È cổ đóng 17 khoản thu đầu năm
Tiền hoạt động, đồng phục, đồ chơi, dọn vệ sinh… đến những khoản thu trái khoáy như “tiền trực cổng, trực trống”, khiến nhiều phụ huynh trên địa bàn huyện nghèo Điện Bàn, Đại Lộc (Quảng Nam) chới với.
Tiền trực cổng, trực … trống !
Vài ngày cho con nhập học trường Mẫu giáo Điện Ngọc (xã Điện Ngọc, Điện Bàn), anh Nguyễn Hữu Tr. (xã Điện Ngọc) không khỏi bất ngờ khi trường gửi thông báo kế hoạch thu năm học 2012-2013 với tổng số 17 khoản thu các loại: từ khoản thu đầu năm, khoản thu mua giúp phụ huynh đến các khoản thu hàng tháng, do Hiệu trưởng Hà Thùy Long ký đóng dấu đỏ.
“Có quá nhiều khoản thu vô lý, và hết sức chung chung, tôi chẳng biết họ (nhà trường) sẽ dùng vào mục đích gì, như: tiền hoạt động (40.000 đồng/1 cháu), tiền phụ phí (20.000 đồng/ cháu/tháng). Các cháu vừa phải đóng tiền đồ dùng cho nhà bếp lớp (40.000 đồng/ cháu) lại còn phải đóng thêm tiền đồ chơi (25.000 đồng) rồi đủ loại tiền đồ dùng cá nhân: khăn, ca, muỗng… với tổng tiền 70.000 đồng.
Cha mẹ những em bé thuộc trường Mẫu giáo Điện Ngọc này phải đóng nhiều khoản thu vô lý. Ảnh: Trường Giang.
Nhiều phụ huynh phản ánh các khoản thu hàng tháng quá bất cập, như trường đã thu tiền ăn (176.000 đồng/tháng) lại thu tiền ca trưa bán trú (30.000 đồng), rồi tiền sữa buổi sáng.
Chị Nguyễn Thị L. (xã Điện Ngọc) phụ huynh trong trường, thắc mắc: ngay tiền nước uống trường cũng thu, lương bảo vệ trường phải trả nhưng cũng “hạch toán” từ tiền đóng góp hàng tháng của phụ huynh (16.000 đồng/cháu).
Video đang HOT
“Đầu năm học, mỗi cháu mẫu giáo đóng đến gần 850.000 đồng là quá nhiều, so với người dân huyện nghèo như chúng tôi”, chị L. nói. Bốn đứa con bước vào năm học mới, từ đại học đến mẫu giáo, chị phải gồng gánh đóng gần chục triệu bạc.
Theo phụ huynh Tr: ngoài các khoản thu được liệt kê trong văn bản gửi về cho gia đình, giáo viên trường Mẫu giáo Điện Ngọc còn vận động thu thêm 200.000 đồng để mua ti vi trang bị cho phòng học.
Trường THCS Dũng sĩ Điện Ngọc (xã Điện Ngọc, Điện Bàn) gửi thông báo 14 khoản tiền thu đầu năm học này, với tổng số tiền gần 600.000 đồng/1 học sinh.
Theo các phụ huynh: nhiều khoản thuộc danh mục phụ huynh tự nguyện, nhưng hết sức vô lý, khó hiểu, như tiền tu sửa điện nước, chăm sóc cây (20.000 đồng/HS), tiền tu sửa cơ sở vật chất (CSVC) giữ chuẩn (40.000đồng/HS) phụ huynh phải đóng tiền hợp đồng thêm bảo vệ (20.000 đồng/HS), lại vẫn phải đóng thêm nhiều khoản thu tương tự khác như “bảo vệ ban đêm”, đến “trực cổng, trực trống” (10.000 đồng/học sinh), và hàng loạt các loại phụ phí trái khoáy khác.
Phụ huynh trường THCS Dũng sĩ Điện Ngọc bị thu cả tiền trực cổng, trực…trống!
Tình trạng lạm thu tại một số trường địa bàn huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cũng khá phổ biến.
Ông Nguyễn Hòa, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thúc Kỳ (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc), thừa nhận: Ngoài các khoản thu theo quy định nhà trường tổ chức thu hộ cho học sinh một số khoản khác như: quần áo thể dục, thể thao tiền hỗ trợ dạy và học, hỗ trợ xây dựng CSVC nhà trường, và dự kiến thu thêm 100.000đồng/học sinh để xây dựng sân, đường vào trường.
Núp bóng “phụ huynh tự nguyện“
Bà Hà Thùy Long – Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Điện Ngọc, lý giải: Các khoản thu của nhà trường đều thông qua Hội phụ huynh với giáo viên chủ nhiệm và có “ban bệ” tổ chức thu. Tuy nhiên, những khoản thu lãnh đạo nhà trường liệt kê với phóng viên lại không đầy đủ so với danh sách thu mà nhà trường gửi cho phụ huynh.
Theo ông Võ Ngọc Hạng, Hội trưởng Hội Cha mẹ học sinh (Trường Mẫu giáo Điện Ngọc): khoản đóng góp 200.000đồng/ học sinh để mua sắm ti vi là do sự thỏa thuận giữa giáo viên và những phụ huynh có con em học tập ở đó.
Bà Trần Thị Thanh Vân – Hiệu trưởng trường THCS Dũng Sĩ Điện Ngọc cùng lấy lý do: khoản đóng góp là do Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh tự nguyện thống nhất đóng góp chứ nhà trường không có chủ trương thu.
Cũng có các khoản phụ huynh nhờ nhà trường mua sắm hộ để phục vụ cho việc học tập và giáo dục của nhà trường. Tuy nhiên, tại các văn bản này đều do lãnh đạo nhà trường ký, đóng dấu đỏ thông báo.
Ông Nguyễn Tấn Ngọc – Trưởng phòng Giáo dục huyện Điện Bàn cho hay: Hiện đơn vị chưa nhận được thông tin phản ánh nào về vấn đề thu chi sai quy định đầu năm học của các đơn vị trường học. Phòng tổ chức kiểm tra, giám sát về các khoản thu đầu năm của các đơn vị trường học trên địa bàn.
Theo tiền phong
"Bật mí" của một Hiệu trưởng: Vì sao phải thu của phụ huynh học sinh
Lâu nay gần như cả xã hội lên án việc lạm thu trong các nhà trường. Các ý kiến đó đa phần nhằm vào Ban Giám hiệu. Là một Hiệu trưởng trường tiểu học của một huyện nghèo, tôi vô cùng bức xúc, nhưng chẳng lẽ tranh cãi.
Nhưng đến hôm nay thì đúng là chịu không nổi nữa, tôi xin có vài dòng. Thưa các anh, chị! Tại sao phải thu của phụ huynh học sinh? Đã bao giờ các vị hỏi ngân sách nhà nước cấp cho chúng tôi bao nhiêu tiền 1 năm chưa?
Ở huyện tôi, tất cả các trường tiểu học đều được cấp tiền chi khác là 10 triệu đồng 1 năm với cả thầy và trò khoảng gần 500 con người. Hàng tháng, chúng tôi không dám đặt cả báo Đảng. Tiền điện thoại cơ quan, tiền mạng Internet có tiết kiệm cũng phải 4-5trăm nghìn đồng mỗi tháng. Chúng tôi được thu Quỹ Hỗ trợ giáo dục 15.000đ/1HS/tháng gồm tất cả tiền điện, tiền tổ chức các hoạt động giáo dục, tiền cơ sở vật chất, sửa máy vi tính, đổ mực máy in...
Các ngày lễ như 2/9, 1/5, 20/10, 8/3 chúng tôi đều "nhịn chay" cả. Nếu có tổ chức được một bữa ăn thì phải ký thành 6-7... buổi lao động ngày thứ bảy (mỗi ngày 20.000đ), nếu không thì kho bạc không duyệt. Tiền HS học 2 buổi/ngày mặc dù Luật Giáo dục quy định bậc tiểu học không phải đóng học phí, nhưng ở huyện tôi bắt tiền này phải nộp trả bù lương cho GV hợp đồng (những GV do sai lầm của lãnh đạo cũ của huyện đã kí kết hợp đồng hưởng lương ngân sách).
Chưa kể việc thăm viếng bố mẹ, bản thân, vợ con... của lãnh đạo xã, huyện ủy, UBND huyện, Phòng Giáo dục, Công đoàn GD, Kho bạc nhà nước, Phòng Tài chính kế hoạch...
Ngày 20/11, ngày Tết Nguyên đán chúng tôi phải đi "lễ" đủ các ban bệ này, nếu không thì khó lòng làm việc. Tài chính cấp cho các trường bằng cơ sở vật chất, nhưng trường đi "lại lỗ" phải bằng tiền (mà số tiền này phải "biến tướng").
Thêm nữa, bây giờ xã hội hiện đại, học sinh phải được học bằng máy tính. Mà máy tính thì phải nối mạng, phải có phòng, có bàn ghế, có máy chiếu... Những thứ ấy chúng tôi lấy đâu ra? Rồi hội hè, thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi... làm gì có tiền dẫn HS đi thi?
Ngày xưa học sinh phải lao động từ nhỏ, đi học có 1 buổi còn 1 buổi vẫn thỉnh thoảng đến trường lao động. Nhưng bây giờ học cả 2 buổi, vậy ai quét trường, ai lao động, ai làm cỏ, cắt tỉa cây cảnh? Đương nhiên là phải thuê, vậy thuê thì lấy tiền đâu?
Từ khi đi dạy học chưa bao giờ Tết Nguyên đán chúng tôi được hưởng quá 200.000đ (kể cả Hiệu trưởng). Còn nhiều, nhiều nữa mà tôi không thể kể hết. Vài lời tâm sự, mong cha mẹ học sinh và toàn xã hội thấu hiểu để chia sẻ.
Theo Dantri
Thu chi đầu năm: Tăng cường giám sát Chủ nhật vừa qua, một số trường học ở Hà Nội đã tổ chức họp phụ huynh. Từ những khoản thu sai, thực tế cho thấy vẫn có trường chưa hiểu rõ quy định, phụ huynh thiếu thông tin nên không hiểu trách nhiệm phối hợp cùng nhà trường chăm sóc, giáo dục con cái. Để chuẩn bị cho buổi họp phụ huynh...