El Salvador được TQ tặng sân vận động sau khi từ bỏ Đài Loan
Trung Quốc đã đồng ý trả tiền xây dựng một sân vận động và thư viện quốc gia mới ở El Salvador sau khi đất nước Trung Mỹ chấm dứt quan hệ với Đài Loan để kết giao với Bắc Kinh.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Salvador Nayib Bukele hôm 3/12 trong chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Mỹ tới Bắc Kinh kể từ khi tuyên thệ nhậm chức vào mùa hè này, theo AFP.
“Chủ tịch Tập Cận Bình vừa trao cho El Salvador sự hợp tác khổng lồ, không hoàn lại, được quản lý hoàn toàn bởi chính phủ của chúng ta”, ông Bukele viết trên Twitter vào cuối ngày 3/12, thông báo các dự án, bao gồm một sân vận động “hiện đại” có sức chứa lớn.
Hai nước đã ra tuyên bố chung cho biết Bắc Kinh cũng sẽ trả tiền xây dựng hai dự án cấp nước, cũng như “tái thiết và mở rộng” khu du lịch “Thành phố Lướt sóng” và bến tàu La Libertad dọc theo bờ biển El Salvador.
Các quan chức cũng đã ký các thỏa thuận về hợp tác kinh tế và kế hoạch tạo thuận lợi cho khách du lịch Trung Quốc đến El Salvador.
Tổng thống Salvador Nayib Bukele và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 3/12 tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.
Video đang HOT
Trung Quốc đã tăng cường đầu tư và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng ở nước ngoài trong những năm gần đây, làm dấy lên lo ngại rằng các quốc gia được hưởng lợi từ các khoản vay mà Bắc Kinh hỗ trợ có nguy cơ rơi vào nợ nần.
Song ông Bukele nói trong một loạt tweet khác hôm 4/12 rằng “một số đối thủ” đã cố tấn công các thỏa thuận đã ký với Trung Quốc, “cho rằng đó là một ‘bẫy nợ’”.
“Phần nào của cụm từ ‘không hoàn lại’ mà họ không hiểu? Đó không phải là một khoản vay, mà là một khoản đóng góp”, ông nói.
El Salvador đã công nhận Bắc Kinh vào tháng 8/2018, trở thành quốc gia thứ ba cắt đứt quan hệ với Đài Loan vào năm đó, sau Cộng hòa Dominica và Burkina Faso.
Vào tháng 9 năm nay, quốc đảo nhỏ bé Kiribati đã chuyển sang công nhận Bắc Kinh chỉ bốn ngày sau khi Quần đảo Solomon thực hiện động thái tương tự, khiến Đài Loan chỉ còn 15 quốc gia có quan hệ ngoại giao.
Trung Quốc và Đài Loan đã được lãnh đạo bởi hai nhà nước riêng biệt kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến ở đại lục năm 1949, nhưng Bắc Kinh coi hòn đảo tự trị này là một phần lãnh thổ họ sớm muộn sẽ thu hồi, kể cả bằng vũ lực.
Trong nhiều năm, Đài Loan và Trung Quốc đã tham gia vào cuộc chiến ngoại giao ở các nước đang phát triển, trong hỗ trợ kinh tế và các loại viện trợ khác thường được sử dụng như chiêu bài mặc cả để được công nhận về ngoại giao.
Theo news.zing.vn
Thêm một đảo quốc Thái Bình Dương cắt quan hệ với Đài Loan, chuyển sang Trung Quốc
Đài Loan cắt đứt quan hệ ngoại giao với Kiribati sau khi đảo quốc này chuyển sang quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.
"Đài Loan hết sức lấy làm tiếc và lên án mạnh mẽ quyết định của chính phủ Kiribati, coi thường sự giúp đỡ nhiều mặt và tình bạn chân thành của Đài Loan trong những năm qua. Quyết định chấm dứt quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Kiribati sẽ có hiệu lực ngay lập tức, trong đó chấm dứt tất cả các dự án hợp tác song phương, triệu hồi các nhân viên sứ quán Đài Loan tại Kiribati ", tuyên bố của người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan Joseph Wu hôm 20/9 nêu rõ.
Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan Joseph Wu. (Ảnh: Central News Agency)
Tuyên bố này cũng chỉ trích giới chức lãnh đạo Kiribatia vì "những kỳ vọng rất phi thực tế về Trung Quốc". Đài Loan cáo buộc Bắc Kinh sử dụng "nghề cá và các khoản đầu tư thương mại khác để thiết lập sự hiện diện ở Kiribati, thâm nhập vào giới chính trị và mở rộng ảnh hưởng".
Đài Bắc nói thêm rằng động thái của Kiribati được đưa ra sau khi Đài Loan không cung cấp cho họ viện trợ để mua máy bay thương mại. Đài Bắc khẳng định sự hỗ trợ này không phù hợp với luật pháp của hòn đảo này và thay thế nó bằng một "khoản vay thương mại ưu đãi".
"Nhưng Trung Quốc lại cam kết tài trợ đầy đủ cho thương vụ này, từ đó dụ Kiribati chuyển đổi quan hệ ngoại giao", tuyên bố cho hay.
Kiribati là quốc gia thứ 7 cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền ở Đài Bắc năm 2016. Các quốc gia còn lại bao gồm Burkina Faso, Cộng hòa Dominica, Sao Tome và Principe, Panama và El Salvador.
Chỉ mới đầu tuần, Solomon - một quốc đảo khác tại Thái Bình Dương cũng tuyên bố cắt đứt quan hệ với Đài Loan, thiết lập quan hệ với Trung Quốc.
Ngay sau cú "quay lưng" của Solomon, Đài Loan tuyên bố đóng cửa văn phòng đại diện và triệu hồi các nhà ngoại giao. Đài Bắc cũng cáo buộc Trung Quốc sử dụng chiến lược "ngoại giao USD" để lôi kéo các nước quay lưng với Đài Loan, khẳng định Bắc Kinh sẽ còn làm hơn nữa khi cuộc bầu cử cơ quan lập pháp và lãnh đạo Đài Loan đang đến gần.
(Nguồn: Spuntik)
SONG HY
Theo VTC
Đài Loan cắt quan hệ ngoại giao với quần đảo Solomon Đài Loan hôm 16/9 tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với quần đảo Solomon sau khi quốc gia Thái Bình Dương quay sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Theo AFP, Đài Loan gọi quyết định này của quần đảo Solomon là "vô cùng đáng tiếc". "Chính phủ quần đảo Solomon đã quyết định công nhận quan hệ...