mới nôn nóng.
Hỏi Chương về cô người yêu, anh ta cúi đầu cười buồn: “nghe nói cô ấy sợ làng phạt vạ nên đã bỏ sang Trung Quốc từ lâu rồi”.
Vào trại giam với mặc cảm giết người thân, đêm nào Chương cũng khóc, cũng gọi tên anh trai rồi thì thầm lời xin lỗi. Nghĩ mình dẫu đi tù vẫn có cơm ăn hàng ngày, Chương lại trạnh lòng nghĩ tới những người ở nhà. Không có Chương cuốc rẫy, làm nương, ngô sẽ không nhiều để bố mẹ nấu rượu, rồi con gà, con lợn chắc cũng không nhiều như trước nữa. Bên gia đình anh trai, chị dâu chắc khó mà kiếm đủ gạo để nuôi bọn trẻ,…
Càng nghĩ, Chương lại càng trách mình ích kỷ, hàm hồ, chỉ vì nôn nóng chuyện lấy vợ mà đẩy người thân vào khổ đau, thiếu thốn. Rồi khi biết chị dâu đi lấy chồng, Chương xót xa cho những đứa cháu, mồ côi cha chưa được bao lâu thì giờ chẳng còn mẹ để bấu víu, không biết giờ sống với ông bà già cả thì sẽ thế nào.
Nung nấu ý định bỏ trốn để “về nhà xem tình hình các cháu thế nào” nên đang làm ở đội làm hàng mã, Chương xin chuyển sang đội làm ruộng để có cơ hội đi ra ngoài, chờ thời cơ thuận tiện sẽ bỏ trốn.
Cũng may cho Chương là sự “xung phong làm công việc nặng nhọc” của anh ta trong lúc tâm trạng có nhiều biểu hiện bất thường đã bị những người xung quanh phát giác. Bạn tù động viên, cán bộ phân tích, nhắc nhở, giáo dục, cảnh cáo đã kịp thời giúp Chương tỉnh ngộ.
“Tôi vẫn còn may mắn vì trong lúc tiêu cực thì được cán bộ chỉ cho cái sai để dừng lại, nếu không thì giờ chắc án chồng án rồi”, Chương kể. Anh ta khẽ nhếch mép nhưng nụ cười mỉm ấy nhanh chóng tan biến.
Gương mặt lạnh tanh, Chương buồn bã: “Đàn bà vùng cao, không còn ưng cái bụng thì chẳng làm cách nào giữ họ lại được, có vài con rồi cũng bỏ đi với người khác thôi. Hạnh phúc của tôi bây giờ không phải là lấy vợ mà là trách nhiệm nuôi dạy các cháu thay anh mình. Án của tôi cũng sắp hết rồi, khi trở về tôi sẽ chăm lo cho các cháu để chuộc lỗi đã gây ra. Có như vậy tôi mới được thanh thản”.
Viết thư cho các cháu để lương tâm đỡ cắn dứt và hy vọng các cháu bỏ qua lỗi lầm của mình, Chương không ngờ điều nhận được còn lớn hơn thế. Ngày nhận được thư của đứa cháu lớn gửi vào, Chương không dám bóc ngay vì chưa tin đó là sự thật. Tới khi đọc thư, đến đoạn “chúng cháu tha thứ cho chú và không muốn nhắc tới chuyện cũ nữa, chỉ mong chú sớm trở về cùng gánh vác chuyện gia đình” thì đôi mắt kẻ giết anh trai đã ứa lệ.
Theo lời Chương thì con trai lớn của anh Ơn mới 17 tuổi nhưng tỏ ra là người hiểu biết và rộng lượng. Chương mừng vì được các cháu cảm thông, lại càng có quyết tâm cải tạo tốt để sớm trở về. Không còn bi quan như trước, Chương cảm thấy cuộc sống có mục đích hơn, nên tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng xứng đáng với lòng mong mỏi của gia đình.
6 lần giảm án, Chương gần như sắp hoàn thành thời gian trả giá của mình. Hy vọng sau này mãn hạn trở về, anh ta sẽ sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn với cha mẹ và đàn cháu để mỗi khi chợt nhớ quá khứ, không còn phải day dứt về lầm lỗi năm xưa.
Mai Hạ
Theo_Người Đưa Tin
10 năm văng vẳng tiếng nhạc hiếu 'đòi mạng' bên tai gã phạm nhân
Mỗi khi đặt lưng xuống chiếc giường xi măng lạnh cứng quá khứ lại ùa về giằng xé tâm can khiến Đại dường như quên mất sau một ngày còng lưng kéo xe đất.
Đôi mắt thâm quầng vì bị mất ngủ dường như trũng hơn dưới đôi lông mày rậm rì, đen nhánh. Đoàn Đắc Đại (SN 1979, ở An Dương, Hải Phòng) - phạm nhân đang cải tạo án tù chung thân ở trại giam Nam Hà chậm rãi kể về lầm lỗi của mình với giọng nói khẩn khoản chứa đựng nỗi giày vò, đau đớn.
Đã hơn chục năm rồi, kể từ ngày tự biến mình thành kẻ sát nhân, đêm nào Đại cũng nghĩ đến cái đêm rồ dại ấy để rồi vã mồ hôi vì sợ.
Giết người vì va chạm đời thường Đại sinh ra trong một gia đình trung lưu, không khá giả lắm nhưng cuộc sống cũng khá suôn sẻ, vì thế mà anh em Đại đều được cha mẹ lo cho ăn học đến nơi đến chốn. Lực học có hạn nên sau khi tốt nghiệp THPT, Đại ở nhà phụ cha mẹ bán hàng. Tuổi mười chín, đôi mươi vẫn thường hung hăng, thích động tay động chân hơn suy nghĩ. Đại cũng không nằm ngoài quy luật ấy.
Cạnh nhà Đại là cửa hàng tạp hóa của gia đình ông Tác. Cùng mặt hàng kinh doanh nên việc cạnh tranh nhau để thu hút khách là chuyện thường tình giữa những người làm ăn buôn bán, tuy nhiên vì ở sát vách nên những câu bóng gió, "đá đểu" nhau đến tai đối phương nhanh hơn. Chính vì cạnh tranh không lành mạnh ấy mà giữa bố mẹ Đại và ông Tác xảy ra mâu thuẫn.
Tuy là láng giềng nhưng hai bên gần như không nhìn mặt nhau. Phụ bán hàng với gia đình, thấy bên ông Tác lượng khách vào nhiều hơn, Đại âm thầm tìm hiểu thì biết "đối phương" bán hàng rẻ hơn và cũng sẵn sàng cho mua chịu, nợ tiền, còn nhà Đại thì bán hàng không chịu nợ, thảo nào khách mua "chạy" hết sang bên kia.
Phạm nhân Đoàn Đắc Đại.
Đáng nhẽ phải nhìn nhận để thay đổi chiến thuật chiêu dụ khách quay lại với mình, Đại lại cho rằng vì gia đình ông Tác "chơi bẩn" nên hễ có ai thắc mắc là bắn tin bên láng giềng bán hàng giả, hàng gia công hoặc hàng lậu... Thấy cách làm của mình vẫn không hiệu quả, Đại chợt nảy ra suy nghĩ chỉ có đánh chết ông Tác thì mới dẹp được nguy cơ ế ẩm của cửa hàng nhà mình. Buồn thay, ý nghĩ ngông cuồng, coi thường pháp luật ấy của Đại lại được mấy người bạn ủng hộ.
Đêm 10/3/2000, sau khi đề xuất với Hà, Minh là bạn của Đại về việc đập chết ông Tác để trả thù, Đại lấy con dao ở quán cắt tóc của gia đình Minh rồi cả ba đèo nhau về quán nhà Đại. Vì gia đình Đại có 2 nhà nên cứ chiều đến là bố mẹ và em gái anh ta lại vào ngôi nhà trong làng để ăn uống, sinh hoạt. Đại có nhiệm vụ ngủ đêm tại cửa hàng để trông coi nên biết rất rõ quy luật sinh hoạt hàng ngày của ông Tác.
Khoảng 22h tối đó, biết ông Tác giờ này đang đi bộ thể dục chưa về nên Đại và Hà trèo sang nhà ông Tác, giao nhiệm vụ cho Minh đứng ở ngoài làm nhiệm vụ cảnh giới và báo cho đồng bọn biết khi nào chủ nhà đi về. 20 phút sau, thấy ông Tác đi bộ từ Cầu Rào về, Minh huýt sáo báo hiệu cho Đại và Hà biết. Nhận được ám hiệu của đồng bọn, Đại cầm dùi cui đứng nấp vào sau cửa còn Hà đứng nấp vào quầy tạp hóa.
Khi ông Tác vừa lách cửa vào nhà, đúng lúc quay lại đóng cửa liền bị Đại cầm dùi cui đập mạnh vào gáy. Cú đập có chủ đích của người có sức khỏe đã khiến người đàn ông trung niên choáng ngã. Ngay sau đó, Đại, Hà lao tới, dùng dùi cui, dao, đập liên tiếp vào đầu, người đàn ông vô tội.
Sau khi đánh chết chủ nhà, Đại bật đèn sáng và lấy găng tay đeo vào hòng tránh để lại dấu vân tay khi vét sạch số tiền hàng ông Tác để trong xô nhựa dưới gầm quầy hàng.
Gây án xong, Đại đem hung khí vứt ra sông hòng đánh lạc hướng cơ quan điều tra nhưng rồi 3 hôm sau đã tới cơ quan công an đầu thú. Sau 3 phiên tòa xét xử, Đại bị kết án tù chung thân, về trại giam Nam Hà cải tạo còn những người bạn của anh ta cũng không khỏi dính vòng lao lý.
Hỏi Đại nghĩ gì khi đến cơ quan công an khai báo, có nghĩ việc làm của mình nếu không tự nhận sẽ không ai biết, Đại lặng lẽ: "Em biết khi ra nhận tội thế nào bạn bè cũng oán trách em bởi chính em là nguyên nhân đẩy họ vào con đường tù tội, nhưng không ra đầu thú có lẽ em đến tự tử mà chết mất".
Tạo hiện trường một vụ giết, cướp song những tiếng khóc hờ ai oán của gia đình người xấu số đã khiến Đại cảm thấy chân tay bứt rứt, trong đầu lúc nào cũng văng vẳng tiếng nhạc hiếu như đòi nợ. Hai đêm không dám ngủ vì sợ, chịu không thấu, cuối cùng Đại đã ra đầu thú. Đại bảo từ lúc nói ra sự thật, anh ta mới cảm thấy lòng nhẹ nhõm, lần đầu tiên ngay trong phòng tạm giam có được một giấc ngủ dài.
Lanh lẹ và có đầu óc tổng hợp nên Đại được phân về đội văn hóa của trại, phụ trách bản tin sáng của trại giam. Hàng ngày, từ sáng sớm, Đại ngồi trực trước bộ dàn loa đài để giám sát việc phát bản tin sáng không bị gián đoạn, vấp váp.Được đọc sách càng thấm thía nỗi đau
Những trang tin này do Đại cùng một số phạm nhân khác trong đội thu lượm từ chiều hôm trước, sao chép lại, sau khi trình quản giáo phê duyệt sẽ được kết hợp với những thông tin cần tuyên truyền theo đợt như: phổ biến kiến thức pháp luật; phát động phong trào học và làm việc theo tư tưởng Hồ Chí Minh; phấn đấu cải tạo tốt, rèn luyện giỏi chào mừng các ngày lễ lớn trong năm... chuyển tải đến các phạm nhân.
Ngoài việc theo dõi việc phát bản tin tức buổi sáng, Đại có nhiệm vụ phân loại, dán, bọc các đầu sách của thư viện, sắp xếp theo chuyên mục cho các phạm nhân, ngày nghỉ lên đọc, dễ tìm kiếm. Thời gian này vì trại giam Nam Hà chuyển đến nơi ở mới nên là người có sức khỏe, Đại tạm thời được chuyển sang làm ở đội trồng cây cảnh.
Hàng ngày anh ta cùng với phạm nhân trong đội kéo xe cải tiến ra ngoài, lấy đất về đổ trong khuôn viên trại để tạo thành những luống hoa, cây cảnh. Đại bảo đang làm việc trong nhà, giờ được ra ngoài thấy khỏe hẳn ra cho dù mất vài ngày đầu mỏi nhừ cơ bắp.
Hỏi về chuyện gia đình, Đại lắc đầu buồn bã: "Em đã làm tan nát gia đình. Cứ nghĩ đến bố mẹ, đến em gái là em thấy buốt trong ngực. Án tù rồi cũng có ngày về nhưng tội lỗi mà em gây ra thì không khi nào trả nổi".
Chỉ một đêm thức dậy, bố mẹ Đại trở thành người đẻ ra kẻ sát nhân, xấu hổ đến nỗi không dám tiếp tục bán hàng vì sợ chạm mặt dân làng. Em gái Đại cũng vì thế mà chuyện tình dang dở, phải tìm chốn cửa thiền để quên đi đau đớn. Một năm 2 lần bố mẹ lên thăm, Đại không dám ngước nhìn vì sợ đọc được nỗi đau khổ trong mắt đấng sinh thành.
Đại bảo án tù của mình dù không hẹn ngày về nhưng dẫu sao môi trường sống cũng yên bình hơn bố mẹ ở nhà, luôn phải đối mặt với búa rìu và ánh mắt ác cảm của dư luận. Đại thương bố mẹ và tự an ủi bản thân rằng: "Cũng may là em chưa lập gia đình, nếu không chắc vợ con em còn đau lòng nữa".
Hỏi Đại có khi nào mơ thấy nạn nhân, anh ta khẽ cười bảo mấy năm đầu hầu như đêm nào cũng mơ, cứ nhắm mắt lại là trong đầu lại hiện lên đôi mắt của người xấu số đang nhìn mình chằm chằm. Cố lắc đầu xua đuổi nhưng càng lúc càng hiện rõ khiến Đại sợ hãi, vùng dậy dựa lưng vào tường rồi cứ thế ngủ gật cho đến sáng.
Mỗi năm, cứ đến ngày 10/3, Đại lại nhịn ăn. Phần cơm của anh ta được để gọn ghẽ trên chiếc mâm làm bằng tờ báo và Đại cứ ngồi lẩm nhẩm gọi người xấu số, khẩn khoản cầu xin sự tha thứ. Đại bảo chẳng biết có phải vì anh ta thực sự thành tâm, hối lỗi hay vì thời gian cũng đã hơn chục năm nên "hai năm nay em không còn bị những giấc mơ ám ảnh nữa".
Không biết Đại nói thật hay đang tự an ủi bản thân khi mà đôi mắt anh ta, những quầng thâm vẫn lộ rõ. Trước khi chia tay, Đại cứ nhắc đi nhắc lại rằng đã tự chất vấn lương tâm rất nhiều lần, nghĩ mãi mà không trả lời được tại sao lại có suy nghĩ giết người đàn ông hàng xóm đáng tuổi bố mình chỉ vì thù tức.
Nguyên Vũ
Theo_Người Đưa Tin
Lời trần tình của người mẹ khốn khổ có con nghịch tử ngáo đá Lục Toàn Trung, SN 1991, trú tại 277, đường Phúc Diễn, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, là con trai duy nhất của bà Nguyễn Thị Tuyết. Chồng mất sớm, một mình bà Tuyết ở vậy nuôi con, như bao người mẹ khác, bà mong muốn con trai lớn khôn nên người. Thế nhưng, không như bạn bè cùng trang...