Đường xuống cấp, rác ngập phố Nguyễn Cảnh Dị
Dù chỉ dài khoảng 500m, song từ nhiều năm nay, phố Nguyễn Cảnh Dị, đoạn từ cầu Định Công đến chung cư CT36B đã được người dân trong khu vực đặt cho cái tên “con đường đau khổ” hay “con đường bị lãng quên”…
Phố Nguyễn Cảnh Dị có vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông, giảm thiểu ùn tắc giữa phố Nguyễn Hữu Thọ, cầu Định Công, Khu đô thị Định Công, Lê Trọng Tấn qua đường Trường Chinh để vào nội đô và ngược lại… Thế nhưng, trái với tầm quan trọng của nó, tuyến đường này dường như đã bị… lãng quên. Tại đây, mặt đường bong chóc xuất hiện chằng chịt ổ voi, ổ gà…
Phố Nguyễn Cảnh Dị xuống cấp, chìm trong rác thải.
Chưa hết, từ nhiều năm nay, đoạn đường này đã trở thành địa điểm lý tưởng của nạn đổ trộm rác, phế thải xây dựng. Theo ghi nhận của phóng viên, trên dọc tuyến đường, đặc biệt là đoạn sát với bờ sông Lừ, rác thải chất thành từng đống lớn, kéo dài hàng chục, hàng trăm mét tích tụ lâu ngày, bốc mùi khó chịu. “Mặt đường xuống cấp nên các chủ phương tiện xe máy khi di chuyển qua đây phải dạt hết sang mép đường. Thế nhưng, khu vực này cũng là nơi rác thải tập kết vô tội vạ khiến việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn” – chị Trần Phương Anh, phố Định Công cho biết.
Đồng quan điểm trên, anh Nguyễn Văn Tính, nhân viên một cửa hàng kinh doanh trên phố Nguyễn Cảnh Dị chia sẻ, ngày mưa, lớp bùn trên đường nhão nhoẹt lầy lội, trơn trượt khiến bất kỳ ai lưu thông qua cũng cảm thấy mệt mỏi khi phải căng mình để né những chướng ngại vật trên đường. “Sau những trận mưa, đặc biệt là vào ban đêm, tình trạng người điều khiển xe máy đi vào ổ voi, ổ trâu rồi ngã trên đường diễn ra như cơm bữa” – anh Nguyễn Văn Tính thông tin.
Video đang HOT
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Xí nghiệp Môi trường đô thị Hoàng Mai, Công ty CP Dịch vụ môi trường Thăng Long Vũ Minh Cường – đơn vị phụ trách địa bàn cho biết, đơn vị đã thường xuyên phối hợp với UBND phường Định Công tổ chức dọn dẹp lượng phế thải phát sinh. Tuy nhiên, do đây là tuyến đường nội bộ của các dự án trong khu vực, chủ đầu tư chưa triển khai xây dựng đường giao thông nội bộ nên việc quản lý, ngăn chặn tình trạng đổ trộm phế thải gặp không ít khó khăn.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo UBND phường Định Công, quận Hoàng Mai cho biết, trước tình trạng trên, phường đã gửi nhiều văn bản kiến nghị lên cấp trên cũng như Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội cùng những chủ đầu tư sớm tiến hành thi công đồng bộ các dự án (trong đó có tuyến đường Nguyễn Cảnh Dị). Và đến thời điểm này, UBND quận Hoàng Mai cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương vào cuộc khắc phục những tồn tại trên.
Đây là tuyến đường có vai trò giảm tải giao thông cho các khu vực lân cận nên để đảm bảo ATGT, mỹ quan đô thị, đề nghị các đơn vị chức năng khẩn trương vào cuộc khắc phục những bất cập nêu trên.
Nhiều hệ lụy từ việc đốt rác thải bừa bãi tái diễn
Đã có nhiều cảnh báo về việc đốt rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, tuy nhiên, tình trạng đốt rác thải bừa bãi vẫn diễn ra.
Nhiều năm qua, bãi rác đầu xã Ninh Sở (huyện Thường Tín) luôn quá tải, tình trạng đốt rác diễn ra thường xuyên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ảnh: Hà Ánh
Tái diễn ra ở nhiều nơi
Theo phản ánh của người dân địa phương và ghi nhận thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị, thời gian gần đây, tình trạng đốt rác thải bừa bãi không chỉ diễn ra ở ngoại thành Hà Nội mà ở cả các quận nội đô.
Tại huyện Thường Tín, đầu xã Ninh Sở là bãi tập kết rác thải nhiều năm qua vẫn luôn trong tình trạng quá tải mà không được xử lý dứt điểm. Đặc biệt, rác thải được đốt thường xuyên không kể ngày đêm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Thùy, người dân thôn Bằng Sở, xã Ninh Sở chia sẻ: "Hàng ngày đi qua đây, chúng tôi phải hứng chịu mùi hôi nồng nặc từ việc đốt rác, mùi khét bốc lên rất khó thở". Cũng trên địa bàn huyện Thường Tín, mặc dù đã nhận được nhiều phản ánh cũng như đưa ra các giải pháp ngăn chặn nhưng các làng nghề dọc hai bờ sông Nhuệ tại địa phận xã Hiền Giang và Hòa Bình vẫn lén lút đổ và đốt rác thành từng đống lớn, nhỏ.
Khu vực ngoại thành đã vậy, ngay trong nội thành Hà Nội việc đốt rác từ sự thiếu ý thức của người dân cũng khá phổ biến. Tại sông Kim Ngưu, đoạn chảy qua địa phận phường Mai Động (quận Hoàng Mai), cách một đoạn, rác thải lại được người dân đốt ngay ven sông. Khu vực cầu Định Công, đường Trịnh Đình Cửu, đường Nguyễn Cảnh Dị (quận Hoàng Mai), theo phản ánh của người dân, buổi tối, từ 10 giờ trở đi, các xe nhỏ chở vật liệu đổ trộm ra sườn đường. Rất nhiều người thường đổ trộm rác thải và đốt, khói và mùi khét từ túi nilon rất khó chịu. Tình trạng này đã kéo dài lâu rồi nhưng vẫn chưa bị xử lý triệt để.
Theo đại diện UBND phường Định Công, quận Hoàng Mai, các đơn vị chức năng đã tăng cường kiểm tra, mật phục nhưng các đối tượng thường đổ trộm và đốt rác vào ban đêm nên khó khăn trong xử lý. Nhận định về nguyên nhân gây ra việc đốt rác còn tồn tại trên địa bàn TP, theo đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở TN&MT Hà Nội), một trong những nguyên nhân đó là việc nhận thức của một số người dân về thành phần rác, tác hại của việc đốt rác còn hạn chế. Phần lớn người dân chưa phân biệt sự khác nhau giữa rác thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt nên không rõ mức độ nguy hại của việc đốt rác. Bên cạnh đó, khi phát hiện đối tượng đốt rác, phần lớn chính quyền địa phương chỉ nhắc nhở mà ít xử lý; chưa tạo được sức răn đe.
Vừa ô nhiễm, vừa tạo nguy cơ cháy nổ
Việc đốt rác thải không đúng quy định đã tạo ra khói bụi, gây ảnh hưởng tới môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nhất là với trường hợp lượng rác đốt lớn sẽ làm giảm tầm quan sát của người tham gia giao thông. Và nếu những đống đốt rác thải, cây cỏ không được canh chừng, rất có thể lửa sẽ lan vào gây chập, cháy nổ, thiêu đốt gây thiệt hại tài sản vật chất...
Trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, việc tự ý xử lý rác thải là điều cần làm, tuy nhiên lại vô tình gây ô nhiễm môi trường, vi phạm quy định của Nhà nước. Tại khoản 2, Điều 7, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình... trong đó áp dụng với hành vi tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng, bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng. Nhưng trước thực trạng này xem ra chưa đủ sức răn đe; và cũng cho thấy, việc giám sát, quản lý, xử lý tại địa phương chưa triệt để.
Vì vậy, để ngăn ngừa hiểm họa cháy nổ, không gây ô nhiễm môi trường, cũng như tránh bị phạt tiền vì vi phạm, mỗi người dân cần phải tự nâng cao ý thức cá nhân trong việc đốt phế thải. Để bảo vệ môi trường, các tổ chức, nhiều chuyên gia đều kêu gọi công dân sống trong đô thị hãy từ bỏ thói quen đốt rác. Luôn thu gom rác để công nhân vệ sinh môi trường đến vận chuyển tới những bãi rác tập trung xử lý.
Theo Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng Trần Thị Hương, để ngăn chặn tình trạng đốt rác trên địa bàn TP, ngoài việc nâng cao ý thức người dân thì chính quyền địa phương cần có nhận thức rõ hơn trong việc xử lý. Hiện nay, đã có những chế tài xử phạt nên phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm. Chính quyền cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nguồn thải, bảo vệ môi trường; bố trí kinh phí xây dựng điểm tập kết, trung chuyển rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại... đúng quy định của pháp luật.
Lai Châu khởi sắc cùng nông thôn mới Xây dựng nông thôn mới (NTM) là Chương trình mục tiêu Quốc gia lớn, mà thành quả mang lại sẽ làm thay đổi khu vực nông thôn. Nắm bắt được mục đích, ý nghĩa đó, tỉnh Lai Châu đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và thu hút mọi nguồn lực xã hội nhằm triển khai thực hiện...