Ếch đồng xào cà chua xanh
Thịt ếch có thể chế biến nhiều món khác nhau: ếch nướng sả ớt, xào lăn, xào mướp, nấu cháo… nhưng món khoái khẩu nhất của chúng tôi vẫn là ếch xào cà chua xanh.
Nhóm bạn thuở thiếu thời gặp nhau ôn lại kỷ niệm ngày xa. Chợt có đứa lên tiếng: “Giờ mà có ếch đồng xào cà chua xanh ăn ngon phải biết!”. Thế là cả bọn chia nhau đến các chợ tìm mua ếch cùng với rau và gia vị để vợi đi nỗi nhớ những đêm mưa mùa hạ lội ruộng bắt ếch đồng thuở nào.
Thịt ếch có thể chế biến nhiều món khác nhau: ếch nướng sả ớt, xào lăn, xào mướp, nấu cháo… nhưng món khoái khẩu nhất của chúng tôi vẫn là ếch xào cà chua xanh. Món này không chỉ rất bắt cơm mà còn là món đưa cay không thể tuyệt vời hơn trong những chiều hè tắt nắng.
Ếch mang về làm sạch, chặt thành từng miếng vừa ăn rồi rửa qua nước gừng và để ráo để đánh bay mùi tanh. Ướp sơ thịt ếch với gia vị. Tiếp đến chuẩn bị các nguyên liệu cần thiết: nghệ củ rửa sạch cạo vỏ, thái mỏng, cà chua xanh thái lát (phải là cà chua xanh thì món ăn mới đúng điệu), hành lá và ngò tàu cắt ngắn.
Phi hành tím với dầu phộng thật thơm rồi cho nghệ thái lát cùng với thịt ếch vào đảo đều. Sau đó, cho thêm vài lát hành tây cùng với cà chua xanh đã thái lát vào xào chín, nêm vừa ăn rồi nhấc xuống bếp. Dùng vá múc ra đĩa rồi rắc ít tiêu xay nhuyễn và rau thơm lên là đã có món ngon tỏa hương thơm phức.
Video đang HOT
Đĩa thịt ếch xào với màu vàng của thịt và nghệ cùng màu xanh nhạt của cà chua, xanh đậm của rau thơm, điểm thêm màu đỏ từ vài lát ớt thái mỏng trông rất bắt mắt. Vị ngọt từ thịt hòa cùng với vị chua dịu của cà quyện cùng với hương vị của rau thơm và gia vị khiến cả nhóm cứ xuýt xoa không thôi.
Để món ăn thêm phần hấp dẫn, có thể ăn kèm với bánh tráng nướng. Bẻ miếng bánh tráng nhai giòn tan trong miệng, cắn miếng thịt ếch thơm lựng… Ly rượu quê cứ thế đầy rồi lại vơi. Kỷ niệm về những đêm mưa lội đồng bắt ếch chợt ùa về.
Mặc dù, ếch đồng giờ rất khan hiếm nhưng người dân quê tôi vẫn còn thói quen cứ vào những đêm mưa mùa hạ lại lục tục rủ nhau mang đèn pin đi soi ếch. Bởi thịt ếch đồng ăn hơn nhiều so với ếch nuôi và cũng có lẽ, họ đang cố tìm về miền ký ức cùng hương vị những ngày xa.
Theo Thanhnien
Thú vị cách câu dế cơm bằng kiến bò nhọt
Đó là cách mà người dân ở Đồng Nai sử dụng để câu những con dế cơm nằm sâu trong hang dưới lòng đất.
Dế cơm có thân hình to bằng ngón tay cái, lớn nhất trong họ nhà dế, được chế biến thành món ăn được xem là đặc sản vùng quê. Theo người dân Đồng Nai, dế cơm sinh ra và sống dưới lòng đất trong một thời gian dài, đến thời điểm nhất định thì chui lên mặt đất tìm bạn tình giao phối, sản sinh ra lứa kế cận rồi chết đi.
Anh Nguyễn Văn Thắng (ngụ H.Cẩm Mỹ, Đồng Nai), một người chuyên đi câu dế cơm cho biết mùa câu dế cơm bắt đầu vào khoảng tháng 10 hằng năm và kéo dài gần 2 tháng. "Hang của loại dế này thường rất sâu và nhiều ngóc ngách, nên người bắt dế phải dùng cuốc đào hoặc đổ nước xuống cho dế ngộp thở chui lên. Tuy nhiên, do hai cách này tốn thời gian và mất công sức nên người ta đã nghĩ ra một phương pháp mới, đó là dùng kiến bò nhọt để câu, nhanh và cực kỳ hiệu quả", anh Thắng chỉ dẫn.
Theo anh Thắng, kiến bò nhọt (còn gọi là bù nhọt) có màu đen, to bằng kiến vàng, đặc biệt nọc rất độc. Kiến bò nhọt ở trong một quần thể với nhiều hang to nối với nhau. Để bắt loài kiến này, dùng loại cỏ dại dài, cứng, tuốt hết bông, lá rồi thọc xuống hang mà ngoáy.
Thấy động, kiến túa ra bám vào cây cỏ, chỉ việc rút lên dùng tay vuốt thật nhanh để kiến rơi hết vào hũ làm mồi bắt dế cơm.
Giữa tháng 11, tôi theo chân một nhóm thiếu niên ở Cẩm Mỹ đi câu dế. Sau khi chuẩn bị đủ mồi câu, cuộc săn dế bắt đầu.
Hang dế cơm rất dễ tìm, cứ có ụ đất nhô lên, dùng tay gạt ngang thì lộ ra cái lỗ, dế nằm bên dưới. Chương, cậu thiếu niên lớn nhất trong nhóm cầm cây cỏ có bùi nhùi ở đầu nhúng vào hũ kiến (nên cho từ 30 - 40 con xuống hang, vì nhiều kiến quá sẽ cắn dế không còn sức bò lên).
Tiếp theo, cậu nhanh tay thọc cây cỏ xuống hang, đồng thời cho lớp đất mỏng lấp hang lại. "Làm như vậy để ngăn không cho kiến bò lên", Chương giải thích. Chưa đầy 30 giây sau, cây cỏ rung rinh, rồi bất thình lình con dế từ dưới hang đội lớp đất phóng lên. Trên mình dế có rất nhiều chú kiến bọ nhọt đang đeo bám để cắn.
Chương vừa giải thích: "Kiến xuống hang gặp dế bâu lại cắn. Dế đau quá chỉ cầm cự được một xíu là phải chui lên". Rồi cậu nói tiếp: "Mà cũng tùy theo, gặp con nhát gan vừa cho kiến xuống là phi lên ngay. Thậm chí, chỉ thọc cây cỏ xuống thăm dò là cũng trồi lên rồi".
Theo Chương, người sành câu nhìn hang có thể đoán được dế trống hay dế mái. Dế trống khỏe nên thường đào hang sâu hơn do đó ụ đất trên mặt to hơn. Ngoài ra trên miệng hang dế trống thường láng mịn như một cái máng dẫn xuống, lý do buổi tối dế trống bò lên miệng hang gáy gọi bạn tình.
Thông thường, hang dế chỉ có một đường ra vào, nhưng đôi lúc cũng có 2 - 3 lỗ thoát hiểm. Đôi khi, người câu đang chăm chú canh cửa chính, dế bất chợt phóng ra từ một cửa bí mật, thoát thân. Có một điều thú vị nữa là lâu lâu trong một hang lại bắt được cả một cặp trống mái.
Một buổi đi câu, nhóm của Chương mỗi người kiếm được cả 100 con (giá bán từ 3.000 - 5.000 đồng/con).
Dế cơm sau khi câu về được ngâm vào chậu nước, rồi rửa sạch đất, ngắt bỏ đầu và cánh. Dế cơm chiên bột rất ngon và dễ làm: chỉ cần nhét đậu phộng vào bụng dế, lăn qua bột chiên vàng là có món khoái khẩu khó cưỡng.
Theo Thanhnien
Mát lòng với canh cá đối xếp Vùng cửa sông Thu Bồn (Quảng Nam) đổ ra biển có nhiều loại cá đối, nhưng có thể nói cá đối xếp là bạn "lâu dài" nhất đối với cư dân nơi đây vì xuất hiện thường xuyên. Nguyên liệu nấu canh cá đối Hôm nào may mắn có thể trúng cả một luồng lớn cá đối xếp, ngư dân thu được khoản...