Duyên phận chỉ cho mình lướt qua cuộc đời nhau
Nếu hai con tàu đi ngược chiều trên cùng một đường ray, không sớm thì muộn, chúng cũng gặp nhau. Nhưng nếu hai con tàu đi trên hai đường ray song song, thì dù xuôi hay ngược chiều, chúng cùng lắm cũng chỉ có thể lướt qua nhau.
Truyện ngắn: Hai chuyến tàu ngược (Tiêu Dao)
Người ta tới báo với tôi rằng cô gái ấy đã biến mất. Tôi vội vã tới phòng cô. Nệm, chăn xếp gọn gàng. Tủ quần áo vẫn chứa đầy đồ. Trong góc phòng, chiếc máy phát nhạc cũ mèm nhẹ nhàng dạo bản “Death and the maiden”. Từng tiếng vang ngọt ngào pha lẫn âm hưởng chết chóc của những nốt nhạc bám lấy trí não tôi.
Nhưng, cô gái ấy đã biến mất như bốc hơi khỏi mặt đất, như một ảo ảnh tan vào không khí. Biến mất ngay trong tầm tay tôi mà tôi không hề hay biết. Cô gái ấy là bệnh nhân của tôi. Một cô gái người Việt Nam vô cùng lạ lùng và vô cùng đặc biệt.
Tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên gặp cô, khi chuyển công tác từ Tokyo về cái bệnh viện nghèo nàn ở một xó hẻo lánh thuộc miền Đông Kyoto này để chạy trốn một vết thương lòng. Lúc ấy đang là giữa thu, khắp ngọn Otowa phủ một màu đỏ rực của lá phong. Gió thổi qua những vòm lá đỏ cháy, rải đầy những đốm lửa đỏ xuống sân bệnh viện. Tìm mãi tôi mới thấy cô, đang ngồi dưới vòm lá đỏ đó, chiếc áo len mỏng khoác hờ bên ngoài bộ đồ kẻ sọc màu xanh nhạt rộng thùng thình, tay cầm cuốn “Biên niên ký chim vặn dây cót” dày cộp của Haruki Murakami. Khi tôi tới gần, cô ngước lên nhìn tôi – cái nhìn thờ ơ nhưng lấp lánh những tia sáng thông thái ẩn giấu sau rèm tóc đỏ đang nhẹ ánh lên sắc vàng nhàn nhạt dưới nắng.
Mái tóc cô ấy thật đẹp. Màu đỏ ánh vàng gợi nhớ đến bầu trời mùa thu nơi đây – khi những tán cây bắt đầu chuyển màu lá. Tôi bỗng thấy tiếc nuối kinh khủng, khi nghĩ một ngày nào đó, chúng sẽ chẳng còn một khi cô ấy bắt đầu hóa trị liệu. Mà cũng có khi chúng chính là nguyên nhân cô ấy từ chối hóa trị liệu chăng? “Thật vớ vẩn…” – tôi cười thầm trí tưởng tượng ngu ngốc của mình – “…đánh đổi mạng sống chỉ vì một mái tóc? Đừng có suy nghĩ linh tinh!”
- Chào cô, tôi là Kise Momiji. Từ nay, tôi là bác sĩ trực tiếp phụ trách tình hình sức khỏe của cô.
Tôi đưa tay bắt lấy bàn tay nhỏ bé của cô gái trong lúc nở nụ cười giới thiệu, và thầm ngạc nhiên không biết tại sao bàn tay cô lại có thể ấm áp và mềm mại đến vậy, cho dù chỉ khoác hờ một chiếc áo len mỏng mà ngồi ngoài tiết trời thu se lạnh vùng núi này cả tiếng đồng hồ như thế -
Một nụ cười đẹp đẽ nở bừng trên gương mặt trắng xanh xao:
- Chào anh, bác sĩ, tên anh có nghĩa là “lá đỏ” à? Hợp với nơi này đấy – cô xoay người một chút để ngước lên nhìn triền Otowa đỏ rực lá phong, rồi quay lại nhìn thẳng vào mắt tôi, ngón tay trỏ nhẹ quấn lọn tóc buông lơi trước ngực – …Và nó cũng gợi nhớ đến màu đỏ ánh vàng rực rỡ của tóc tôi nữa. Tôi tên Lan. Trong tiếng Nhật thì có nghĩa là Ran. Anh cứ gọi tôi là Ran, nếu thấy cái tên kia khó gọi.
Tôi bất chợt không kìm được ý nghĩ muốn nhìn thật kĩ người con gái trước mặt mình: mái tóc có màu lá ngân hạnh mùa thu vừa dài, vừa mềm rủ xuống bờ vai mảnh mai, đôi mắt đen u huyền, nụ cười nửa dịu dàng nửa tinh nghịch, cơ thể nhỏ nhắn lọt thỏm trong bộ đồ bệnh viện. Bệnh án ghi cô mới hai bảy tuổi. Quá trẻ để đối đầu với căn bệnh ung thư phổi mà cô đang mang. Quá trẻ để đối đầu với tử thần.
Bàn tay người con gái vẫn mềm mại, ấm nóng, dịu dàng nằm giữa những ngón tay tôi.
Lúc ấy, tôi mới nhận ra, mình đã quên buông tay người con gái ấy.
***
Ran vốn là một kỹ sư làm tại nhà máy điện hạt nhân – công việc mà nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài thì sẽ chẳng ai có thể hình dung một cô gái xinh đẹp và mỏng manh cỡ này sẽ làm trong một ngành nghề mang đậm chất kĩ thuật và nguy hiểm rình rập như thế. Trong trí tưởng tượng của tôi, một cô gái như cô thì có lẽ làm giáo viên dạy văn, nhạc công, dịch giả, hay bất cứ thứ gì tao nhã và học thuật hơn thế thì mới thích hợp. Nhưng chẳng bao lâu, tôi đã sớm nhận ra rằng, chính nhờ Ran mà cuộc chạy trốn của tôi đến vùng núi non cô quạnh này bớt đi một chút buồn tẻ. Cô chứa đầy những thú vị bất ngờ mà bạn chẳng bao giờ có thể giải mã. Giống như một bài toán nan giải, càng khó giải thì càng lôi cuốn tâm trí con người.
Sau hai mươi tư giờ, thông báo mất tích của Ran được sở cảnh sát phát đi. Tôi ngồi trong phòng, giữa bốn bức tường, trong âm vang của bản Death and the maiden mà Ran thích, lục lọi những kí ức giữa tôi và cô gái kì lạ ấy. Giữa hàng trăm con người trong cái bệnh viện bé nhỏ vùng chân núi này, Ran hầu như chỉ nói chuyện với tôi. Nếu có chút manh mối gì để tìm ra cô, thì chắc chắn, tôi chính là người nắm giữ nó…
Nhắm mắt, tôi tự nhủ với chính bản thân mình: hãy nhớ lại, hãy nhớ lại đi!
Quá khứ chầm chậm chảy về…
…Những ngày tháng mười một cuối thu, tôi cùng Ran tản bộ trên con đường mòn dẫn lên núi. Cô gái người Việt Nam bé nhỏ đóng vai hướng dẫn viên cho một tên người Nhật chính cống như tôi, chậm rãi kể cho tôi nghe những câu chuyện thú vị. Cô không gọi tôi là “bác sĩ” như bao bệnh nhân khác, thay vào đó, cô gọi thẳng tên tôi, giống như chúng tôi là những người bạn đã biết nhau từ rất, rất lâu rồi. Ran chỉ cho tôi vòm mái cong của Kyomizu – dera tọa lạc trên vách đá dựng đứng, giọng nhẹ nhàng:
- Anh thấy không, Kise? Kia là ban công Kiyomizu – phần mái hiên của chính điện được nới rộng trên vách đá dựng đứng. Nó được xây dựng theo một phương thức đặc biệt, và những cây cột lớn bằng gỗ keyaki cao 12 mét anh đang nhìn thấy kia đã được lắp ráp với nhau mà không cần dùng đến một cái đinh. Sàn nhà thì được lắp ghép từ hơn 410 miếng gỗ bách. Anh đoán xem, nếu muốn phá sập toàn bộ mái hiên đó chỉ bằng vài gram thuốc nổ, thì đâu là chỗ đặt thuốc nổ thích hợp nhất? Có muốn tôi nói cho biết không?
Tôi đưa tay nhặt một chiếc lá ngân hạnh vàng với những viền răng cưa nhuốm đỏ lạc trên mái tóc dài của Ran.
- Cô kì lạ thật! Sao một cô gái dịu dàng như cô lại cứ nói về thuốc nổ và phá hoại như một kẻ khủng bố thế? Chúng ta – một nam một nữ đi dạo cùng nhau – đang nói về một trong những thắng cảnh du lịch nổi tiếng nhất của Nhật đấy!
…Cũng trong những ngày thu se lạnh và rực rỡ sắc đỏ, vàng ấy, dưới tán rẻ quạt đang mùa đổ lá, Ran mang đến cho tôi những miếng tempura momiji được làm từ lá vàng như một món quà mừng sinh nhật. Nụ cười khiến đuôi mắt cô gái trẻ cong cong như vầng trăng lưỡi liềm:
- Thế nào, ngạc nhiên chưa? Ngày xưa, tôi sống ở Takao mà. Món này là đặc sản vùng đó. Mùa thu năm trước, tôi đã cất công cuốc bộ khắp cả sườn núi bên này để tìm lá vàng. Phải mất hơn một năm tẩm, ướp kì công chỉ để làm mấy miếng bánh đấy, thế nên, ăn hết đi nhé, bác sĩ đẹp trai!
Tôi nhận đĩa bánh, lòng bất chợt dậy lên những chua xót khó tả. Từ trước khi tôi đến, Ran đã phải ở đây điều trị. Cô ấy đã ở lại cái bệnh viện nội trú buồn tẻ này đến năm thứ ba rồi, và thần chết cứ chực chờ trong những cơn đau giằng xé của căn bệnh ung thư, ngày này qua ngày khác gặm nhấm cơ thể mảnh mai. Tôi chưa từng thấy người thân nào đến thăm cô cả.
Cô lẻ loi, cô độc, và cô phải một mình đối đầu với tử thần.
…Trong ngày đầu năm mới, tôi không về Tokyo đón tết cùng gia đình, mà ở lại bệnh viện với Ran. Bệnh của cô càng lúc càng nặng. Trong những cơn ho, thi thoảng, những vệt máu đỏ tươi thấm ướt lòng bàn tay cô. Ran mỉm cười yếu ớt:
- Bác sĩ yên tâm, chỉ ba ngày thôi mà, tôi tự lo được. Anh cứ về đi!
- Tôi là bác sĩ phụ trách cô mà…
Kì thực, đó chỉ là lý do tôi viện ra. Tôi muốn ở lại cùng Ran. Tôi không tưởng tượng nổi người con gái ấy đã đối mặt với những ngày đầu năm như thế nào trong suốt gần ba năm qua, giữa bốn bức tường trắng ám hơi thuốc sát trùng và kháng sinh liều cao, không người thân, thậm chí, nhạc mừng năm mới cũng là bản Death and the maiden – “Thần Chết và thiếu nữ” được chơi trên dàn đĩa quay cổ điển, ám bụi chẳng biết có tự đời nào.
Tôi cũng không tưởng tượng được, về Tokyo tôi sẽ ra sao. Tôi chưa chuẩn bị tâm lý để gặp lại người con gái tôi yêu, và cũng là người con gái đã phản bội tình yêu của tôi, trong khi chỉ còn một tháng nữa là đến ngày cưới…
Trong đêm giao thừa ấy, Ran đã tặng tôi con búp bê momiji bé xíu mặc bộ kimono màu trắng điểm xuyết những lá phong đỏ, giọng cô ấy yếu ớt chìm vào ánh pháo hoa đêm giao thừa: “Tôi thật sự mong bác sĩ sẽ thực hiện được ước nguyện mà anh bỏ vào trong con búp bê này”…
Lần đầu tiên cô ấy gọi tôi là bác sĩ, chứ không phải “Kise”.
Và lần đầu tiên, cô ấy đồng ý khi tôi khẩn thiết yêu cầu cô ấy chấp nhận hóa trị liệu…
Đó là lần đầu tiên có người tặng cho tôi một con búp bê cầu ước…
Dòng hồi ức chảy ngang qua đầu tôi chợt đứt phựt.
…Ước nguyện?…
Tâm trí tôi lập tức chao đảo. Ước nguyện của Ran?
Ngay lập tức, như có một luồng điện dội thẳng qua người khiến tôi run lên. Chẳng nghĩ đến giây thứ hai, tôi lập tức gọi đến hãng hàng không, đặt một vé sớm nhất có thể tới Okinawa.
Phải, tôi đã nhớ ra, có một lần, sau khi tôi tiêm thuốc cho Ran, cô đã lẩm bẩm trong lúc dần rơi vào giấc ngủ: “Trước khi chết, tôi nhất định sẽ tới Okinawa ngắm biển”.
***
Chuyến tàu xình xịch lăn bánh, đưa tôi về phía biển…
Tôi chẳng biết đích xuống sẽ ở đâu, nhưng có gì đó trong tôi thúc giục tôi tiến về phía trước. Biển của Okinawa. Ran. Và thần chết lẩn quất đâu đó dưới vòm trời xanh ngắt nắng thu.
- Bác sĩ, anh thích Vật lý chứ?
- Hồi đi học có phải học, nhưng giờ, tôi chỉ nhớ ứng dụng thực tiễn duy nhất mà môn này dạy cho tôi, đó là không được thò ngón tay vào ổ điện. Hết.
Ran bật cười, gấp quyển sách trên tay lại, nghiêng đầu để hất những lọn tóc xõa dài sang một bên:
- Còn tôi thì ám ảnh nhất với cái đề bài: “Cho vận tốc của hai con tàu ngược chiều cùng đi trên một đường ray độ dài xác định. Hãy tính thời điểm mà hai con tàu đó đâm vào nhau”
- Chẳng lẽ ngành đường sắt Việt Nam lại tệ đến thế? Nếu là ở Nhật thì…
- Chỉ là giả sử thôi mà… – Ran khoát tay – nhưng, sau đấy thì sao?
- Cái gì? – Tôi giật mình ngơ ngác trước câu hỏi lửng lơ của cô gái.
- Nếu hai con tàu đi ngược chiều trên cùng một đường ray, không sớm thì muộn, chúng cũng gặp nhau. Nhưng nếu hai con tàu đi trên hai đường ray song song, thì dù xuôi hay ngược chiều, chúng cùng lắm cũng chỉ có thể lướt qua nhau. Giả sử anh ngồi trên chuyến tàu xuôi, còn tôi trên chuyến tàu ngược ở đường ray song song. Trong chưa đầy một giây ngắn ngủi lướt qua nhau, xác suất chúng ta nhìn thấy người còn lại là bao nhiêu? Và nhìn thấy rồi, sau đó thì sao? Chúng ta vẫn chỉ là lướt qua nhau, trên hai đường thẳng song song…
Cảnh vật vẫn vùn vụt trôi về phía sau, nhanh đến nỗi hư ảnh này chồng lên hư ảnh kia rồi tan biến trong đáy mắt.
Tôi và Ran, đúng như lời cô ấy tưởng tượng, là hai người lữ khách trên hai con tàu song song.
Gần hai năm vừa qua, số phận gắn kết tôi với cô ấy một cách lạ lùng. Cô ấy là mối bận tâm của tôi, tôi là hi vọng sống của cô ấy, vì chúng tôi là bác sĩ và bệnh nhân. Chúng tôi cứ song song tồn tại cạnh cuộc sống của nhau như thế, cho đến khi con tàu của tôi lướt qua con tàu chở cô ấy.
Vì tôi sẽ sống tiếp, còn trạm đỗ của cô ấy là bến đỗ tử thần, mà bến đó đã rất gần, rất gần rồi…
Phần trăm tôi có thể níu giữ thành công tính mạng cô ấy thêm một thời gian nữa là bao nhiêu?
Từng chút một, con tàu vẫn ầm ĩ mang tôi đi về phía biển…
Chưa bao giờ tôi đi một chuyến đi vô định như thế này, nhưng cũng chưa bao giờ niềm tin trong tôi lại lớn như vậy. Có gì mách bảo tôi rằng người con gái tôi tìm đang ở đâu đó phía trước, trên đường bờ biển biếc xanh viền quanh mép đại dương sâu thẳm mát lạnh của Okinawa này.
Dù chỉ là đi lướt qua nhau, thì trong giây phút chúng ta nhìn thấy nhau từ hai con tàu song song ấy, cuộc sống đã cố nói rằng chúng ta có duyên gặp mặt, không phải vậy sao?
Ran vẫn còn chưa cho tôi biết cần phải đặt vài gram thuốc nổ vào chỗ nào mới có thể “gọn gàng” thổi bay cả mái hiên Kyomizu – dera…
Cô đã hứa sinh nhật năm sau sẽ lại làm tempura momiji cho tôi bằng chính những chiếc lá vàng to bản, đẹp đẽ mà cả hai đi tìm hái vào ngày sinh nhật tôi năm đó…
Con búp bê momiji cô tặng tôi ngày năm mới, mảnh giấy ghi ước nguyện tôi vẫn để trắng…
Tôi phải tìm Ran, cùng cô hoàn thành những ước nguyện của cô, và tiếp tục song hành cùng cô trong vai trò một bác sĩ, cho đến khi con tàu của cô cạn sạch nhiên liệu và dừng bước. Đến lúc đó, tôi mới có thể tiếp tục tiến về phía trước, một mình, nhưng không hối hận.
Tôi vẫn nhớ, trong ánh chiều ngày hôm đó nhuộm đỏ những tán lá rực rỡ phủ đầy ngọn Otowa, tôi đã trả lời Ran rằng: “Như vậy thì, sau đó, nếu chúng ta đi ngược chiều, tôi sẽ quay ngược đoàn tàu lại và đuổi theo chuyến tàu của cô. Nếu chúng ta cùng chiều, tôi sẽ duy trì vận tốc bằng với vận tốc đoàn tàu của cô. Nếu làm vậy, ít nhất, chúng ta sẽ mãi mãi song song tiến về phía trước cho đến khi nào một trong hai, hoặc cả hai dừng lại, đúng không?”
***
Biển của Okinawa
Khi tôi tìm thấy Ran, cô ấy đang một mình đứng trên bờ biển. Mái tóc dài màu lá ngân hạnh vào thu ánh lên đỏ rực xen lẫn sắc vàng rực rỡ giữa trời xanh thẳm và biển cũng xanh thẳm của Okinawa như một đốm lửa mong manh giữa muôn trùng mây và sóng.
Tôi chỉ đơn giản là lên một chuyến tàu. Chỉ đơn giản là đi thẳng đến bờ biển gần nhất. Chỉ đơn giản là làm theo trực giác mà hoàn toàn không hề có chút manh mối.
Nhưng tôi lại tìm thấy cô ấy. Cho dù xác suất có nhỏ bé đến đâu, tôi vẫn tìm thấy cô ấy một cách nhanh chóng đến chính tôi cũng phải bất ngờ. Nhưng cô ấy thì hoàn toàn bình thản.
- Kise này, anh biết không – giọng của cô ấy tan vào gió biển – tôi có một đứa em trai. Đúng hơn, là từng có. Thằng bé từng là người thân duy nhất của tôi, cho đến khi một cơn bão biển cướp mất nó.
- Tôi… rất tiếc…
Ran ngả người ra sau, chống tay lên thềm cát trắng, ngước đôi mắt trong veo nhìn lên bầu trời xanh thẳm. Cô ấy mỉm cười, nhưng nước mắt vẫn thi nhau rơi xuống.
- Là tôi sai khi đã đồng ý để lại nó một mình ở lại Việt Nam làm ngư dân. Con tàu mất tích ngoài khơi. Mãi mãi, chẳng có tin tức gì của thằng bé… Nhưng tôi vẫn tin, ở đâu đó ngoài đại dương, thằng bé vẫn đợi tôi. Tôi từng kể với nó, biển Okinawa đẹp tựa thiên đường. Và nó hứa với tôi, nhất định sẽ sang Nhật, thử cùng tôi ngắm biển Okianawa một lần. Nhưng thằng bé mất tích rồi. Mất tích trên biển. Vậy mà, tôi vẫn cố chấp tin, biển cả bao la đều được nối với nhau, và biết đâu một ngày nào đó, trên một bờ biển nào đó, con tàu bỗng hiện ra, và nụ cười ấm áp của thằng bé lấp lánh dưới nắng… Bác sĩ, anh có tin vào điều kì diệu ấy không? Bác sĩ, anh có nghĩ tôi còn đủ thời gian để chờ được nó nữa không?
Nước mắt tôi ướt đẫm hai gò má từ lúc nào không hay. Tôi vòng tay, kéo Ran gục vào vai mình. Cơ thể nhỏ bé của cô ấy run run. Mái tóc dài đỏ ánh vàng run run. Có thứ chất lỏng mặn chát, nóng hổi nào đó thấm vào vai áo tôi bỏng rát.
Sau khi Ran theo tôi về, chúng tôi sẽ bắt đầu hóa trị liệu, những lọn tóc mềm mại, suôn dài, đỏ rực như lửa này sẽ dần rụng xuống.
Còn Ran, cô ấy chắc sẽ không thể kịp ra biển để chờ phép màu xuất hiện thêm lần nào nữa.
Đột nhiên, tôi thấy hai mắt mình lại một lần nữa ướt đẫm, nhòe nhoẹt.
***
Gần hai năm sau, bất chấp mọi cố gắng của cả hai, bất chấp hóa trị liệu, Ran qua đời. Cô ấy mất khi những khóm cây khắp ngọn Otowa bắt đầu lác đác rụng lá. Là bác sĩ trị liệu của cô ấy, tôi hoàn toàn không lấy gì làm bất ngờ về điều này, nhưng không hiểu sao, tôi vẫn thấy mình đau đến nghẹt thở.
Bạn biết không? Cô ấy bị ung thư phổi. Trước khi chết, cô ấy đã có một cơn đau kinh khủng. Không có oxy. Không thể hít thở. Cảm giác như từng tế bào bị thiêu cháy. Vậy mà, khi tôi bật khóc đầy bất lực nắm chặt tay cô ấy và cầu xin số phận, cô ấy lại mấp máy môi, qua máy trợ hô hấp, ra hiệu với tôi: “Kise, đừng khóc…”
Bạn biết không? Mỗi khi bệnh nhân ung thư bị lên cơn đau, bác sĩ của họ sẽ hỏi: “Bạn đang đau ở mức độ mấy?” Từ một đến mười, số càng lớn, tức là cơn đau càng dữ dội. Tôi từng thấy cả người cô ấy tím tái vì không thở được. Tôi từng thấy từng ngón tay cô ấy co quắp, cả người quằn quại trong cơn đau. Tôi từng thấy cô ấy vừa ho vừa gập người, nước mắt chảy tràn trên mặt, máu lẫn nước bọt trào ra khóe môi trắng bợt. Nhưng cô ấy chưa bao giờ đưa ra con số lớn hơn sáu. Tôi đã từng tự hỏi, mức độ mười liệu sẽ đau đến mức nào?
Nhưng tôi chẳng cần phải thắc mắc thêm nữa. Tất cả đã quá rõ ràng. Kể từ lúc cô ấy ngừng thở. Kể từ lúc bàn tay cô ấy không còn nắm chặt lấy ngón tay tôi… Nỗi đau cơ hồ lan đến từng ngóc ngách của cơ thể khiến tôi tê dại, từng cơn khó thở dội lên quặn thắt…
Phải, tôi đã mất Ran vào tay thần chết!
Ngọn Otowa so với ngày giữa thu nắng đẹp mà tôi gặp Ran lần đầu trông xơ xác hẳn. Mỗi cơn gió nhỏ vô tình tạt qua cũng khiến những chiếc lá đỏ, lá vàng rơi lả tả. Chúng làm tôi nhớ đến những lọn tóc đỏ ánh vàng đầy sức sống của Ran rụng dần, rụng dần mỗi ngày trên sàn nhà trong quá trình hóa trị liệu. Tôi ngồi một mình dưới gốc cây lần đầu chúng tôi gặp mặt, với con búp bê momiji mặc kimono trắng điểm lá đỏ, lá vàng trên tay, nước mắt cứ tự nhiên trào ra không cách nào ngăn lại. Tôi sẽ chẳng bao giờ có cơ hội đốt con búp bê này trước đền thờ khi nguyện ước thành sự thật, bởi ngay từ lúc đặt bút ghi nguyện vọng mong Ran sẽ khỏi bệnh, tôi đã biết nó là vô vọng…
Nước mắt tôi vẫn rơi lã chã, thấm ướt cả một mảng chiếc blouse trắng, thấm ướt cả gương mặt con búp bê trên tay. Phía trên cao, dưới bầu trời xanh ngắt, dưới những cụm mây trắng bồng bềnh, những ngọn gió lướt qua tàn cây ngân hạnh, ngân nga lời thì thầm tha thiết giữa không trung:
“Kise, đừng khóc…”
Theo blogradio.vn
Muốn mẹ chồng nàng dâu hòa thuận đừng để hai người sống chung dưới một mái nhà
Trong mỗi cuộc hôn nhân vấn đề lớn nhất mà mỗi phụ nữ phải đối mặt không phải là chồng mình mà đó chính là mẹ chồng.
Nhiều người sẽ cho rằng vấn đề mẹ chồng - nàng dâu không nên suy nghĩ quá tiêu cực, việc sống cùng gia đình nhà chồng cũng không phải vấn đề gì nặng nề nếu như mỗi người con dâu hiểu đạo lí và biết chiều mẹ chồng.
Thế nhưng thực tế lại không giống như lời nói, nếu mọi chuyện có thể dễ dàng như vậy thì có lẽ đã không có những câu chuyện dở khóc dở cười về mẹ chồng - nàng dâu rồi có khi còn từ mặt nhau.
Một chị bạn của tôi có thể nói là người hoàn hảo không thể chê được điểm gì, sự nghiệp ổn định, tính tình ôn hòa, đảm đang và rất hiểu lễ giáo. Vì thế gia đình nhà chồng rất quý chị, hai vợ chồng sau khi kết hôn cũng tự mua được nhà riêng. Chị không ngại việc ở chung với bố mẹ chồng nhưng chị cũng là một phụ nữ hiện đại nên chị hiểu mẹ chồng - nàng dâu cứ ở xa nhau thì sẽ tốt nhất.
Tuy nhiên, đến lúc chị sinh con đầu lòng thì mẹ chồng sang ở cùng để giúp đỡ hai vợ chồng chăm sóc con nhỏ. Nhưng mọi rắc rối và sự tin yêu trước đây cũng vì thế mà mất đi. Tuy rằng chị và mẹ chồng không đến mức từ mặt nhau nhưng tình cảm cũng không còn chân tình như trước.
Mấy ngày đầu sau sinh cả người chị đau nhức đi lại cũng khó khăn, hôm nào trước khi anh đi làm chị cũng dặn anh về sớm để trông con cùng mẹ vì một mình bà bế cháu cả ngày cũng mệt. Nhưng anh vốn là người nhiệt tình với bạn bè nên hôm đó sau giờ làm khi bạn rủ ra ngoài anh không từ chối, mãi đến gần nửa đêm anh mới về nhà.
Một mình chị đang cho con ăn, còn mẹ chồng ngủ phòng bên cạnh. Anh định bế con nhưng chị đã giằng ra không đồng ý, chị khó chịu khi anh về muộn mà người còn nồng nặc mùi men. Còn anh thì cứ xà vào con để thơm, chị bực mình quá nên nói to: "Anh đi được thì đi luôn đi còn về làm gì nữa", nhưng chị không biết rằng đúng lúc ấy mẹ chồng đi ngang qua cửa và nghe thấy mấy lời đó.
Hết tháng ở cữ chị muốn ra ngoài vì cứ ở nhà mãi cũng bí bách nhưng anh lại bận không đưa chị đi được. Chị liền tỏ thái độ giận dỗi với chồng, chuyện này rất bình thường vì trước đây chị vẫn hay làm vậy để anh chiều theo ý mình. Nhưng tiếc là mẹ chồng không hiểu và nghĩ chị đang gây áp lực cho anh.
Đỉnh điểm là hôm con ốm sốt khóc suốt cả ngày, mãi đến tối chị mới cho con ngủ được một lúc thì anh đi làm về liền làm cho nó tỉnh giấc. Chị mệt mỏi nhướn mắt lên rồi bảo anh ru con ngủ tiếp đi nhưng đúng lúc đó thì mẹ chồng đi vào và gọi hai vợ chồng ra nói chuyện.
Mẹ bắt đầu nói về chuyện chị tha phiền việc anh đi làm về muộn, rồi chuyện chị giận anh và cả chuyện chị nhờ anh ru con. Mẹ nói công việc của anh thì một người làm vợ phải hiểu và thông cảm, không phải động đến vấn đề gì cũng nhất quyết phải đòi anh đồng ý bằng được. Và cả chuyện cho con ngủ chị không ru được thì làm sao anh cho con ngủ được.
Lúc ấy chị bỗng dưng bật khóc, anh cũng bảo rằng mẹ đang hiểu lầm nhưng anh càng nói thì mẹ càng cho rằng anh bảo vệ chị. Chị cũng không dám cãi lại mẹ mà chỉ ngậm ngùi như vậy.
Sau hôm đó, chị bàn với anh việc để mẹ về nhà vì con cũng đã cứng cáp, nên một mình chị cũng có thể trông con. Nhưng khi anh nói chuyện thì mẹ lại nghĩ chị không thích nên có ý muốn đuổi mẹ về, trước lúc về mẹ vẫn không quên nói với hai vợ chồng: "Sau này tôi có sang đây thì cũng là vì thương cháu tôi chứ không phải để giúp anh chị đâu". Hai vợ chồng nhìn nhau nhưng cũng không biết giải thích sao vì mẹ đang giận.
Có những việc chúng ta cứ nghĩ nhẫn nhịn một chút thì có thể dung hòa, nhưng tại sao ngay từ đầu chúng ta không nghĩ tới một phương án đơn giản hơn để tránh những khó xử về sau. Mẹ chồng - nàng dâu mối quan hệ đó hoàn toàn có thể tốt đẹp nhưng đó là khi hai người không ở chung dưới một mái nhà.
Theo ilike.vn
Tôi rất đau khổ khi biết vợ ngoại tình Chào ace diễn đàn rất cảm ơn mọi ng nếu dành thời gian đọc hết những tâm sự và suy nghĩ của tôi. Văn ko hay cũng chưa bao giờ viết bài chỉ là không thể chia sẻ cùng ai cả nên mượn trang này mong mọi người giúp tôi vượt qua khó khăn này, đôi khi những lời nói động viên lại...