Dương Yến Ngọc: ‘Đời tôi chỉ nể Hà Hồ – Ngọc Thúy’
Hôn nhân đổ vỡ, công việc kinh doanh liên tiếp thất bại, từng bị trầm cảm, thậm chí nghĩ tới cái chết, nhưng trong lúc khủng hoảng nhất, người đẹp đã tự tìm cách vượt qua để trở lại mạnh mẽ và lạc quan hơn.
Thất bại do tôi cố chấp và bảo thủ
-Ở độ tuổi 35 và từng trải, chị nghĩ thất bại lớn nhất trong cuộc sống mình là gì?
- Đó chính là sự cố chấp. Có những thất bại do mình tự tin có thể giải quyết được nó, nhưng cũng có cái nằm vượt ngoài tầm kiểm soát. Thay vì nhờ người thân hay bạn bè trợ giúp, tôi âm thầm chịu đựng một mình và tự giải quyết. Điều đó khiến thất bại nặng nề hơn. Đến lúc mọi người biết và muốn giúp đỡ đã muộn.
Ai cũng có lúc thất bại hay thành công nhưng nếu biết chia sẻ sẽ hạn chế rất nhiều rủi ro. Khi đã rút ra được bài học, tôi mới quyết định thay đổi con người, suy nghĩ của bản thân. Tôi biết tha thứ, biết chia sẻ hơn và quan trọng nhất vẫn là biết chấp nhận thất bại.
Dương Yến Ngọc từng bị trầm cảm.
- Có khi nào sự cố chấp dẫn đến thất bại chính vì áp lực là người nổi tiếng không?
- Lúc đang đứng trên đỉnh vinh quang của nghề người mẫu, tôi không cho phép mình thất bại. Tôi luôn nghĩ mình đủ tự tin để vượt qua mọi thứ nhưng đó là sự ngu ngốc. Đỉnh vinh quang nào cũng chỉ là ảo, nó sẽ giết chết suy nghĩ của người nghệ sĩ. Sau những sai lầm xảy ra, tôi tập suy nghĩ, tôi chỉ là một người bình thường. Cho dù thành công thế nào, đó cũng là kết quả của sự cố gắng của mình trong cuộc sống, không có nghĩa đứng trên đỉnh rồi nghĩ mình là người giỏi nhất. Đặt cái tôi của mình lớn quá là không được. Cuộc đời tôi có nhiều thất bại, lớn có, nhỏ cũng có… nhưng tập trung lại nó nằm ở chính suy nghĩ của mình. Tôi cho mình là số 1. Tôi không cho phép bất kỳ ai vượt lên mình.
- Người ta hay nói: “Tài năng có hạn mà thủ đoạn vô biên”. Điều này có đúng trong trường hợp của chị những ngày tháng đó không?
- Không. Tôi không phải dạng người lắm thủ đoạn. Khi ở vị trí hàng đầu, tôi không phải đẹp nhất, cũng không giỏi nhất mà đơn giản vì tôi là người may mắn nhất kèm một chút tài năng mà thôi. Khi thấy người ta giỏi hơn mình, tôi đâm ra đố kỵ, ganh ghét, khó chịu. Sự khó chịu không đồng nghĩa với việc tìm cách hại người mà là cố gắng chứng tỏ mình giỏi hơn họ. Sức mình có hạn, mình đâu tài năng hơn người ta nên khi không vượt được họ, nó ảnh hưởng đến tinh thần, cuộc sống và sự bình yên của chính mình.
Giờ tôi đã biết xử lý cảm xúc bản thân, khiến mọi thứ nhẹ nhàng hơn, biết với người này phải làm thế nào, việc kia phải giải quyết ra sao cho êm đẹp. Bản thân không ấm ức trong lòng, mọi thứ sẽ tan đi rất nhanh. Nếu cùng sự việc đó xảy ra cách đây 10 năm, tôi sẽ phá bỏ tất cả, sẽ bất chấp, bất cần.
Trước đây tôi tuyệt đối không tham gia mạng xã hội, nhưng một năm nay, tôi chơi mạng xã hội để chia sẻ với mọi người. Đối với tôi, người ta hiểu hay không không quan trọng. Khi chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của tôi chín chắn hơn rất nhiều.
- Khi đang trên đỉnh cao, chị xác định ai là đối thủ của mình?
- Tôi chỉ nể phục hai người là Hồ Ngọc Hà và Ngọc Thúy. Tôi cảm thấy đó là đối thủ kinh khủng của mình nếu tôi không cố gắng. Nếu so sánh tài năng, rõ ràng tôi thua. Thế nhưng lúc đó tôi luôn sống trong ảo tưởng họ giỏi như thế, mình cũng phải được như họ.
Lúc Hồ Ngọc Hà bắt đầu đi hát, cô ấy biết đàn pPiano và tôi nghĩ mình cũng có thể đi hát, chơi đàn. Lúc Ngô Thanh Vân tỏa sáng với việc nhảy múa, tôi cũng nghĩ mình có thể nhảy được. Tuổi trẻ bồng bột và háo thắng. Đó là suy nghĩ rất ích kỷ và sai lầm.
- Khi không thể làm những điều người khác làm được, chị phản ứng như thế nào?
- Tôi chưa bao giờ tỏ rõ thái độ của mình trước mọi người chỉ suy nghĩ ngầm trong người, để bản thân có động lực phấn đấu, cố gắng. Người ta làm được không có nghĩa mình cũng làm được.
Video đang HOT
Hồ Ngọc Hà và Ngọc Thúy.
Bước chân vào kinh doanh, ai cũng phải nợ
- Tính cố chấp có phải là nguyên nhân khiến chị liên tiếp thất bại trong công việc làm ăn sau này?
- Con người từ giờ tới lúc chết không thể nói mình không thất bại. Với tôi, sự thất bại đã có cách nhìn nhận khác, nhẹ nhàng hơn.
Như lúc tôi mở quán ăn, thiếu nhiều tiền vì kinh tế đang khó khăn. Dự định tốn khoảng 200 triệu đồng, nhưng trong quá trình sửa chữa, tôi muốn mọi thứ phải tốt nhất nên chi phí đội lên. Tiền không có nhiều nên tôi vừa làm vừa xoay xở. Có lúc tôi tưởng mình gục ngã, bệnh tới nơi, dự án này rất khó ra đúng ngày mình mong muốn.
Tôi từng trải nên nghĩ rằng nếu tôi thực sự có duyên với nó, sẽ có người giúp mình vượt qua hoặc có cách khác. Chẳng hạn thay vì phải có nửa tỷ mới làm được quán đó, có chừng nào tôi làm chừng đó, không cố nữa, không gây cho mình áp lực. Nếu trước đây xoay sở không được, tôi sẽ tự dằn vặt, bỏ cuộc hoặc tìm cách khác bi kịch hơn để làm cho bằng được.
- Bi kịch của chị khi không đạt được mục đích là gì?
- Năm 25 tuổi, tôi mở cùng lúc 3 cửa hàng thời trang, tự thiết kế và sản xuất. Lúc đó lần đầu tiên ra đời kinh doanh nên tôi gặp nhiều thất bại. Tôi cố chấp giữ chuỗi cửa hàng đó trong 3 năm trời dù nhiều người khuyên chỉ nên tập trung một cái thôi, giảm chi phí lại để có lợi nhuận. Tôi kiếm thêm tiền để làm PR cho cửa hàng nhằm tăng lợi nhuận vì lúc đó thu chỉ bù chi.
Tôi đi tìm dân làm ăn để kêu gọi đầu tư nhưng lúc đó còn trẻ, phương án kinh doanh hời hợt, giá trị về mặt lợi nhuận ảo. Tôi nghĩ thuê mặt bằng 7 triệu đồng, mỗi tháng doanh thu 50 triệu là có lời mà không tính đến phương án rủi ro. Nếu một tháng không bán được 50 triệu đồng, tiền bù lỗ sẽ lấy đâu ra, tôi không giải trình được. Không thể thuyết phục họ, tôi đành phải đi vay trả tiền lời.
Lúc đó tôi tự tin nghĩ mình đủ sức vượt qua, nhưng đành phải đóng cửa hàng, kèm theo một số nợ khiến tôi khủng hoảng ghê gớm. Sau này kinh doanh lĩnh vực báo chí cũng vậy, khó khăn khiến tôi phải giải thể công ty và tất nhiên là ôm theo nợ. Giờ tôi không áp lực như năm 25 tuổi, mắc nợ người ta là phải đi tìm tiền để trả liền, nếu không sẽ cảm thấy nhục nhã, xấu hổ. Hai giai đoạn khác nhau, mình có cách xoay đổi tình thế khác nhau, không khiến mọi thứ trở nên bi kịch.
- Gần đây nhiều nghệ sĩ, người đẹp không thành công trong kinh doanh, thậm chí còn bị tố lừa đảo, chiếm dụng tài sản, chị có lo lắng khi trở thành con nợ không?
- Bước chân vào kinh doanh, người nào cũng phải nợ hết, nợ ngân hàng, đối tác, nợ bạn bè, người thân… Có người nợ do lừa đảo, nhưng cũng có người nợ một cách công khai và có sự đảm bảo về pháp luật. Còn những khoản nợ của tôi không dính gì tới pháp luật. Tôi không lấy một miếng đất bán cho 3-4 người nên chẳng có gì phải sợ hãi hay lo lắng.
“Mắc nợ người ta là phải đi tìm tiền để trả liền, nếu không sẽ cảm thấy nhục nhã, xấu hổ”.
Đàn ông tơ chẳng hiểu nổi tôi đâu
- Còn hôn nhân đổ vỡ có phải do chị quá tự tin vào bản thân không?
- Hôn nhân thất bại do tôi không tìm hiểu kỹ ở giai đoạn đầu. Tôi nghĩ tình yêu có thể vượt qua tất cả, có thể sửa đổi, phấn đấu vì tình yêu đó. Thực sự trong cuộc sống gia đình, có những điều vượt ngoài tầm kiểm soát, mình không thể xử lý được. Khi sống chung mái nhà có hai người và đằng sau có “cả đống người” liên quan nữa như ông bà, cha mẹ, anh chị em, chú bác, họ hàng… mọi thứ rắc rối và phức tạp lắm. Tôi rất ngưỡng mộ gia đình nào cha mẹ, gia đình họ hàng hai bên thương yêu nhau. Còn nhà nào lục đục, tôi cho rằng đó là chuyện bình thường.
Tôi sống quá nhanh và lựa chọn bằng cảm xúc, tôi cố chấp. Người đàn ông bên cạnh chỉ sai lầm nhỏ thôi là tôi không tha thứ. Tôi cứ dằn vặt, hành hạ tinh thần khiến người ta khó thở. Khi thấy họ không “xi-nhê” gì, tôi quay lại tự dằn vặt chính bản thân mình. Điều đó khiến cuộc sống hôn nhân ngột ngạt, khó thở. Cố chấp là tính xấu, xấu lắm mà chính bản thân tôi cũng không chấp nhận được.
- Điều gì khiến chị cố gắng thay đổi bản thân trong khi cái tôi nghệ sĩ lớn lắm?
- Động lực từ chính sự thất bại trong hôn nhân. Tôi rất thương con. Khi không giữ được mái ấm đầy đủ cha mẹ cho con gái, tôi đau khổ lắm. Tôi đã có một năm tìm sự bình yên và tĩnh lặng cho tâm hồn. Sau đó tôi tự tin bước ra ngoài ánh sáng để hít thở nguồn không khí mới, bắt đầu cuộc sống với tính cách mới. Tính cách đó vẫn còn đó nửa bản chất của mình, đó là sự cố chấp và bảo thủ 50%.
- Dù thất bại trong hôn nhân hay công việc, nhưng ít nhất chị vẫn là người đẹp nổi tiếng trong lòng công chúng. Tại sao chị lại cô đơn lâu đến vậy?
- Tôi chưa bao giờ cô đơn, chẳng qua là không công khai. Những lúc buồn, gặp khó khăn hay gục ngã, tôi luôn có con bên cạnh. Còn tình cảm yêu đương trai gái tất cả đều do nhân duyên. Tôi không chủ đích tìm kiếm, bởi tình yêu sẽ tự tìm đến với mình. Tôi tin nếu mình biết chờ đợi sẽ gặp người đàn ông tốt, yêu thương và che chở.
- Hiện tại chị đã tìm thấy người đàn ông đó chưa?
- Tôi đã gặp và tin mình sẽ gắn bó với người đàn ông đó suốt đời. Tôi nghĩ như vậy để mình biết cách giữ gìn, không phải quá tự tin. Khi cái gì là nhân duyên trời cho thì giữ được hay không là do mình.
- Chị có áp lực sợ đổ vỡ không?
- Không. Đổ vỡ đã đổ vỡ rồi và tôi biết cách xử lý nó. Quan trọng là ban đầu làm sao để nó không đổ vỡ. Giữ gìn mới khó, làm nó tan tành dễ lắm.
- Nhiều phụ nữ bây giờ thích xu hướng quan hệ mở, không ràng buộc hôn nhân hay kinh tế và có cuộc sống độc lập của mình, chị có thích như vậy?
- Tôi thích kiếm một người đàn ông tử tế nhưng đàn ông tử tế ít giàu lắm. Dĩ nhiên họ phải đủ nuôi sống họ, đủ lo cho tương lai của con tôi, không được nghèo quá. Bản thân tôi vẫn tự lo cho mình được. Tôi thích một cuộc sống tự lập, chồng lo cho chồng, vợ lo cho vợ nhưng khi vợ cần hay chồng cần thì vẫn hỗ trợ cho nhau.
Tôi là một người rất hồn nhiên nên muốn người đàn ông bên cạnh cũng phải hồn nhiên không thua gì mình hết. Còn đàn ông giàu có, sự tử tế của họ đã giảm 80%. Khi bước chân vào thương trường, kiếm được nhiều tiền, họ rất sành sỏi, nhiều kinh nghiệm và hay áp đặt, tôi thấy khó chịu vì họ không còn vô tư.
Ví dụ hôm nay, tôi có thể dậy lúc 7 giờ, ngày mai lúc 9 giờ, ngày kia lại dậy lúc 12 giờ. Nếu gặp người đàn ông khó chịu, khó tính, gia trưởng sẽ hỏi tôi tại sao nay dậy giờ này, mai dậy giờ khác, tại sao tôi làm biếng như vậy… Khi họ không chấp nhận được ưu, khuyết điểm của mình thì việc sống chung là một cực hình.
Dương Yến Ngọc không muốn dính dáng đến trai tơ.
- Người đàn ông hiện tại sẽ đáp ứng đầy đủ những tiêu chí của chị, không giàu có nhưng thừa sự hồn nhiên?
- Đương nhiên người đó yêu thương tôi và hồn nhiên như tôi. Bất cứ ai đến với tôi đều tìm hiểu quá khứ của tôi. Chỉ có người đàn ông thông minh, bản lĩnh, hiểu đời mới biết được những ồn ào xung quanh tôi là vớ vẩn, không nói lên bản chất của một con người. Khi đã tiếp xúc với tôi, hiểu tôi, anh sẽ biết cái gì là đúng, sai.
Nhiều người chứng kiến việc của tôi, nói rằng mọi thứ đã xảy ra như vậy, tôi phải tìm cách giải quyết ngay nhưng tôi cứ mặc kệ. Tôi cho rằng chuyện gì tới sẽ tới và cứ để nó qua tự nhiên.
- Hai người quen nhau bao lâu đủ để hiểu nhau và tìm ra được tiếng nói chung?
- Chúng tôi là bạn, đi chơi với nhau rất nhiều lần cùng những bạn bè khác. Sau một thời gian, anh ấy hiểu tôi hơn nên mới dám tiếp cận. Bình thường, đàn ông khi gặp tôi đều sợ hãi. Tôi cũng không biết tại sao nữa, tôi có làm gì họ đâu (cười).
Thật sự tôi không nghĩ nhiều về hôn nhân. Nhiều phụ nữ suy nghĩ rằng đến độ tuổi đó họ phải lấy chồng, sinh con. Sau khi ly dị lo lắng không biết lấy được chồng nữa hay không. Điều gì xảy ra khi họ sống một mình. Tôi thấy điều đó rất vớ vẩn. Vợ chồng là nhân duyên, mình phải biết chấp nhận và vượt qua nó khi đổ vỡ.
- Anh ấy từng lập gia đình chưa?
- Tôi không quen với những người đàn ông chưa bao giờ lập gia đình. Ít ra từng đổ vỡ rồi người ta mới hiểu và trân trọng cái họ đang có. Đàn ông còn trẻ, còn tơ là tôi không muốn dính dáng. Hiếm người có thể hiểu một người phụ nữ 35 tuổi vẫn còn hồn nhiên. Nếu người ta chưa trải nghiệm sẽ không hiểu đó là tính cách thực sự của tôi mà nghĩ nó giả tạo, già rồi mà còn bày đặt hồn nhiên.
Tôi thật sự hồn nhiên, vô tư và không để tâm việc gì. Vì vậy, ai trong hoàn cảnh của tôi, gặp rất nhiều khủng hoảng dồn dập như vậy sẽ trầm cảm hoặc đi tu. Tôi vượt qua được là do tính cách đó của mình. Tôi luôn nghĩ trời ngày mai sẽ sáng chứ không… tối thui.
- Người ấy đối xử với con chị thế nào?
- Ai gặp con gái tôi đều yêu thương vì cháu rất ngoan, anh ấy không phải là ngoại lệ.
Dương Yến Ngọc và con gái.
- Trong cuộc phỏng vấn trước đây, chị chia sẻ đã khủng hoảng tới mức muốn tự tử sau khi ly dị?
- Bây giờ có bất cứ sóng gió nào, tôi đều vượt qua được. Thời điểm đó tôi gặp rất nhiều bi kịch là do bị trầm cảm. Tôi muốn chia tay, nhưng chồng lại không cho tôi nuôi con. Tôi suy nghĩ vấn đề trầm trọng lắm, không được nuôi con, con sẽ không thuộc về tôi, tôi sẽ mất con, rồi làm sao chồng tôi có thể nuôi con. Tôi nghĩ ly dị chồng lại không có con nữa sống làm gì, chết đi cho rồi.
- Cuối cùng chị vẫn nhường quyền nuôi con?
- Nói nhường là không đúng. Chồng tôi là người chịu trách nhiệm với con, có đủ điều kiện để lo cho con gái. Bản thân tôi sau khi chia tay phải sắp xếp lại cuộc đời, lúc đó mới đón con về được. Bé ở với ai không quan trọng bằng việc cả hai người đều yêu thương, chăm sóc nó. Con tôi lúc nào muốn gặp mẹ sẽ được gặp, muốn được ở bên cha là gặp cha. Nó rất hồn nhiên, vui vẻ, chỉ thắc mắc một điều tại sao cha mẹ không ở chung nhà. Lâu lâu con gái hỏi: “Tại sao ba giận mẹ hoài vậy?”, “Tại sao hôm nay mẹ không về nhà ba chơi?”. Những câu hỏi rất hồn nhiên nhưng làm người lớn đau lòng.
- Chồng cũ của chị đã có người mới chưa?
- Tôi chỉ nói với chồng cũ, nếu lấy vợ anh phải để con sống với mẹ. Chồng tôi có người yêu chưa, cuộc sống thế nào, tôi không quan tâm. Con tôi chỉ có một cha, một mẹ. Nếu sau này tôi có gia đình, con gái cũng phải về ở với mẹ, điều đó là đương nhiên.
- Chị có bao giờ dằn vặt vì không ở cạnh con gái nhiều?
- Không. Con tôi vẫn phát triển tốt, khỏe mạnh, vui vẻ bình thường. Tâm lý của bé không bị u uất hay có thái độ làm tổn thương người khác. Tôi không gặp con nhưng vẫn gọi điện hàng ngày. Cuối tuần tôi đón con về chơi, còn ngày thường mỗi khi đi học về là bé có nhiệm vụ gọi điện cho mẹ: “Mẹ đang ở đâu đó, mẹ đang làm gì vậy? Hôm nay con đi chơi, con biết bơi rồi nè. Hôm nay con được cô giáo khen, cho điểm 10″. Bé luôn nói mọi chuyện với mẹ.
Theo Mốt & Cuộc sống