Ecuador công bố chi phí bảo vệ ông Assange trong 7 năm
Riêng bảo vệ an ninh cho ông Assange trong 7 năm qua đã ngốn hơn 5,8 triệu USD, ngoài ra các chi phí khác như y tế, thực phẩm và giặt là cũng hết tới 400.000 USD.
Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange (giữa, phía sau) bị cảnh sát bắt giữ và áp giải khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London ngày 11/4. (Nguồn: Rupity/TTXVN)
Ngày 12/4, Ngoại trưởng Ecuador Jose Valencia cho biết nước này đã phải chi khoảng 1 triệu USD mỗi năm cho các hoạt động an ninh và bảo đảm cuộc sống của người sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assangetrong khuôn viên Đại sứ quán nước này ở London kể từ khi ông này xin tị nạn năm 2012.
Phát biểu trước Quốc hội, Ngoại trưởng Valencia thông báo riêng bảo vệ an ninh cho ông Assange trong 7 năm qua đã ngốn hơn 5,8 triệu USD. Ngoài ra các chi phí khác như y tế, thực phẩm và giặt là cũng hết tới 400.000 USD.
Trước tình hình đó, chính phủ Ecuador đã phải yêu cầu ông Assange tự trang trải các khoản chi phí cá nhân kể từ hồi tháng 12/2018.
Ngày 11/4, Ecuador đã quyết định hủy bỏ quyền tị nạn chính trị của ông Assange và sau đó, nhà sáng lập WikiLeaks đã bị cảnh sát Anh bắt giữ tại Đại sứ quán Ecuador ở London.
Trong phiên tòa cùng ngày, một thẩm phán Anh đã kết tội ông Assange vi phạm điều khoản bảo lãnh tại ngoại vào năm 2012 và ông có thể sẽ đối mặt với án tù lên tới 12 tháng về tội danh này.
Video đang HOT
Ngoài ra, các chuyên gia luật nhận định nhà sáng lập WikiLeaks sẽ còn phải đối mặt với nhiều cáo buộc khác trong thời gian tới.
Vụ bắt giữ ông Assange cũng vấp phải chỉ trích của một số quốc gia. Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã lên án vụ bắt giữ. Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, nhà lãnh đạo Bolivia cho rằng đây là một sự vi phạm quyền tự do ngôn luận, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ với ông Assange.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Ecuador Rafael Correa cũng chỉ trích mạnh mẽ quyết định rút quy chế tị nạn ngoại giao và đình chỉ tư cách công dân với ông Assange, vốn được đưa ra trong nhiệm kỳ lãnh đạo của ông này./.
Theo Hoài Nam (TTXVN/Vietnam )
Nhà sáng lập WikiLeaks có nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ xét xử
Cảnh sát Anh ngày 11.4 bắt giữ và lôi nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange ra khỏi Đại sứ quán Ecuador tại London, mở đường cho việc dẫn độ ông sang Mỹ để bị xét xử về tội trộm và rò rỉ tài liệu mật.
Đoạn video của hãng tin Nga Ruptly cho thấy ông Assange tóc và râu dài bạc phơ gào thét "nước Anh hãy kháng cự" lúc bị cảnh sát giải ra khỏi Đại sứ quán Ecuador tại London, nơi ông tị nạn suốt 7 năm qua để tránh bị dẫn độ sang Mỹ.
Sở cảnh sát London ban đầu thông báo bắt giữ ông Assange sau khi "được Đại sứ mời và chính phủ Ecuador rút quy chế tị nạn, tước quyền công dân đối với công dân người Úc này", theo Reuters. Nhà sáng lập WikiLeaks bị tạm giam tại một đồn cảnh sát ở London, đang đối mặt với cáo buộc trốn nộp tiền bảo lãnh và không xuất hiện trước tòa.
Sau đó, sở cảnh sát London cập nhật thông báo rằng lệnh bắt được đưa ra theo yêu cầu dẫn độ từ phía Mỹ.
Vài giờ sau, ông Assange ra hầu tòa với cáo buộc trốn nộp tiền bảo lãnh và không xuất hiện trước tòa hồi 2012. Thẩm phán Emma Arbuthnot tuyên bố ông Assange sẽ bị tạm giam chờ tuyên án và tiếp tục hầu tòa vào ngày 2.5 để xử lý yêu cầu dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc tấn công mạng, trộm tài liệu mật. Ở Anh, ông Assange đối mặt với bản án 12 tháng tù và tại Mỹ có thể lên tới 5 năm tù.
Các phóng viên vây quanh xe chở ông Assange đến tòa án Westminster ở thủ đô London
Ông Assange tị nạn trong đại sứ quán Ecuador kể từ năm 2012 nhằm tránh bị giải độ sang Thụy Điển và Mỹ. Giới chức Thụy Điển muốn thẩm vấn ông Assange bị cáo buộc tấn công tình dục. Các công tố viên Thụy Điển sau đó đã hủy bỏ cuộc điều tra nghi án vào năm 2017 nhưng khẳng định có thể mở lại nếu tình hình thay đổi, theo AFP.
Dù bác bỏ cáo buộc hiếp dâm, nhưng ông Assange từ chối đến Thụy Điển để trả lời chất vấn của các công tố viên vì sợ sẽ bị dẫn độ sang Mỹ xét xử. Washington đã cuộc điều tra sau khi WikiLeaks rò rỉ hàng trăm ngàn tài liệu mật về ngoại giao và quân sự của Mỹ trong năm 2010.
Ông Assange luôn cho rằng bản thân bị Washington truy nã bí mật vì công bố các tài liệu mật được cho là nêu chi tiết tội ác chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan và Iraq, theo AFP.
Chính phủ Mỹ lâu nay từ chối xác thông tin đã âm thầm ban hành cáo trạng chống lại Assange. Tuy nhiên, đến hôm nay (11.4), Bộ Tư pháp Mỹ chính thức xác nhận Assange bị truy tố về tội âm mưu cấu kết với cựu chuyên viên phân tích thông tin tình báo Mỹ Chelsea Manning (đã mãn hạn tù) để tấn công, thâm nhập hệ thống máy tính, trộm tài liệu mật hồi tháng 3.2010. "Nếu bị buộc tội, ông Assange sẽ đối diện với mức án cao nhất là 5 năm tù giam", theo thông báo.
Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange trong xe cảnh sát sau khi bị bắt ra khỏi Đại sứ quán Ecuador tại London
Luật sư Barry Pollack lên án động thái bắt giữ thân chủ Assange là "nỗ lực chưa có tiền lệ của Mỹ nhằm dẫn độ nhà báo nước để chịu tội hình sự vì đăng tải thông tin chân thật", theo AFP. WikiLeaks đồng thời cáo buộc Ecuador chấm dứt quy chế tị nạn là "bất hợp pháp và vi phạm luật quốc tế".
Mối quan hệ giữa ông Assange với quốc gia cho phép tị nạn trở nên xấu đi sau khi chính phủ Ecuador cáo buộc WikiLeaks rò rỉ thông tin nhạy cảm về đời sống cá nhân của Tổng thống nước này Lenin Moreno (đắc cử hồi năm 2017).
Bộ Ngoại giao Ecuador ngày 11.4 thông báo ông Assange vi phạm quy chế tị nạn, phối hợp với 2 tin tặc Nga (đang sống ở Ecuador) can dự vào vấn đề nội bộ của nước này.
Dù vậy, Tổng thống Moreno khẳng định ông đã yêu cầu phía Anh phải đảm bảo rằng Assange sẽ "không bị dẫn độ đến một quốc gia nơi ông có thể bị tra tấn hoặc lãnh án tử hình". "Chính phủ Anh đã xác nhận sẽ thực hiện yêu cầu của tôi theo đúng pháp luật của nước này", ông Moreno cho biết thêm.
Trong khi đó, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích động thái của Anh là chống lại tự do dân chủ. Trong buổi họp báo, khi phóng viên đặt câu hỏi liệu rằng Nga sẽ cho ông Assange tị nạn, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ đáp: "Chúng tôi kỳ vọng Anh phải đảm bảo quyền cơ bản của nhà sáng lập WikiLeaks".
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho biết: "Julian Assange không phải là anh hùng vì trốn tránh sự thật trong nhiều năm liền. Số phận của người này nên được định đoạt theo hệ thống pháp lý của chúng tôi". Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố: "Không ai đứng trên pháp luật".
Còn Ngoại trưởng Úc Marise Payne tuyên bố sẽ hỗ trợ lãnh sự cho công dân Assange và bà tin rằng ông được đối xử công bằng theo đúng thủ tục pháp lý ở Anh.
Theo Thanhnien
Ecuador điều tra nhà sáng lập Wikileaks Phát biểu tại cuộc họp báo ở Quito, Bộ trưởng Ngoại giao Ecuador Jose Valencia tuyên bố, nước này có đủ thẩm quyền mở cuộc điều tra nhằm vào nhà sáng lập Wikileaks . Ông Julian Assange, do tình nghi có liên quan đến việc làm rò rỉ thông tin về cuộc sống gia đình của Tổng thống Lenin Moreno, đồng thời cho...