“Đứt gãy” quan hệ giữa hai nhân vật quyền lực nhất đất nước đang đe doạ cuộc chiến chống lại COVID-19 của Mỹ?
AP đăng tải, hai nhân vật quyền lực nhất tại Washington chưa cất lời với nhau trong 5 tháng bất chấp nước Mỹ đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong lịch sử khiến hơn 5.000 người dân thiệt mạng và hơn 10 triệu người mất việc làm.
Lần cuối cùng Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cùng nói chuyện là vào ngày 16/10 khi bà Pelosi được chụp ảnh đang chỉ thẳng vào mặt ông Trump trong một buổi thảo luận căng thẳng tại Nhà Trắng. Bà Pelosi rời phòng họp trong sự tức giận và không lâu sau đó, mối quan hệ giữa hai người càng trở nên khó cứu vãn vì cuộc điều tra luận tội tổng thống do Hạ viện khởi xướng.
Giờ đây đang xuất hiện ngày càng nhiều quan ngại rằng, những bất đồng giữa ông Trump và bà Pelosi sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới năng lực của chính quyền liên bang trong những nỗ lực đối phó với đại dịch COVID-19.
“Mối quan hệ là bắt đầu của mọi thứ. Niềm tin lẫn nhau là chìa khóa để hợp tác”, cựu quan chức dưới thời hai tổng thống George W.Bush và Barack Obama, ông John M. Bridgeland cho hay.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi có thực sự cùng nhìn về một hướng? (ảnh: CNN)
Theo đồng minh của hai nhà lãnh đạo, quan hệ Trump-Pelosi chưa bao giờ nồng ấm và tỏ ra khó có thể hàn gắn sau cuộc luận tội tổng thống. Và ngay cả cuộc khủng hoảng COVID-19 dường như cũng không thay đổi được điều này.
Tháng trước, khi Washington xây dựng gói hỗ trợ đắt tiền nhất trong lịch sử nước Mỹ, ông Trump và bà Pelosi đã hướng những ánh mắt “hình viên đạn” về phía nhau khi cùng có mặt tại Đại lộ Pennsylvania.
Tổng thống Mỹ và bà Chủ tịch Hạ viện chỉ giao tiếp với nhau thông qua… Twitter và truyền hình hoặc các kênh trung gian mà người kia có thể chịu đựng được. Một trong số đó là Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchi, người đã trực tiếp đàm phán 3 đạo luật hỗ trợ với cả ông Trump và bà Pelosi. Khi ông Trump ký gói hỗ trợ tại Nhà Trắng, ông không hề mời bà Pelosi hay bất kỳ thành viên Dân chủ nào tới chứng kiến.
Bà Pelosi và Bộ trưởng Mnuchin đã bàn bạc về các gói cứu trợ thông qua điện thoại và tại văn phòng ở Đồi Capitol. Tân Chánh Văn phòng Mark Meadows, vốn có quan hệ không tồi với bà Pelosi, được dự đoán sẽ là người tiếp theo giữ kênh liên lạc giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu nước Mỹ.
Hôm thứ năm (2/4), bà Pelosi cho hay, bà và ông Mnuchin đã thảo luận về phần tiếp theo của gói hỗ trợ. Bà đồng thời cố gắng làm giảm mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu liên hệ với tổng thống.
“Cho dù là liên lạc gì thì chúng ta vẫn cần phải tiến về phía trước và điều đó sẽ xảy ra cho dù tôi có nói chuyện với tổng thống hay không”, bà Pelosi tuyên bố. “Điều đó không đơn giản. Nó không chỉ là lời đề nghị ‘hãy cùng nói chuyện nào’, mà nó là về mục đích, tình huống khẩn cấp như thế nào, có cần thiết tới thời gian của chủ tịch hạ viện và tổng thống hay không, nhất là khi cả hai người đều rất bận rộn”.
Cũng trong ngày 2/4, bà Pelosi công bố việc thành lập một ủy ban chọn lọc của Hạ viện về khủng hoảng virus corona mới. Uỷ ban lưỡng đảng này sẽ do Người đứng đầu thứ hai của phe đa số James Clyburn làm chủ tịch.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump gọi ủy ban là “một cuộc săn tìm phù thuỷ” và “điều nực cười”.
“Tôi muốn nhắc nhở mọi người tại đây, ở giữa thủ đô của chúng ta, đặc biệt là những người trong Quốc hội rằng, đây không phải là lần đầu tiên đối với chính trị và những cuộc điều tra đảng phái”, người đứng đầu nước Mỹ nói trong một cuộc họp báo về COVID-19 tại Nhà Trắng.
Hình ảnh bà Pelosi chỉ tay đầy giận dữ về phía ông Trump trong một cuộc họp vào tháng 10/2019 (ảnh: CNN)
AP nhận định, đại dịch là khoảng thời gian mà người dân Mỹ sẽ khó mở lòng cho những mâu thuẫn và gây hấn phe phái.
Video đang HOT
“Không có không gian cho chính trị”, nghị sỹ Dân chủ Ben McAdams của bang Utah nhấn mạnh. Ông McAdams đang hồi phục sau khi dương tính với COVID-19 và là một trong vài nghị sỹ tự cách li nhằm tránh lây lan virus cho những người xung quanh. “Chúng ta thực sự phải đứng cùng nhau, làm việc cùng nhau để cứu sống các sinh mạng và đó là điều duy nhất có ý nghĩa ở thời điểm hiện tại”.
Theo một cuộc thăm dò ý kiến do Trung tâm nghiên cứu các vấn đề công AP-NORC tiến hành, 44% người Mỹ đồng ý với cách ông Trump đang xử lý đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, chỉ 38% người dân thỏa mãn với những biện pháp của chính phủ liên bang nhằm hạn chế virus lây lan trên toàn quốc so với 57% và 54% ủng hộ những gì các chính quyền bang và địa phương đang làm. Ngoài ra, 31% người Mỹ đồng ý với cách các nhà lãnh đạo ở Quốc hội đang đối phó với COVID-19 trong khi có tới 41% không hài lòng.
Mối quan hệ giữa ông Trump và bà Pelosi không phải lúc nào cũng căng thẳng như bây giờ.
Sau khi Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 11/2018, Tổng thống Trump từng nhiệt thành khen ngợi bà Pelosi, đồng thời nói với các cố vấn rằng, ông rất đánh giá cao các kỹ năng sống sốt chính trị của nghị sỹ bang California, đồng thời tin tưởng bà là một chính trị gia mà ông có thể tìm được tiếng nói chung.
Tuy nhiên, thay vào đó bà Pelosi lại trở thành một trong những người đối kháng ông Trump mãnh liệt nhất với những hình ảnh gây tiếng vang như khi bà vỗ tay một cách mỉa mai trong một buổi diễn thuyết của tổng thống vào năm 2019 hay rời mặc áo khoác, đeo kính đen rời Nhà Trắng sau một cuộc tranh luận nảy lửa về ngân sách xây dựng bức tường biên giới của ông Trump.
Mâu thuẫn thậm chí còn bùng lên mạnh hơn vào cuối năm ngoái khi bà Pelosi quyết định thông qua cuộc điều tra luận tội nhằm vào tổng thống liên quan tới cáo buộc ông Trump gây sức ép lên chính phủ Ukraine để đạt được lợi ích chính trị cá nhân.
Ông Trump từng tâm sự rằng, ông cảm thấy bà Pelosi luôn cố gắng làm ông xấu mặt mọi lúc mọi nơi, và ông sẽ không bao giờ tha thứ cho bà về cuộc luận tội.
Vài ngày trước khi Tổng thống Trump được Thượng viện miễn tội, hai nhà lãnh đạo đã “mặt đối mặt” với nhau khi ông Trump có bài phát biểu liên bang 2020. Và bà Pelosi một lần nữa gây bất ngờ khi thẳng tay xé toang bài phát biểu của ngài tổng thống, thậm chí còn khẽ cúi đầu chào sau đó.
Bất chấp tỷ lệ tử vong do COVID-19 tập trung ở nhóm người cao tuổi; bà Pelosi vừa kỷ niệm sinh nhật 80 vào tuần trước và ông Trump đã 73 tuổi; nhưng cả hai vẫn không hề cắt giảm các hoạt động xuất hiện trước công chúng hay ngừng chĩa mũi dùi công kích vào nhau.
“Tôi không biết mình sẽ học được gì từ cuộc đối thoại với tổng thống nữa”, bà Pelosi mới đây tuyên bố. Chỉ một ngày sau đó, ông Trump gọi những chỉ trích của bà chủ tịch Hạ viện là “một điều buồn thảm”. “Theo tôi, bà ấy giống như một con cún nhỏ bị ốm vậy”, tổng thống Mỹ phát biểu trong chương trình phỏng vấn “Fox & Friends”.
Minh Đức
Biến yếu nhân Mỹ thành tài sản Nga: Chỉ thể là Putin...
Hiệu ứng Putin tác động vào đời sống chính trị Mỹ, đưa nhiều yếu nhân của nước Mỹ vào vòng xoáy Nga, biến thành tài sản của Nga trên đất Mỹ....
Nga bị cáo buộc can thiệp giúp cả hai phe ở Mỹ trong mùa bầu cử năm 2020
Theo Reuters, ngày 24/2, phát biểu tại Hội nghị An ninh bầu cử do Quốc hội Mỹ tổ chức, Trợ lý Chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm về ảnh hưởng từ nước ngoài (FTF), trực thuộc Cục điều tra liên bang Mỹ, David Porter, cáo buộc Nga gây chia rẽ nước Mỹ.
Theo ông Porter, Nga đang cho tiến hành các hoạt động nhằm mục đích làm sai lệch thông tin, gây chia rẽ xã hội Mỹ, từ đó tạo ra nghi ngờ về kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và khả năng của nhà lãnh đạo Mỹ được bầu.
Ông Porter cho hay Nga thường tham gia vào cuộc chiến tranh trên không gian mạng với mục đích làm sai lệch sự thật, từ đó làm suy giảm niềm tin của người Mỹ vào các tổ chức dân chủ và làm lung lay các cấu trúc xã hội.
"Mục tiêu chính của Nga không phải là tạo ra một phiên bản khác của sự thật, mà là che mờ sự thật và làm suy giảm khả năng tìm ra sự thật. Hậu quà là không có nguồn thông tin nào có thể được xem là đáng tin cậy", ông Porter nhận định.
Cả an ninh và tình báo Mỹ nhận định Nga ca thiệp bầu cử Mỹ chỉ dựa trên niềm tin
Trợ lý Chỉ huy FTF đưa ra tuyên bố trong bối cảnh vấn đề Nga can thiệp bầu cử Mỹ cũng được đề cập tại cuộc họp giữa Hội đồng tình báo quốc gia Mỹ với Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ ngày 13/2 vừa qua.
Tại cuộc họp đó, giới chức Hội đồng tình báo quốc gia thông báo với Ủy ban Tình báo Hạ viện rằng, Nga được xác định là đang can thiệp vào mùa bầu cử năm 2020 ở Mỹ, nhằm giúp Tổng thống Trump tái đắc cử nhiệm kỳ 2.
Đáng ngạc nhiên hơn, đối thủ tiềm năng của ông Trump trong cuộc đua năm nay là Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bernie Sanders cho biết cũng nhận được tin từ quan chức tình báo với nội dung là Nga đang tìm cách ủng hộ ông, thay vì ông Trump.
Với những thông tin tréo ngoe như vậy, cho thấy vấn đề Nga can thiệp vào mùa bầu cử Mỹ năm 2020 xem ra còn phức tạp hơn rất nhiều so với mùa bầu cử năm 2016, vốn đã gây ra rất nhiều hệ luỵ cho đời sống chính trị Mỹ.
Theo Trợ lý Chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm về ảnh hưởng nước ngoài thuộc Cục điều tra liên bang Mỹ thì có thể "nói một cách đơn giản là Nga muốn chứng kiến chúng ta tự hủy hoại mình".
Trước sự nhiễu loạn thông tin như vậy, lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer, cùng các Thượng nghị sĩ Sherrod Brown và Robert Menendez đã kêu gọi trừng phạt "tất cả những ai có liên quan đến can thiệp bầu cử ở Mỹ".
Trong thư gửi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, các nghị sĩ của đảng Dân chủ liệt kê cả Tổng thống Nga Vladimir Putin vào danh sách các thể nhân và pháp nhân có thể bị trừng phạt.
Biến yếu nhân Mỹ thành tài sản Nga, chỉ có thể là Putin
Đến nay, việc Nga can thiệp vào mùa bầu cử năm 2016 với chiến thắng của tỷ phú Donald Trump vẫn chưa xác định được, nên việc Nga bị cho can thiệp vào mùa bầu cử năm 2020 vẫn chỉ dựa trên niềm tin sâu sắc của an ninh và tình báo Mỹ mà thôi.
Tuy nhiên, sự nhiễu loạn thông tin về "bóng ma Nga" trong mùa bầu cử Mỹ năm 2020, chắc chắn sẽ cộng hưởng với hệ luỵ từ mùa bầu cử năm 2016, từ đó tiếp tục gây chao đảo đời sống chính trị Mỹ.
Putin bị cho là nâng cả Trump và Sanders
Sư chao đảo trong đời sống chính trị Mỹ do "yếu tố Nga" gây ra là sự hoài nghi và chia rẽ, mà hậu quả là nhiều "yếu nhân" của nước Mỹ bị đặt trong vòng xoáy Nga và được xem là những tài sản của Nga trên đất Mỹ.
Hẳn dư luận còn nhớ. Ngày 14/8/2019, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, đã gọi lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell là "Moscow Mitch" - một biệt danh ám chỉ Thượng nghị sĩ Mitch McConnell "thân Nga", theo CNN.
"Moscow Mitch nói rằng ông ta là một Grim Reaper. Hãy tưởng tượng bạn tự mô tả mình là Grim Reaper trong khi lại muốn chôn vùi tất cả luật pháp của đất nước này", nữ Chủ tịch Hạ viện Mỹ chế giễu.
Nữ chính trị gia của đảng Dân chủ Mỹ lên tiếng là nhằm phản ứng với việc lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, hồi tháng 7/2019, đã tìm cách ngăn chặn Cố vấn đặc biệt Robert Mueller làm chứng trước Quốc hội Mỹ về can thiệp bầu cử của Nga.
Lý giải cho hành động của mình, Thượng nghị sĩ McConnell cho rằng: "Nay là năm 2019, chúng ta lại ngồi đây suy nghĩ về Putin và người Nga tìm cách kích động nỗi sợ hãi và chia rẽ ở đất nước chúng ta....Đó là một sự mù quáng".
Thượng nghị sĩ McConnell ngay lập tức bị xem là muốn bao che cho hành động phá hoại của Tổng thổng Putin và tính báo Nga nên đã bị đặt cho biệt danh là "Moscow Mitch" và bị xem là "tài sản của Nga" trên đất Mỹ, theo The Washington Post.
Như vậy, dường như bất cứ người Mỹ nào không muốn nước Mỹ mất thời gian vào những cáo buộc vô căn cứ đối với Nga, là bị gán ghép có tư tưởng "thân Nga", là "tay trong" của Putin và bị xem là tài sản của Nga trên đất Mỹ, bất kể họ là ai.
Tuy nhiên, thực tế còn hơn thế nữa. Đó là không chỉ "người Mỹ thân Nga" được xem là tay trong của Putin, mà "người Mỹ bài Nga" cũng bị xem là tâm phúc của Tổng thống Putin. Có thể xem xét đó là trường hợp Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham.
Ông Lindsey Graham là Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hoà, có quan điểm bài Nga cực đoan. Tháng 8/2018, ông và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Menendez đã công bố một dự luật nhằm đặt thêm các hình thức trừng phạt Nga nghiêm khắc hơn.
Nỗi khổ chính giới Mỹ khi bài Nga cũng vẫn bị xem là tay trong của Putin
Theo vị Thượng nghị sĩ nổi tiếng chống Nga này thì Washington sẽ "áp đặt các biện pháp trừng phạt và nhiều động thái khác chống lại Tổng thống Putin cho đến khi nào ông ta ngừng và không can thiệp vào quá trình bầu cử của Mỹ nữa".
Tuy nhiên, Dự luật Graham-Menendez đã không được thông qua, dù khi đó đảng Cộng hoà nắm giữ cả Thượng viện và Hạ viện. Nguyên nhân bế tắc là do có nhiều lo ngại các biện pháp chưa đưa Nga xuống địa ngục thì đã làm Mỹ hết hơi-kiệt sức.
Đã có hoài nghi rằng ông Graham cố gắng xây dựng các biện pháp trừng phạt không tưởng đối với Nga để Dự luật Graham-Menendez không được thông qua, từ đó làm ảnh hưởng tới việc thiết kế các biện pháp trừng phạt Nga tại Mỹ.
Mà ảnh hưởng rõ nhất là làm rối rắm, phức tạp thêm hệ thống biện pháp trừng phạt Nga đang được thiết kế, rồi từ đó gây ra sự mệt mỏi, chán nản đối với chính giới Mỹ trong việc thiết kế các biện pháp trừng phạt Nga.
Điều đó thể hiện rõ qua phát biểu Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà Marco Rubio với hãng Bloomberg, hồi tháng 4/2019, khi chính thức thừa nhận rằng các nhà lập pháp Mỹ thực sự "mệt mỏi" với đống dự luật về các biện pháp trừng phạt Nga.
Chưa biết thực hư ra sao, nhưng cho đến nay thì giới chính Mỹ chưa thể xây dựng một đạo luật trừng phạt mà có thể đưa Nga về với "địa ngục", như mong muốn của Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham.
Chính vì vậy Thượng nghị sĩ nổi tiếng "bài Nga" này dường như bị xem là người có quan điểm "thân Nga" và trở thành tài sản của Nga trên đất Mỹ. Sự xui sẻo đó hoàn toàn có thể ám vào Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của đảng Dân chủ.
Đề phòng hậu hoạ, ông Sanders đã phải tuyên bố dứt khoát rằng : "Nói thẳng ra tôi không quan tâm việc ông Putin muốn ai là tổng thống Mỹ. Thông điệp của tôi tới ông Putin rất rõ ràng : Hãy tránh xa các cuộc bầu cử Mỹ", theo The Washington Post.
Như vậy, Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ thì chưa thể xác định, song "yếu tố Nga" có tác động đến đời sống chính trị Mỹ là không thể phủ nhận. Vậy nó tác động theo cơ chế nào? Cho đến nay có thể khẳng định cơ chế đó chính là "hiệu ứng Putin".
Quái kiệt Putin làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống chính trị Mỹ
Từ sự nghiêng ngả trên chính trường Mỹ bởi "yếu tố Nga" thời gian qua đã cho thấy "hiệu ứng Putin" tác động quá mạnh mẽ tới đời sống chính trị tại xứ cờ hoa, từ đó đã đưa nhiều "yếu nhân" của nước Mỹ vào vòng xoáy Nga.
Đây là hiện tượng "độc nhất vô nhị" trong lịch sử nước Mỹ. Chính trường Mỹ càng mâu thuẫn vì "yếu tố Nga" thì số lượng các "yếu nhân" của nước Mỹ bị rơi vào vòng xoáy Nga càng nhiều - giá trị tài sản Nga trên đất Mỹ càng tăng lên.
Đúng là biến yếu nhân Mỹ thành tài sản Nga trên đất Mỹ, chỉ có thể là Putin!
Ngọc Việt
Theo Datviet
Ông Trump ám chỉ sẵn sàng bầu cho một ứng cử viên Tổng thống đồng tính Bình luận của ông Trump được đưa ra khi ứng cử viên Tổng thống, cựu thị trưởng thành phố Indiana Pete Buttigieg, một người đồng tính công khai, vươn lên vị trí thứ 2 trong cuộc đua giành đề cử của đảng Dân chủ, đứng sau nghị sĩ Bernie Sanders. Hôm 13/2, trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Fox News, Tổng thống...