Em bị ung thư gần chết, anh có thương em không?
Cả hai đều từng dang dở một lần đò. Họ biết nhau nhờ Internet rồi nên duyên. Khi ấy, dù đã biết cô gái miền Bắc bị bệnh nặng, chàng trai miền Tây vẫn vững vàng cưu mang, chăm sóc.
Nhiều giành phần nấu nướng để vợ có thời gian nghỉ ngơi – Ảnh: MY LĂNG
Anh giúp cô gái từ người sắp chết dần trở nên khỏe mạnh.
Nhiều lúc thương chồng, mình dằn vặt trách mình sao lại làm khổ anh. Mình kể cho chồng nghe, ảnh bảo: Em đừng suy nghĩ nhiều quá. Mọi người không yêu thương em thì có anh đây.
Theo anh thì không có giàu đâu
Khi chúng tôi tới thăm vợ chồng Dung – Nhiều hồi cuối năm 2019, thấy cái nền nhà mới xây dở chơ vơ những trụ ximăng chĩa lên trời, bên cạnh là hai ngôi mộ, phía sau là rừng dừa bạt ngàn. Từ trong túp lều tranh bước ra, một cô gái nhỏ thó, gầy gò, xanh xao nở nụ cười. Đó là Dung, Vương Thị Dung. Kế bên là chồng cô, Tống Ngọc Nhiều.
Đến giờ đã nửa năm, gọi điện hỏi thăm, Dung khoe đang đi chợ với chồng. Dung vui vẻ cho biết sức khỏe cô đã khá hơn. Còn cái nhà vẫn dang dở như vậy vì chưa có tiền xây tiếp.
“Thấy tội vợ chồng nó. Nhà cửa người ta cho chút tiền, dựng lên được mấy cây cột rồi hết, không có tiền làm tiếp nên cứ để vậy đó. Tụi nó dựng cái nhà tôn lên ở, nóng dữ lắm mà cũng ráng chịu” – bà Võ Thị Lụa, 56 tuổi, một người dân ở ấp 6 xã Tân Hùng (huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh), cho hay.
Nhà bà Lụa ở ấp 6, xã Tân Hùng. Nhà Dung – Nhiều bên ấp Cao Một, xã Tân Hòa nhưng giáp ranh với nhau. Hai nhà chỉ cách nhau chừng trăm mét. Bà Lụa hằng ngày đi bán vé số, cũng cảnh nghèo khó nhưng thấy vợ chồng Dung – Nhiều còn khổ hơn lại yêu thương nhau nên thương tình, mỗi lần có ai cho quà từ thiện, bà lại xin cho vợ chồng họ một phần.
“Hàng xóm thấy con Dung cái bụng bị chướng như có bầu, gầy nhom, xanh nhớt nên xa lánh, không dám qua chơi, sợ bị lây. Hai vợ chồng nó thương nhau dữ lắm. Tội nghiệp thằng Nhiều. Siêng lắm. Ai kêu gì cũng làm. Nghe có thuốc ở đâu hay cũng đi. Không có thằng Nhiều là con Dung tiêu rồi. Giờ nó khỏe mạnh, có da có thịt chút chút chớ hồi mới về đây, nó ốm thấy ghê. Ai cũng nghĩ nó chết chớ không sống nổi” – bà Lụa nói một hơi.
Từng kết hôn rồi ly dị chỉ sau một năm chung sống, Dung nghĩ mình sẽ không lập gia đình nữa. Cô từ Lào Cai vào Tây Ninh kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo. Gần 7 tháng sau, Dung gặp anh chàng người miền Tây tên Tống Ngọc Nhiều, lớn hơn Dung 3 tuổi. Nhiều cũng từng kết hôn và đổ vỡ như Dung.
Đó là câu chuyện của gần 4 năm trước. Hồi đó, Nhiều làm nhân viên phục vụ quán cà phê ở Bình Dương. Trong một lần vô Facebook, anh thấy có người gửi lời kết bạn. Tò mò, Nhiều vào trang cá nhân của cô gái và thấy lạ vì: “Mình thấy cô này sao… già quá. Cổ nói người miền Bắc, đã ly dị chồng, đang ở Tây Ninh. Cổ nói bệnh sắp chết rồi còn chụp cho mình coi cái khối u to ở bụng”. Nói chuyện được gần 2 tiếng đồng hồ, Dung lại đi bán vé số tiếp.
Hai người nói chuyện trên mạng chừng một tháng thì gặp mặt. Khi đó Dung nhắc lại lần nữa, rất nghiêm túc: Em bị bệnh ung thư sắp chết, anh có thương em và chịu nuôi em không? Không ngờ Nhiều vẫn chấp nhận quen Dung. “Mình thấy cổ hiền, thật thà nên thương thôi” – Tống Ngọc Nhiều nói.
Sau một thời gian, Nhiều bất ngờ đề nghị Dung tới Bình Dương ở cùng để anh chăm sóc. “Mình nói với cổ: Theo anh thì không có giàu đâu. Vậy mà cổ cũng chịu” – Nhiều bảo.
Trước đó, Dung đã trải qua cơn đau đớn với ca mổ vì buồng trứng bên trái bị xuất huyết, bên phải bị khối u. Lúc về ở với Nhiều, khối u đã di căn qua ruột, sợ đụng dao kéo không an toàn nên bác sĩ không dám mổ. Dung đến với Nhiều, không chỉ là cái thân thể tiều tụy mà còn là khoản nợ 20 triệu đồng mượn lúc mổ.
Mới được một thời gian ngắn, khối u bị xoắn. Kết quả xét nghiệm cho biết khối u là ác tính, phải xạ trị. Không có tiền, Dung liều mình ở nhà một tháng, chờ vết thương có vẻ lành thì lại đi bán vé số.
Dung và Nhiều trước căn chòi lá họ đang ở – Ảnh: MY LĂNG
Mâm cơm nên vợ nên chồng
Cuối cùng, sau một lần đến bệnh viện, Dung hoang mang cùng cực khi bác sĩ nói không thể điều trị được nữa. Nhớ lại quê mình Trà Vinh có nhiều thầy người Khmer giỏi, Nhiều bỏ việc ở Bình Dương, đưa Dung về.
Ba mẹ Nhiều đã mất, chỉ còn lại mấy anh chị em. Không có tiền làm đám cưới, họ làm mâm cơm chay cúng ông bà, một mâm cơm mặn mời anh em. Dung và Nhiều chính thức trở thành vợ chồng với sự chứng giám của tổ tiên và lời chúc phúc của anh chị em trong gia đình.
Dù đã đi nhiều thầy thuốc nam nhưng khối u vẫn còn nguyên. Suốt 7 tháng liền, càng uống thuốc, bụng càng chướng to lên.
“Hồi mới về đây mình còn đi lại bình thường. Nhưng sau đó thì kinh khủng lắm. Tối ngày anh Nhiều phải dìu mình đi ra nhà vệ sinh. Cứ nằm xuống được 2 giây là chồng phải dìu đi. Một đêm mình đi vệ sinh mấy chục lần. Một tuần xài 4 gói tã em bé gần 200 cái, cả đêm lẫn ngày.
Trời mưa lạnh quá thì lại đau nhức mình mẩy, chân tay. Ảnh cứ chợp mắt là mình đau nhức gọi dậy bóp chân, bóp tay cho vợ. Ảnh khổ vì mình lắm, không ngơi ra đi đâu làm gì được. Nhiều người không hiểu nói ảnh làm biếng” – Dung rớm nước mắt kể.
Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất với đôi trẻ. Vợ đau ốm liên miên, Nhiều không được nghỉ ngơi, không đi kiếm tiền được. Những ngày mưa gió thì không có ai thuê mướn. Có lúc túng quẫn đến nỗi trong túi không có nổi 1.000 đồng.
“Nhưng ảnh không bao giờ chán nản, chưa bao giờ nổi nóng, luôn vui vẻ động viên mình. Nghe hàng xóm nói ra nói vô nhỏ này chắc chết, mình sợ lắm. Một tháng trời ngày nào cũng khóc” – Dung bảo.
Ngày nào Dung đỡ hơn, Nhiều mới có thời gian đi làm mướn. Chạy xe ôm, cuốc 10.000 đồng Nhiều cũng chạy. Rồi đi đẩy củi mướn, khúc củi to, nặng, Nhiều cũng ráng khiêng vác. Có bữa Nhiều đi chùa làm công quả, sư thầy thấy tội, lại dúi cho ít tiền…
Hồi mới về nhà, Nhiều còn bán lần lần được mớ dừa, một tháng bẻ một đợt, được thêm 300.000 – 500.000 đồng mỗi tháng. Anh chị em của Nhiều cũng khổ. Thấy hai em khổ quá, thỉnh thoảng họ ghé qua cho 50.000 – 100.000 đồng. Vợ chồng Nhiều hết gạo, hết bột ngọt thì chạy qua xin.
“Nhà chị Hai cũng nghèo, mình qua xin chén gạo về nấu cháo ăn nước tương. Hàng xóm thì không ai dám tới. Trồng rau bưng đi bán mà người ta không dám mua, sợ ăn rau lây bệnh” – Dung kể.
Suốt một năm trước, cứ một tháng Dung phải đi bệnh viện 1-2 lần truyền nước biển và tiêm thuốc làm cho dịch ra ngoài. Hai năm trước, Nhiều may mắn tìm được đúng thầy, đúng thuốc cho vợ. Uống một năm thì khối u xẹp xuống. Bây giờ, gần hết thuốc là Nhiều lại đi tìm thuốc nam về chặt phơi cho vợ uống.
Chỉ cái nền nhà xây dang dở đã nửa năm, Nhiều cho hay dòng họ Tống ở TP.HCM cho 20 triệu đồng làm cái nhà. Chừng nào có tiền lại làm tiếp. Vợ chồng Nhiều vẫn đang thiếu tiền công thợ 3 triệu đồng. “Tụi mình đang ở nhờ nhà của anh trai. Ông ngoại mình là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ, Nhà nước cất cái nhà đó cho con của liệt sĩ. Mẹ mình mất, để lại căn nhà cho anh trai mình” – Nhiều cho hay.
“Vẫn còn khó khăn nhiều lắm nhưng tụi mình vẫn cố gắng vượt qua từng ngày. Mình may mắn khi gặp được một người như ảnh. Chẳng ai muốn cưu mang một người không tiền bạc lại còn nợ nần rồi bị bệnh sắp chết. Trên đời này chắc chỉ có ảnh thôi…” – Dung cảm kích nói.
“Mong được giúp đỡ anh Nhiều – chị Nhung…”
“Chuyện như cổ tích. Tuyệt vời tình yêu – tình người”, “Hai bạn là người hùng trên mặt trận chống chọi với bệnh tật, hi vọng 2 bạn sẽ có 1 phép màu để cuộc sống tươi đẹp hơn nữa”, “Mong được giúp chút ít cho 2 bạn”… Nhiều bạn đọc đã xúc động chia sẻ sau khi đọc bài viết về anh Nhiều – chị Nhung.
Thể theo đề nghị của bạn đọc, và với mong muốn tấm lòng đến được với tấm lòng, Tuổi Trẻ xin cung cấp các kênh tiếp nhận đóng góp của bạn đọc để “tiếp sức” cho hai vợ chồng trẻ:
- Đóng góp trực tiếp: Tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực.
- Chuyển khoản: Bạn đọc có thể chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM hoặc ví điện tử MoMo “Chung tay cùng Tuổi Trẻ”. Chuyển tiền từ nước ngoài về: Bao Tuoi Tre – Vietcombank, Ho Chi Minh City, Viet Nam – Swift code: BFTVVNVX007 – Account Number: * USD: 007.137.0195.845 – * EUR: 007.114.0373.054. Nội dung chuyển tiền: “Hỗ trợ anh Tống Ngọc Nhiều và chị Vương Thị Dung”.
Xin trân trọng tấm lòng của bạn đọc!
Hạnh phúc ngày về nhà ăn Tết trên chuyến xe yêu thương dành cho bệnh nhân ung thư
Từ bệnh viện K Tân Triều trở về quê ở Quan Hoá (Thanh Hoá) sau đợt điều trị ung thư phổi, ung thư cổ tử cung, bình thường cô Chu Thị Định (62 tuổi) phải trải qua 3 cuốc xe.
"Nhưng hôm nay, nhờ chuyến xe yêu thương, tôi bình tĩnh dọn đồ trong bệnh phòng, ra xe, được chở miễn phí về tận Thanh Hoá, rồi mới phải bắt thêm một chặng về quê", cô Định vui mừng chia sẻ.
"Bến xe" đặc biệt tại bệnh viện K
Ngay từ sáng sớm 16/1, hàng chục chiếc xe đã đỗ ngay ngắn trước sảnh bệnh viện K Tân Triều.
Hôm nay cũng là ngày 22 Tết, nhiều bệnh nhân sau liệu trình điều trị, vui mừng được về quê ăn Tết.
Nhưng thay vì cảnh tất bật dậy sớm, dọn đồ, bắt xe ra bến xe từ sáng sớm, họ bình tĩnh, thư thả, ngồi nói chuyện, động viên, hỏi thăm bệnh tình của nhau, nghe nhau hát, vì "lát nữa có chuyến xe yêu thương đưa về tận nhà, không mất tiền".
Hạnh phúc ngày về nhà ăn Tết trên chuyến xe yêu thương dành cho bệnh nhân ung thư
Cô Chu Thị Định (Quan Hoá, Thanh Hoá) chia sẻ, năm ngoái đợt điều trị kết thúc sớm hơn, cô tự bắt xe về, lích kích 3 chặng mới về đến nhà. Năm nay thì cứ yên tâm ngồi đợi loa thông báo, xe đưa về tận thành phố Thanh Hoá, rồi cô sẽ bắt thêm một chuyến xe để về quê.
Ngồi đợi cùng cô Định, cô Phạm Thị Quế (62 tuổi ở Thái Bình) cũng yên tâm chờ đến lượt tuyến xe đi Thái Bình chuyển bánh.
"Tôi vừa kết thúc một tuần truyền hoá chất điều trị ung thư cổ tử cung, vừa đúng hôm nay được về có xe đón về tận nhà, đến 21 tới tôi lại lên theo lịch hẹn".
Nhìn bé Lê Thuỳ Linh (5 tuổi, Nghệ An) ngồi trên xe lăn, ai cũng thương cảm. Cô bé chưa được xuất viện đợt này, nhưng thấy không khí buổi lễ đưa bệnh nhân về quê ăn Tết, bà của bé cũng đẩy bé xuống cho vui vẻ.
Cô bé bị ung thư xương di căn đã phải bỏ một chân, mẹ thì ốm yếu, bố bỏ đi, chỉ có mình bà chăm sóc.
"Vài hôm nữa cháu về quê, thấy các bác sĩ nói có chuyến xe yêu thương đưa hai bà cháu về tận nhà. Tôi nhẹ người, không hai bà cháu, còn phải đẩy xe lăn, di chuyển ra bến xe bắt xe rất lích kích", bà ngoại Linh chia sẻ.
Cô bé đã được Giám đốc BV K, GS.TS Trần Văn Thuấn xuống tận nơi mừng tuổi.
Nối dài những yêu thương
GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K chia sẻ, Tết đến là thời điểm người người, nhà nhà mong muốn được quây quần bên nhau đón chờ những ngày đầu xuân mới. Trước tình hình thực tế về sự quá tải của các bến xe nhân dịp Tết Nguyên đán, sự khó khăn về điều kiện kinh tế và sức khỏe của người bệnh ung thư, thay vì phải ra bến xe đông đúc ấy, ngay tại "bến xe đặc biệt Bệnh viện K", tất cả người bệnh và người nhà được đưa lên những chiếc xe khởi hành miễn phí, đưa về nhà đón Tết sum vầy cùng gia đình.
Niềm vui ngày về nhà ăn Tết của hai bệnh nhân trên cung đường Thái Bình, Thanh Hoá.
Tại "bến xe" đặc biệt này, người điều phối, hướng dẫn các bác, các cô, những em nhỏ lên xe không ai khác, chính là những bóng dáng áo blouse trắng.
Những bệnh nhân về trên chuyến xe yêu thương không chỉ được miễn phí tiền xe cộ, còn được lì xì và một chút quà để về quê đón năm mới.
Người bệnh với đồ đạc được sắp xếp gọn gàng, người cười, người khóc vì xúc động ngay tại nơi họ điều trị, họ lại được đưa về với tất cả sự chân thành, sẻ chia đầy yêu thương chỉ mong người bệnh được về quê đón Tết bên gia đình.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K trao quà cho bệnh nhân.
Ông Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội BV K cho biết, đây là năm thứ 4, Bệnh viện K trở thành "bến xe yêu thương"với bao nụ cười, giọt nước mắt xúc động của những người xa quê - những bệnh ung thư hàng ngày, hàng giờ nén nỗi đau điều trị bệnh tật lên xe trở về nhà đón Tết cổ truyền sum vầy.
Ngoài các chuyến xe yêu thương diễn ra ngày 16/1, đợt 2, ngày 18/01/2020 tức ngày 24 tháng Chạp sẽ có thêm những chuyến xe yêu thương đưa bệnh nhân ung thư về quê ăn Tết.
Riêng trong sáng 16/1, đã có 10 chuyến xe chở gần 300 bệnh nhân đã bắt đầu lăn bánh, nhiều người bệnh đã xúc động rơi nước mắt vì thấy được sự quan tâm, yêu thương của cộng đồng với "Chuyến xe yêu thương" đưa họ về quê ăn Tết.
"Tết năm nay tôi phấn khởi lắm vì không phải đi ra bến tìm xe về quê. Ngày thường đi đã đông lắm, ngày tết còn khó hơn.Mà còn cả túi xách, ba lô, đồ đạc ra bến rất vất vả. Hôm nay được đi xe của bệnh viện về tận quê, tôi không phải chạy đi tìm xe nữa, vừa tiết kiệm được tiền để chữa bệnh lại còn được rất nhiều quà, yên tâm quá rồi. Không chỉ riêng tôi, rất nhiều bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn, do đó "Chuyến xe yêu thương" thực sự là điều ý nghĩa to lớn với chúng tôi, để Tết này trọn vẹn hơn bên gia đình.", chị Trần Thị Ngo hào hứng chia sẻ với các bác sĩ, điều dưỡng trước khi lên chuyến xe về Thái Bình.
Ngày 18/1 (tức 24 âm lịch) tới đây sẽ có nhiều "Chuyến xe yêu thương" miễn phí đi các tỉnh đưa người bệnh về quê đón Tết theo các tuyến: Hải Dương - Hải Phòng; Thái Bình - Nam Định; Phú Thọ - Tuyên Quang; Thái Nguyên - Bắc Kạn; Hòa Bình - Sơn La; Yên Bái - Lào Cai; Bắc Ninh - Bắc Giang - Lạng Sơn; Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh.
"Chuyến xe yêu thương" không chỉ dành cho người bệnh đang điều trị tại bệnh viện K mà chương trình sẽ cùng chung tay chia sẻ với bệnh nhân điều trị tại 10 Bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội: Bệnh viện K, Bệnh Viện 103, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung Ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Bệnh viện Nội Tiết, Bệnh viện Tai Mũi Họng, Bệnh viện Tim Hà Nội.
PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc BV trao quà cho bệnh nhân trên chuyến xe yêu thương.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ "Chuyến xe yêu thương" là món quà Tết đặc biệt và ý nghĩa mà các đơn vị tổ chức muốn trao cho mỗi bệnh nhân. Người bệnh vốn ở các tỉnh xa, điều trị bệnh đã ốm yếu, trong khi xe đò lại quá tải, tôi hy vọng rằng những "Chuyến xe yêu thương" ấy sẽ giúp các bệnh nhân yên tâm, ấm lòng khi trở về quê ăn đón Tết bên những người thân yêu".
Bệnh viện K hy vọng rằng sẽ cùng các đơn vị nối dài những hành trình ý nghĩa như vậy với người bệnh điều trị ở khắp nơi trên cả nước, sẻ chia nỗi đau mà họ phải chống chọi sau mỗi đợt điều trị. "Chuyến xe yêu thương" đưa người bệnh về quê đón Tết sẽ thắp lên trong họ những tia hy vọng mới khi năm Canh Ty đã ở rất gần.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Hãi hùng đồ ăn vặt ở cổng trường (3): Báo động nguy cơ ngộ độc trường diễn "Phụ huynh mua cho con thịt xiên, kẹo bánh... mất an toàn vệ sinh thực phẩm thì độc tố không phát tác ngay, nhưng đến 20 - 30 năm sau mới phát bệnh mà không biết vì sao lại bị" - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết. Như báo GĐ&XH đã có các bài viết khảo sát...