Em sai khi chông chênh trước anh
Vì lý do gì mà chúng ta quý mến và quyến luyến nhau em cũng chẳng biết nữa. Chỉ biết rằng, em cảm thấy không được cân bằng, chông chênh và nhớ.
Thời gian chưa nhiều để chắc chắn rằng thứ tình cảm này là yêu thương, nhưng nếu thêm nữa có thể sẽ như vậy. Chúng ta đều đóng khung mình trong 2 tiếng “gia đình” thiêng liêng, nơi đó có người bạn đời và những đứa trẻ ngoan ngoãn.
Không có lý do gì để chúng ta buông thả cảm xúc rồi mặc nhiên gọi đó là “phút ngoài chồng, ngoài vợ” phải không anh? Em đã sai, dù là cảm xúc thôi cũng thấy mình sai lắm rồi. Trước khi quá muộn, em sẽ sửa sai. Mọi thứ như vậy đã quá nhiều đối với những người có gia đình như chúng ta. Mong rằng, nếu còn gặp lại, chúng ta sẽ thấy thoải mái hơn (thực ra cũng khó gặp lại ngẫu nhiên anh nhỉ).
Em hy vọng rằng những cảm giác chông chênh này sẽ nhanh chóng qua đi. Hình ảnh anh nhỏ bé trước bãi biển vắng mà em từng nghĩ sẽ có ngày mình đến đó và đứng cạnh anh, sẽ rời khỏi ký ức của em sớm thôi. Em mong vậy.
Về phía anh, em không biết liệu anh có như bao đàn ông khác, dành cho em tình cảm của “người nông dân muốn chăn rau” hay có những rung cảm thật sự từ tâm hồn. Dù sao đi nữa em cũng cảm ơn sự quan tâm của anh thời gian qua, không nhiều nhưng cũng đủ để em thấy mình là phụ nữ. Sau những ngày dài tất bật và cố gắng, anh xuất hiện đã cho em sống lại những giây phút mình là người phụ nữ giản đơn. Cuộc sống là thế, vẫn phải tiếp tục sống cuộc sống mình đã lựa chọn, phải không anh?
Lúc này đây, em ngồi giữa căn nhà xinh xắn, ngắm những đứa con của mình và bình tâm thêm. Chào anh nhé!
Hạnh phúc giản đơn của chú xe ôm
Dưới cơn mưa bất chợt của Sài Gòn, chú Hòa dựng xe, tránh mưa bên mái hiên chùa. Tôi ngồi đó, quan sát và mời chú vào bên trong cho đỡ mưa, chú nói không sao, có chỗ trú là được.
Tôi hỏi chuyện, chú thiệt thà kể, chạy xe ôm hay đậu ở ngã sáu, chiều nào trước khi về nhà cũng ghé chùa Xá Lợi (Q.3, TP.HCM) lễ Phật cầu bình an cho bản thân và những người xung quanh mình. Rồi chú trầm ngâm: "Chỉ cầu bình an để có đủ sức khỏe, để mưu sinh. Con cái bây giờ lớn có gia đình riêng hết rồi, tụi nó làm lụng nuôi sống gia đình mình được là chúng tôi vui rồi".
Chú bảo, mình có ông bạn, con cái cờ bạc, nhậu nhẹt, giờ vô ở trại giam, hàng tháng hai ông bà phải lên đó thăm, mà hai ông bà già rồi, đâu có tiền, khổ lắm, thương lắm.
Chú Hòa chiều nào cũng ghé chùa Xá Lợi lạy Phật trước khi về nhà - Ảnh: Nhã An
Nhà chú theo Phật từ nhỏ, nên tối nào cũng nghe pháp trước khi ngủ. Việc làm nào tạo phước, chú cũng làm, theo khả năng mình. Khi ngồi đợi khách, ai tới hỏi đường là chú chỉ dẫn tận tình, chu đáo để họ tìm ra nơi cần đến. Đi đường thấy ai hư xe, hay hết xăng là chú dừng lại hỏi thăm, rồi giúp. "Nhưng mà nhiều khi giúp người ta không nhận, vì họ nhìn mặt tôi đi cái xe cà tàng, chắc họ sợ mình làm chuyện bậy. Họ xua tay như đuổi tà, cũng buồn lắm. Nhưng mà học pháp, thầy nói là làm phước cũng khó lắm, cho nên mình phải kiên trì, hoan hỷ và tập nhiều", chú Hòa tâm sự.
Biết đủ là hạnh phúc; biết chia sẻ, hướng thiện, hướng đến những điều tích cực là con đường dẫn đến hạnh phúc. Giữa bộn bề mưu sinh, những chia sẻ của chú Hòa đã giúp tôi nhận diện được điều đó một cách chân thật và rõ ràng.
Những điều chính miệng người tình của chồng 'thú nhận' khiến vợ nghẹn đắng nước mắt Đằng này chồng em là người không tốt, ham cái mới, sống buông thả, bản năng, lại gặp phải cô gái đẹp người nhưng mất nết, sẵn sàng trả ơn cho người chăm sóc cho mình lúc mình ốm đau, xa nhà bằng cách rắp tâm cướp chồng ân nhân của mình một cách trắng trợn nhất. Ảnh minh họa: Internet Em không...