Đường về nhà xa thế hả con?
Tôi đã đi mọi ngã ngoặt cuộc đời, qua cái thời bồng bột và non dạ. Hành trang của tôi là chiếc ba lô đeo trên thắt lưng đi khắp nẻo đường. Xa nhà, xa mẹ, xa quê hương.
Tôi lên tỉnh học cấp III sau khi thi đỗ vào trường chuyên. Trường tôi học cách nhà hơn 10 cây số. Bố mẹ sợ tôi vất vả, cho tôi trọ tại kí túc của trường. Sau tốt nghiệp, tôi khoác ba lô, giã từ bố mẹ lên thành phố vào đại học. Bốn năm ôn luyện, thi cử, tôi ngày ngày ôm cuốn sách trên thư viện và chiếc ba lô đựng chiếc laptop mà bố mẹ mất cả nửa năm mới dành dụm mua được cho con. Tôi ít về nhà, mẹ thường gọi điện hỏi, tôi trả lời qua loa: “Dạo này con bận quá, kì thi sắp đến, con muốn ở lại tập trung ôn luyện mẹ ạ!”. Giọng mẹ ầm ừ qua điện thoại nghe buồn bã nhưng vẫn không quên nhắc nhở tôi: “Con gắng học, nhớ giữ gìn sức khỏe con nhé!”.
Kì học nào tôi cũng nhận được học bổng. những món tiền đó, tôi nhanh tay gửi về cho mẹ. Bố mẹ nghe tin mà vui mừng, gọi cho tôi rối rít. Mẹ vẫn chỉ hỏi: Tuần này, con có về không? Những lần về nhà của tôi cứ thưa dần, thưa dần vì tôi có bao lí do biện minh mà giải thích với mẹ. Có khi tôi còn thấy mẹ “phiền”.
Ngày ra trường, tôi ở lại Hà Nội, lăn xả vào đời, chiến đấu như chàng dũng dĩ hùng mãnh những mong tìm được một chỗ đứng trong cái xã hội nhiều bon chen này. Tôi đi làm, mải mết với công việc và bắt đầu biết yêu. Tôi càng ít có thời gian được bên mẹ và gia đình. Tôi vẫn gửi tiền về thường xuyên qua ngân hàng hay gửi anh chị khi về mang cho mẹ. Ngày trong tuần bận rộn với công việc và sổ sách, đợi những ngày cuối tuần dảnh rỗi, tôi đưa bạn gái đi chơi. Tôi biết hẹn hò, biết ôm chiếc điện thoại, biết nhớ nhung và khó chịu khi cả tuần nếu không nhìn thấy mặt người yêu. Mẹ gọi điện vẫn hỏi một câu: “ Sao con không về?”. Tôi vẫn ca bài điệp cũ: “Con bận mẹ ạ!”.
Sau 2 năm đi làm, tôi tích cóp được một khoản kha khá, công ty cử tôi đi du học trong 1 năm, tôi không duy nghĩ, vác ba lô mà đi. Thời gian ở nước ngoài, chuyện bài vở, học hành và những mối quan hệ mới, tôi vẫn chỉ băn khoăn câu nói của mẹ: “Con có bận không? Sao con không về?”. Mẹ nghe câu nói của tôi mà buồn, giọng mẹ giận dỗi: “Đường về nhà xa thế hả con?” Câu nói đó vẫn ám ảnh tôi đến tận bây giờ.
Tôi lấy vợ cùng công ty. Tôi đã có gia đình. Hai vợ chồng cố gắng mua căn nhà cho gần nơi làm việc. Có nhiều lần, tôi ngỏ ý đón bố mẹ lên sống chung với chúng tôi nhưng ông bà không chịu. Tôi nhìn ra bầu trời với những cánh chim bay, thấy chiếc tổ chim non đang ríu rít tiếng kêu gọi mẹ, con chim mẹ với đôi cánh rộng bay đến, mang con sâu nhỏ mớm cho mấy chú chim non. Tôi biết, khi chim non mọc cánh, đủ vững chắc nó sẽ bay đi bỏ lại mẹ nó với chiếc tổ buồn quạnh vắng. Càng lớn, tôi mới thấy mình càng xa mẹ.
Video đang HOT
Quê hương tôi bao người cũng ôm chiếc ba lô như tôi mà đi nhưng có mấy ai trở lại bao giờ. Có hàng trăm ngàn vạn lý do để bao bước chân ra đi không quay trở về được nữa. Với tôi bây giờ, khi mỏi gối chồn chân, khi tuổi 60 đã đến gần, đã lập nghiệp và có gia đình, tôi vẫn chưa một lần mà nghĩ cho hiểu: Con đường về nhà có thực sự xa không?
Tuổi đã xế chiều, cuộc hành trình mỏi gối đã ngưng nghỉ, tôi bắt đầu nghĩ về mẹ, về quê hương. Nơi tôi đã sinh ra với mái ngói đỏ tươi, những vườn rau xanh mướt, con đường làng vòng vèo đỏ tung cát bụi, những tường đá mốc rêu và gạch đất lổm chổm đường đi. Mọi thứ đến và đi trong chóng vánh, con cái tôi cũng lớn lên có đủ cánh để bắt đầu đi xa như tôi ngày ấy. Thấy tuồi già đến gần, nỗi cô đơn càng lớn. Nhớ mẹ nhớ nhà và văng vẳng bên tai tôi lời trách hờn của mẹ: “Đường về nhà xa thế hả con?”.
Theo VNE
Vòng đời làm mẹ
Con cái chỉ khi làm mẹ họ mới hiểu tấm lòng người mẹ, cả cuộc đời này mẹ đã dành bao nước mắt cho con?
Con đã đi lòng vòng cả quả đất để tìm kiếm một người thuộc về mình. Người sẽ yêu thương, chăm lo và làm con cảm thấy hạnh phúc. Nhưng mẹ biết không con đã vô tâm quên đi quân sư cuộc đời mình. Mẹ đã bên cạnh con, yêu thương, chăm lo, bảo vệ và còn hơn thế nữa...
Con từng nghĩ mất người đó con sẽ chẳng còn ai yêu thương mình nữa, chẳng còn mục đích nào cho con sống. Nhiều lần dại dột, con đã nghĩ đến cái chết. Con đã "ném" bức tâm thư ướt nhòe nước mắt đặt cạnh gối để giả vờ là kẻ bất hiếu hối lỗi gửi cho mẹ. Vì có khi con đã quên mất mẹ...
Khi con nhận lời kết hôn, chiếc xe hoa chưa kịp trèo lên, mẹ đã nghẹn ôm chặt vai con rồi khóc. Từ nay, mẹ sẽ chẳng còn bên con mà chăm bẵm từng bữa cơm... Mẹ khóc và con biết nước mắt của mẹ chẳng ngừng rơi từ khi con ra đời.
Sau 2 năm khi con lấy chồng, ngày con khóc thét trong bệnh viện vì sinh cu Tít. Mẹ nhọc nhằn ôm sọt quần áo sơ sinh cồng kềnh, đôi chân khập khiễng cao thấp vào trong viện. Mẹ đứng ngoài cánh cửa sục sạo đi mua cái này sắm cái kia rồi chẹp miệng nói: Con này ẩu quá!
Con đau đớn trong căn phòng lạnh toát vẫn ồn ào tiếng la hét của bao phận đàn bà chờ sinh trước căn phòng trắng bệt. Miệng con vẫn kêu thét tên chồng để mà oán trách. Mẹ đứng ngoài, nước mắt vẫn cứ rơi. Đứa bé òa khóc, nó gan lì sau 2 tiếng con nằm quằn quại. Dòng nước mắt chảy dài trên má con. Ấm. Nóng. Mẹ ơi? Khi đó con đã hạnh phúc như thế nào. Đôi mắt thằng bé mở to nhìn con, đôi tay nhỏ bé đó cựa quậy, miệng nó vẫn không thôi la khóc. Con thấy thế giới trở lên bé nhỏ. Vì con sẽ lấy cả cuộc đời mình bảo vệ, yêu thương sinh linh quý giá của chúng con.
Con bỗng nhớ mẹ, nước mắt còn lại trào ra vì nghĩ tới mẹ. Có phải khi sinh con ra, mẹ cũng đau như thế này không? Và con hiểu thế nào là hạnh phúc, thế nào là nước mắt. Con cái chỉ khi làm mẹ họ mới hiểu tấm lòng người mẹ. Con tự hỏi cả cuộc đời này mẹ đã dành bao nhiêu nước mắt để cho con?
Cả đời mẹ đã lấy nước mắt để yêu, để thương, để nuôi con lên người (Ảnh minh họa)
Cu Tít ốm, sốt trên 39 độ. Anh đi công tác hơn 1 tuần nay chưa về. Một mình con trong căn phòng vắng ngắt chỉ nghe khóc thút thít yếu ớt của nó. Cơ thể nóng bỏng mềm nhũn gục trong cánh tay con. Con sợ đến phát khóc. 12h đêm con ôm thằng bé đến bệnh viện, điện thoại vẫn bấm gọi mẹ. Mẹ và bố hớt hải chạy đến. Nước mắt con rơi vì mẹ, vì con của con. Mẹ cũng đã lo lắng, đau đớn và sợ hãi vì con như vậy phải không Mẹ?
Ngày cu Tít biết đi, nó khập khiễng những bước đầu tiên. Đôi chân nhỏ bé đặt lên sàn nhà loạng quạng bước và ngã. Con chạy nhanh đến, cầm đôi tay bé xíu đó dắt từng bước đi. Cảm giác thật tuyệt Mẹ ạ! Con tự hỏi con có cho Mẹ hạnh phúc bao giờ không Mẹ ơi?
Ngày cu Tít bắt đầu gọi mẹ. Tiếng gọi đầu đời mà con đã dạy nó mỗi ngày. Con khóc vì con biết tiếng mẹ cao cả như thế nào. Dòng nước mắt con chảy dài, con chợt gọi liên hồi: Mẹ ơi? Mẹ ơi?...
Ngày trời mưa, rét căm căm, anh cả gọi điện bảo con mẹ ốm nặng. Con vội vã phóng thẳng xe về nhà. Mẹ nằm co ro bên góc giường yếu ớt đắp tấm chăn sờn vải. Thân hình mỏng mảnh xác sơ, đôi mắt mẹ vẫn còn chảy dài giọt lệ. Đôi tay yếu ớt, gầy xương run run nắm tay con. Con khóc vì con biết... Mẹ sắp rời xa con...Con ngẫm phận gái lấy chồng xa ...xa mẹ sao mà khổ thế!
Mẹ giấu đi nước mắt và nỗi nhớ thương. Cả tháng nay Mẹ ốm, nằm quặt quẹo trên giường. Mẹ sợ con lo nên đã cấm anh và bố không kể với con. Mẹ có biết bây giờ con đau như thế nào không hở mẹ? Con tự trách mình vô tâm, trách mẹ tàn nhẫn thế để cho con phạm cái tội lớn thế này...
Cả đời mẹ đã lấy nước mắt để yêu, để thương, để nuôi con lên người. Bố đã lấy mồ hôi để che chở, bảo vệ con. Mẹ ơi! Con sẽ yêu con của con như tình yêu lớn lao mà bố mẹ đã dành cho chúng con vậy. Đó có phải là nguyện ước của mẹ không? Mẹ ơi con đã lên người rồi. Xin mẹ đừng khóc nữa!
Con yêu mẹ và nhớ mẹ nhiều lắm, mẹ ơi!
Theo VNE
Gửi anh nơi biển Đông sóng gió Em sẽ gìn giữ tình yêu để anh vững tâm, em sẽ biến nỗi nhớ thành sức mạnh cho anh vững vàng giữ biển. Sóng biển đã hết mùa vắng lặng. Mùa hè của những ngày nắng và cơn giông. Em nghe tim mình đập rộn ràng nỗi nhớ thương, lo lắng và chờ đợi. Em vẫn mong ngày mai có nắng, anh...