Em bất ngờ đòi đi ra nước ngoài lập nghiệp
Em muốn vừa học vừa làm trong 4 năm, cưới chồng bên đó để xin được cấp quốc tịch. Rồi ly dị người ta để bảo lãnh cho tôi qua Australia.
Tôi 25 tuổi, bạn gái bằng tuổi, học chung cấp 3, cuộc tình của chúng tôi bắt đầu cũng bình thường như bao cặp đôi khác. Tôi và em bắt đầu yêu nhau từ khi tôi học năm cuối cao đẳng, còn em đang học năm 2 đại học vì thi lại lần 2. Tình yêu này trải qua thật đẹp, đầy yêu thương, ấm áp, nhiều kỷ niệm.
Quen nhau được một năm gia đình chúng tôi đều biết chuyện. Gia đình em rất nhiệt tình, mọi người đều thân thiện và yêu quý tôi. Phần nữa vì tôi thường ghé qua nhà đưa em đi chơi nên gia đình em cũng thân với tôi hơn, còn em ít khi qua nhà tôi vì lúc đó tôi chưa dẫn em về ra mắt. Rồi đến dịp tết âm lịch, lớp học cấp 3 của tôi rủ nhau đi chúc tết, đến nhà ba mẹ hỏi đùa với các bạn khác: thằng Hùng có người yêu chưa mấy cháu? Các bạn tôi chỉ ngay cô ấy. Gia đình nhìn em rồi nói vui là hơi ốm và nhỏ con. Sau đó chúng tôi tiếp tục đi chúc tết các bạn khác.
Ảnh minh họa: HH
Về nhà, lúc đầu gia đình tôi có phần không ưng ý, nói là vậy nhưng thật ra chỉ chê cô ấy đôi chút chứ không có ý không tán thành cho chúng tôi quen nhau. Tính tôi hay nói thật mọi chuyện với bạn gái nên khi cô ấy biết đã rất buồn và nhiều lần đòi chia tay. Sau bao nhiêu nỗ lực thuyết phục, cô ấy cũng đồng ý tiếp tục quen. Chúng tôi tin rằng tình yêu và nỗ lực của hai đứa sẽ giúp tình yêu vượt qua sóng gió.
Đến năm thứ 2 yêu nhau, tôi ra trường bắt đầu đi làm, em còn học một năm nữa. Mọi chuyện đều tốt đẹp, tôi thân với gia đình em hơn, gia đình tôi cũng tìm hiểu về gia đình em qua mấy người bạn, ba mẹ yên tâm cho chúng tôi quen nhau. Đến năm thứ 3 yêu nhau, em ra trường nhưng không xin được việc làm trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế.
Sau mấy tháng nộp hồ sơ, đi phỏng vấn không được, cuối cùng em quyết định về quê đợi xin việc. Tôi nhất trí vì cũng mong muốn sau này về quê lập nghiệp. Năm đó tôi đăng ký học liên thông đại học với hy vọng sau một năm rưỡi ra trường sẽ gửi hồ sơ về cho ba mẹ xin cho đi dạy cấp 1, 2 ở quê, rồi làm thêm khi có thời gian (tôi có nghề nhiếp ảnh và in ấn). Tôi mong sao em sớm tìm được việc làm ở quê, đến lúc tôi về sẽ cưới nhau, cùng xây dựng gia đình.
Video đang HOT
Đến năm thứ tư yêu nhau, gia đình tôi thấy tôi đã trưởng thành, hỏi xem tôi còn quen với bạn gái đó không, có thật lòng với nhau không. Tôi nói rõ mong muốn của mình, ba mẹ cũng đồng ý, nói 2 đứa hãy tìm việc làm ổn định ở quê rồi sẽ tổ chức đám cưới. Tôi vui mừng và cũng nói cho em biết, em rất vui.
Tưởng hạnh phúc đang chờ đợi nhưng khi tôi còn một năm nữa sẽ ra trường em bất ngờ thông báo sẽ đi Australia theo diện du học rồi tìm cách ở lại bên đó. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc này, quá bất ngờ, tôi hỏi em những dự định tương lai, em cũng mù mờ không dám chắc, chỉ nói sẽ vừa học vừa làm trong 4 năm, cưới chồng bên đó để xin được cấp quốc tịch. Rồi ly dị người đó để bảo lãnh cho tôi qua. Em cũng nói thêm là kết hôn 4 năm sau mới được ly dị theo luật ở đó. Tôi vô cùng bàng hoàng, không tin được những gì đang nghe, dự định này tôi chưa từng biết đến, mặc dù lúc đó em vẫn chưa chắc có đi được hay không vì đang làm thủ tục.
Trong khoảng thời gian đó, nhiều lần tôi khuyên em ở lại, cùng nhau xây dựng cuộc sống như từng mơ ước, chỉ còn một năm nữa tôi học xong liên thông đại học. Những gì em định làm sẽ phải đánh đổi quá nhiều thứ, sang đó em sẽ phải vừa làm vừa học, rồi thiếu thốn tình cảm, bất trắc, rủi ro. Tôi sợ em khổ, không muốn em đi, cái giá phải trả quá đắt: tuổi xuân, tình cảm, gia đình…, tương lai lại mù mờ. Sẽ sang đó cưới ai? Làm có đủ tiền bảo lãnh không? Rồi mọi chuyện có diễn ra theo ý mình không? Chính em cũng không dám chắc.
Lúc đầu tôi cũng hy vọng em sẽ không đi được nên không dứt khoát, chỉ khuyên nhủ, phân tích thiệt hơn cho em thấy. Nếu em đi được thì sao? Tôi không thể để mọi chuyện diễn ra theo kiểu “hên xui” nên quyết định nói rõ trước để em dừng lại còn kịp. Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi dự tính ít nhất mất 6 năm nếu mọi điều em dự tính đều suôn sẻ, em thì nói: “Có khi còn lâu hơn nữa, vì tương lai em không chắc chắn được”.
Cuối cùng tôi nói thẳng: “Nếu như 6 năm sau em về bảo lãnh anh đi, chắc chắn anh không đi. Vì sau 6 năm, công việc anh đã ổn định ở quê nhà, với lại anh không hề có ý muốn đi nước ngoài sống, rồi sau 6 năm tình cảm sẽ mờ nhạt. Nếu em đi coi như 2 đứa chia tay”. Em nói: “Em chấp nhận và không hối hận. Ai cũng có mơ ước của mình”. Đến lúc này, mọi thứ với tôi đều sụp đổ, bao nhiêu nỗ lực níu kéo, khuyên nhủ, phân tích thiệt hơn nhưng em vẫn không từ bỏ ý định.
Chúng tôi chia tay khi em chưa chắc được đi Australi. Tình cảm 4 năm với bao nhiêu kỷ niệm không thể níu kéo được em, bao nhiêu mơ ước tương lai không thể ngăn em được. Tôi đành chấp nhận mất em. Liệu tôi có thể làm được gì để thay đổi mọi chuyện? Tôi từ chối đi với em có đúng không? Cái giá mà em đánh đổi có đáng không? Những câu hỏi cứ xoáy sâu trong đầu tôi khiến tôi kiệt sức.
Theo VNE
"Thứ vợ" gì như tôi?
Mãi đến khi máy bay cất cánh, tôi mới tin chắc rằng lần này mình sẽ được về nhà. Tôi nghĩ đến mẹ tôi, 7 năm không gặp, chắc mẹ đã yếu đi nhiều, tóc sẽ bạc nhiều hơn. Còn ba tôi, vốn dĩ đã gân guốc, bây giờ chắc lại càng gầy gò hơn.
Từ sân bay Tân Sơn Nhất về nhà, tôi thuê taxi để mẹ con đi cho khỏe. Hai đứa nhỏ lần đầu tiên đi xa nên rất quậy khiến tôi mệt đừ với chúng. Tuy vậy tôi rất vui khi mường tượng đến cảnh, chỉ lát nữa thôi, ba mẹ và các anh tôi sẽ vui mừng, ngạc nhiên thế nào khi mấy mẹ con đột ngột xuất hiện...
Thế nhưng những gì tôi tưởng tượng đã không xảy ra. Ngôi nhà của ba mẹ tôi vốn rất rộng giờ như càng thêm rộng. Ba tôi ngồi ở bàn nước ngoài thềm ba. Anh hai thì đi đâu đó chưa về. Chị hai và mấy đứa cháu cũng ở ngoài rẫy. Trông thấy tôi, ba tôi lập cập đứng lên, không nói được lời nào. Tôi bước nhanh tới chỗ ba, nắm lấy tay ông, nghẹn lời: "Ba khỏe không ba?". Rồi tôi nhìn dáo dác: "Mẹ đâu ba?".
Ba tôi cúi xuống xoa đầu hai đứa nhỏ đang giương mắt nhìn mẹ và ông ngoại: "Lớn quá rồi. Sao về mà không báo anh hai lên đón? Ba nó đâu sao không về chơi?". Tôi không trả lời mà bước nhanh vào nhà. Tôi đã có câu trả lời về sự vắng mặt của mẹ. Ở giữa nhà, bàn thờ mẹ tôi nghi ngút khói hương...
Anh hai tôi bảo khi mẹ tôi hấp hối, anh đã gọi điện cho Phùng, chồng tôi, bảo đưa mẹ con tôi về cho bà nhìn mặt lần cuối. Thế nhưng Phùng bảo đường sá xa xôi, anh lại đang đi công tác ngoài Quảng Ninh nên không thể cho tôi và mấy đứa nhỏ về. "Khi mẹ mất, anh cũng có báo cho nó nhưng chờ mãi vẫn không thấy tăm hơi mẹ con bây... Lúc liệm, phải vuốt mãi mẹ mới chịu nhắm mắt" - giọng anh hai nghèn nghẹn.
Phùng giấu tôi mọi chuyện. Tôi có thể không truy cứu nhưng khi mẹ tôi mất mà anh cũng không cho hay, không cho tôi về chịu tang thì tôi làm sao có thể tha thứ ? 7 năm trước, khi chấp nhận theo anh về ngoài kia sinh sống, tôi cứ đinh ninh rằng bây giờ giao thông thuận tiện, đi lại dễ dàng, từ Hải Phòng vô Sài Gòn có đường bay thẳng, bất cứ lúc nào tôi muốn thì cũng có thể về nhà. Vậy mà ra đến ngoài đó, tôi như bị biệt giam, bị cách ly khỏi gia đình, họ hàng, quê hương của mình.
Anh có cha mẹ già phải phụng dưỡng, một đứa em trai bị ảnh hưởng chất độc da cam không thể tự chăm sóc bản thân. Khi tôi vừa về tới, ngay lập tức ông anh cả của anh dọn ra ở riêng. Tôi phải bỏ công việc hướng dẫn du lịch yêu thích của mình vì anh bảo một mình anh đủ sức lo cho gia đình.
Thế giới của tôi bây giờ là ngôi nhà ngói 3 gian rộng thênh thang, con đường từ nhà ra ngôi chợ đầu làng. Tôi chăm sóc ba mẹ chồng và em chồng, mỗi tháng anh đưa cho tôi một khoản tiền đủ để trang trải mọi chuyện, thậm chí có dư. Nhưng ngay cả khi có tiền, tôi cũng không biết phải làm gì ở chốn đìu hiu ấy.
Tết năm đầu tiên tôi không được về nhà với lý do "mới ra mà đã về làm chi cho tốn kém". Năm thứ hai, mẹ anh bệnh; năm thứ ba, tôi sinh bé út; năm thứ tư bé út còn nhỏ anh không cho tôi mang đi xa... Cứ vậy, mà đến 7 năm. Đến khi tôi quyết định giấu anh, tự mình đặt vé, tự mình dắt các con về thăm ngoại thì tôi vẫn nghĩ, chỉ là một chuyến về thăm nhà, rồi tôi sẽ trở ra, tiếp tục làm dâu, làm vợ, tiếp tục phục vụ gia đình anh vì sau 7 năm bị cách ly với thế giới công việc, tôi đã bắt đầu thấy sợ hãi, bắt đầu muốn an phận thủ thường...
Vậy mà giờ đây mọi suy nghĩ trong tôi đã đảo lộn. Tôi gọi điện cho anh ngay buổi chiều của cuộc đào tẩu: "Tại sao anh giấu em? Tại sao mẹ bệnh anh hai báo tin mà anh không cho em biết? Tại sao mẹ mất anh cũng không cho em về? Tại sao... Tại sao...". Tôi hỏi và không chờ anh trả lời. Tôi hỏi chỉ để trút bỏ cơn cuồng nộ, uất ức trong lòng. Tôi bảo anh muốn gì thì vào trong này nói chuyện với tôi, với ba và anh hai chứ tôi không trở ra nữa. Thế nhưng anh chần chừ: "Anh đang bận... Em ra đi rồi tới mùa hè, anh sẽ đưa em vào thưa chuyện với ba".
Nhưng tôi không còn niềm tin với anh nữa. Nếu tôi trở ra thì chắc chắn anh sẽ tiếp tục giam cầm tôi trong ngôi nhà 3 gian cùng với những nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả mà suốt ngày anh ra rả bên tai tôi. Tôi đã quá chán ghét sự ích kỷ của anh. Nó đã biến tôi từ một người có công ăn việc làm, một người hoàn toàn độc lập trong cuộc sống trở thành một con rối chỉ biết phụ thuộc vào sự giật dây của người khác.
"Em sẽ không trở ra nữa, anh tự sắp xếp chuyện nhà" - tôi nói dứt khoát. Anh hết năn nỉ rồi quát lên trong điện thoại: "Em thật quá quắt. Thuyền theo lái, gái theo chồng chớ có thứ vợ gì mà như em? Chỉ chuyện em dắt mấy đứa nhỏ bỏ trốn thì cũng đủ cho anh bỏ em rồi. Anh kỳ hạn cho em 1 tuần lễ, nếu không về thì anh sẽ gởi đơn ra tòa, sẽ bắt 2 đứa nhỏ...".
Thứ vợ như tôi là thứ vợ gì? Tôi quay chậm lại những thước phim của cuộc hôn nhân và thấy rằng, mình đã đánh mất chính mình trong cuộc hôn nhân này. Cái được lớn nhất là tôi có 2 đứa con. Tôi chỉ sợ anh bắt con tôi, còn chuyện ly hôn thì mấy đêm nay tôi đã nghĩ đến...
Tôi phải làm sao để giành lấy tài sản quý báu nhất ấy trong cuộc chiến mà nếu anh hay tôi châm ngòi thì cũng đều khủng khiếp đối với những đứa trẻ...
Theo VNE
Bí mật từ chiếc điện thoại của chồng Tình cờ đọc được tin nhắn trong chiếc điện thoại bỏ quên trong ngăn tủ quần áo của chồng, chị choáng váng khi biết chủ nhân của tin nhắn kia là vợ người đàn ông đang tán tỉnh chị. Lấy nhau từ thời bao cấp, hai vợ chồng đều là cán bộ nhà nước, thuở ấy, hợp lý hóa gia đình là một...