Đường tắt
Cha mẹ chồng em nói trước sau gì cũng lập di chúc để lại nhà cửa cho mấy anh chị em, nhưng em nghĩ cứ mượn trước…
Em 32 tuổi, có chồng và hai con, nghề nghiệp ổn định nhưng thu nhập ít ỏi, phải co kéo lắm mới đủ chi tiêu. Chồng em hiền lành, không thói hư tật xấu gì, chỉ là anh đi làm nhà nước, lương bổng giới hạn nhưng anh không hề có ý định làm thêm hay tìm cách tăng thu nhập để có chút tiền phòng khi đau ốm. Em nghĩ tới nghĩ lui, bàn với chồng định mượn cha mẹ chồng một khoản tiền, nói là để tính chuyện làm ăn, nhưng làm hay không thì từ từ tính, trước mắt cứ gởi ngân hàng coi như món tiền để dành.
Cha mẹ chồng em nói trước sau gì cũng lập di chúc để lại nhà cửa cho mấy anh chị em, nhưng em nghĩ cứ mượn trước, khi nào ông bà chia rồi cấn trừ qua cũng được. Chồng em không đồng ý, nói cha mẹ có chút tiền dưỡng già, mình mượn rồi ông bà còn biết trông vào đâu, khi nào ba má cho hẵng hay.
Em cho rằng chồng em không biết tính toán làm ăn, giờ nói chuyện này ra vợ chồng cứ bất hòa, gia đình không yên ổn nữa. Hay em cứ tự nói với mẹ chồng, xem ý bà ra sao. Nếu bà đồng ý cho mượn, chắc chồng em cũng xuôi theo thôi. Tính chồng em ngại khó, nếu mình không chủ động thì chẳng bao giờ ông ấy chịu nhúc nhích…
Ảnh mang tính minh họa: Internet
Qua thư cho thấy em là người phụ nữ rất chủ động, biết nhìn xa, biết tính toán. Có lẽ vì vậy mà ông trời đã bù cho em một ông chồng hiền lành, chân chất, có phần nào an phận. Số trời đã định vậy, giờ quan trọng là biết cùng nhau sống hạnh phúc trong sự kết hợp đó, chứ không phải là tìm cách thay đổi người ta, hay tìm cách độc tôn những tính toán của mình. Ông bà dạy “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Thu nhập của vợ chồng đã tạm đủ, mình giỏi tính toán thì hãy tính trên những gì mình kiếm được. Nếu còn trong giai đoạn khó khăn thì để dành chút ít thôi cũng được. Cứ từ từ rồi mình sẽ kiếm được nhiều hơn, dư dả hơn.
Lẽ thường, chỉ khi nào thiếu hụt mới phải vay mượn, không ai đi mượn tiền người khác về làm “của để dành” cho mình, dù là mượn của cha mẹ đi nữa. Làm vậy, người ngoài biết chuyện sẽ bảo mình tham lam, tom góp; người trong nhà thì bảo mình đi đường tắt, cha mẹ chưa chia đã lo xí phần, đem về cất cho chắc ăn, mặc kệ cha mẹ và cả những anh chị em khác; nếu lỡ cha mẹ có biến cố gì trong tuổi già thì làm sao?
Nói chung, đường nào thì cũng thấy mình quá tính toán, quá lo cho bản thân, cho gia đình riêng, không nghĩ đến người khác. Chồng em có thể không đủ sắc bén để vạch ra chỗ này, nhưng cách anh ấy nói về tiền “dưỡng già” của ba má, là cách nghĩ có tình, có hiếu, em không nên xem thường. Phận làm con, báo hiếu được cho cha mẹ chén cơm, viên thuốc cũng chưa thấm gì so với công lao sinh thành, nuôi nấng; đằng này mình chưa báo hiếu đã lo chia phần thì rất khó coi. Con đường tắt này dù có lợi, nhưng không phải là đường ngay lối thẳng.
Cũng may em mới tính toán trong đầu, chưa mở lời với cha mẹ. Em nói ra, người già nhạy cảm sẽ hiểu ngay con cái muốn chia phần. Khi em trình bày gia đình mình đang gặp khó; ông bà khó có thể trả lời “không”, nhưng chắc chắn sẽ rất buồn. Chưa kể, chuyện còn có thể gây bất hòa giữa các chị em, chẳng hay ho gì. Hạnh Dung nghĩ, em nên dừng ngay ý định này, giữ cái hạnh phúc thanh đạm của mình. Nuôi tham vọng là tốt thôi, nhưng đừng để tham vọng giết chết tình cảm. Chúc em chọn đúng con đường “chính đạo” cần phải đi.
Theo Hạnh Dung/Baophunu