Em ở đâu là nhà ở đó…
Anh không nhớ nổi chúng mình đã chuyển qua bao nhiêu căn nhà trọ. Chỉ biết, cứ xong một công trình lớn là em lại bồng con xuôi ngược theo anh.
Lấy nhau được tám năm thì hai năm đầu anh thất nghiệp, tiền không có một xu. Ban ngày em đi làm ở công ty, buổi tối tranh thủ dạy thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống. Gánh nặng dồn hết lên vai mà em không một lời trách móc, kêu than. Bố mẹ chồng ngoài Bắc ốm đau em cũng cố gắng thu xếp tiền tàu xe, quà cáp, thuốc thang để anh đỡ phải tủi thân khi về quê thăm nom.
Em mang thai đứa con đầu lòng thiếu thốn đủ thứ. Người ta thèm tôm hùm, cua biển, còn em thì lúc nào cũng bảo chỉ thích cơm rau. Quần áo bầu cũng không chịu mua, ai cho cái gì mặc cái đó. Bụng chửa vượt mặt, thỉnh thoảng lại ngất vì khó thở mà anh nói thế nào em cũng không chịu ở nhà. Tiền không có nên những căn nhà trọ cứ giảm dần diện tích. Anh bất lực nhìn vợ con khổ sở trong căn phòng chưa đầy mười mét vuông, mái tôn nóng nực. Đã có lúc anh tính bỏ nghề, đi làm liều việc gì đó cốt để kiếm tiền, nhưng em đã động viên anh “đừng nản”.
Ảnh mang tính minh họa
Rồi anh đi làm và bắt đầu những ngày tháng xa mẹ con em, có khi đến những vùng lõm sóng khiến vợ chồng chẳng thể liên lạc được với nhau. Đêm anh phải trải chiếu nằm đất trông coi vật liệu, ban ngày thì dầm mưa dãi nắng, đến bữa nhiều khi chỉ ăn tạm gói mì tôm.
Công việc quen dần, anh nhận thêm nhiều công trình ở các tỉnh khác. Riêng thời gian đi lại quản lý cũng đã đủ mệt nhoài, nhiều lúc tưởng chừng như không thể gắng gượng được thêm. Những cơn sốt cao hầm hập phải nhờ bàn tay cánh đàn ông ở công trình chườm cho cái khăn. Những ngày chân bị đau vẫn gắng gượng lết đi mua thuốc. Sợ nhất là sự trống trải cô đơn khi không có ai bên cạnh sẻ chia. Áp lực công việc ngày càng nhiều, cứ đến kỳ quyết toán là đống sổ sách giấy tờ khiến đầu đau như búa bổ.
Cũng đã đôi lần anh mượn rượu giải sầu, suýt ngã vào vòng tay của những cô gái làng chơi. Em biết đấy, đàn ông xa vợ lâu ngày thì chuyện đó cũng đâu khó hiểu. Nhưng ngay lúc định cho phép mình buông thả, anh lại nghĩ về mẹ con em. Nghĩ đến những đêm con đau ốm em thức trắng lo âu theo từng cơn sốt. Nghĩ những lúc xe hỏng, bóng điện hư, nhà trọ dột em tự xoay xở không một tiếng thở than. Nghĩ bao đêm em vò võ chăn đơn gối chiếc. Anh bận bịu đến mức có nhiều ngày chẳng có thời gian nhắn một dòng tin hỏi han. Nghĩ về em anh bỗng thấy mọi cám dỗ xung quanh trở nên thật tầm thường.
Tuy không còn khó khăn về kinh tế như xưa nhưng sự nhọc nhằn trên vai em vẫn không nhẹ bớt. Anh ngày càng ít có thời gian để về vì đường xa gần nghìn cây số. Vừa thương con phải xa bố biền biệt từ nhỏ, lại vừa muốn ở gần để chăm sóc cho chồng, em khăn gói bồng bế con theo anh đi công trình tỉnh lẻ. Mang tiếng là được gần chồng nhưng anh chẳng giúp được gì cho em ngoài việc ngày nào cũng nhìn thấy mặt nhau. Mang thai đứa thứ hai em nghén nặng.
Dù anh đã có thể mua những món ngon bổ nhưng em ăn gì cũng nôn thốc nôn tháo, kèm theo những cơn đau đầu, chóng mặt. Huyết áp thấp nên thỉnh thoảng em lại ngất. Đón bà nội vào ở cùng được ít ngày thì bà lăn ra ốm, em lại càng vất vả. Sinh hai đứa con gái, em lúc nào cũng lo anh buồn. Nhưng em biết không, em và các con chính là động lực để anh phấn đấu. Anh chỉ mong kiếm đủ tiền xây cho em một căn nhà nhỏ trên thành phố, để em được trở thành người phụ nữ thảnh thơi vun vén mái ấm bằng tâm hồn dịu dàng, lãng mạn. Em đã vì bố con anh mà bị cuốn vào vòng xoáy mưu sinh vất vả đến mức phải lãng quên cả tiếng nói của chính tâm hồn mình.
Những lúc mỏi mệt nhất anh thường mường tượng ra một căn nhà tràn ngập sắc hoa. Một vườn rau xanh do tay em chăm bón. Một căn bếp luôn tràn ngập gia vị của tình yêu. Anh sẽ chỉ nhận những công trình ở gần để được ăn cùng mẹ con em những bữa cơm ấm cúng. Nhưng dẫu mơ ước ấy còn chưa thực hiện được thì những ngày tháng hiện tại vẫn tràn ngập niềm vui. Suốt bao năm nay, em ở đâu là anh thấy nơi đó bình yên như nhà vậy…
Theo Quang Dũng/Baophunu