Đường sắt trên cao chậm, thiếu vốn: Ai chịu trách nhiệm?
Đồng ý là phía Ngân hàng Trung Quốc chậm giải ngân, nên chậm tiến độ nhưng phải làm rõ ai là người chịu trách nhiệm.
Lại gửi văn bản cho Ngân hàng Trung Quốc
Chia sẻ với Đất Việt, chiều ngày 5/5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay, ngày 4/5, Bộ GTVT có cuộc họp thường kỳ với ban quản lý dự án đường sắt và tổng thầu Trung Quốc để đánh giá về tiến độ dự án.
Hiện nay phần hạ tầng chạy tàu cơ bản hoàn thành. Toàn bộ 13 nhà ga trên cao của tuyến đường sắt cũng đã hoàn thành kết cấu chính và cơ bản hoàn thành công tác trang trí, hoàn thiện.
Đường ray chính tuyến và đường ray đường thử tàu đã hoàn thành. Nhà thầu đang triển khai thi công đường ray kết nối khu depot và ray nhánh nội bộ đến các phân khu rà soát, sửa chữa, lập tàu…Tuy nhiên, phần nền đường, hàng rào, đường nội bộ, một số hạng mục và gói thiết bị phục vụ dự án đang thi công nhưng vẫn chậm.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã cơ bản hoàn thành phần xây lắp và hạ tầng chạy tàu
Về nguyên nhân, theo ông Trường, đại diện tổng thầu EPC Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, ông Đường Hồng – Giám đốc điều hành dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông thừa nhận, sở dĩ dự án chậm tiến độ là do thiếu vốn để thanh quyết toán các công việc hoàn thành cho các nhà thầu.
Mặc dù ban quản lý dự án đường sắt cũng như tổng thầu đã tích cực làm việc với các cơ quan liên quan cũng như Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (Eximbank) nhưng vốn vẫn chưa được giải ngân đầy đủ cho dự án.
Bên cạnh đó, ông Trường cho biết: “Bộ GTVT sẽ có văn bản gửi sang ngân hàng Eximbank Trung Quốc đề nghị nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để giải ngân vốn phục vụ dự án”.
Theo kế hoạch đặt ra là cuối tháng 7/2017 dự án sẽ hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị, tháng 10/2017 sẽ chạy thử liên động toàn hệ thống trong khoảng thời gian từ 3 – 6 tháng.
Video đang HOT
Câu hỏi không lời đáp…
Đưa ra quan điểm về câu chuyện trên, PGS.TS Nguyễn Đình Thám – Bộ môn Công nghệ và quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng HN cho biết: “Đầu tiên cần phân biệt rõ, việc vay tiền là của chính phủ Trung Quốc qua Ngân hàng, còn đơn vị trúng thầu thi công là đơn vị khác, hai đơn vị này hoàn toàn khác nhau. Bên nhà thầu họ chỉ cần biết chủ đầu tư có tiền trả thì họ làm, còn chủ đầu tư ký hợp đồng vay ODA của Trung Quốc thì có nhiệm vụ giải ngân tiền.
Nếu làm chặt chẽ thì trong hợp đồng phải có ràng buộc, giải ngân theo từng cách và có kế hoạch cụ thể, một là theo tiến độ; hai là theo thời gian, chứ không có chuyện lúc nào thích thì giải ngân.
Bây giờ nhà thầu nói là do thiếu vốn, thì cần xử lý ngay cho họ, lúc đó mới yêu cầu hoàn thành đúng tiến độ, đây là cách đá quả bóng trách nhiệm sang bên chúng ta một cách danh chính ngôn thuận.
Quan trọng là trong hợp đồng với nhà thầu, người ký hợp đồng và theo dõi hợp đồng phải nắm chắc các điều kiện đó, để xem lỗi ở đâu, chứ còn cứ làm đến đâu gỡ đến đó rất tệ”.
Theo ông Thám, cũng có khả năng hợp đồng của chúng ta có kẽ hở, nên nhà thầu họ bắt chẹt, cần phải làm rõ trong hợp đồng ký kết quy định cung cấp vốn trước khi xây dựng hay làm xong rồi thanh toán. Hợp đồng Việt Nam hay có kiểu làm xong thanh toán một khoản tiền theo biên bản xác nhận khối lượng đã hoàn thiện, để lại một phần tiền coi như bảo hành.
Nếu chúng ta ký hợp đồng dưới dạng tiến độ thì họ làm đến đâu mình phải thanh toán đến đó.
“Như tôi được biết, Tổng thầu Trung Quốc là người đứng ra làm việc với Ngân hàng Trung Quốc về việc giải ngân, tại sao lại ký một hợp đồng vay vốn; chúng ta là chủ đầu tư, người đứng ra vay tiền, trả lãi mà lại để Tổng thầu Trung Quốc cầm tiền, dành quyền chi tiêu? Có thể thấy, họ đang tự tung tự tác khi nắm quá nhiều quyền hành từ nguồn vốn đầu tư cho đến kỹ thuật.
Đồng ý là phía Ngân hàng Trung Quốc chậm giải ngân, nên Tổng thầu chưa có tiền trả cho nhà thầu phụ, nhưng vẫn phải tìm được nguyên nhân chậm do ai, ai là người chịu trách nhiệm, cá nhân hay tổ chức, đơn vị nào.
Sau đó, xem xét các bên có làm đúng hợp đồng vay vốn cam kết hay không, xem trách nhiệm từng bên, không thể có chuyện mỗi lúc một lý do, chấm dứt chuyện để Tổng thầu tạo sức ép, còn phía Việt Nam thụ động gánh chịu hậu quả như hiện nay.
Và đây là bài học của việc thiếu kinh nghiệm, sự chặt chẽ khi làm các thủ tục vay vốn, chỉ định thầu. Cuối cùng chủ nợ là Trung Quốc vẫn có lợi, vì họ cho vay, chậm ngày nào lợi ngày đó, nên nếu không theo dõi hợp đồng chặt chẽ thì chúng ta sẽ chịu thua thiệt”, vị chuyên gia nói rõ.
(Theo Đất Việt)
Nghệ An đề nghị Trung ương giám sát việc thu phí BOT
Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền đề nghị Trung ương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát mức giá, lộ trình tăng giá vé, thời gian thu phí, minh bạch về kiểm soát phương tiện qua trạm thu phí các dự án BOT.
Trạm thu phi Bến Thủy hiện là 1 trong 2 trạm thu phí hoàn vốn dự án BOT tuyến tránh TP Vinh đi qua tỉnh Nghệ An do Cienco 4 làm chủ đầu tư.
Sáng 21/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT. Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 2 dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT. Trong đó, tuyến tránh TP Vinh dài 25km do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) đầu tư theo hình thức BOT, được sử dụng nguồn vốn thu phí tại trạm thu phí cầu Bến Thủy và Bến Thủy 2.
Dự án mở rộng QL1A đoạn Km368 400 (Nghi Sơn) - Km402 330 (Cầu Giát) qua tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An do Liên danh Cienco 4 - Tổng Công ty 319 đầu tư xây dựng, sử dụng nguồn vốn thu phí tại trạm thu phí Hoàng Mai để hoàn vốn.
Ông Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị các Bộ, ngành có giải pháp giải quyết hợp lý đối với người dân đi qua Trạm thu phí cầu Bến Thủy.
Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, các dự án BOT vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc về chế tài quản lý cũng như cơ chế chính sách. Đặc biệt, giá thu phí, lộ trình tăng phí các công trình giao thông theo hình thức BOT nhiều điểm còn chưa phù hợp.
Thời gian vừa qua, rất nhiều người dân huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) và thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) đã nhiều lần đưa xe ô tô ra tập trung hai đầu cầu Bến Thủy để phản đối đơn vị BOT thu phí tại đây. Người dân cho rằng di chuyển trên tuyến Quốc lộ 1A từ TP Vinh sang huyện Nghi Xuân qua cầu Bến Thủy và ngược lại là không đi trên dự án BOT tuyến tránh Vinh, nhưng phải gánh phí với mức cao là bất hợp lý.
Phía Cienco 4 mặc dù đã có nhiều điều chỉnh về giá cũng như các chính sách hỗ trợ khác nhưng chưa nhận được sự đồng tình của người dân.
Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An.
UBND tỉnh Nghệ An đề nghị các Bộ, ngành có giải pháp giải quyết một cách lâu dài, hợp lý, đảm bảo quyền lợi của nhân dân và của Nhà đầu tư. Theo ông Huỳnh Thanh Điền, cần bổ sung cơ chế chính sách liên quan đến công trình BOT; tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, cần triển khai xây dựng và có quy định mức giá, lộ trình tăng giá, thời gian thu phí phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhân dân và nhà đầu tư.
Tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Bộ GTVT có giải pháp giải quyết một cách lâu dài trước kiến nghị của các chủ phương tiện không đi trên tuyến tránh mà vẫn phải nộp phí khi đi qua cầu Bến Thủy.
Ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Cienco 4 cho rằng, kiến nghị di dời trạm thu phí cầu Bến Thủy của người dân hay miễn phí cho người sống hai bên cầu là rất khó khăn cho nhà đầu tư. Lộ trình tăng phí của cầu Bến Thủy phù hợp với Thông tư 159 của Bộ GTVT. Trên cơ sở kiến nghị của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Cienco 4 kiến nghị với Bộ GTVT, Bộ Tài chính sớm có giải pháp giảm thu phí cầu Bến Thủy, giải quyết bức xúc của người dân trên địa bàn.
Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm tra dự an BOT tuyến tránh thành phố Vinh.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, đoàn sẽ tập hợp, rà soát các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Nghệ An để Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá lại hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến mô hình BOT trong thời gian tới.
Liên quan đến việc thu phí cầu Bến Thủy, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tìm giải pháp giảm phí cho người dân thường xuyên đi qua cầu Bến Thủy. Bộ cũng chỉ đạo các trạm thu phí chuyển sang thu phí không dừng để chống ùn tắc và tạo minh bạch tại các trạm thu phí BOT.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Tổng thầu Trung Quốc: Đường sắt Cát Linh Hà Đông vẫn thiếu tiền! Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) hiện đã cơ bản hoàn thành phần xây lắp công trình và hạ tầng chạy tàu, tuy nhiên các hạng mục phụ trợ của dự án vẫn còn chậm. Nguyên nhân của vấn đề được phía Tổng thầu Trung Quốc thừa nhận là do thiếu tiền. Dự án đường sắt Cát Linh...