Dương Thụ: ‘Tôi muốn ké với Bằng Kiều mà không được’
“Trong hợp đồng về Việt Nam biểu diễn, Bằng Kiều chỉ được phép diễn trong show của mình. Tôi định nhân tiện để ‘ghé’ vào nhưng không được” – nhạc sĩ Dương Thụ chia sẻ.
Cứ gì phải divo, diva cho tốn tiền
- Nghe nói Bằng Kiều sẽ không tham gia liveshow “Những câu chuyện kể của tôi” diễn ra 9-10/11 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vì sao vậy thưa ông?
- Trong hợp đồng về Việt Nam biểu diễn, Bằng Kiều chỉ được phép diễn trong show của mình. Tôi định nhân tiện để “ghé” vào nhưng không được. Thôi đành vậy. Chú cháu chỉ có thể gặp nhau trong show diễn riêng của cậu ấy.
- Với tên tuổi của mình, tôi nghĩ ông có thể mời những đạo diễn cỡ Phạm Hoàng Nam, Việt Tú… thực hiện các clip phát trong liveshow. Lý do nào ông lại chọn một nhóm bạn trẻ đảm đương công việc này?
- Nếu muốn thì cũng không đủ sức đâu vì cỡ của các anh ấy không chỉ là cỡ tài năng mà còn là cỡ tiền nữa. Vả lại chương trình tôi là chương trình “nghe”, không phải là chương trình “xem”. Hình ảnh cũng chỉ là chút chút thôi, chưa đến mức để hai “đại gia” này phải ra tay. Nói vậy thôi, nhóm bạn trẻ tôi mời làm giúp cũng không xoàng đâu nhé. Chỉ tiếc, công việc tôi nhờ quá đơn giản nên họ không có điều kiện bộc lộ hết tài năng của mình.
- Một số người thắc mắc rằng ông hay thích đưa diva vào các chương trình của mình và liveshow lần này không nằm ngoại lệ. Ông có thể lý giải vì sao?
- Khi mời người hát cho chương trình, tôi thường chọn theo tinh thần ê kíp, nghĩa là những người gắn bó với hoạt động âm nhạc của mình, có thể trình diễn tốt tác phẩm của mình, cứ gì phải divo, diva cho tốn tiền. Nhưng không may cho tôi, hầu hết, vì những phấn đấu riêng, cái ê- kip tôi đều trở thành đi này đi nọ như bạn nói. Chả lẽ khi làm chương trình cho riêng mình, chỉ vì sợ tốn tiền mà đi mời những người khác, không quen hát bài của mình?
Không coi ai là học trò
- Nguyên Thảo ngày càng được giới chuyên môn đánh giá cao vì cách hát rất tinh tế. Họ nói cô ấy là “gà cưng” của ông. Thực hư chuyện này ra sao?
- Tôi chẳng có “gà” nào cả. Các cô ấy thích nhạc của tôi, muốn được tôi làm đĩa thì lẽ nào mình từ chối. Vả lại họ đều là những người có khả năng và có nhạc cảm tốt.Nguyên Thảo cũng vậy. Cô ấy là người rất có bản lĩnh nhưng tính khí rụt rè.Nguyên Thảo đến với tôi từ lúc còn vô danh. Tôi chỉ giúp cô ấy khởi nghiệp và thực hiện cái mơ ước của mình. Bây giờ Nguyên Thảo đã trưởng thành, hoàn toàn độc lập. Muốn hát gì, cộng tác với ai là quyền của cô ấy. Tôi không nghĩ rằng mình có thể tạo ra được một ai. Cái có thể là hỗ trợ cho họ để họ trở thành chính họ. Điều ấy chắc tôi làm được.
Tôi không coi ai là học trò, tôi luôn coi những người đến với mình là bạn, dù họ chỉ ở tuổi con cháu, dù họ là người vô danh và khả năng chưa hoàn thiện. Chỉ có điều trong giới ca sĩ, Thảo là người yếu thế và hơi cô độc. Tôi thương. Tôi không coi ai là học trò nên luôn bênh vực để giành sự công bằng cho. Và không phải chỉ có tôi, Mỹ Linh cũng thường khen ngợi Thảo thực lòng và tận tình giúp đỡ Thảo nếu có điều kiện.
Video đang HOT
- Có phải vì sức ép dư luận cho rằng ông chỉ mời những “gương mặt vedette” trong làng nhạc xuất hiện trong các chương trình do mình tổ chức hoặc làm tổng đạo diễn nên lần này mới mời thêm gương mặt trẻ Hà Linh?
- Tôi chẳng bao giờ phải làm điều gì chỉ vì sức ép của dư luận. Thực ra Hà Linh là người được dự kiến từ đầu, nhưng gọi điện thoại, nhắn tin rất nhiều lần mà không có hồi âm nên đành phải thôi. Tôi mời Hà Linh không phải vì cô ấy là ca sĩ trẻ , hoặc Sao Mai, Idol gì đó mà vì đi nghe chương trình Cầm tay mùa hè của Thanh Lam, tôi rất ấn tượng với Hà Linh khi nghe cô hát và nói về Bài hát ru cho anhcủa mình. Vừa rồi hỏi Quốc Trung mới biết mình gọi nhầm số điện thoại. Giờ có số đúng nên mới liên hệ được. Thế thôi mà.
Đàn ông ai mà chẳng phải chiều vợ
- “Dương Thụ khó tính trong nghệ thuật, dễ tính trong đời thường” – một người bạn của ông nói với tôi như vậy. Còn ông nghĩ sao về nhận xét này?
- Chữ khó tính có vẻ không ổn. Chúng ta làm ẩu nhiều quá nên thường khó chịu với người nghiêm túc và bảo rằng họ là kẻ khó tính. Tôi không phải là người khó tính trong nghệ thuật mà chỉ cố làm cho nó nghiêm túc thôi. Người khó tính kinh khủng hơn nhiều đấy bạn ạ.
Còn đời thường thì cũng có thể như bạn nói, cũng có thể không. Tính tôi xuề xòa dễ dãi nhưng không thích chỗ đông người, không thích bỗ bã, ngại phải gặp những người lạ vì thế tôi thường lẩn trốn “bia bọt”, những cuộc “tao ngộ chiến”. Có thể ngồi hàng giờ để nói chuyện với một bà hàng nước nhưng không thể như thế với một đám đông những người có địa vị và học vấn cao hơn. Ở đó tôi thấy mình vô duyên.
- Cái sự “dễ tính” của ông còn thể hiện ở chỗ là người rất, rất “chiều” vợ, cũng “đảm đang” thu vén cho gia đình, thực tế có đúng như thế không?
- Đàn ông muốn tồn tại trong gia đình ai mà chẳng phải chiều vợ. Không có thì “tan cửa nát nhà” đấy. Còn chuyện “đảm đang” thì có thể. Nhà tôi không có người giúp việc nên mọi việc trong nhà phải tự làm lấy. Lau nhà, rửa bát, đi chợ, thổi cơm, nấu nước, giặt rũ, làm vườn, nuôi cá, rồi còn chuyện điện đóm nước nôi nữa. Một ngày làm hết việc phải mất hai ba tiếng đồng hồ.
Nhà chỉ có hai vợ chồng, vợ tôi làm báo, bận tối ngày, tôi thường làm việc ở nhà nên có điều kiện hơn. Mà làm việc nhà tôi còn thấy thích thú nữa và đó cũng là một kiểu nghỉ ngơi chứ cứ đàn địch viết lách đọc sách suốt ngày thì mệt lắm. Nói thế chứ vợ tôi vẫn là chính. Tôi thực ra chỉ làm việc của đàn ông còn chuyện bếp núc chợ búa tôi chỉ phụ giúp lúc cô ấy bận công việc thôi.
- Ông là một nhạc sĩ có tài, vợ ông cũng là một cây bút được đánh giá là sắc sảo. Hai chữ “tài” ấy cộng lại đâm ra thành… “phát tài” thì phải? Mà hình như mọi người bảo ông còn “phát lộc” nữa vì đang sở hữu 4 căn nhà, một ở TP.HCM, một ở Đà Lạt, một ở Vũng Tàu và một ở Bắc Ninh?
- Tuy là 4 căn nhưng không có giá trị bằng một căn của người khác, nói mà làm gì. Tôi kiếm được ít tiền mà lại thích đi đây đi đó nên đâu cũng có chỗ ở của mình đỡ phải thuê khách sạn, với tôi đấy là thượng sách. Tất nhiên vợ chồng đều ít nhiều có hiểu biết, đều làm việc được, có thể hỗ trợ cho nhau, cái đó chắc là tốt và cũng là may mắn nữa.
Theo Vietnamnet
Dương Thụ tiếc vì liveshow không có Bằng Kiều
Nhạc sĩ "Tháng tư về" không thể mời nam ca sĩ tham gia đêm nhạc của mình, dù giữa hai người có nhiều gắn bó.
- Mọi khi ra Hà Nội vẫn thấy ông cưỡi xe Bonus chạy ầm ầm, lần này lại điệu đà một chiếc Vespa cổ . Đúng hay sai chuyện mọi người gọi ông là "tay chơi sành điệu" ?
- Không phải đâu, Bonus "đắp chiếu" rồi, mà taxi thì ngốn tiền dữ quá nên phải mượn xe để chạy cho nó tiện. Hôm nay thì đúng là hơi "điệu đà" một chút thật, vì phải thực hiện cảnh quay tư liệu clip video ngắn cho một bài hát về Hà Nội diễn trong chương trình "Dương Thụ - Những câu chuyện kể của tôi" sẽ diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 9 và 10/11 tới. Kịch bản video quay ở phố cổ Hà Nội, không có gì hợp hơn chiếc Vespa dáng cổ này. Xe giữ nguyên phong cách thiết kế cổ thôi chứ là xe mới, bởi tuổi tôi mà đi xe cổ thì mạo hiểm lắm, chết máy giữa đường chỉ có đẩy. Chiếc xe máy đầu tiên tôi mua là Vespa 50, sau đổi qua Vespa Spring 150 và rồi túng tiền bán đi, tôi rất tiếc. Bây giờ đi xe cổ ở phố cổ chỉ là để nhớ lại ngày xưa thôi.
Dương Thụ cưỡi Vespa cổ ngắm Nhà hát Lớn.
- Nhưng Hà Nội ngày xưa và bây giờ không giống nhau. Trong bài hát "Mong về Hà Nội", ông từng viết: &' Tôi mong về Hà Nội,để nghe gió sông Hồng thổi, để thương áo len cài vội một chiều đông rét mướt ... '. Tại sao Hà Nội của Dương Thụ lại buồn như vậy?
- Tôi xa Hà Nội từ lúc còn trẻ và cũng không phải là người hay nhớ nhung. Nhưng vì ít nhớ nhung nên khi vì một lý do nào đó mà nhớ thì nó thành... bài hát đấy. Bởi sự dồn nén đối với làm nghệ thuật là rất quan trọng. Bài này viết vào khoảng cuối thập niên 80 tại TP HCM, khi Hà Nội với tôi vẫn là khoảng cách xa vời.
Cái ở lại trong tâm hồn tôi sâu sắc nhất không phải là những ngày vui, mà là những ngày tháng gian khổ, ở đó có thể tôi không được hạnh phúc nhưng được thử thách để biết mình là ai, và để trở thành mình, một con người độc lập, không phụ thuộc quá nhiều vào những cái ngoài mình. Ngày đó ăn đói, mặc rách, thiếu sự đùm bọc, che chở, lại không được người xung quanh kể cả gia đình hiểu, tôi cô độc và thường thấy tủi thân. Cái gì người ta có, đối với tôi giống như một giấc mơ. Năm 1972 khi tôi còn ở ngoài ấy, tôi có viết một bài hát có tên là Mượn. Xin dẫn lại ca từ của đoạn A để bạn hiểu thêm điều tôi nói:
Mượn nụ cười em chiều - thu- phố,
mượn nhà ấm đèn đêm - cửa- sổ,
mượn thì thầm lá khuya - cuối- ngõ,
hát bài tôi hát đêm -bơ-vơ.
Ký ức vì thế vừa đẹp lại vừa man mác buồn. Tất nhiên không phải là cái đẹp mà người ta thường tán tụng mà cái đẹp được nhận ra từ cuộc sống có phần lam lũ cực nhọc của chính mình. Vì thế nó giản dị, nó thật, nó không có vẻ lãng mạn quyến rũ như bạn thấy trong thi ca và âm nhạc.
- Sống ở TP HCM hơn 30 năm, nhưng chương trình riêng đầu tiên của mình ông lại chọn Hà Nội, phải chăng đó vẫn là một sự "m ong về Hà Nội " ?
- Chọn Hà Nội để làm chương trình riêng vì tôi cũng muốn "trở về", dù chỉ là một lần cho nó tử tế. Hà Nội đã thay đổi nhiều. Bạn bè tôi đã già cả rồi, nhưng lớp trẻ, ở những người tôi quen biết và được cộng tác lại rất gần gũi. Không phải là trở về để ngắm nhìn con phố cũ, để tìm lại hình ảnh của một thời xa vắng. Mà trở về để hòa nhập với những gì tốt đẹp nhất đang diễn ra.
Vị nhạc sĩ 69 tuổi hút thuốc lào ở góc một con phố cổ Hà Nội.
- Chương trình của ông có sự góp mặt của Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Tùng Dương, Trọng Tấn. Có người nói chỉ có ông mới có khả năng quy tụ được dàn ca sĩ hoàn hảo như thế , n hưng cũng có người bảo nếu không có những giọng ca như vậy thì chả ai biết Dương Thụ là ai vì so với một số nhạc sĩ cùng thời như Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Phú Quang... thì nhạc Dương Thụ không nổi bằng. Ông giải thích ra sao?
- Quy tụ nhiều ngôi sao đẳng cấp không có nghĩa là nhạc của mình hay hơn người khác. Nếu chỉ căn cứ vào số người biết và thích nhạc Dương Thụ thì có lẽ tôi không chỉ kém các nhạc sĩ mà bạn kể tên mà còn kém rất nhiều người. Các anh ấy chẳng cần diva - divo gì hết nhưng đêm diễn của họ vẫn chật ních khán giả.
Làm chương trình thì phải mời những người quen hát nhạc mình thành thử tự nhiên tập hợp toàn những diva - divo, những người biết và gắn bó với tôi từ lúc họ còn vô danh chứ chẳng có ý định "thấy người sang bắt quàng làm họ" như ai đó nghĩ. Tôi không dám nói vì sao các diva - divo này thích nhạc của tôi, họ muốn hát nhạc của tôi và muốn tôi sáng tác riêng cho họ. Đây là một chuyện tế nhị, nhưng sự thật là như thế. Tôi không có đủ tiền bạc, quyền lực, danh tiếng để ép họ hát nhạc của mình mà ngược lại chính họ cho tôi những thứ đó. Những thứ mà vài chục năm trước tôi không nghĩ đến và cũng chẳng mơ đến làm gì vì ba thứ này chưa bao giờ là mục tiêu của đời tôi. (Tôi rất ngại khi nói ra điều này vì bây giờ người ta ít tin vào những điều tốt đẹp. Nói ra thì dễ bị quy là đạo đức giả, là tìm cách đánh bóng tên tuổi mình, nhưng không nói ra thì "oan ức" quá).
Âm nhạc được hình thành bởi cái trục này: tác phẩm - người biểu diễn - người nghe. Nhạc nào thì người biểu diễn nấy và người nghe nấy. Tác phẩm của anh, người biểu diễn hát một đôi lần thấy không hợp họ cũng bỏ thôi, người nghe cũng vậy. Nhạc của tôi, người hát chỉ có một vài, công chúng cũng ít, nhưng cái trục âm nhạc lại rất bền, vậy còn mong gì hơn nữa.
- Trong dàn ca sĩ từng thể hiện thành công tác phẩm của ông, dường như các giọng ca nữ vẫn lấn át. Ông nghĩ là bài hát của mình có xu hướng thích hợp hơn cho giọng nữ hay vì ông chưa tìm thấy giọng nam thích hợp ?
- Tôi viết nhạc trữ tình nhưng là thứ trữ tình nhẹ nhàng. Cái mạnh nếu có cũng nằm cả ở trong sự nhẹ nhàng. Khi viết, là tâm hồn tôi, là tự nhiên, là chẳng có mục đích gì cả dù Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, hay Nguyên Thảo đặt tôi viết cũng thế thôi (chỉ có chút xíu kỹ thuật ở chỗ này là chất giọng và tầm cữ âm vực thì mặc nhiên người làm âm nhạc chuyên nghiệp phải nghĩ đến khi sáng tác). Ở Việt Nam chất giọng nam trữ tình mà nhẹ nhàng trong sáng như Trọng Tấn, Bằng Kiều thì hơi hiếm. Còn giọng nữ (mezzo) thích hợp với những gì tôi viết lại khá phổ biến. Có lẽ vì vậy mà "giọng ca nữ lấn át" đúng như bạn nhận xét.
Tôi cũng đã thử với một vài giọng nam khác như anh Ngọc Tân và Đức Tuấn, hai ca sĩ này có giọng đẹp. Anh Tân hát bài Mong về Hà Nội đầu tiên đấy. Còn Đức Tuấn đầy thiện chí đã bỏ tiền ra để làm riêng một album Đức Tuấn hát nhạc Dương Thụ - một sự đầu tư kỹ lưỡng đáng khâm phục trong thời buổi lộn xộn này. Nhưng không hiểu sao cả hai ca sĩ này vẫn không gắn với nhạc của tôi. Anh Ngọc Tân là với Phú Quang và nhóm nhạc sĩ ngoài Hà Nội, còn Đức Tuấn là với nhạc xưa, với musical. Có lẽ nhạc của tôi chưa đủ "đô" đối với họ. Đối với âm nhạc, giọng nam, hay nữ chủ yếu là vấn đề âm sắc, giống như sự khác biệt giữa cây violon và piano thế thôi chứ nó không có nhiều ý nghĩa giới tính như bạn nghĩ đâu.
- Bằng Kiều vừa được cấp phép về nước biểu diễn. Nam ca sĩ này từng cho biết phong cách sáng tác của anh chịu ảnh hưởng của nhạc sĩ Dương Thụ và ông cũng là khách mời đặc biệt trong chương trình riêng của Bằng Kiều tại Việt Nam trong tháng 10 . Tại sao chương trình riêng của ông lại không có Bằng Kiều?
- Bằng Kiều đã trở thành công dân Mỹ. Đụng vào yếu tố "ngoại" này không dễ như tôi tưởng, nên tôi đành bỏ cuộc. Thôi chú cháu đành gặp nhau trong show diễn mà người ta tổ chức cho cậu ấy vậy. ( Cục Nghệ thuật Biểu diễn chỉ cấp phép cho Bằng Kiều biểu diễn hai đêm nhạc ở Việt Nam thuộc chương trình live concert, nên nam ca sĩ không được tham gia các chương trình khác tại đây - PV)
Ngọc Trần thực hiện
Ảnh: Thành Đồng
Theo VNE
Âm nhạc không thể mãi là công cụ giải trí "Sự nhầm lẫn trong cách hiểu về âm nhạc đã làm đảo lộn các giá trị thật sự của nó. Âm nhạc phải được là chính nó chứ không thể cứ mãi làm công cụ giải trí". Nhạc sĩ Dương Thụ đã chia sẻ như vậy về điều khiến ông trăn trở và không ngừng nỗ lực để làm "Điều còn mãi", một...