EC thúc đẩy sản xuất ngũ cốc để ứng phó khủng hoảng lương thực
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 22/7 đã “bật đèn xanh” cho việc gia hạn quyết định tạm dừng thực hiện các quy định liên quan tới môi trường đối với đất bỏ hoang và luân canh cây trồng vào năm 2023, qua đó tạo điều kiện để nông dân 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tăng cường sản xuất ngũ cốc nhằm đối phó với tác động của tình hình xung đột tại Ukraine.
Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, quyết định trên “sẽ tối đa hóa năng lực sản xuất ngũ cốc của EU” và ước tính sẽ cho phép trồng lại cây trên tổng diện tích đất 1,5 triệu ha.
Để bù đắp cho việc thiếu ngũ cốc của Nga và Ukraine, hồi tháng 3 vừa qua, EC đã quyết định bãi bỏ “tạm thời” trong năm 2022 các quy định đối với đất bỏ hoang, theo đó cho phép “trồng bất kỳ cây lương thực nào” trên những vùng đất không được canh tác. Theo ước tính ban đầu, biện pháp này đã giúp tăng 6% diện tích cây lương thực (thêm 2,2 triệu ha) và tăng 7,8% diện tích trồng hoa hướng dương. EU cũng đã đình chỉ các yêu cầu luân canh cây trồng.
Cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga – 2 nhà sản xuất ngũ cốc lớn của thế giới – đã làm gia tăng mối đe dọa thiếu hụt lương thực và đói kém trên toàn cầu. Căng thẳng dự kiến vẫn ở mức cao bất chấp thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc hiện được lưu trữ tại các cảng bên bờ Biển Đen. EC nhấn mạnh mỗi tấn ngũ cốc được sản xuất tại EU sẽ góp phần tăng cường an ninh lương thực toàn cầu. Việc gia hạn quyết định do Brussels đề xuất sẽ phải được các quốc gia thành viên EU chính thức chấp thuận.
Khủng hoảng nguồn cung ngũ cốc từ Ukraine là 'hồi chuông cảnh tỉnh' châu Phi
Ngày 22/7, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhấn mạnh châu Phi nên nhìn nhận cuộc khủng hoảng ngũ cốc do xung đột giữa Nga và Ukraine như 1 "hồi chuông cảnh tỉnh" để lục địa này có thể trở nên tự chủ trong sản xuất ngũ cốc và phân bón.
Người tị nạn nhận lương thực cứu trợ tại Gondar, Ethiopia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, phát biểu trong cuộc họp báo sau buổi hội đàm với Tổng thống Côte d'Ivoire Alassane Ouattara tại thủ đô Pretoria, ông Ramaphosa cho rằng cuộc khủng hoảng nguồn cung ngũ cốc gần đây sẽ thúc đẩy các nước châu Phi tăng cường sản xuất lương thực để giảm nhập khẩu.
Nhà lãnh đạo này đặt câu hỏi: "Chúng ta có muốn tiếp tục chịu sự phụ thuộc vào nguồn cung ngũ cốc, phân bón từ châu lục khác trong nhiều năm tới hay không? Hay chúng ta nên nói cuộc xung đột (giữa Nga và Ukraine) là 1 lời cảnh tỉnh, giống như dịch bệnh COVID-19 đã trở thành lời cảnh tỉnh cho nhiều người trên lục địa châu Phi để từ đó chúng ta bắt đầu tự sản xuất vaccine?".
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine từ hồi tháng 2 đã ngăn hàng triệu tấn lúa mì và các loại ngũ cốc khác của Ukraine rời khỏi các cảng của nước này và làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt lương thực trên toàn cầu.
Phát biểu của ông Ramaphosa được đưa ra trong bối cảnh cùng ngày, Nga và Ukraine đã đạt 1 thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, mở đường cho việc vận chuyển ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen, điều có thể làm dịu bớt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Cũng tại cuộc họp báo này, Tổng thống Côte d'Ivoire Ouattara cho biết ông đã nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong 1 cuộc điện đàm vào đầu tuần này rằng châu Phi nên được ưu tiên cung ứng khi các chuyến hàng được nối lại.
Các nông trại của Ukraine là nguồn cung cấp ngũ cốc chính cho thị trường thế giới, đặc biệt là khu vực Trung Đông và châu Phi, nơi nguồn cung cấp lương thực đang cực kỳ khan hiếm. Giá ngũ cốc ở lục địa nghèo nhất thế giới đã tăng do xuất khẩu sụt giảm, tác động mạnh của xung đột và biến đổi khí hậu, làm dấy lên lo ngại về bất ổn xã hội.
Liên hợp quốc cảnh báo về các thách thức toàn cầu Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo cuộc xung đột tại Ukraine có thể gây ra sự hỗn loạn trong xã hội và kinh tế trên toàn thế giới, theo đó làm trầm trọng thêm hậu quả của những cuộc khủng hoảng khác mà toàn cầu đang phải đối mặt gồm biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 và...