Đường sắt là ‘chủ đạo’ trong hệ thống giao thông
Luật đường sắt (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, quy định ưu tiên phân bổ ngân sách Trung ương cho lĩnh vực này.
Chiều 16/6, với hơn 80% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).
Luật này đưa ra hàng loạt chính sách của nhà nước về phát triển đường sắt, trong đó có việc ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và đô thị, bảo đảm lĩnh vực này đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống giao thông vận tải cả nước.
Đồng thời, để bảo đảm phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy hoạch, Luật nêu rõ ưu tiên phân bổ ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm với tỉ lệ thích đáng.
Tỷ lệ đầu tư cho ngành đường sắt là một trong những nội dung được đề cập nhiều trong quá trình thảo luận dự án Luật này.
Theo Bộ trưởng Giao thông Trương Quang Nghĩa, Việt Nam là một trong không nhiều nước sớm có hệ thống đường sắt hiện đại, nhưng sau 100 năm thì kém dần và nay thì thực sự rất lạc hậu. Trong khi đó, giai đoạn 2011-2015, đầu tư cho ngành đường sắt chỉ chiếm khoảng 3% tổng cơ cấu đầu tư của ngành giao thông, đường bộ là gần 90%.
Trước khi Luật được thông qua, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định cụ thể tỷ trọng đầu tư tối thiểu trong tổng vốn đầu tư cho ngành giao thông vận tải để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, ấn định tỉ lệ này tối thiểu là 35%. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy đây là ý kiến rất tâm huyết nhằm tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt.
Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, nếu quy định cứng về tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực đường sắt trong tổng vốn đầu tư cho ngành giao thông vận tải sẽ khó khả thi trong thực tế, vì việc phân bổ nguồn vốn cho các phương thức vận tải cần phải đảm bảo tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng thời kỳ và đảm bảo tính hiệu quả trong việc sử dụng vốn.
Video đang HOT
Đường sắt sẽ đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống giao thông vận tải.
Ngoài ra, Luật cũng quy định dành quỹ đất theo quy hoạch để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, công trình công nghiệp đường sắt; khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp đường sắt, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển đường sắt hiện đại…
Hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và việc sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này.
Kinh doanh đường sắt được ưu đãi
Điểm mới đáng chú ý trong Luật đường sắt (sửa đổi) vừa được thông qua là việc đưa kinh doanh trong lĩnh vực này vào các ngành, nghề ưu đãi đầu tư.
Theo đó, tổ chức, cá nhân hoạt động đường sắt được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ như: Giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích xây dựng kết cấu hạ tầng; căn cứ vào khả năng nguồn lực thực tế, Nhà nước cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi…
Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, đường sắt đô thị và công nghiệp đường sắt được hưởng mức ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, doanh nghiệp còn được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện giao thông đường sắt mà trong nước chưa sản xuất được…
Tổ chức, cá nhân khi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị được Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng.
Trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị bỏ ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp kinh doanh trong hoạt động đường sắt, vì như vậy có thể tạo sự bất bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng đây một lĩnh vực rất đặc thù, đầu tư rất lớn, việc thu lại nguồn vốn rất chậm, vì vậy cần thiết giữ nội dung về ưu đãi như nêu trên.
Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018.
Luật dành các chương riêng cho đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao. Trong đó, yêu cầu đối với đường sắt tốc độ cao là kết nối hiệu quả các đô thị lớn, trung tâm kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm và các phương thức vận tải khác.
Đường sắt tốc độ cao phải được nghiên cứu tổng thể toàn tuyến, và tổ chức xây dựng theo nhu cầu vận tải, khả năng huy động vốn.
Xuân Hoa – Hoàng Thuỳ
Theo VNE
Phó thủ tướng yêu cầu nâng tốc độ tàu Bắc Nam lên 90 km/h
Lãnh đạo Tổng công ty đường sắt cho hay để tăng tốc độ tàu tuyến Bắc Nam thì phải nâng cấp hạ tầng , với tổng chi phí khoảng 1,8 tỷ USD.
Ngày 22/12, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thị sát ga Hà Nội, Giáp Bát và làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về thực trạng hạ tầng đường sắt, hướng đầu tư để nâng cao năng lực chạy tàu.
Tại đây, Phó thủ tướng yêu cầu ngành đường sắt có thứ tự ưu tiên các dự án nâng cấp tuyến Bắc Nam, để từng bước đạt mục tiêu tốc độ tàu hành khách đạt 90 km/h (hiện trung bình khoảng 50 km/h). Trong đó từng bước đầu tư khắc phục nút thắt về hạ tầng; nâng cấp nhà ga; từng bước xóa bỏ các điểm giao cắt đồng mức đường sắt-đường bộ; nâng cấp trang thiết bị ngành
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành đường sắt tập trung hoàn thành báo cáo xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao để có thể tìm kiếm chủ đầu tư, trình Quốc hội cho chủ trương đầu tư vào năm 2018.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao đổi với hành khách tại ga Hà Nội. Ảnh: Xuân Hoa
Theo Thứ trưởng Giao thông Vận tải, kiêm phụ trách HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN Nguyễn Ngọc Đông, mạng đường sắt quốc gia dài 3.143 km đã xây dựng từ lâu nên lạc hậu. Trong khi đó, giao cắt đường sắt và đường bộ trên các tuyến dày đặc, trung bình 0,5 km xuất hiện một giao cắt. Toàn mạng lưới có khoảng hơn 6.000 đường ngang, lối dân sinh.
"Vốn cho duy tu đường sắt hàng năm dao động từ 1.700 - 2.000 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp, chỉ đáp ứng được khoảng 40% so với nhu cầu; chiếm khoảng 2-3% tổng vốn đầu tư cho giao thông", Thứ trưởng Đông nói và kiến nghị Chính phủ ưu tiên vốn trung hạn cho các dự án tháo nút thắt về hạ tầng đường sắt; về hành lang, đường gom an toàn đường sắt; ưu đãi cho đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt...
Phó thủ tướng thị sát khu điều độ chạy tàu, nhà ga, bãi hàng ga Giáp Bát. Ảnh: Xuân Hoa
Ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt cho biết thêm, thị phần vận tải đường sắt thấp và ngày càng có dấu hiệu suy giảm. Năm 1995, đường sắt chiếm 11,7% tổng lượng luân chuyển hành khách, nay chỉ đạt 3,2%; và từ 7,9% tổng lượng luân chuyển hàng hóa toàn ngành giao thông cũng trong năm này, hiện chỉ đạt 1,9%.
"Để tăng tốc độ tàu tuyến Bắc Nam thì phải nâng cấp hạ tầng đường sắt với tổng chi phí khoảng 1,8 tỷ USD", ông Tùng nhấn mạnh.
Hiện toàn ngành có 295 đầu máy với nhiều chủng loại, công suất khác nhau. Loại đầu máy cũ có công suất, tốc độ thấp, tiêu hao nhiều nhiên liệu vẫn còn nhiều (gần 60%). Trong số 1.045 toa xe khách các loại, đa số có thời gian khai thác từ trên 10 năm đến 20 năm, loại có điều hòa không khí chỉ chiếm 60%. Tốc độ kỹ thuật cho phép khai thác của toa xe phần lớn chỉ đạt 80km/h.
Đoàn Loan
Theo VNE
Ý kiến trái chiều việc khởi động lại dự án đường sắt cao tốc tỷ đô Lãnh đạo ngành giao thông cho rằng cần khẩn trương xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam để đáp ứng yêu cầu vận chuyển khối lượng lớn, tuy nhiên cựu đại biểu Quốc hội không ủng hộ dự án vì sẽ đẩy nợ công lên cao. Trao đổi với VnExpress, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ...