Đường xấu vì… có hiện tượng làm ngơ, dễ dãi
Theo Tổng cục Đường bộ, một số nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp dự án BOT chưa thực hiện nghiêm túc công tác quản lý bảo trì đường bộ.
Tổng cục Đường bộ (TCĐB) Việt Nam vừa có văn bản gửi các nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp (DN) dự án BOT, Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), các Cục Quản lý đường bộ và các Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế, Bình Dương, Bình Phước về việc chấn chỉnh và tăng cường quản lý chất lượng bảo dưỡng thường xuyên (BDTX) quốc lộ, đường cao tốc.
Quy trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn
Theo TCĐB, công tác quản lý chất lượng BDTX là khâu quan trọng trong hoạt động bảo trì để duy trì tình trạng tuyến đường được khai thác an toàn, hạn chế xuống cấp…
Tuy nhiên, qua kiểm tra và phản ánh của địa phương, cử tri cho thấy vẫn còn các tuyến đường do DN quản lý bảo trì có chất lượng BDTX chưa đạt yêu cầu.
Bên cạnh đó, đơn vị BDTX chưa làm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định, một số nhà đầu tư BOT, DN dự án BOT chưa thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, còn dễ dãi trong việc nghiệm thu đánh giá chất lượng thực hiện. Cá biệt có đơn vị hoặc tuyến đường còn hiện tượng buông lỏng quản lý, BDTX. Từ đó dẫn đến chất lượng mặt đường xấu, nhiều nơi xuất hiện ổ gà, sình lún… nhưng không được sửa chữa, mặc dù trong giá và yêu cầu kỹ thuật đã quy định tại hợp đồng.
Ngoài ra, các nhà thầu thực hiện công tác quản lý, BDTX đường bộ chưa tổ chức lực lượng tuần đường đầy đủ, làm ngơ trước các vi phạm, chậm phát hiện để báo cáo cơ quan quản lý xử lý…
Vì vậy, Tổng cục yêu cầu công tác quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải đặt mục tiêu ngăn chặn, xử lý các vi phạm; không để phát sinh mới, diễn biến phức tạp mà không bị xử lý…
Tổng cục chỉ rõ nhà đầu tư BOT, DN dự án BOT, VEC chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đồng thời chịu trách nhiệm liên quan nếu thực hiện không đúng dẫn đến tai nạn giao thông ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người đi đường.
Video đang HOT
Tổng cục yêu cầu thời gian tới các nhà đầu tư BOT, VEC phải rà soát, bổ sung lực lượng công tác tuần đường. Phân công trách nhiệm của lãnh đạo nhà đầu tư BOT, DN dự án BOT, VEC (hoặc đơn vị tương đương).
Trách nhiệm thuộc về nhà đầu tư BOT, ban quản lý dự án nếu để xảy ra hư hỏng mặt đường. Ảnh: VIẾT LONG
Bảo trì không tốt, chấm dứt hợp đồng
Về công tác BDTX quốc lộ và đường cao tốc, TCĐB đưa ra mục tiêu không để các hư hỏng ổ gà, sình lún, mặt đường ngập, đọng nước, cỏ cây mọc che khuất biển báo,…
Trong đó, nhà đầu tư BOT, DN dự án BOT, VEC chịu trách nhiệm chính trong việc thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý nhà thầu hoặc đơn vị được giao BDTX để vi phạm chất lượng BDTX.
“Hạ điểm, giảm trừ giá trị thanh toán nếu nhà thầu hoặc đơn vị BDTX thực hiện không đúng, không đầy đủ. Hoặc chấm dứt hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, thay nhà thầu khác, cấm nhà thầu vi phạm tham gia đấu thầu…” – lãnh đạo TCĐB nêu.
Nhà thầu hoặc đơn vị được giao BDTX chịu trách nhiệm trước nhà đầu tư BOT, DN dự án BOT, VEC theo quy định của pháp luật và tại hợp đồng đã ký. Xử lý cán bộ, nhân viên, người lao động không chấp hành tốt các quy định, thay thế nhân sự nếu có vi phạm nặng hoặc nếu cần…
Để thực hiện tốt công tác bảo trì, Tổng cục giao nhà đầu tư BOT, DN dự án BOT, VEC khẩn trương tổng rà soát các tuyến đường để xác định các tồn tại về chất lượng bảo dưỡng… Thời gian thực hiện phải xong trước ngày 25-1.
“Riêng đối với đợt cao điểm phục vụ giao thông vận tải dịp Tết âm lịch, TCĐB yêu cầu phải hoàn thành sửa chữa trước ngày 31-1″ – lãnh đạo TCĐB cho biết.
Bộ GTVT: Phải siết công tác bảo trì đường bộ
Tại buổi làm việc với TCĐB mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đưa ra thông điệp yêu cầu ngành đường bộ phải siết lại công tác bảo trì đường bộ.
Ông Thể cho rằng vừa qua quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Phú Yên xảy ra vụ tai nạn chết người. Người nhà nạn nhân có đơn yêu cầu xử lý trách nhiệm hình sự đối với Ban quản lý dự án Thăng Long. “Lý do là cơ quan này chậm duy tu, sửa chữa ổ gà, ổ voi dẫn đến chết người… Đây là bài học cho chúng ta và nếu làm không tốt công tác duy tu kịp thời, trường hợp xảy ra tai nạn thì có đồng chí phải ra tòa…” – ông Thể nhìn nhận.
Bộ trưởng cũng yêu cầu những dự án mà chưa được bàn giao cho TCĐB thì nhà thầu và ban quản lý dự án phải thực hiện duy tu, sửa chữa. Khi bàn giao cho TCĐB, đơn vị này phải quản lý, sửa chữa kịp thời, đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn cho người dân.
Ông Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, cho hay: Vấn đề đảm bảo khai thác đường cao tốc được quy định rất chặt chẽ nên phải có đơn vị chịu trách nhiệm khi có hư hỏng hoặc không đảm bảo an toàn xảy ra.
“Chỉ cần có độ nhám không thích hợp thì người điều khiển phương tiện hoàn toàn có thể khiếu nại, kiện được các đơn vị làm đường chứ đừng nói đến ổ gà” – ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, nếu trong thời gian thi công đợi nghiệm thu thì hư hỏng được quy trách nhiệm cho đơn vị thi công, còn sau này là trách nhiệm của đơn vị BDTX. “Quản lý phải thật chặt vì chỉ cần sơ suất nhỏ là ảnh hưởng tính mạng con người” – ông Hùng khẳng định.
K.CƯỜNG
VIẾT LONG
Theo Thanhnien
Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương sắp hết hạn thu phí
Thời khắc giao thừa năm mới 2019 cũng là lúc cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương sẽ hết thời hạn 5 năm thu phí theo hợp đồng.
Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương sắp hết hạn thu phí theo hợp đồng
Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương hiện vẫn do Công ty Cổ phần Tập đoàn An Khánh thu phí. DN này được Tổng Công ty Cửu Long ký hợp đồng bán quyền thu phí sử dụng đường bộ giai đoạn 1 vào năm 2013. Bộ Giao thông Vận tải là đơn vị giao Công ty Cửu Long bán quyền thu phí cao tốc này.
Theo hợp đồng trên thì tổng giá trị hợp đồng là 2.004 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Tập đoàn An Khánh được quyền thu phí trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương trong thời gian 5 năm (từ 0h ngày 1/1/2014 đến 0h ngày 1/1/2019).
Đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long - Tổng Công ty Cửu Long (thuộc Bộ GTVT) xác nhận từ 0h ngày 1/1/2019, Tổng Công ty Cửu Long sẽ bàn giao tài sản cho Cục Quản lý đường bộ IV tiếp nhận quản lý. Từ giờ đến thời điểm bàn giao, Công ty Cổ phần Tập đoàn An Khánh vẫn chịu trách nhiệm thu phí trên cao tốc này.
Tuy nhiên, sau khi cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương được bàn giao về cho Cục Quản lý đường bộ IV tiếp nhận, công tác thu phí sẽ chấm dứt hay tiếp tục duy trì thì hiện tại vẫn chưa có cơ quan nào phát ngôn.
Theo Kinhtedothi
Lập danh sách nhà thầu chây ì trong việc bảo hành Đây là nội dung được nêu trong văn bản Bộ Giao thông vận tải gửi đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, các Sở Giao thông vận tải, nhà đầu tư BOT trên Quốc lộ 1 (QL1) về việc thực hiện nghiêm túc trách nhiệm bảo hành, bảo trì đảm bảo an toàn giao thông thông suốt...