EC yêu cầu Italy đưa ra kế hoạch chi tiêu mới trong 3 tuần tới
Ngày 23/10, Ủy ban châu Âu (EC) đã bác bỏ đề xuất ngân sách năm 2019 của Italy và sẽ yêu cầu nước này trong 3 tuần tới phải đưa ra một kế hoạch chi tiêu thay thế.
Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Italy ở Rome. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo các nguồn tin châu Âu, quyết định trên được 28 ủy viên đưa ra trong một cuộc họp ở Strasbourg, Pháp.
Nguồn tin này cho hay Ủy viên về các vấn đề kinh tế của EU Pierre Moscovici sẽ yêu cầu chính quyền dân túy của Italy xem xét lại kế hoạch chi tiêu của nước này, vốn không đáp ứng các nguyên tắc của EU, và trong 3 tuần tới Rome phải trình một dự thảo phù hợp với quy định của châu Âu.
Trước đó, đầu tuần này, Chính phủ Italy đã trình EC dự thảo ngân sách 2019, trong đó dự kiến sẽ tăng mức thâm hụt ngân sách năm 2019 lên 2,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), sau đó giảm còn 2,1% vào năm 2020 và 1,8% trong năm 2021.
EU và IMF cảnh báo kế hoạch này có thể làm trầm trọng thêm vấn đề ngân sách của Italy bởi thâm hụt của nước này hiện tương đương 2,4% GDP, cao hơn nhiều so với con số 0,8% mà chính phủ trung hữu trước đó ước tính.
Video đang HOT
Brussels cho rằng Rome cần cắt giảm thâm hụt để bắt đầu có thể giảm khối nợ khổng lồ hiện cao hơn gấp đôi mức trần 60% cho phép của EU hiện nay.
Tuy nhiên, liên minh chính phủ gồm đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) và đảng cực hữu Liên đoàn đã cam kết sẽ giảm nợ công xuống còn 126,5% vào năm 2021, so với mức 130% như hiện nay.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte trước đó khẳng định kế hoạch chi tiêu trên là nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời giúp nước này tránh rơi vào suy thoái.
EC, cơ quan hành pháp của EU, có nhiệm vụ rà soát kế hoạch chi tiêu của 19 nền kinh tế thành viên nhằm đảm bảo những nước này tuân thủ các nguyên tắc ngân sách của EU./.
Theo vietnamplus
Thủ tướng Italy: Nga phải được mời quay lại G8
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho rằng Nga phải được mời quay trở lại khối G7 (để tạo thành G8) vì một số vấn đề quốc tế hiện không thể giải quyết được khi Tổng thống Vladimir Putin không có mặt trên bàn họp.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte (Ảnh: Reuters)
"Chúng ta phải chuyển thành G8 với sự hiện diện của ông Putin trên bàn họp, để có thể giải quyết những vấn đề hiện không thể giải quyết được vì tất cả chúng ta không được ngồi cùng với nhau", Thủ tướng Conte nói trong cuộc họp báo ngày 22/10.
Theo Thủ tướng Conte, Nga là một "nhân tố quan trọng trong tất cả các cuộc khủng hoảng quốc tế". Do vậy, việc đối thoại với Moscow là điều vô cùng cần thiết.
Nhà lãnh đạo Italy cũng đang cân nhắc các vấn đề liên quan tới các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Ông Conte tin rằng các lệnh trừng phạt này không phải là cách để giải quyết các vấn đề hiện nay. Theo Thủ tướng Conte, Italy không muốn làm tổn hại tới các doanh nghiệp và xã hội dân sự Nga.
Đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng Italy thể hiện mong muốn mời Nga quay trở lại nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Nga từng là thành viên của G8 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Canada). Tuy nhiên, lãnh đạo các nước thành viên đã quyết định loại Nga ra khỏi G8 vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Năm 2017, Nga tuyên bố rút vĩnh viễn khỏi G8.
Hồi tháng 6, Thủ tướng Conte từng nói sẽ "khó khăn, nếu không muốn nói là không thể" tìm được các giải pháp "thực tế và lâu dài" cho các cuộc khủng hoảng của thế giới hiện nay nếu Nga không tham gia vào các cuộc đối thoại. Ngoài nhà lãnh đạo Italy, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho rằng Nga nên được mời quay trở lại G7.
"Chúng ta có cả một thế giới phải vận hành... Chúng ta nên cho phép Nga quay trở lại vì chúng ta cần có Nga trên bàn đàm phán", ông Trump nói.
Trong khi đó, các nghị sĩ Đức cũng kêu gọi đưa Moscow quay trở lại G7. Lãnh đạo đảng Die Linke của Đức hồi tháng 4 từng nói hòa bình ở Trung Đông và châu Âu sẽ chỉ khả thi nếu phương Tây hợp tác với Nga.
Tổng thống Putin (thứ hai từ trái sang) dự hội nghị thượng đỉnh G8 năm 2013. (Ảnh: Reuters)
Về phần mình, Tổng thống Vladimir Putin từng nói trong cuộc họp của G7 tại Canada hồi tháng 6 rằng lãnh đạo các nước thành viên của khối nên chấm dứt những hành động vô nghĩa và tập trung vào việc giải quyết các vấn đề thực sự. Bình luận trên của ông Putin được đưa ra sau khi các thành viên G7, ngoại trừ Mỹ, ủng hộ một tuyên bố trong đó thể hiện sự thống nhất của khối đối với cái gọi là "hành vi gây bất ổn" của Nga.
Điện Kremlin cho biết nếu các nước khác sẵn sàng muốn làm việc với Nga một lần nữa, Moscow cũng sẵn lòng đáp ứng.
"Liên quan tới sự trở lại của Nga với G7, G8, chúng tôi chưa từng rời bỏ nhóm. Nhưng các đồng nghiệp của chúng tôi đã từ chối tiếp nhận Nga (hồi năm 2014) vì những lý do mà ai cũng biết. Dù vậy, chúng tôi vẫn vui vẻ nếu được gặp mọi người ở Moscow", Tổng thống Putin phát biểu hồi tháng 6.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moscow chưa bao giờ đề nghị bất kỳ ai để được cho phép quay trở lại G8. Ông Lavrov nói rằng Nga đã tham gia các thể chế khác như SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng Hải), BRICS (Nhóm các nền kinh tế mới nổi), G20 (Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới) và các thể chế này đều có triển vọng tốt.
Thành Đạt
Theo Dantri/ RT
EU hướng đến các quốc gia châu Phi để ngăn chặn người nhập cư Ngày 18/10, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý tiếp tục theo đuổi hợp tác với các quốc gia ở Bắc Phi và tăng cường biên giới bên ngoài của khối để ngăn chặn một số lượng lớn người nhập cư vào châu Âu. Tàu chở người di cư vừa được cứu ở ngoài khơi Libya, trên Địa...