Đường trở thành ông chủ giàu có của thanh niên mang án giết người
Vướng vòng lao lý khi mới tròn 18 tuổi, Phương bị kết án 3 năm tù cho “giết người trong trạng thái kích động”. Ngày bước chân vào trại giam, những ám ảnh tội lỗi luôn dày vò khiến thanh niên này nhiều đêm mất ngủ.
Anh Phương chia sẻ về quá khứ mang lỗi lầm của mình.
Thế nhưng, Phương đã cố gắng cải tạo với tinh thần hướng thiện. Ngày ra tù, việc anh làm đầu tiên là ra mộ người mà anh vô tình giết chết để thắp hương tạ tội…
Mang tội giết người vì bị đánh nhầm
Giờ đây, khi đã làm ông chủ của một xưởng gỗ lớn, làm ăn uy tín được nhiều người biết đến, nhưng anh Nguyễn Hữu Phương (30 tuổi) trú xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, Nghệ An, vẫn chưa quên những ngày bắt đầu làm lại cuộc đời sau án tù của mình.
Video đang HOT
Anh Phương sinh ra trong một gia đình nghèo làm nông nghiệp nên cuộc sống chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Phương biết mình không làm được bài nên rất buồn.
Chàng trai 18 tuổi này biết mình không có cơ hội thi đại học, nên chuyển sang học nghề. Nghĩ là làm, Phương cùng mấy người người bạn trong xóm đạp xe lên thị trấn Nam Đàn cách nhà khoảng 5km để mua ít đồ điện về chuẩn bị cho việc đi học. Chính lần đi này đã đưa cuộc đời Phương rẽ sang một hướng khác.
“Đó là vào tháng 5.2007, tôi cùng bạn mua xong đồ đang trên đường trở về thì bất ngờ bị một nhóm thanh niên xông ra chặn đường đánh. Tôi không quen biết gì với nhóm đó cả, mặc cho tôi giải thích là có sự nhầm lẫn, nhưng họ vẫn đánh tôi. Bị đánh đau, tôi chống cự lại và không may làm bị thương một người trong nhóm đó”, anh Phương nhớ lại.
Nạn nhân dù được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện, nhưng do vết thương nặng nên đã tử vong. Sau khi tìm hiểu, mọi người mới biết nhóm thanh niên kia nhận nhầm anh Phương với người khác nên mới xông vào đánh. Anh Phương bị bắt và bị kết án 3 năm tù cho tội “giết người trong trạng thái kích động”.
“Ngày xảy ra chuyện, tôi ám ảnh lắm, đêm nào cũng nằm mơ thấy ác mộng. Cũng vì tôi mà bố mẹ bị người ta cười chê, dị nghị nên tôi rất buồn. Vào trại giam, thời gian đầu tôi buông xuôi, nhưng may là có cán bộ trại động viên nên tôi dần lấy lại tinh thần để cải tạo tốt”.
Cuối năm 2009, anh Phương trở về đoàn tụ với gia đình. Việc đầu tiên sau khi ra tù là đến mộ thắp hương xin lỗi người đã mất và cùng gia đình đến nói chuyện với bố mẹ nạn nhân. Anh Phương cho biết thêm: “Cũng may gia đình người đã mất cũng thông cảm và chấp nhận bỏ qua lỗi lầm cho tôi. Làm được những chuyện đó, tôi thấy lòng mình thanh thản. Tôi tự nhủ, cuộc đời mình đã có 1 vết nhơ thì phải làm sao để xóa mờ nó đi”.
Quyết tâm đi lên thành ông chủ xưởng gỗ tiếng tăm
Những ngày đầu tái hòa nhập cộng đồng, anh Phương gặp khá nhiều khó khăn. Bởi, anh sợ những ánh mắt dị nghị của mọi người. Muốn bình tâm và kiếm việc làm nên anh Phương xin phép bố mẹ vào Nam. Dù đồng ý cho con đi nhưng bố mẹ anh Phương vẫn hết sức lo lắng.
Ông Nguyễn Hữu Hòe (60 tuổi) bố anh Phương tâm sự: “Dù biết lỗi lầm của con mình là không cố ý, nhưng tôi chỉ sợ ở nơi xa nó sẽ không giữ được mình. Thấy con quyết tâm tôi cũng được an ủi phần nào”.
Không bằng cấp, không nghề nghiệp nên anh Phương xin vào làm công nhân cạo mủ cao su. Ôm mơ ước học nghề và làm chủ cuộc sống của mình nên anh Phương ra sức làm việc và tích góp. Sau 3 năm, khi đã có số vốn kha khá, anh Phương về quê xin vào học việc ở xưởng mộc của người quen.
Khi tay nghề đã thạo, anh Phương mạnh dạn tách ra làm riêng. Những ngày đầu thiếu vốn, lại không có khách khiến anh Phương nhiều lần tự hỏi “có phải hướng đi của mình là sai”. Nhưng nhờ sự chịu khó, biết tính toán, những lô hàng gỗ đầu tiên của anh được khách hàng đặt mua.
“Lần đầu tiên cầm số tiền lớn của lô hàng khách đặt, tôi mừng lắm. Tôi thấy vững tin hơn với hướng đi của mình”, anh Phương giãi bày. Hiện tại, xưởng mộc của anh Phương đang tạo việc làm cho 3 lao động với mức lương gần 6 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng sau khi trừ hết chi phí, trả lương cho người lao động, anh Phương thu về cho mình từ 20 đến 25 triệu đồng.
Không những thành công trong công việc, cuối năm 2016 anh Phương chính thức rước cô gái trẻ Lê Thị Trang (22 tuổi) về làm vợ. Ngày diễn ra đám cưới, ai cũng chúc phúc cho đôi trẻ.
“Trước đây, khi quen cô gái nào mà biết lý lịch của tôi có vết đen họ đều ra đi vì bị gia đình ngăn cấm. Khi quen vợ tôi bây giờ, tôi cũng nói hết mọi chuyện cho cô ấy biết. May mắn là cô ấy không để ý đến chuyện đã qua và gia đình cô ấy cũng ủng hộ cho chuyện tình cảm của chúng tôi”.
Từ một chàng trai mang án giết người, giờ đây anh Phương là ông chủ của một xưởng gỗ lớn cùng một gia đình hạnh phúc bên người vợ xinh đẹp. Để có được như ngày hôm nay, anh Phương đã đứng lên vượt qua nhiều khó khăn để làm lại cuộc đời mình từ vấp ngã khiến nhiều người khâm phục.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Công an xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, Nghệ An, cho biết: “Từ khi tái hòa nhập cộng đồng, Phương chưa bao giờ vi phạm pháp luật, trái lại luôn có chí tiến thủ. Chính quyền luôn tạo điều kiện để anh làm ăn, phát triển kinh tế, trở thành người lương thiện”.
Theo P.V (Tiền Phong)