Dứt bỏ mọi thứ để đến với Việt Nam
Trên cánh tay Paul là một hình xăm dải đất hình chữ S chạy dài khoảng 10 cm và dòng chữ “Tôi yêu Việt Nam”, nó nhắc nhở ông mỗi ngày làm một điều tốt tại đất nước này.
Ngoài thời gian dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em, ông Paul Blizard còn đạp xe 40-50 km để cảm nhận sự thay đổi của Sài Gòn mỗi ngày. Ông cố gắng để giao tiếp với mọi người bằng tiếng Việt. Gặp một em bé co ro ngoài chợ, ông mua cho em cái bánh kẹp ăn để lót dạ… Vợ ông – bà Pat dù di chuyển khó nhọc do di chứng tai biến 15 năm trước vẫn đồng hành cùng chồng đến dạy tiếng Anh cho những trẻ em mồ côi ở mái ấm và căn nhà của những bà mẹ đơn thân. Đó là những đặc điểm để phân biệt họ giữa hàng ngàn người ngoại quốc đang sinh sống ở Việt Nam.
Ông Paul và vợ đang dạy tiếng Anh cho thành viên mái ấm Green Hope. Ảnh: H.LAN
Mái ấm của bà mẹ đơn thân Green Hope (phường Phú Mỹ, quận 7) tối thứ Bảy tuần rồi rộn rã tiếng cười khi vợ chồng ông Paul xuất hiện. Trước khi vào buổi học tiếng Anh, ông đã đặt sẵn pizza để lót bụng cho các thành viên trong nhà. Mặc dù không giỏi tiếng Anh nhưng nhờ sự giao tiếp thường xuyên, các thành viên đã dần mạnh dạn trao đổi với vợ chồng ông một cách tự nhiên. Có những từ học trò phát âm chưa chuẩn, ông kiên trì lặp đi lặp lại và dùng những bộ phận trên cơ thể mình để minh họa cho bài học một cách hài hước, dễ nhớ. Cuối buổi học, Vi mời vợ chồng ông tuần sau đến ăn bánh xèo ở nhà tự làm và dự đầy tháng con của Trang (những người trong mái ấm những bà mẹ đơn thân)…
Nghe bạn bè giới thiệu về mái ấm ga Sài Gòn, vợ chồng ông đã tìm đến dạy tiếng Anh cho các em. Cuối tuần, bọn trẻ háo hức mong chờ Paul cùng vợ dẫn các em đến hồ bơi, đi ăn, đi nha sĩ, cắt kiếng cận…
Trên cánh tay Paul là một hình xăm dải đất hình chữ S chạy dài khoảng 10 cm và dòng chữ “Tôi yêu Việt Nam”. Hỏi ông yêu Việt Nam thì chỉ cần chứng minh bằng việc làm cụ thể là đủ, cần gì phải chịu đau đớn khi khắc lên tay mình như vậy. Ông bảo đó là lời nhắc nhở ông mỗi ngày làm một điều tốt tại đất nước này. Dự định này ông đã ấp ủ từ rất lâu nhưng mãi đến hai năm trước đây, ông mới dứt bỏ mọi thứ ở quê nhà để đặt chân đến Việt Nam.
Ông kể đã rất đắn đo và e ngại vì những nỗi đau mà đất nước ông đã gây ra trong chiến tranh rằng khi gặp ông, người Việt Nam sẽ nổi giận. Điều lo ngại của ông đã trở thành sự thật khi một người đàn ông Hà Nội đã bĩu môi và không đoái hoài đến bàn tay chìa ra đầy thiện chí của ông khi thốt lên: “America à, no no”. Nhưng nỗi buồn này đã tan biến khi ông được tiếp xúc và kết bạn với nhiều con người tuyệt vời khác. “Khi tôi nói tôi không thể nói tiếng Việt, họ luôn cố gắng giao tiếp với tôi. Tôi thấy họ rất đáng yêu và chu đáo. Khi biết nỗi e ngại của tôi khi là công dân Mỹ, họ luôn nói: “Mọi chuyện đã qua rồi, chúng ta bây giờ là bạn”. Tôi nghĩ đây là điều tuyệt vời nhất”.
Điều tuyệt vời đó như một liều thuốc tinh thần bổ ích cho vợ chồng ông. Bằng chứng là Pat (vợ ông) không còn thấy đau vì di chứng tai biến và luôn cảm thấy vui vẻ khi cùng chồng từng ngày đem niềm vui đến cho những mảnh đời thiếu thốn ở Việt Nam.
Theo Hoàng Lan
Pháp luật TP HCM
"Đột nhập" lớp học tiếng Anh miễn phí của cựu binh Mỹ
Cựu binh Mỹ Paul George Harding trở lại Việt Nam sinh sống với mong muốn làm điều gì đó có ích cho người dân nơi đây. Và lớp tiếng Anh miễn phí của ông ra đời trên tâm nguyện đó, với 8 buổi lên lớp mỗi tuần.
Video đang HOT
Paul George Harding và các học viên tại một lớp học tiếng Anh miễn phí ở Hà Nội. Paul, sinh năm 1947, từng tham chiến tại chiến trường Bình Định - Lâm Đồng từ 1969 đến 1970. Paul nói sau khi trở về Mỹ, ông mới thấu hiểu các vấn đề kinh tế và chính trị dính líu tới cuộc chiến. Ông đã nổi giận không chỉ với chính phủ mà còn với chính bản thân ông. Sau đó, Paul tham gia vào các hoạt động phản chiến cho tới năm 1975 khi chiến tranh kết thúc.
Paul nói ông chưa từng quên những ký ức thời chiến dù nhiều năm trôi qua, vì vậy ông đã trở lại Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 12/2014 với mong muốn làm điều gì đó có ích để chuộc lỗi trong quá khứ.
Với mong muốn đó, Paul đã mở lớp học tiếng Anh miễn phí tại Hà Nội cho bất kỳ ai muốn học. Với sự trợ giúp của Ủy ban nhân dân phường Trung Hòa, lớp học của Paul giờ đây diễn ra đều đặn tại phòng họp của tổ dân phố số 9 phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Hiện tại, Paul lên lớp đều đặn 8 buổi mỗi tuần, trong đó một buổi dành riêng cho trẻ em vào sáng Chủ nhật. Tất cả các buổi học đều miễn phí.
Các lớp học của thầy Paul thu hút nhiều đối tượng tham gia như sinh viên, học sinh, người đi làm và cả các cán bộ hưu trí. Bất kỳ ai có mong muốn học tiếng Anh đều có thể đăng ký tham gia lớp học.
Paul chú trọng tới phần phát âm tiếng Anh cho các học viên. Ở mỗi buổi học, Paul mang mic tới vị trí ngồi của từng học viên, nghe họ đọc và chỉnh sửa phát âm cho họ.
Các học viên được phát tài liệu học tập cho mỗi buổi học. Thầy Paul luôn khuyến khích các học viên bạo dạn trong giao tiếp, chịu khó đọc to và tích cực hoạt động theo nhóm.
Hiện có khoảng 400 học viên đang tham gia các lớp học của Paul và con số này đang không ngừng tăng lên. Một số buổi học đã quá đông nên các học viên mới được hẹn chờ sang lớp mới.
Cựu binh Mỹ cho hay ông nhận được sự hỗ trợ tích cực từ cộng đồng và các tình nguyện viên trong việc giảng dạy tiếng Anh. "Chúng tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ quý giá từ cộng đồng. Chính quyền địa phương cũng giúp đỡ tích cực như cho phép sử dụng địa điểm miễn phí. Chúng tôi còn có các sinh viên với kỹ năng tiếng Anh tốt hoạt động với vai trò là tình nguyện viên. Tất cả những thành công mà chúng tôi đạt được cho tới hôm nay đều có dấu ấn của các tình nguyện viên và giúp đỡ của cộng đồng", Paul tâm sự.
Nguyễn Thị Huyền, một cựu sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đang hướng dẫn cho các học viên trong lớp. Huyền là một trong những tình nguyện viên hỗ trợ thầy Paul tại các lớp học tiếng Anh.
Mỗi lớp học của thầy Paul đều có từ 2-3 tình nguyện viên. Họ đảm nhiệm các công việc như sắp xếp lớp học, chuẩn bị tài liệu và phiên dịch khi cần.
Các từ tiếng Anh được thầy Paul ghi lên bảng để giúp các học viên phát âm cho đúng.
Thầy Paul lắng nghe và uốn nắn phát âm cho một nữ học viên trung niên.
Paul nói ông rất muốn mở rộng việc dạy tiếng Anh miễn phí ra các quận của Hà Nội và ông rất lạc quan về dự định này.
Tình nguyện viên và thầy Paul cung cấp địa chỉ liên lạc của lớp học tiếng Anh miễn phí để các học viên tiện trao đổi.
Paul trò chuyện vui vẻ với các tình nguyện viên và học viên trong giờ giải lao.
Paul tâm sự rằng khi trở lại Việt Nam, ông rất ấn tượng với 2 điều. Thứ nhất, ông nhận thấy người Việt Nam đã nguôi ngoai về những mất mát trong chiến tranh, có cái nhìn bao dung đối với các cựu chiến binh Mỹ như ông. Thứ hai, ông rất ấn tượng với sự năng động, sức sống của Hà Nội và sự lạc quan của dân nơi đây. Paul hi vọng sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt - Mỹ.
An Bình
Theo Dantri
Kinh hãi cảnh em bé kẹt đầu vào chấn song tòn teng trên không Đoạn video ghi lại cảnh một công nhân nam người ngoại quốc giải cứu một em bé tại Singapore hôm thứ Năm vừa qua đã được đăng tải trên một trang web tại địa phương có tên Alvinology. Anh công nhân người ngoại quốc đang giải cứu em bé bị mắc kẹt. (Nguồn: Internet) Trong đoạn video này, một em bé mới chập...