Duterte: ‘Tôi nói với Obama tôi không hề sỉ nhục ông ấy’
Tổng thống Duterte biện hộ không hề sỉ nhục Tổng thống Obama nhưng vẫn gọi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon là kẻ ngu xuẩn khi lôi chuyện nhân quyền ra nói với cuộc truy quét tội phạm ma túy của ông.
Ngày 9-9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết ông đã nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc gặp tối 7-9 tại Lào rằng mình không hề sỉ nhục ông Obama là “đồ con hoang”.
“Tôi đã sẵn sàng với ông Obama. Tôi đợi ông Obama phản hồi. Luật sư với luật sư, dù gì hai chúng tôi cũng đều là luật sư… Tôi đã nói tôi không hề ám chỉ ý đó. Hãy kiểm tra lại.”
“Tôi có nói câu đó nhưng không nhắm vào ông Obama. Tôi không khiêu khích với Mỹ” – hãng tin Reuters (Mỹ) dẫn lời ông Duterte phát biểu trước cộng đồng người Philippines tại thủ đô Jakarta (Indonesia) ngày 9-9.
Tổng thống Duterte phát biểu trước cộng đồng người Philippines tại Jakarta (Indonesia) ngày 9-9. Ảnh: REUTERS
Ông Duterte thốt ra từ “đồ con hoang” bằng ngôn ngữ địa phương Tagalog trong cuộc họp báo tại Philippines ngày 5-9 trước khi sang Lào dự hội nghị ASEAN và gặp Tổng thống Obama.
“Ông ta nghĩ ông ta là ai? Tôi không phải là bù nhìn của Mỹ. Tôi là tổng thống của một nước có chủ quyền và tôi không có bổn phận phải trả lời ai ngoại trừ người dân Philippines”.
Video đang HOT
“Ông cần tỏ ra tôn trọng. Đừng đưa ra câu hỏi. Nếu không thì đồ con hoang, tôi sẽ chửi thẳng ông tại cuộc gặp.”
Ông Duterte có những lời nặng nề trên khi có một phóng viên hỏi liệu ông Duterte sẽ trả lời sao khi ông Obama hỏi về cuộc truy quét tội phạm ma túy do ông Duterte phát động ở Philippines đã làm hơn 2.000 người chết trong hơn hai tháng thực hiện.
Thái độ và lời nói của ông Duterte đã khiến Tổng thống Obama hủy cuộc gặp với ông Duterte tại Lào. Tuy nhiên hai lãnh đạo đã có cuộc gặp ngắn, không chính thức vào tối 7-9. Cả hai cùng bắt tay và nói với nhau vài câu.
Tuy nhiên Tổng thống Duterte vẫn bảo lưu chỉ trích Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, gọi ông Ban Ki-moon là kẻ ngu xuẩn khi lôi chuyện nhân quyền ra nói với cuộc truy quét tội phạm ma túy của ông.
THIÊN ÂN
Theo PLO
Dân Philippines ủng hộ chiến dịch truy quét ma túy của Tổng thống Duterte
Phần lớn người dân Philippines xem những cái chết trong chiến dịch truy quét ma túy đều đáng tội chết.
Ngày 1-7, chỉ một ngày sau khi tuyên bố nhậm chức, Tổng thống Duterte thân hành đến một khu ổ chuột Manila, hô hào người dân ra tay giết các con nghiện ma túy, chính thức tuyên bố bắt đầu chiến dịch truy quét tội phạm ma túy trên cả nước.
Hai tháng sau, gần 2.000 con buôn và con nghiện ma túy thiệt mạng trong chiến dịch truy quét tội phạm ma túy của Tổng thống Duterte, số liệu do Trưởng Cảnh sát quốc gia Philippines Ronald dela Rosa công bố trong cuộc điều trần trước Thượng viện đầu tuần này. 756 người trong số này bị cảnh sát bắn chết vì có hành vi chống cự, hơn 1.000 trường hợp đang được điều tra. Số người bị giết không ngừng tăng.
Trình bày thông điệp nhà nước hồi tháng trước, Tổng thống Duterte xác định ma túy đang hủy hoại đất nước Philippines và tuyên bố sẽ không nhượng bộ bất cứ áp lực nào với cuộc chiến truy quét tội phạm ma túy "nhân quyền không thể được sử dụng như một tấm khiên hay một cái cớ để hủy hoại đất nước".
Dân Philippines vẫn ủng hộ chiến dịch truy quét ma túy của Tổng thống Duterte dù số người chết quá cao. Ảnh: GETTY IMAFES
Đối mặt với sự chỉ trích giết người bừa bãi không qua xét xử của các nhà nhân quyền, các tổ chức quốc tế, cả trong nội bộ quan chức chính phủ, Tổng thống Duterte không nao núng, thậm chí còn đe dọa sẽ ban hành thiết quân luật nếu Tòa án Tối cao can thiệp vào chiến dịch này.
Ông chỉ trích đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg, đe dọa rút tư cách thành viên LHQ khi các cá nhân, tổ chức này động đến chiến dịch truy quét ma túy. Cao hơn cả, ông Duterte tuyên bố sẵn sàng đối mặt với khả năng bị truy tố trong cuộc chiến này, chứ không chịu từ bỏ.
Kết quả thăm dò độc lập thực hiện đầu tháng 7 cho thấy Tổng thống Duterte được 91% dân Philippines ủng hộ. Từ đó đến lúc này chưa có cuộc thăm dò mới.
Tuy nhiên báo New York Times (Mỹ) dẫn lời Tiến sĩ xã hội học Jayeel Cornelio, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Phát triển thuộc Đại học Ateneo de Manila (Philippines) nhận định, nếu thời điểm này có một cuộc thăm dò thì tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Duterte sẽ không khác bao nhiêu so với cuộc thăm dò trước.
Vì theo Tiến sĩ Jayeel Cornelio, không có nhiều người dân từ bỏ ủng hộ Tổng thống Duterte vì tính bạo lực của chiến dịch truy quét ma túy này, vì họ vốn đã chọn tin tưởng và ủng hộ lời hứa truy quét tội phạm của ông lúc ông còn tranh cử tổng thống. Theo ông, với phần lớn người dân Philippines, những cái chết trong chiến dịch truy quét ma túy đều đáng tội chết.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch kinh tế Ernesto Pernia cho rằng việc giết chóc này "có thể là một tội ác cần thiết để theo đuổi điều tốt đẹp hơn". Đây cũng là tinh thần chung làn sóng bình luận trên mạng xã hội của rất nhiều người dân Philippines ủng hộ Tổng thống Duterte và chiến dịch truy quét tội phạm ma túy.
"Việc giết chóc này là điều chấp nhận được để xã hội chúng ta trong sạch hơn, ít đi tội phạm và bọn buôn lậu cũng như người nghiện ma túy." New York Times dẫn nhận định của một thanh niên 25 tuổi tên Rex Alisoso làm nghề giặt là ở Manila.
Theo anh, người dân Philippines không lấy gì làm sốc trước những gì diễn ra vì họ đã chọn bỏ phiếu cho Tổng thống Duterte vì tin tưởng cách làm việc của ông, cũng như đã quen thuộc với cách ăn nói nóng nảy và có phần bạt mạng của ông.
Cô Kim Labasan, chủ một cửa hàng ở Manila cho biết cô không ủng hộ cách nói năng gay gắt cũng như quyết định an táng nhà độc tài Ferdinand Marcos như một anh hùng dân tộc của Tổng thống Duterte. Tuy nhiên riêng về chiến dịch truy quét tội phạm ma túy đang diễn ra thì cô hoàn toàn ủng hộ, vì bản thân và gia đình cô đã và đang chịu đựng sự hoành hành của ma túy. Những con nghiện ma túy ở khu vực cô sống như đã bị ma túy "đầu độc não", nhà gia đình cô từng bị các con nghiện vào cướp tiền mua ma túy.
ĐĂNG KHOA
Theo PLO
Lần cuối công du châu Á của Obama: Đầu không xuôi, đuôi có lọt? Chuyến công du châu Á cuối cùng của Tổng thống Obama đầy sự cố và thách thức. Nó là một điểm trừ cho chiến lược xoay trục về châu Á vốn là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Chuyến công du châu Á vừa rồi là lần đến châu Á cuối cùng của ông Obama với tư...