Em của Vì Quyết Chiến qua đời và chuyến xe cuối cùng đưa Lực về quê nhà gặp anh trai
“Thằng bé quá mệt rồi, phận con mỏng không níu giữ được ở lại với nhân gian lâu hơn. Chuyến xe cuối cùng đưa con về nhà mình tại Sơn La thăm anh Vì Quyết Chiến và ngắm nhìn ngôi nhà của con lần đầu và cũng là lần cuối con nhé” – anh Đặng Như Quỳnh chia sẻ.
Cách đây gần 1 tháng, Vì Quyết Chiến (13 tuổi) là cậu bé núi rừng Chiềng Yên, Vân Hồ, Sơn La một mình đạp xe gần 100km xuống Hà Nội thăm em trai. Chiến là đứa trẻ giàu tình cảm, biết yêu thương, nên dù không biết Hà Nội ở đâu, to lớn cỡ nào, em vẫn đi và vượt qua gần 15 con đèo lớn nhỏ.
Chiến là đứa con đầu lòng của anh Vì Văn Nam và chị Hà Thị Sâm. Sau Chiến còn em gái Vì Khánh Như (7 tuổi) và Vì Văn Lực (2 tháng tuổi). Bé Lực nhập viện Nhi Trung ương lúc mới chào đời 2 ngày, sinh non 1 tháng, viêm gan do rối loạn chuyển hoá, viêm phổi, vàng da ứ mật, suy dinh dưỡng cấp, tình hình không mấy khả quan.
Từ khi bố mẹ đưa em xuống Hà Nội, Chiến biết rõ tình hình bệnh của em. Thỉnh thoảng mẹ vẫn gọi điện về. Chiến chưa đi Hà Nội bao giờ, chỉ biết em Lực đang được nuôi lồng kính ở đó.
Trưa 25/3, đi học về, Chiến nghe được cuộc hội thoại giữa ông nội và mẹ. Lực ốm nặng, bệnh tình chuyển biến xấu. Chị Sâm dặn gia đình chuẩn bị bộ áo quan hậu sự nhỏ, đi mua một quả trứng luộc, chuẩn bị thắp hương cho Lực.Nằm trên ghế, Chiến ôm mặt khóc nức nở. Chiến chưa bao giờ được nhìn thấy mặt em trai, từ ngày Lực sinh ra đều nằm viện. Suốt từ đó, Chiến cứ hy vọng, quyết tâm xuống gặp em Lực.
Em Vì Quyết Chiến tại quê nhà Sơn La.
“Em sợ em trai mất nên muốn xuống Hà Nội. Em không biết Hà Nội ở đâu, nhưng nhớ em quá, chưa bao giờ 2 anh em được nhìn mặt nhau”. Chiến cất cặp sách vào bàn, xin ông nội 10 nghìn giả vờ xuống trạm ăn quà, nhưng thực chất cậu băng qua đường bản Bướt, lén tìm cách ra quốc lộ 6, hướng thẳng Hà Nội.
Chiến đạp một mạch không nghỉ, không mệt, không đói. 5 tiếng trôi qua, đi qua 15 con đèo lớn nhỏ, Chiến mệt lả ở Hoà Bình. Không biết đường, cậu bé cứ chọn tuyến đường lớn mà đi, đoạn nào không biết thì hỏi. Đôi chân sưng vù, hai chiếc dép rách bươm. Mỗi lần đổ dốc hay qua đoạn đường khúc khuỷu, cậu bé phải lấy chân làm phanh “bất đắc dĩ”, mùi dép chảy nhựa “khét lẹt” bốc lên. Đoạn nào khó đi, Chiến xuống xe dắt bộ.
“Em có sợ nguy hiểm chứ, nhưng nghĩ đến em trai thì sợ hãi bay đi đâu hết luôn. Em đi hướng bên phải, bám ven đường, nhìn trước nhìn sau mới đi. Có đoạn em mệt quá bị ngất, một chiếc xe khách đi qua tưởng em bị tai nạn, họ xuống hỏi xin số điện thoại bố mẹ em. Các chú mới gọi cho bố. Nếu không gặp xe đó, em dự định đạp tiếp, chưa nghĩ về sau sẽ như nào…” – Chiến kể.
Sau gần 4 tháng điều trị, đến nay tình hình Lực chuyển biến xấu, cơ thể ngừng phát triển, gia đình xin phép đưa bé về quê. 18h tối 20/4, chiếc xe nhỏ được chuẩn bị đưa anh Nam, chị Sâm và bé Lực về nhà, Chiến chưa hay biết điều này.
Chị Sâm bật khóc chia sẻ hoàn cảnh của gia đình và tình hình sức khỏe của em Lực.
Chiến và em trai trong lần đầu tiên gặp nhau tại Viện Nhi Trung ương.
Video đang HOT
“Thằng bé quá mệt rồi, phận con mỏng không níu giữ được ở lại với nhân gian lâu hơn. Chúng tôi cố gắng làm nốt cho con việc cuối cùng có thể làm, bố trí xe để con có thể về nhà mình tại Sơn La thăm anh Vì Quyết Chiến và ngắm nhìn ngôi nhà của con lần đầu và cũng là lần cuối con nhé” – anh Đặng Như Quỳnh – người đứng ra kêu gọi giúp đỡ hoàn cảnh gia đình em Vì Văn Lực, xác nhận với chúng tôi.
Khoảng 20h55 tối cùng ngày, chuyến xe có mặt tại Chiềng Yên, để anh em Chiến nhìn nhau lần cuối. 10 phút sau, bác sĩ rút ống ô xi, Lực trút hơi thở cuối cùng sau khi được ngắm nhìn căn nhà nhỏ thân yêu, được gặp ông bà nội, được nhìn thấy anh Quyết Chiến, chị Khánh Như. Tâm nguyện cuối cùng của anh Nam chị Sâm coi như đã hoàn thành, đứa con trai bé nhỏ tuy có duyên đến với anh chị nhưng sau cùng, lại không có phận.
Còn nhớ đêm đầu tiên trong đời được nhìn thấy em trai, Chiến đã khóc òa lên nức nở. Chiến từng hy vọng Lực sẽ chống chọi thật mạnh mẽ với bệnh tật để sớm được về nhà. “Sau này khoẻ mạnh, chúng mình sẽ cùng đi chăn bò, đá bóng. Anh sẽ rang cơm cho em ăn, đi học cùng em” – Chiến từng thổ lộ.
Anh Nam ôm bé Lực cho hành trình cuối cùng về nhà.
Vậy là, không còn cậu bé Lực khoẻ mạnh để lớn đi chăn bò với Chiến nữa rồi.
Với Chiến, bé Lực còn quan trọng hơn cả quan trọng, vì em là duy nhất đối với Chiến. Và là bởi vạn sự đều có bắt đầu lẫn kết thúc, chỉ có anh em chúng ta là luôn luôn bên nhau. Có nhau thôi là đủ. Số phận ngắn ngủi chỉ cho phép Lực một quỹ thời gian quá hữu hạn, nhưng đủ kịp thời nhân lên bao câu chuyện về tình thương, về lòng tử tế.
Sau tất cả, chúng ta không có quyền trách Chiến về hành động dại dột của em. Cuộc gặp gỡ thứ 2 này, cũng là lần cuối trong đời 2 đứa trẻ được nhìn mặt nhau, âu yếm nhau, trước khi dương thế và âm thế trở nên quá đỗi cách biệt.
Theo trithuctre
Thứ 7 với Phan Đăng: Cậu bé đạp xe 100km thăm em và quyền lựa chọn con đường
Tôi ngắm đi ngắm lại gương mặt Vì Quyết Chiến, cậu bé đã đạp xe 100km trên quãng đường từ Sơn La về Hà Nội thăm em trai nằm viện.
Gương mặt xương xương, đôi mắt trong trẻo và rực sáng. Rồi tôi nghĩ đến con đường 100km mà Vì Quyết Chiến, 13 tuổi đã đi chỉ với một chiếc xe đạp không phanh và một đôi dép lê rách nát. Chúng ta có thể gọi tên con đường đó là gì?
Nhà báo Phan Đăng. (Ảnh: I.T)
Cung đường 100km của Vì Quyết Chiến và nỗi nhớ có thật
Tuyệt đối không thể gọi đó là "cung đường anh hùng", vì chắc chắn không thể dại dột tới mức tung hô Vì Quyết Chiến như một người hùng - cái điều rất dễ khiến những đứa trẻ khác đang trong giai đoạn dần dần định hình tính cách bắt chước theo. Tuyệt đối không thể khuyến khích những đứa trẻ khác cũng đi trên một cung đường như thế. Và tuyệt đối cũng không thể để chính Vì Quyết Chiến đi lại cung đường này lần nữa, vì nó quá nguy hiểm và bất trắc.
Ở một góc độ nào đó, có người trách Vì Quyết Chiến là một cậu bé "không chịu nghe lời" cũng không sai, vì để đi trên một con đường như thế chắc chắn em phải nói dối ông nội. Và như thừa nhận của chính em, để tránh người quen phát hiện, em đã không băng qua khu rừng già Chiềng Yên như mọi khi, mà chọn cách băng qua bản Bướt, đi quốc lộ 81 cũ.
Với chiếc xe đạp cà tàng không phanh, cậu bé Vì Quyết Chiến đã đạp hơn 100km từ Sơn La tìm xuống Hà Nội để thăm em. (Ảnh: Mai Thương/Tuổi Trẻ)
Ngay cả việc bảo cậu bé Vì Quyết Chiến vì nhớ em quá mà bất chấp tất cả để xuôi Hà Nội cũng có phần khiên cưỡng. Nỗi nhớ, chắc chắn là có thật. Nhưng ở tuổi của mình, có lẽ Vì Quyết Chiến hành động không chỉ vì nỗi nhớ, mà còn vì một khoảnh khắc bộc phát về cảm xúc vốn rất dễ xảy ra với một đứa trẻ.
Tóm lại, chúng ta nên đặt câu chuyện này vào đúng hoàn cảnh, theo đúng bản chất của nó, chứ tuyệt đối không lên gân, không tô vẽ, và không gán ghép cho nó những thứ giá trị mà bản thân một đứa trẻ hay một cung đường vốn không thể tạo ra.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không chỉ nhìn nhận câu chuyện này - con đường này ở góc độ của những đứa trẻ, mà cần nhìn từ góc độ của chính người lớn chúng ta.
Và ở góc độ của mình, chúng ta có bất ngờ không? Quá bất ngờ! Có sốc không? Quá sốc! Có thấy con đường 100 km của một cậu bé quá trong trẻo hay không? Chắc chắn là có! Vì sao thế?
Quyền được... trong trẻo
Vì có lẽ từ rất lâu rồi, chúng ta đã kiến tạo những con đường và giữ thói quen nhìn nhận đánh giá về những con đường theo cái cách quen thuộc nhất của chúng ta.
Chúng ta thường có xu thế đưa ra một lô các lý lẽ để bảo vệ, mà trong rất nhiều trường hợp là nguỵ biện cho con đường của mình. Và đấy thường là những con đường giàu toan tính, những con đường mang đến cho chúng ta rất nhiều lợi ích, kể cả những lợi ích chính đáng và không chính đáng.
Cậu bé 13 tuổi Vì Quyết Chiến tự mình đạp xe vượt qua con đường 100km để thực hiện bằng được chọn lựa của mình. (Ảnh: I.T)
Trong chằng chịt của những toan tính và lợi ích, dường như chúng ta đã giết chết tất cả những phút giây trong trẻo vốn là đặc ân mà Thượng đế ban tặng cho con người. Trong một khoảnh khắc bất chợt nào đó, nếu đột nhiên nhận ra sự thiếu vắng của những phút giây trong trẻo, chúng ta một lần nữa lại nguỵ biện rằng sự trong trẻo là độc quyền của những đứa trẻ, mà cố tình lờ đi một sự thật: Nó là đặc ân Thượng đế ban tặng cho tất cả loài người.
Điều nguy hiểm nằm ở chỗ, chúng ta không chỉ giết cái quyền được trong trẻo của chính mình, mà bằng cách này hay cách khác cũng giết luôn cái quyền được trong trẻo của con em mình.
Nếu con đường mà một cậu bé 13 tuổi Vì Quyết Chiến đã đi từ Sơn La về Hà Nội là một con đường trong trẻo đến lấp lánh thì con đường mà những đứa trẻ 17, 18 tuổi được phù phép từ điểm "0" thành điểm "9", để chễm chệ ngồi trong các giảng đường Đại học sau một mùa tuyển sinh "khuyết tật" là con đường gì đây?
Nếu cậu bé 13 tuổi Vì Quyết Chiến tự mình đạp xe trên con đường 100km để thực hiện bằng được chọn lựa của mình thì ai đã kiến tạo nên đường vào Đại học mà bây giờ những sinh viên tuổi 19, 20 kia đang vừa học vừa xấu hổ?
Nếu cậu bé 13 tuổi Vì Quyết Chiến gặp gỡ được rất nhiều lòng tốt trên con đường của mình thì những sinh viên tuổi mười chín đôi mươi kia sẽ phải gặp những ánh mắt nào khi giờ đây, những người bạn cùng trường cùng lớp không khó để phát hiện họ là những người ngồi nhầm ghế?
Tìm hạnh phúc trên con đường của mình
Mà hậu quả của việc "ngồi nhầm ghế" không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân chúng, không chỉ ảnh hưởng đến những ngành nghề mà tới đây chúng sẽ làm, không chỉ ảnh hưởng tới những chiếc ghế mà trong tương lai chúng sẽ ngồi. Nguy hiểm nhất và đau đớn nhất, nó đã nghiễm nhiên tước đoạt quyền được ngồi đúng chỗ của những người thực tài nhưng không có khả năng đi "tắt" trên con đường chúng (hoặc người thân chúng) đã chọn.
Thử nhắm mắt tưởng tượng (trong hãi hùng) xem: Những học sinh được hô biến một môn thi từ điểm "0" thành điểm "9", được hô biến 3 môn thi từ 3 - 4 điểm thành 25 - 26,5 điểm cứ ung dung ngồi Đại học, sau này lại ung dung học thạc sĩ, làm tiến sĩ, thậm chí nếu được đưa vào một "quy trình đặc biệt" nào đó để có thể ung dung làm lãnh đạo một cơ quan, làm một bộ, ngành thì tương lai của đất nước sẽ ra sao?
Khi ấy một cái sai "bé bằng cái vung" của hôm nay sẽ được thổi phồng thành cái sai "to bằng cả bầu trời". Và khi ấy, một "bầu trời khuyết tật" sẽ có thừa các phương thức, thủ đoạn để không chỉ che đậy cái gót chân Asin của mình, mà còn vẽ mình thành "Thượng đế" cũng nên!
Đấy cũng chính là một con đường. Một con đường được tính toán rất kỹ, được che đậy rất kỹ, được tô vẽ, thổi phồng rất kỹ. Trong những con đường như thế, đến một lúc nào đó người ta cũng sẽ tin những thứ giá trị mà mình vẽ ra là sự thật. Người ta đánh mất đi khả năng tự hiểu chính mình.
Suốt cả tuần qua, chúng ta cứ xôn xao bàn tán về việc có nên công khai tên tuổi những thí sinh gian lận điểm vào Đại học hay không? Nếu cứ "lý" mà làm thì câu trả lời là "có", nhưng nếu "tình" mà xét thì câu trả lời là "không".
Và đúng là trong những chuyện tế nhị, có khả năng ảnh hưởng tới số phận của những đứa trẻ - những con người như thế này thì không thể đơn giản chọn tình hoặc lý, chọn có hoặc không.
Nhưng nếu những người này chợt nhìn vào con đường 100km mà một cậu bé 13 tuổi như Vì Quyết Chiến đã đi từ Sơn La về Hà Nội, biết đâu đấy trong họ sẽ dấy lên một nỗi niềm: Được đi trên con đường của mình sẽ hạnh phúc biết bao!
Cuộc đời này có rất nhiều con đường. Có con đường của ý thức, có con đường của vô thức. Có con đường chính kiến, có con đường tà kiến. Có con đường người ta được chọn lựa, có con đường người ta bị chọn lựa. Nhưng hạnh phúc nhất vẫn là được đi và dám đi trên con đường đích thực của mình, dẫu đó là một con đường chông gai và đơn độc!
Trên những con đường đích thực như thế, dù chỉ với một chiếc xe đạp và một đôi dép rách, chúng ta cũng có thể nhìn thấy một điều quý giá mang tên HẠNH PHÚC.
Theo Danviet
Cậu bé đạp xe 100km thăm em: "Cái lý của tình thương" Còn cậu bé, cậu có cái lý của cậu. Cậu nhất định muốn nhìn thấy đứa em đang nguy hiểm. Cậu tin là có đường, có chiếc xe, đi là đến. Đi là gặp đứa em. Chuyện cậu bé con ở huyện Vân Hồ, Sơn La, cứ thế đạp xe về Hà Nội để thăm đứa em bé bỏng của mình phải đi...