Em bé tử vong 11 ngày sau khi chào đời vì một loại virus không hề xa lạ nhưng lại chẳng mấy người biết
Vì loại virus này mà bé chỉ được sống vỏn vẹn trong 11 ngày và giờ bố mẹ bé đang cố gắng hết sức để nâng cao nhận thức cho mọi người về “kẻ giết người” thầm lặng này.
Chỉ 11 ngày sau khi em xinh xắn đến từ Australia tên Billie chào đời, bố mẹ bé đã phải trải qua nỗi đau xé tâm can khi ôm con lần cuối trước khi con trút hơi thở cuối cùng. Đó là một câu chuyện vô cùng đau lòng mà mẹ bé là Candice muốn chia sẻ với hy vọng rằng sẽ có nhiều người có thêm hiểu biết về loại virus chết người rất ít người biết đã cướp đi mạng sống của con gái cô.
Bé gái bụ bẫm qua đời chỉ 11 ngày sau khi chào đời
Thỉnh thoảng tôi vẫn không thể tin được rằng con đã ra đi. Billie được sinh mổ ở tuần thứ 39 vì bác sĩ bảo tim con đang có vấn đề. Con là một em bé bụ bẫm, giống hệt chị Aubrey của con.
Bé Billie trong vòng tay mẹ và chị Aubrey.
Đêm đầu tiên, thân nhiệt con thấp nên tôi ôm con suốt đêm. Con cũng có một ít dấu hiệu của chứng vàng da. Sau 3 đêm, bác sĩ cho biết con có thể được về nhà thế nhưng về đến nhà thì con không thể ăn ngủ bình thường. Tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng. Hai hôm sau đó có y tá đến nhà kiểm tra và ngay sau đó con được đưa trở lại bệnh viện vì bị thiếu cân và bị vàng da trầm trọng.
Sau khi làm xét nghiệm, bác sĩ nói rằng con bị viêm màng não mô cầu và có nguy cơ rằng con sẽ gặp phải khuyết tật hoặc khó khăn trong khả năng học. Nhưng sau khi có thêm các kết quả xét nghiệm, chúng tôi mới phát hiện ra rằng đó là Enterovirus, một loại virus thường làm nhiễm trùng đường ruột. Bác sĩ nói sau khi biết được loại virus thì con sẽ ổn thôi và có khả năng, dù rất thấp, rằng virus có thể nhiễm vào tim của con, nhưng thường trường hợp đó rất hiếm.
Video đang HOT
Về nhà chưa được bao lâu thì bé Billie lại phải trở lại bệnh viện vì bị thiếu cân và bị vàng da trầm trọng.
Tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm, nếu các kết quả xét nghiệm còn lại đều không có vấn đề gì thì chúng tôi có thể đưa con về nhà trong 2 hôm tới. Sáng hôm đó, con không còn bú bình nữa mặc dù trước đó con vẫn ăn rất tốt. Đến lúc cuối cùng con cũng chịu bú thì ngay lập tức nôn ra khắp nơi, chưa bao giờ con bị như vậy cả.
Họ đều bảo chúng tôi có thể đưa con về nhà nhưng tôi từ chối và muốn đợi thêm xem tình hình thế nào. Chúng tôi lo sợ việc đưa con về nhà sau tất cả những gì đã xảy ra. Và sau khi con lại bị nôn một lần nữa, họ đã hoãn việc cho con ra viện.
Tình trạng của con trở nên tồi tệ nên các bác sĩ đặt ống thông mũi – dạ dày cho con. Tôi vẫn cố giữ bình tĩnh cho đến lúc đó, ôm con trước khi họ đặt ống và rồi tôi thực sự suy sụp. Tôi khóc rồi lại khóc. Và rồi chuyện khủng khiếp đã xảy đến. Sau khi không đọc được dữ liệu, y tá đã phải thực hiện một cuộc gọi cấp cứu.
Bé Billie ra đi chỉ 11 ngày sau khi chào đời.
Các bác sĩ và y tá chạy vội vào phòng còn tôi thì hoảng loạn. Họ nói rằng có vẻ như virus đã lan đến tim của Billie và họ cần chuyển con đến Melbourne nhưng lại không thể ổn định con được để có thể di chuyển. Thậm chí họ còn phải thực hiện xoa bóp tim cho con và báo rằng có lẽ chúng tôi nên chuẩn bị tinh thần vì Billie có thể sẽ không qua khỏi. Tôi phải tự trấn an bản thân rằng con sẽ ổn thôi, nhất định phải thế.
Nhưng rồi Billie đã ra đi lúc 2 giờ sáng hôm sau đó vì bệnh viêm cơ tim do Enterovirus. Con đã phải chịu đựng quá nhiều. Dù ôm con trong tay trong giây phút cuối, một phần trong tôi vẫn không tin được rằng chuyện này sẽ xảy ra, thật quá đau đớn.
Nâng cao nhận thức về Enterovirus
Chúng tôi muốn góp phần nâng cao nhận thức về loại virus này để cải thiện việc xét nghiệm và rà soát, từ đó sẽ có thêm hiểu biết và những can thiệp sớm hơn.
Aubrey bị ốm vào tuần trước khi bé Billie chào đời, và giờ họ tin rằng tôi đã bị lây từ Aubrey và rồi truyền sang bé Billie trong tử cung. Những ngày trước khi sinh, tôi cảm thấy không khỏe nhưng lại chỉ nghĩ là mình mệt do mang bầu và phải chăm sóc một đứa con nhỏ nữa.
Bé Billie và chị gái Aubrey.
Sau khi bé Billie qua đời, chúng tôi phát hiện ra rằng con bị nhiễm Coxsackievirus B nặng (một nhóm sáu type huyết thanh của Coxsackievirus, một enterovirus gây bệnh, mà kích hoạt bệnh từ đau dạ dày nhẹ đến viêm màng ngoài tim hoàn toàn và viêm cơ tim). Giờ đây chúng tôi mới biết rằng nếu một em bé bị mắc Enterovirus, việc can thiệp sớm là vô cùng quan trọng bởi mặc dù không có sự đảm bảo nào nhưng vẫn có phương pháp điều trị hỗ trợ. Ở người lớn và trẻ nhỏ thì các triệu chứng thường chỉ rất nhẹ nhưng nó lại có thể gây tử vong đối với trẻ sơ sinh.
Enterovirus là một virus phổ biến với hơn 100 chủng khác nhau. Trong đó, echovirus và coxsackievirus là hai chủng thường gặp nhất.
Tình trạng nhiễm Enterovirus có thể diễn ra vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Hầu hết những bệnh truyền nhiễm do Enterovirus gây nên không quá nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh tay chân miệng hay herpangina. Mặc dù vậy, đôi khi vi sinh vật trên cũng có thể tấn công đến hệ thần kinh trung ương và trực tiếp đe dọa đến tính mạng người bệnh. Viêm màng não do virus, viêm đường hô hấp nặng và bại liệt là những ví dụ cụ thể cho trường hợp hy hữu này.
Nhiễm trùng Enterovirus ban đầu có thể biểu hiện với các triệu chứng tương tự như các vi sinh vật khác – chẳng hạn như sốt, sổ mũi, ho, phát ban trên da, phồng rộp miệng hoặc đau nhức cơ – nhưng sẽ tiến triển thành bệnh nặng hơn nếu nó lây nhiễm các vị trí quan trọng, chẳng hạn như tim hoặc tủy sống.
TP.HCM ghi nhận 640 ca mắc tay chân miệng chỉ trong một tuần
Chỉ trong vòng một tuần, TP.HCM ghi nhận 640 ca mắc tay chân miệng. Đây là số mắc cao nhất trong tất các tuần tính từ đầu năm 2020 đến nay.
Từ đầu năm 2020 đến nay, TP.HCM ghi nhận 6.358 ca mắc tay chân miệng Ảnh minh họa
Ngày 1/10, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 6.358 ca mắc tay chân miệng. Riêng trong tuần thứ 3 của tháng 9/2020, toàn thành phố ghi nhận 640 ca bệnh, là số mắc cao nhất trong tất các tuần tính từ đầu năm đến thời điểm này. Số ca bệnh trong tuần tăng tại 19/24 quận huyện, trong đó có 4 quận huyện ở mức độ cảnh báo.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm chủ yếu do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, lây truyền qua đường tiêu hóa. Bệnh lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các nốt phỏng, phân, chất nôn của người bệnh.
Khả năng lây cao nhất là trong một tuần sau khi trẻ khởi phát triệu chứng. Tuy nhiên, virus có thể tồn tại trong cơ thể trẻ vài tuần sau đó. Bệnh dễ lây lan nhất là trong những nơi đông trẻ như trường mẫu giáo, nhóm trẻ. Hiện nay, do trẻ em, học sinh tập trung trở lại vào năm học mới, là thời điểm tay chân miệng có thể bùng phát.
Khi mắc bệnh, trẻ có biểu hiện sốt, loét miệng khiến trẻ rất đau khi ăn, nổi bóng nước trên lòng bàn tay, lòng bàn chân, niêm mạc miệng, đầu gối... Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi... dẫn đến tử vong.
Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, để đề phòng các biến chứng nguy hiểm này, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ và gia đình cần theo dõi sát trẻ, phát hiện sớm các biểu hiện diễn biến xấu như sốt cao, thở bất thường, kích thích hoặc li bì, bỏ bú, nôn trớ, co giật... Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên cho trẻ ăn những thực phẩm kích thích sự ngon miệng như các loại rau có tính mát, chứa nhiều vitamin. Thức ăn nên được ray, xay thật nhỏ, mềm và chia nhiều bữa nhỏ trong ngày để trẻ dễ hấp thu. Các bậc phụ huynh cũng cần chú ý tránh cho trẻ các thức ăn cay, nóng, cứng. Đối với trẻ còn bú mẹ thì nên cho trẻ bú như bình thường, có thể tăng số lần lên vì mỗi lần trẻ bú không được nhiều như lúc còn khỏe.
Đồng thời, thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi. Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của trẻ mắc bệnh phải được xử lý đúng để bệnh không phát tán.
Người phụ nữ mắc hội chứng suy tim hiếm gặp Người phụ nữ nhập viện với triệu chứng chướng bụng, phù chân kèm nhiều bệnh nền khiến các bác sĩ gặp khó khăn khi chẩn đoán. Bác sĩ Trần Duy Bách, khoa Tim mạch tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, cho biết đơn vị này đang điều trị cho nữ bệnh nhân 35 tuổi, mắc hội chứng tim mạch hiếm gặp....