Em giữ lấy mùa hè của tôi đi nhé!
Thời gian có thể trôi đi nhưng nhớ thương vẫn đứng đấy. Dường như, mùa hè của tôi, em đã giữ lại mất rồi. Ngày em đi cũng đã mang theo nó ra đi. Nhưng không sao đâu, em giữ lấy mùa hè của tôi đi nhé. Còn tôi, tôi sẽ giữ lấy em… mãi mãi trong tim mình.
Bạn thân mến! Mỗi khi mùa hè ghé sang lòng ta lại nao nao nhớ những ký ức tuổi học trò. Mùa hè là quãng thời gian đong đầy kỷ niệm của mỗi người. Mùa hè cũng là mốc thời gian của tuổi trưởng thành, là thời điểm học sinh sẽ lên lớp hoặc chuyển cấp, năm cuối sẽ tốt nghiệp ra trường. Vì thế những mùa hè ký ức có một ấn tượng rất khó quên trong lòng mỗi chúng ta. Tiếp nối loạt chương trình về những câu chuyện tuổi học trò, trong chương trình của tuần này, mời bạn đến với truyện ngắn Em giữ lấy mùa hè của tôi đi nhé, được gửi đến từ tác giả Hi Tường.
Năm cấp Ba, tôi là đứa bự con nhất không chỉ trong lớp mà là toàn trường. Lúc ấy tôi béo ục ịch đến nỗi chẳng thấy cổ đâu. Đi học trở thành chuỗi ngày khổ sở nhất mà tôi phải trải qua. Mỗi ngày khoác trên người bộ đồng phục sơ mi quần tây mà mồ hôi tôi chảy đầm đìa cả lưng vì nóng. Tôi được xếp ngồi một mình dưới góc lớp, thứ nhất là để tôi không che đi tầm nhìn bảng của mọi người, thứ hai là cũng chẳng ai có thể ngồi chung bàn với tôi một cách thoải mái để học hành được.
Vì thế mà tôi hầu như chẳng có bạn trong lớp. Giờ ra chơi, lũ con trai rủ nhau ra sân đá cầu, còn tôi thì ngồi lại và lôi truyện tranh ra đọc. Tôi chăm chú và say mê với những câu chuyện nhỏ mà vui nhộn ấy. Cho đến một ngày, một giọng nói ngọt ngào vang lên khi tôi đang chúi đầu vào cuốn Đô-rê-mon: “Mình cũng thích đọc Đô-rê-mon lắm.”
Giọng nói khiến tôi giật mình một cái. Tôi đẩy đẩy gọng kính rồi nhìn lên người con gái vừa chia sẻ với tôi điều thú vị ấy. Em cột tóc cao để lộ vầng trán sáng sủa. Đôi mắt tinh nghịch nhìn tôi cùng với nụ cười thân thiện. “Nhưng mà mình vẫn chưa đọc qua tập của bạn đang đọc.” Tôi hơi bối rối với lời chia sẻ đó, gãi gãi đầu, tôi nói: “Vậy mình cho bạn mượn.” Em bật cười khanh khách, giọng cười nghe cứ như tiếng chiếc chuông gió ở nhà tôi mỗi khi gặp gió, trong trẻo và ngân vang: “Bạn đang đọc mà, đọc xong rồi mình mượn sau.” Chúng tôi đã quen nhau như thế.
Tất cả mọi người đều nói tôi trẻ con khi biết tôi vẫn ham mê đọc truyện tranh. Nhưng tôi không thể nào bỏ được niềm đam mê đó. Tôi cảm thấy thế giới truyện tranh là một thế giới vô cùng thú vị. Trong thế giới đó luôn tràn ngập niềm vui, tiếng cười, cái thiện luôn chiến thắng cái ác, cuộc sống luôn tràn đầy phép màu và những điều kỳ diệu. Và tôi yêu mọi nhân vật trong đó vì họ luôn sống với một niềm hy vọng to lớn, dẫu cho có gặp phải khó khăn hay trở ngại như thế nào.
Nhìn tôi lúc nào cũng như một đứa trẻ to xác và khù khờ. Từ ngày ba mất vào năm tôi lên bốn, mẹ là người gánh vác cả gia đình và nuôi hai chị em tôi ăn học. Do tài khéo léo của mẹ, cuộc sống của gia đình chúng tôi khá êm ấm và yên ả. Nhưng có lẽ vì thiếu vắng một người đàn ông trong nhà, không có ai dạy dỗ và hướng dẫn, từ nhỏ tôi đã trở nên phụ thuộc vào mẹ, nhút nhát và ít nói. Tôi có rất ít bạn. Mọi thằng bạn cũng lứa đều chê tôi chậm chạp và tẻ nhạt. Tôi không thích tham gia những trận đá banh ồn ào, tôi chẳng bao giờ lớn tiếng gây gổ hay đánh nhau với ai, tôi cũng không thích những trò quậy phá hay mạo hiểm. Tôi chỉ lặng lẽ làm những điều mà mọi người cho là quái lạ. Tôi sống trong một thế giới riêng của mình. Và chỉ có em đã mạnh dạn đến, gõ cửa rồi bước vào thế giới của tôi như thế.
Rồi từ khi em đặt chân bước vào, tôi không ngờ thế giới của mình đã hoàn toàn thay đổi…
Kết thúc năm lớp 10, kết quả học tập của tôi chỉ được trung bình khá. Điểm thể dục quá thấp đã ảnh hưởng đến tất cả dù tôi học tốt đều các môn. Thầy thể dục cũng châm chước cho tôi nhưng vẫn không thể đánh giá kết quả hoàn toàn bằng điểm thông cảm được.
Đầu hè, tôi và em đang ngồi đọc truyện tranh trong quán trà sữa. Em gấp cuốn sách lại, bắt chéo hai tay và nhăn trán nhìn tôi:
“Này, Nhân cứ như thế là không ổn đâu đấy.”
“Sao thế?” – Tôi ngơ ngác chưa hiểu em nói gì.
“Điểm thể dục thấp như vậy sẽ kéo kết quả học tập của Nhân đi xuống theo. Trong khi Nhân học rất giỏi các môn khác, như vậy không đáng tí nào cả.”
Tôi hơi ngượng, gãi gãi đầu rồi nói: “Ờ, Nhân biết chứ.”
“Bắt đầu từ ngày mai Nhân tập chạy bộ với Ngọc.”
“Ơ..”
“Không ơ gì hết, quyết định vậy đi.”
Em nhìn tôi mắt kiên quyết. Tôi khó khăn nở ra một nụ cười trừ, tiếp tục gãi gãi đầu.
Sáng hôm sau lúc 5 giờ, điện thoại tôi vang ầm ĩ. Tôi lơ mơ ngái ngủ bắt máy, giọng em lanh lảnh trong điện thoại: “Này, mê ngủ nha, Ngọc đang ở trước nhà, dậy rửa mặt thay đồ ngay!” Ai chứ em thì phải nghe lời thôi, em dữ lắm. Mặc dù rất thòm thèm được đặt lưng xuống cái nệm êm ấm nhưng tôi đành uể oải đứng dậy.
Tôi xuống nhà thì đã thấy em đứng đợi sẵn trong bộ đồ thể dục màu hồng khỏe khoắn. Em hồ hởi: “Tụi mình sẽ chạy lên ngọn đồi gần nhà.”
Tôi há hốc mồm: “Trời, ngọn đồi đó cao lắm, làm sao Nhân chạy nổi…”
“Thì hôm nay không nổi, hôm sau chạy tiếp, chừng nào nổi thì thôi.” Em chấm dứt cuộc đàm phán và chốt hạ mọi chuyện bằng một tuyên bố xanh rờn như thế. “Mau lên nào!”
Tôi vừa chạy theo em vừa nhăn nhó.
Chỉ mới sau chốc lát, cả người tôi đã nóng rực và mỏi nhừ. Thời tiết đầu hè oi bức kinh khủng. Tôi cảm thấy cổ họng khô rát, toàn thân mồ hôi đầm đìa. Tôi thở dốc rồi gọi với theo: “Ngọc ơi, Nhân chạy hết nổi rồi.” Ngọc quay đầu lại, rồi chạy đến bên tôi: “Nè, mới có 5 phút thôi đó, còn đang ờ dưới chân đồi à.” Tôi lắc đầu nguầy nguậy rồi nằng nặc đòi nghỉ. Lần này em nhượng bộ, cả hai ngồi bệt xuống vệ đường. Em đưa tôi chai nước.
Tôi tu nước ừng ực. Chưa bao giờ cảm thấy đã khát như lúc này. Tôi dùng tay quệt đám mồ hôi đang nhễ nhại trên đầu, rồi nói: “Ngọc không cần phải vì Nhân mà dậy sớm rồi đi tập thể dục như thế đâu, Nhân ngại lắm.”
“Tập thể dục cho khỏe người, có thế mới ít bệnh Nhân à.”
“Nhân biết, nhưng mà từ nhỏ Nhân đã mập thế rồi, giờ tập không nổi đâu.”
“Ai nói, chỉ cần cố gắng thì sẽ được thôi.”
Tôi chưa kịp phản đối thì em lại bắt tôi đứng dậy và tiếp tục. Buổi tập hôm ấy kết thúc khi chúng tôi chỉ vừa mới tới được nửa đường lên đồi. Nhìn tôi đỏ mặt tía tai, thở không nên hơi em đành thôi không ép tôi nữa. Chưa bao giờ tôi vận động nhiều như hôm nay. Đến khi về nhà tôi chỉ nằm lăn ra giường chứ không thể làm gì khác.
Chuyện chạy bộ tiếp tục diễn ra. Em vẫn đứng trước cửa đội tôi mỗi sáng. Tôi vẫn phải uể oải đi theo em, cực nhọc dùng hết sức để kéo theo tấm thân nặng nề di chuyển. Sau một tuần chúng tôi vẫn dừng chân tại nửa đường. Em năn nỉ tôi chạy lên tiếp, tôi lắc đầu ngán ngẩm và quay đầu đi về. Em hét lên: “Này, giờ ông không nghe lời tôi nữa phải không!”
Tôi giật mình. Nhưng vì đã quá mệt mỏi và có chút tự ái khi cứ bị em la hét, tôi tiếp tục đi bỏ em lại một mình. Em không đuổi theo tôi. Đi được một đoạn, thấy mình có lỗi, tôi quay về tìm em. Tôi thấy em ngồi thụp xuống, đầu gục xuống gối. Lúc ấy tôi thật sự hốt hoảng. Tôi đã làm em khóc mất rồi.
Tôi rối rít xin lỗi. Em giận không thèm nhìn mặt tôi. Tôi phải khổ sở năn nỉ mãi và hứa bữa sau sẽ tiếp tục mà không dừng lại nửa đường nữa, em mới chịu quay qua. Lúc này nhìn mặt em tội lắm. Hai mắt long lanh nước, mũi ửng hồng, mặt lấm lem. Tôi chỉ biết gãi đầu khổ sở nhìn em, dở khóc dở cười. Tội cho em, mà cũng tội cho tôi quá thể!
Thế là chúng tôi lại bắt đầu những ngày tập chạy. Thời tiết lúc này đã chuyển sang mùa hè rõ rệt. Chỉ mới 6 giờ mà trời đã sáng trưng. Khoảng một tiếng nữa thì cái nắng đã chói chang khắp mọi nơi. Nắng gay gắt gặm nhấm từng chút da chút thịt. Bắt tôi tập thể dục vào thời điểm này thật sự kinh khủng. Mỗi khi nhớ lại những ngày cực khổ đó tôi vẫn rùng mình và chẳng thể nào nhớ nỗi mình đã làm sao để vượt qua. Mỗi ngày tôi chỉ biết cắm cúi nhìn theo tấm lưng bé nhỏ của em ở phía trước mà chạy. Đến khi mệt dừng nghỉ thì lại nhắc nhở chính mình không được để em khóc như lần trước mà cố chạy tiếp.
Rồi tôi cũng tập chạy được một tháng. Mọi chuyện có vẻ như đã dễ dàng hơn. Tôi không còn thở dốc hay mỏi nhừ sau mỗi buổi tập. Đoạn đường tôi chạy cũng ngày một dài ra. Cho đến một ngày tôi và em đã đến được đích đến như đã định: đỉnh ngọn đồi.
Khi đến nơi, tôi nằm lăn ra giữa bãi cỏ mát lạnh, hít thật sâu mùi sương sớm vẫn còn phảng phất đâu đây. Bầu trời thoáng đãng trong xanh đến lạ. Tôi nghe thấy tiếng bầy chim ríu rít xen kẽ tiếng thở phập phồng của chính mình. Rồi tôi nghe thấy tiếng em cười. Tôi quay qua nhìn thấy em đang nằm cạnh mình, đôi mắt lấp lánh vui sướng, em hết lên thật to: “A…a…a, tụi mình làm được rồi !!!” Tôi nhìn em, thấy lòng cũng vui vui, lạ lùng, tôi tít mắt cười theo em.
Từ hôm đó, mỗi ngày chúng tôi lại chạy lên đồi. Ngọn đồi không cao lắm, nhưng từ đó có thể nhìn thấy trường của chúng tôi. Cây phượng đỏ rực rung rinh trong gió. Trên đồi có khá nhiều cây to. Tiếng ve râm ran trên cây bao phủ cả bầu trời. Chúng tôi rất thích ngồi dưới tán cây rộng ấy trò chuyện giữa những tiếng ve. Mặc dù thời tiết mùa hè nóng nực nhưng trên đỉnh đồi lại lồng lộng gió. Những cơn gió mát rượi tràn vào đám lá cây xào xạc, rồi ùa xuống lớp cỏ xanh rì rào, cuốn tiếng cười trong veo của hai chúng tôi lên tận trên trời cao. Không gian ấy chỉ thuộc về riêng của hai chúng tôi. Những ngày hè hạnh phúc ấy tôi chẳng bao giờ quên. Từ đó tôi lại có động lực để chạy bộ lên đồi mỗi ngày.
Đến một lần em ngồi trên đồi và khe khẽ hát. Tôi im lặng lắng nghe. Em hát rất nhỏ, chỉ như thì thầm cho chính tôi nghe. Tôi nín thở vì sợ một cử động vô ý của mình thôi cũng khiến cho em ngưng hát. Đến khi hát xong, em quay lại nhìn tôi cười, khi ấy tôi mới dám thở phào. Tôi hỏi em: “Ngọc có muốn nghe Nhân đàn không?”
Em là người đầu tiên nghe tôi đánh đàn. Hai đứa ngồi trong vườn nhà tôi trong một buổi trưa, nắng vàng óng rót xuống bụi hoa giấy hồng cả một mảng trời, nhẹ nhàng để rơi vài giọt lấp lánh xuống đất. Tôi đàn cho em nghe. Tiếng đàn mộc mạc và thô vụng bay theo những cơn gió. Tôi học đàn đã lâu mà không hiểu sao trưa hôm ấy cứ run tay. Nụ cười của em, trái tim của tôi, tất cả hòa theo từng nốt nhạc rồi tan vào trong buổi trưa hè thơ mộng.
Ba tháng hè nhanh chóng đi qua, kết quả là tôi giảm cân đi thấy rõ. Thân người gọn nhẹ hơn, hành động cũng hoạt bát hơn khi xưa. Có lẽ vì thế mà tôi cũng trở nên cởi mở và hòa đồng. Bạn bè trong lớp nhìn tôi ngạc nhiên thấy rõ. Em nhíu mắt nhìn tôi cười. Tôi ngượng ngùng, gãi gãi đầu.
Thời gian vào học, bài vở khá nhiều nên chúng tôi chuyển sang chạy bộ cách ngày. Trời vào thu nên không khí mát mẻ, có hôm không đi học buổi sáng, chúng tôi mải mê ngắm cảnh đến khi mặt trời lên cao, bụng hai đứa đói meo mới sực nhớ mình chưa ăn gì.
Bây giờ tôi không còn chạy sau em nữa. Tôi đã dần rút được khoảng cách. Chúng tôi chạy song song với nhau. Đôi lúc tôi cứ suy nghĩ ước gì đoạn đường này dài mãi, vậy là chúng tôi có thể cứ chạy bên cạnh nhau hoài như vậy. Suy nghĩ xong tôi lại tự cười một mình.
Em thấy vậy huých tôi một cái rồi nói: “Chạy không lo chạy, suy nghĩ lung tung gì đấy?” Chẳng biết nói sao nên tôi chỉ nhìn em rồi im lặng quay qua chạy tiếp.
Có một lần, tôi cố hết sức chạy nhanh hơn em. Chưa bao giờ tôi chạy ở phía trước em hết cả. Cảm giác ấy rất lạ. Tôi biết em đang cố chạy theo đằng sau. Muốn trêu em, tôi tiếp tục tăng tốc. Đến một lúc không nghe thấy tiếng chân em nữa, tôi quay lại. Tôi hốt hoảng khi nhận ra em đang quỳ giữa đường đằng xa và thở dốc, tay nắm chặt trước ngực. Xanh cả mặt, tôi chạy đến bên em: “Ngọc không sao chứ?”
Em lắc đầu nhưng thở hổn hển cả một hồi lâu. Tôi dìu em vào nghỉ bên vệ đường. Mặt em trắng bệch. Tôi rối rít xin lỗi em. Em lắc đầu nhìn tôi cười: “Nhân đâu có lỗi gì, chằng qua Ngọc mệt thôi.” Chúng tôi kết thúc buổi tập và tôi đưa em về nghỉ ngơi. Em nghỉ học hai ngày. Tôi đứng ngồi không yên. Đến chiều ngày thứ hai em nghỉ, tôi ghé qua nhà thì thấy em đã tươi tỉnh trở lại. Em nhắc tôi mai lại đi tập, tôi từ chối: “Thôi, Ngọc mới khỏe lại, cần nghỉ ngơi.” Em nhéo tôi một cái rõ đau: “Đừng có giả bộ mà lười biếng nha. Tui hết bệnh rồi. Mai như cũ!” Em là thế, cứ quyết định rồi là phải làm.
Tôi cứ tưởng rằng mọi chuyện sẽ lại như cũ nhưng không ngờ những lần chạy bộ của chúng tôi nhanh chóng thưa dần. Em hay cảm thấy mệt và xin nghỉ học. Tôi vẫn không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Mỗi lần gọi điện hay đến thăm, em đều bảo là không có gì.
Mùa đông năm ấy hơi lạnh, em xin nghỉ cả tuần. Tôi đến. Em ngủ miên man. Nhìn vẻ mặt tiều tụy của em, tôi lo lắng vô cùng. Gặng hỏi mãi, mẹ em đã chịu kể cho tôi nghe sự thật: em bị suy tim bẩm sinh từ nhỏ. Gia đình đã chạy chữa khắp nơi nhưng không có kết quả gì. Em vẫn điều trị bằng thuốc liên tục để giảm nguy cơ xấu nhất là tim có thể ngừng đập bất kỳ lúc nào. Tôi bàng hoàng nghe mẹ em nói từng lời, gần như loạng chọang đứng không vững.
Phải chăng em thích đọc truyện tranh vì em mong muốn có một phép màu dành cho mình? Phải chăng em chăm chỉ tập thể dục và động viên tôi vì em biết sức khỏe thật sự quý giá như thế nào? Phải chăng em đã chịu đựng rất nhiều, luôn cố gắng tạm gác đi những muộn phiền âu lo, sống thật vui vì không muốn những người xung quanh lo lắng? Phải chăng em vẫn nuôi hy vọng cho chính mình, dẫu cho tương lai phía trước thật mờ mịt và vô định?
Phải chăng… phải chăng… sẽ có ngày em bỏ tôi ra đi… mãi mãi?
Đến mùa xuân, Ngọc nghỉ học hẳn vì sức khỏe không cho phép. Tim em đập rất yếu và chậm. Máu không đủ để lên não. Hơi thở em khò khè. Có những ngày em phải thở bằng máy cấp Oxy. Tôi đến thăm em đều đặn. Em nhìn thấy tôi, ánh mắt có vẻ gì lấp lánh rất vui, nhưng gương mặt tiều tụy đến cười không nỗi.
Tôi nào không phải thế. Nhìn thấy em lúc này, lòng tôi buồn nặng trĩu mà vẫn phải gắng gượng cười mỗi khi nói chuyện với em. Cười mà lòng buồn héo hắt. Tôi đem theo truyện tranh để đọc cho em nghe. Tôi cố gắng tạo không khí vui vẻ như trong truyện để em cảm thấy thoải mái. Có lần đọc đến đoạn hài hước, thấy em cười khanh khách, tôi vui lắm. Nhưng sau đó em ho rất dữ dội vì không đủ hơi. Em ho sặc sụa khiến tôi quáng quàng. Tôi hốt hoảng xin lỗi. Em vừa ho vừa lắc đầu nhìn tôi. Mắt em hoe đỏ. Tôi thấy lòng mình đau như cắt mà cố nuốt nghẹn nước mắt vào trong. Đến cả nụ cười giờ đây cũng là điều khó khăn thế với em thế sao?
Các loại thuốc trợ tim đang mất dần tác dụng. Gia đình muốn đưa em vào viện nhưng bác sĩ cũng lắc đầu khuyên nên để em ở lại bên cạnh người thân. Mẹ em khóc đến nỗi ngất đi. Tôi nghe tin đó mà thấy tim vụn vỡ. Tôi nhớ tiếng cười trong veo như chuông gió của em. Chiếc chuông gió ấy có thể sẽ không bao giờ có thể ngân lên được nữa.
Một lần nọ, tôi đang đọc truyện cho em nghe. Ánh mắt em dù rất mệt mỏi vẫn nhìn theo tôi. Tôi mải mê đọc, đến khi ngẩng đầu lên đã thấy em nhắm mắt. Lúc ấy, tim tôi như muốn rớt khỏi lồng ngực. Tôi khe khẽ đến gần em, tay tôi run rẩy lay nhẹ vai em. Em giật mình sực tỉnh, mở mắt nhìn tôi. Không hiểu sao lúc ấy tôi thấy tim mình nghẹn lại rồi bật khóc. Tôi cầm lấy tay em và khóc thật to: “Ngọc ơi, Nhân yêu Ngọc…”
Tôi hoảng loạn khi nhận ra, em đã trở thành một phần cuộc sống của mình.
Mùa hè lại đến. Tôi hứa sẽ ngắt những cành phượng đỏ thắm cắm vào bình hoa đầu giường em. Tôi hứa sẽ bắt vài con ve trên đồi rồi nhốt chúng vào lồng, để trong phòng em cho chúng râm ran ca hát. Tôi hứa mỗi sáng chạy bộ xong lại ghé qua thăm em. Tôi hứa rất nhiều mà chẳng làm được điều nào. Vì em đã ra đi trong những ngày đầu hè đó…
Tôi lại trở về với thế giới riêng của mình. Thế giới mà ít ai chạm vào được. Là em, khi xưa đã chạm vào nó, đã khiến tôi mở cửa để em bước vào. Và cũng là em, đã mở cửa thế giới ấy một lần nữa rồi mãi mãi ra đi. Bỏ tôi lại thui thủi một mình.
Nhưng tôi không còn yếu đuối và nhút nhát như xưa. Em đã thay đổi con người tôi. Em đã làm tôi tốt lên. Dẫu cho không còn em bên cạnh nữa, tôi cũng không thể buông xuôi chính mình. Tôi nuôi lòng dũng cảm của mình bằng nỗi nhớ em, dẫu cho sự mạnh mẽ ấy phải trả giá bằng rất nhiều đau đớn không sao gạt đi được.
Năm lớp 12 đến, việc học căng thẳng, tôi trầm lặng trở lại và tập trung tất cả vào các kỳ thi. Đó có thể là cách trốn tránh nỗi đau hiệu quả nhất vào lúc ấy. Rồi thời gian cũng qua đi dẫu lòng người có buồn hay vui, còn nhớ hay đã quên.
Bỗng một sáng tôi thức dậy thật sớm. Tôi lại chạy bộ một mình lên đồi. Tôi ngồi xuống bãi cỏ và nhìn thấy cây phượng trong sân trường đã nở đỏ. Tôi lắng nghe bầy ve trên tán cây cao đang hòa tấu khúc ca quen thuộc của mình. Nhưng những điều tôi cảm thấy được, vẫn là mùa hè của hai năm trước. Lần em nằng nặc đòi tôi chạy bộ. Lần tôi làm em khóc dỗi vì bỏ cuộc. Lần chúng tôi vui sướng nằm cạnh nhau giữa đồi cỏ. Lần tôi đàn cho em nghe dưới bụi hoa giấy buổi ban trưa…
Thời gian có thể trôi đi nhưng nhớ thương vẫn đứng đấy. Dường như, mùa hè của tôi, em đã giữ lại mất rồi. Ngày em đi cũng đã mang theo nó ra đi.
Nhưng không sao đâu, em giữ lấy mùa hè của tôi đi nhé. Còn tôi, tôi sẽ giữ lấy em… mãi mãi trong tim mình.
Theo blogradio.vn
Hơn 50% trẻ em TP HCM bị béo phì
Kết quả điều tra mới nhất cho thấy hơn 38% trẻ em tiểu học và gần 27% học sinh THPT ở TP HCM bị béo phì.
Ảnh minh họa
Kết quả điều tra tình trạng trẻ thừa cân béo phì hai năm 2014-2015, được bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, công bố tại tuần lễ "Dinh dưỡng và phát triển" từ ngày 16-23/10.
Bác sĩ Vân cho biết, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề dinh dưỡng. Trong đó tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM ở mức báo động.
Kết quả điều tra năm 2014-2015, tỷ lệ trẻ béo phì ở TP HCM trên 50%, còn khu vực nội thành Hà Nội khoảng 41%. Tình trạng béo phì trẻ em từ tuổi tiền học đường và học đường đến tuổi trưởng thành gia tăng tại Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn. Ở nhóm học sinh tiểu học, tỷ lệ thừa cân trung bình tại Hà Nội xấp xỉ 28%, còn TP HCM 22,4%. Tỷ lệ trẻ tiểu học béo phì ở TP HCM là 38%, cao gấp đôi Hà Nội. Ở nhóm THPT, 20% học sinh Hà Nội bị thừa cân, tại TP HCM 26,6%. Tỷ lệ học sinh tuổi này bị béo phì ở TP HCM cũng cao gấp đôi Hà Nội.
Viện Dinh dưỡng cũng khảo sát mức độ hoạt động thể lực của học sinh tiểu học và THCS của hai thành phố. Kết quả đến 39% học sinh tiểu học và 46% học sinh THCS được xếp vào nhóm ít hoạt động.
Như vậy trong hơn 10 năm qua, chỉ tính riêng TP HCM, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới năm tuổi tăng gấp ba lần. Năm 1996 tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tại Hà Nội và TP HCM là 12%. 13 năm sau (năm 2009) tỷ lệ này 43%. Kết quả điều tra từ năm 1980-2013 cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì ở TP HCM tăng hơn 27% ở người lớn và tăng đến 47% ở trẻ em.
Thừa cân, béo phì gây nhiều bệnh nghiêm trọng như tiểu đường, tim mạch, ung thư... Theo các chuyên gia, nguyên nhân căn bản của thừa cân, béo phì là tình trạng mất cân bằng năng lượng giữa mức calo nạp vào cơ thể và lượng calo cơ thể sử dụng. Tình trạng trẻ em thừa cân, béo phì tăng hiện nay chủ yếu do tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu năng lượng như đồ ăn nhanh, nước ngọt có ga; cùng với lối sống ít hoạt động thể lực, lười vận động.
Nhân ngày Lương thực Thế giới (16/10), Bộ Y tế phát động tuần lễ "Dinh dưỡng và phát triển", nhấn mạnh trẻ cần ăn uống lành mạnh, hợp lý và tăng cường vận động thể lực để phòng thừa cân, béo phì.
Lê Nga
Theo VNE
Vitamin D giúp giảm cân ở trẻ Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Athens (Hy Lạp), bổ sung vitamin D có thể thúc đẩy giảm cân ở trẻ béo phì. ShutterStock Vitamin D cũng giúp giảm các yếu tố gây nguy cơ cho tim cũng như biến chứng trao đổi chất về sau ở trẻ thừa cân, Giáo sư Evangelia Charmandari thuộc đại học trên...