“Đương sự ngồi vân vê nhẫn kim cương, thẩm phán sao kiềm lòng nổi?”
“Lương thẩm phán chỉ 4-5 triệu đồng/tháng nên gặp đương sự ngồi vân vê nhẫn kim cương thì mắt đã sáng lên rồi, sao mà kiềm lòng nổi? Bác sĩ, giáo viên còn có thể dạy thêm, khám thêm để có thêm thu nhập, chứ thẩm phán “làm thêm” không đảm bảo khách quan” – nguyên Phó Chánh án TAND tối cao Trần Văn Độ nói.
Trung tướng Trần Văn Độ phát biểu tại hội thảo hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp để góp phần bảo đảm lợi ích cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam do Ban Nội chính Trung ương tổ chức sáng 24/3.
Muốn tòa thụ lý đơn kiện cũng phải “bôi trơn” mới nhanh
Hội thảo do Ban Nội chính Trung ương tổ chức
Tại hội thảo, báo cáo của nhóm nghiên cứu về vấn đề này được công bố đã chỉ rõ nguy cơ tiêu cực, tham nhũng ngay trong việc tiếp nhận đơn khởi khiện hoặc yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự. Đây được xem là giai đoạn quan trọng và cũng có nhiều “khoảng hở” dễ làm nảy sinh tiêu cực trong hoạt động công vụ của cán bộ tòa án, cơ hội cho tham nhũng.
“Thẩm phán có thể gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp để được Tòa án thụ lý giải quyết vụ việc hoặc cung cấp thông tin cho bên bị đơn, cá nhân, tổ chức có liên quan với mục đích “vòi vĩnh” – nhóm nghiên cứu đánh giá. Việc gây khó khăn khiến vụ việc không được thụ lý, giải quyết cũng gây mất thời gian, công sức, ảnh hưởng đến hoạt kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Tán thành với những nhận định đưa ra, PGS. TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND tối cao chia sẻ việc đã chứng kiến những tiêu cực trong khâu tiếp nhận hồ sơ tại tòa như có trường hợp cán bộ tiếp nhận để tờ giấy trắng trên bàn, miệng thì nói với đương sự nhưng tay lại viết ra nội dung khác.
Để được việc, nhiều trường hợp đương sự phải có “bôi trơn” thì mới nhanh qua cửa này.
Nguyên Phó Chánh án tối cao cho rằng, việc phân công thẩm phán hiện nay không khách quan vì việc này được giao cho Chánh án của tòa điều phối. Điều đó dẫn đến tình trạng Chánh án phân công thẩm phán “dễ bảo, dễ nghe” theo ý của mình.
Video đang HOT
So sánh với hình thức phân án để giải quyết bằng cách bấm nút ngẫu nhiên như ở nhiều nước, ông Độ nhấn mạnh việc can thiệp thiếu khách quan, minh bạch của Chánh án chính là một biểu hiện tham nhũng.
“Ở ta, thụ lý và xét xử là một, cho nên đương sự chỉ cần theo từ lúc thụ lý là đi đến cuối cùng vụ án, còn ở nước ngoài thụ ký khác với xét xử để không tạo điều kiện cho đương sự bám theo, như thế là độc lập và kiểm soát lẫn nhau”, ông Độ phân tích.
Ngoài ra, PGS.TS Trần Văn Độ đề cập vấn đề, cần tạo điều kiện “dưỡng liêm” cho cán bộ.
“Thẩm phán lương tháng 4-5 triệu/tháng, nộp tiền học cho con đã hết rồi nên gặp đương sự ngồi mâm mê nhẫn kim cương, mắt đã sáng lên rồi, sao mà kiềm lòng nổi. Bác sĩ, giáo viên còn có thể dạy thêm, khám thêm để có thêm thu nhập, chứ thẩm phán “làm thêm” không đảm bảo khách quan”, ông Độ trao đổi.
Đã “ chạy án” được, không gì là không thể “chạy”
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, cần cơ chế để đảm bảo tuân thủ Bộ quy tắc ứng xử của Tòa án. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, bên cạnh việc xử lý kỷ luật cán bộ làm sai thì cần hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử của Tòa án, các chức danh tư pháp để ngăn chặn tham nhũng, giám sát, chống tiêu cực.
Ông Tuấn Anh cũng đồng ý với quan điểm, việc tổ chức các cơ quan tư pháp cần hướng tới tính độc lập, các chức danh tư pháp phải độc lập và thu nhập của họ phải đảm bảo cuộc sống thì mới loại trừ được động cơ tham nhũng.
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng, hoạt động tư pháp hiện vẫn là lĩnh vực khép kín, ít phải đối mặt với người dân so với khu vực hành chính nhà nước. Ông kiến nghị cần đẩy mạnh minh bạch hoá hoạt động tư pháp, chống bóp méo cạnh tranh bằng những thủ thuật tố tụng hơn là phán quyết về nội dung.
GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ-pháp luật, UB Trung ương MTTQ Việt Nam nhắc lại chuyện 10 năm trước, trên cương vị Đại biểu Quốc hội khóa XI, tại nghị trường, ông đã đề cập đến tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy bằng cấp” và “chạy án”.
“Trong đời sống xã hội, đã “chạy” được án thì không có gì là không “chạy” được bởi việc “chạy” án rất khó khi trong hoạt động tố tụng có sự ràng buộc chặt chẽ giữa cả 3 cơ quan: điều tra, truy tố, xét xử. Có sự chế ước, kiểm soát lẫn nhau chặt chẽ như vậy mà người ta vẫn “chạy” được thì không gì là không thể” – ông Đường phân tích những kẽ hở có thể có trong quy trình làm việc của các cơ quan bảo vệ pháp luật và rút ra quy luật, cần ngăn chặn sự tiếp xúc, mối quan hệ giữa thẩm phán, kiểm soát viên với luật sư, đương sự để triệt tiêu cơ hội nảy sinh tham nhũng.
GS Đường kể lại câu chuyện của một Chánh án tòa án ở Úc khiến ông nhớ mãi. Vị Chánh án này khẳng định, trong đời làm thẩm phán 40 của ông này, ông thấy sung sướng vì chưa từng nhận một cú điện thoại hoặc tiếp một người nào, kể cả người thân, gia đình, để nhờ vả, tác động tới hoạt động xét xử. Từ đó, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ – pháp luật MTTQ Việt Nam khuyến cáo về yêu cầu “bịt” kẽ hở tham nhũng.
P.Thảo
Theo Dantri
Vụ xét xử người nổi tiếng tố cáo tham nhũng: Nước mắt của những người mẹ
Hai người mẹ, hai vị thế khác nhau, một người bật khóc khi phải đứng trước vành móng ngựa, một người khác cũng nức nở khi chứng kiến cảnh đứa con vướng vòng lao lý, nhưng tất cả đều xuất phát từ tình yêu đối với con cái.
Sáng 23/3, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án liên quan tới hành vi "Đưa hối lộ" và "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi" xảy ra tại Công an huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông).
Vì thương con mà bà Tý phải đứng trước vành móng ngựa vì tội đưa hối lộ
Theo cáo trạng, ngày 15/1/2016, Công an huyện Đắk Mil tạm giữ hình sự 6 đối tượng đang đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa. Sau đó, Huỳnh Thị Cao Thương, Nguyễn Thị Tý, Trương Thị Lan (người nhà của các con bạc trên) gặp Huỳnh Kim Cao Trí bàn cách xin tại ngoại. Những người này đã liên hệ với Trung úy Lãnh Thanh Bình (cán bộ trinh sát Công an huyện Đắk Mil) để xin lo lót chạy tại ngoại và được Bình hướng dẫn làm đơn xin bảo lãnh. Sau đó Lan nói lại Nguyễn Xuân An (em họ Lan) về việc chuẩn bị 20 triệu để lo tại ngoại cho chồng, An bức xúc vì hành vi tiêu cực này nên đã tìm gặp ông Trần Minh Lợi nhờ hướng dẫn. Được sự động viên, hướng dẫn của ông Lợi, An, Trí, Tý đã trực tiếp đưa 60 triệu cho Trung úy Bình và bí mật ghi âm, ghi hình.
Các bị cáo bị truy tố trước tòa hôm nay gồm: Trần Minh Lợi (SN 1969) ngụ tại Đắk Lắk, Nguyễn Xuân An (SN 1985), Huỳnh Kim Cao Trí (SN 1978), Huỳnh Cao Thị Thương (SN 1979), Nguyễn Thị Tý (SN 1960), Trương Thị Lan (SN 1971) về tội "đưa hối lộ" và Lãnh Thanh Bình (SN 1985) về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".
Bà Phước khóc nức nở khi con trai vướng vòng lao lý
Mở đầu phiên tòa, chủ tọa phiên tòa đã quyết định cách ly các bị cáo để đảm bảo tính khách quan trong việc xét hỏi. Sau phần xét hỏi bị cáo Huỳnh Thị Cao Thương, chủ tọa, đại diện VKS và các luật sư lần lượt hỏi tới bị cáo Nguyễn Thị Tý (mẹ của con bạc Nguyễn Ngọc Hậu).
Trước tòa, bà Tý khai nhận, sau khi nghe tin con trai bị tạm giữ về hành vi đánh bạc, bà Tý đã liên hệ với Thương và được người này hướng dẫn chuẩn bị 20 triệu để lo cho con được tại ngoại. "Khi nghe thông tin này, ban đầu tôi không đồng ý nhưng vì gần Tết, trời thì lạnh nên thương con, tôi đành chấp nhận mang số cà phê trong nhà đi bán để chuẩn bị tiền lo cho nó", bà Tý nức nở.
Bà Tý cho biết thêm, Thương chỉ nói chuẩn bị tiền chứ bà không biết đưa cho ai mà chỉ biết sẽ giao cho một người tại quán cà phê Giọt Nắng trên địa bàn huyện Đắk Mil. Đến hôm sau, đúng thời gian đã được thông báo trước, bà Tý mang tiền đến quán cà phê trên rồi đưa cho Trí tập hợp lại giao cho Bình. "Đến lúc đưa tiền cho Bình, tôi mới biết anh ta là công an huyện Đắk Mil. Sau khi nhận tiền, anh ta chỉ nói sẽ nhờ người giúp, nếu giúp được Bình sẽ trả lời, còn nếu không giúp được, Bình sẽ trả lại tiền cho chúng tôi".
Suốt trong thời gian tòa xét hỏi, người mẹ nghèo liên tục lấy tay quệt nước mắt, giọng nói chân chất, bộc trực: "Bị cáo chỉ nghĩ chạy tại ngoại để cho con ra ngoài chứ tội thì cũng phải xử. Bị cáo không hề biết đó là vi phạm pháp luật, nếu biết phải đi tù thì bị cáo không ngu mà làm."
Ngồi phía dưới, bà Đoàn Thị Phước (mẹ của bị cáo Nguyễn Xuân An) cũng mếu máo, lo lắng mỗi khi nghe chủ tọa đặt câu hỏi với con trai mình. Phần xét hỏi Nguyễn Xuân An kết thúc cũng là lúc tòa tạm dừng, bà Phước chạy vội ra sân rồi ôm chặt đứa con gái, khóc nức nở vì thương con trai.
Thấy con được dẫn giải về nơi tạm giam, bà Phước chỉ đứng một chỗ nhìn theo, rồi quay mặt đi khóc, giọng nói nghẹn ngào: "Thằng An là thằng có ăn có học đàng hoàng, ở nhà nó ngoan ngoãn, hiền lành lắm, chưa từng làm mất lòng ai. Đến cả đứa trẻ trong xóm nó còn không bắt nạt mà ai ngờ đâu, chỉ vì giúp anh họ nó mà giờ nó phải ngồi tù".
Nói rồi, bà Phước liên tục nhắc đi nhắc lại câu nói: "Nó bị oan chứ nó không có tội. Nó đã nói ông Lợi không làm nữa mà ông Lợi cứ thuyết phục nó. Dù sao thằng An với thằng Bình cũng là bạn học hồi trước mà".
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục làm việc và dự kiến kéo dài đến hết ngày mai.
Dương Phong
Theo Dantri
Bất ngờ chuyện sống thử 3 năm như vợ chồng của Việt Anh "Chạy án" và bạn gái Cũng theo diễn viên Chạy án, đám cưới chỉ là chuyện hình thức chứ không quan trọng. Mới đây, diễn viên Việt Anh Chạy án và vợ lên chức bố mẹ khi vẫn chưa có một đám cưới chính thức để công bố với mọi người. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nam diễn viên điển trai, anh và vợ 9x đã đăng...