Elon Musk, Jeff Bezos ‘nín thở’ trước bầu cử tổng thống Mỹ
Sự khác biệt trong chính sách của Donald Trump và Joe Biden không chỉ giới hạn trên Trái Đất mà trong cả các dự án vũ trụ.
Donald Trump đặt mục tiêu giành chiến thắng cuộc đua không gian bằng nhiệm vụ lên Mặt Trăng vào năm 2024, đồng thời chấm dứt hỗ trợ tài chính trực tiếp của Mỹ cho Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào năm 2025 và chuyển quyền điều hành cho các công ty không gian tư nhân.
Ứng viên Joe Biden theo đuổi chính sách ngược lại, khi kêu gọi hoãn nhiệm vụ lên Mặt Trăng, đồng thời đề xuất kéo dài việc cấp ngân sách cho ISS nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay.
Lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ lên Mặt Trăng có thể gây thêm nhiều ngờ vực với số phận lâu dài của hệ thống tên lửa đẩy SLS do Boeing phát triển, cũng như các sản phẩm do SpaceX của Elon Musk và Blue Origin của Jeff Bezos phát triển.
Gia hạn hỗ trợ tài chính cho ISS thêm 10 năm cũng là động thái làm lợi cho Boeing, khi hợp đồng triển khai các nhiệm vụ trên ISS trị giá 225 triệu USD mỗi năm của tập đoàn này sẽ kết thúc vào năm 2024. Boeing đang bị ảnh hưởng nặng do Covid-19 và lệnh cấm bay dòng 737 MAX sau một số tai nạn chết người.
Boeing và SpaceX đang cung cấp tên lửa, tàu vũ trụ đưa các phi hành gia lên ISS trong chương trình được khởi động từ thời chính quyền Barack Obama, được ủng hộ bởi cả Trump và Biden.
Theo Reuters, việc hoãn tham vọng trở lại Mặt Trăng có thể đẩy lùi thời hạn hợp đồng chế tạo tàu đổ bộ và trang thiết bị. Tuy nhiên, Joe Biden vẫn tìm cách thúc đẩy cạnh tranh giữa các tập đoàn quốc phòng truyền thống như Boeing với các đối thủ thế hệ mới như SpaceX, vốn hứa hẹn về các hệ thống không gian giá rẻ có thể tái sử dụng.
Sự nhất quán được chờ đợi
“Sự nhất quán là chìa khóa trong ngành công nghiệp không gian. Nếu phá vỡ nền tảng hiện nay, bạn sẽ đe dọa hàng loạt thành tựu tiềm tàng có thể đi vào lịch sử, cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng mà Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) từng được hưởng”, Mike French, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Không gian Mỹ và cựu chánh văn phòng NASA thời Obama, cho hay.
Khoảng 20 cựu quan chức và nhà khoa học NASA đã thành lập nhóm tình nguyện thuộc ủy ban khoa học trong chiến dịch tranh cử của Biden, nhằm giúp xây dựng những ý tưởng phát triển không gian trong tương lai. Nhiều người từng làm quan chức dưới thời Obama và đang tìm cách xây dựng ảnh hưởng trong giai đoạn chuyển tiếp quyền lực nếu ứng viên đảng Dân chủ chiến thắng.
Trump (phải) cùng vợ chồng Phó tổng thống Mike Pence chứng kiến vụ phóng tên lửa Falcon 9 ngày 30/5.
Nhóm chuyên gia này cũng muốn tăng cường ngân sách NASA cho các dự án nghiên cứu Trái Đất và hợp tác với các quốc gia khác. Họ nhấn mạnh chương trình nghị sự không gian của Biden mới trong giai đoạn hình thành, do chiến dịch của ông đang tập trung vào những vấn đề nóng hơn, như đại dịch Covid-19 và tình trạng thất nghiệp.
“Tôi trông chờ được dẫn đầu chương trình không gian táo bạo nhằm tiếp tục đưa các nhà du hành lên không gian để mở rộng nỗ lực thám hiểm và ranh giới khoa học”, Biden phát biểu hồi tháng 8 sau khi SpaceX đưa các nhà du hành lên ISS và trở về an toàn, đánh dấu lần đầu nhiệm vụ đưa người lên không gian được tiến hành ở Mỹ trong gần 10 năm.
Đại diện Blue Origin và Boeign từ chối bình luận, trong khi SpaceX và đại diện chiến dịch tranh cử của Trump không hồi đáp câu hỏi.
Cuộc chiến xoay quanh tên lửa của Boeing
Nhóm chuyên trách không gian của Biden đang chia rẽ về hệ thống SLS của Boeing, nhiều nguồn tin giấu tên tiết lộ.
Mẫu tên lửa đẩy hạng nặng đã hứng chịu hàng loạt trì hoãn và đội giá trong quá trình phát triển, nhưng đang tạo ra hàng chục nghìn việc làm tại bang Alabama và California. Những người ủng hộ coi SLS là trọng tâm trong những kế hoạch thám hiểm không gian của NASA, cũng như là con đường duy nhất đến mục tiêu lên Mặt Trăng năm 2024 của Trump.
Những người chỉ trích cho rằng công nghệ lạc hậu, cùng chi phí trên một tỷ USD cho mỗi vụ phóng cần được đánh giá bởi Nhà trắng hoặc quốc hội Mỹ, đặc biệt là khi SpaceX và Blue Origin có thể cung cấp những tên lửa mới kèm mức giá rẻ hơn.
Mỗi tên lửa Falcon Heavy chỉ tiêu tốn 90 triệu USD trong một nhiệm vụ, trong khi một vụ phóng tên lửa Delta IV Heavy đời cũ của United Launch Alliance mất khoảng 350 triệu USD.
Người được Biden lựa chọn để lãnh đạo NASA khi đắc cử sẽ ảnh hưởng lớn đến sự ưu ái dành cho SLS hay những sản phẩm mới từ SpaceX, Blue Origin. Nhiều nguồn tin cho biết chiến dịch của Biden muốn một phụ nữ đảm nhận vai trò này.
“NASA coi SLS là lựa chọn duy nhất để đưa người lên Mặt Trăng trong ngắn hạn, nhưng chưa có phương án cụ thể trong dài hạn”, Doug Loverro, cựu lãnh đạo bộ phận đưa người lên không gian của NASA, cho hay.
Công nghệ đáng sợ có thể gây ảnh hưởng nửa sau 2020
Nhiều chuyên gia lo ngại deepfake, công nghệ dùng AI để ghép khuôn mặt vào video sẽ gây ảnh hưởng lớn tới Internet và bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm nay.
Deepfake, thuật ngữ dùng để chỉ kỹ thuật tổng hợp hình ảnh con người dựa trên trí tuệ nhân tạo là thứ vô cùng đáng sợ. Thậm chí, nó có thể làm hỏng một cuộc bầu cử, ngay cả khi các ứng cử viên không bị ghép khuôn mặt bằng deepfake.
Một trong những cách phá hoại bằng deepfake dễ hình dung là tạo ra những video giả, sai sự thật của ứng cử viên. Tuy nhiên, đây không phải là điều mà các chuyên gia lo ngại nhất.
Deepfake ghép mặt Jeff Bezos và Elon Musk vào phim Star Trek Trong video, khuôn mặt của Musk đã được ghép vào vai Captain Pike, trong khi Bezos được hóa trang thành một thành viên của Talosian, chủng tộc người ngoài hành tinh đầu to.
Mối lo ngại lớn nhất
"Nếu bạn hỏi tôi về mối lo ngại chính của cuộc bầu cử tại Mỹ trong năm nay, tôi sẽ trả lời rằng đó không phải là deepfake. Mối nguy lớn nhất là video có thật, mà chúng ta không thể chứng minh nó là thật hay giả", Kathryn Harrison, người sáng lập DeepTrust Alliance, một tổ chức chuyên nghiên cứu và chống lại deepfake cho biết.
Những người nghiên cứu về deepfake có thuật ngữ Liar's Dividend, nói về sự ảnh hưởng của niềm tin khi xuất hiện deepfake. Về cơ bản, deepfake sẽ khiến mọi người nghi ngờ chính đôi mắt của mình và có xu hướng cho rằng mọi video xuất hiện đều là giả.
Không chỉ được dùng để ghép video nhạy cảm, deepfake còn mang tới những lo ngại về tin giả trước những thời điểm quan trọng như kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm 2020.
Việc cắt ghép hình ảnh không phải là thứ gì đó mới mẻ. Tuy nhiên, deepfake là một thứ tương đối khác biệt. Các video giả mạo được tạo ra có thể khiến mọi người dường như đang làm hoặc nói những điều mà họ chưa từng làm.
Bobby Chesney, giáo sư luật tại Đại học Texas, người đã đưa ra thuật ngữ Liar's Dividend cho biết đảng Dân chủ Mỹ đã tổ chức những buổi thảo luận và giáo dục mọi người về những mối nguy hại mà deepfake có thể gây ra.
Dù vậy, mặt trái của việc giáo dục này là nó có khả năng khiến deepfake phát triển rộng hơn, bởi những người mới tìm hiểu về chúng hoàn toàn có thể tin video "xịn" là không có thật.
Công nghệ tạo ra để đánh lừa người xem
Lý do khiến deepfake có thể đánh lừa mọi người bắt nguồn từ công nghệ tạo ra nó, được các chuyên gia gọi là GAN, viết tắt của các mạng lưới đối nghịch chung. Trong khi trí tuệ nhân tạo đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ trước, GAN mới chỉ được phát triển trong khoảng 6 năm nay.
Về cơ bản, GAN là quá trình thử - sai - thử lại liên tục để đánh lừa mắt người. Cả bộ tạo tín hiệu và bộ kiểm tra đều là những cỗ máy, cho phép chúng tạo ra cả triệu mẫu thử chỉ trong chớp mắt.
Bằng quá trình thử - sai liên tục, deepfake được thiết kế ra để đánh lừa người xem một cách tinh vi nhất.
GAN là các hệ thống được thiết kế để đánh lừa bạn. GAN có thể tạo hình ảnh, giọng nói, video hay bất kỳ loại phương tiện truyền thông nào. Thuật ngữ deepfake được sử dụng thường xuyên nhất với các video.
"Với deepfake đích thực, bạn chắc chắn sẽ không thể nhận ra", ông Chesney chia sẻ.
Sự ra đời của deepfake đã tạo ra các thuật ngữ mới: Cheapfakes và Shallow fakes. Đây là những loại video giả mạo rất dễ nhận ra, nhưng vẫn vô cùng hiệu quả, khiến nó trở thành mối đe dọa thông tin sai lệch lớn.
Khi mà ngày càng nhiều người dễ dàng tin tưởng các thông tin được chia sẻ trên Facebook hay YouTube, những video đơn giản này lại dễ gây hoạ hơn. Video giả mạo, gây sốc rất dễ phát tán, mang lại nhiều tiền hơn hẳn so với thông tin chính thống trên các nền tảng này.
Nhà nghiên cứu có thể tạo ra video deepfake giống như thật, sử dụng hình ảnh các chính trị gia.
Theo Cnet, hậu quả để lại sẽ là một hệ thống mà video giả mạo được tin tưởng, còn thông tin trung thực và nhàm chán lại bị nghi ngờ.
Để tạo ra những video deepfake thuyết phục tương đối tốn kém. Những video như vậy chỉ được tạo ra và chia sẻ chủ yếu trong giới học thuật. Tuy nhiên, nếu được đưa ra đúng thời điểm, như trước kỳ bầu cử vài ngày, thì chúng có thể để lại ảnh hưởng to lớn.
"Nếu video giả mạo xuất hiện 48 giờ trước ngày bầu cử, chúng ta sẽ không có thời gian sửa chữa hậu quả", Clint Watts, nhà nghiên cứu chính sách ngoại giao từng điều trần về deepfake trước Quốc hội Mỹ chia sẻ.
"Công thức" buổi sáng của CEO Spotify - Daniel Ek: Ưu tiên cho gia đình, đọc sách, tập thể dục rồi mới bắt đầu công việc Mọi người thường thức dậy và bắt đầu đi làm từ lúc 8 giờ với suy nghĩ về một buổi sáng tuyệt vời, minh mẫn nhất. Tuy nhiên, với Daniel Ek, anh lại có khung thời gian buổi sáng có đôi nét khác biệt, nhưng chính khác biệt đã mang đến thành công. Giống như nhiều Giám đốc điều hành thành công khác...