Đường sắt đô thị Cát Linh Hà Đông: Khi nào chính thức vận hành?
Sau nhiều lần gia hạn, Bộ Giao thông vận tải cam kết sẽ đưa vào vận hành, khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông trong quý I-2021. Tuy nhiên với những gì đã từng diễn ra, nhiều người cho rằng vẫn chưa thể nói chắc khi nào sẽ đưa vào khai thác thương mại.
Vận hành thử tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.
Theo Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt (Bộ GTVT), Tổng thầu EPC dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vừa hoàn thành công tác vận hành thử toàn hệ thống 20 ngày theo đề cương được duyệt để kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu vận hành phục vụ công tác đánh giá an toàn, nghiệm thu kỹ thuật.
Trong thời gian vận hành thử toàn hệ thống 20 ngày, Tổng thầu EPC và Metro Hà Nội đã thực hiện hơn 5.700 chuyến tàu chạy, với tổng số hơn 70.000 km vận hành an toàn dưới sự giám sát bởi Tư vấn giám sát. Quá trình vận hành cũng đã được các đơn vị như Tư vấn đánh giá độc lập về an toàn hệ thống (Liên danh ACT), các Cục, Vụ trực thuộc Bộ GTVT, các đơn vị của UBND thành phố Hà Nội, các bộ, ngành khác và Hội đồng nghiệm thu nhà nước tham gia một số buổi kiểm tra.
Ông Vũ Hồng Trường – Tổng giám đốc Hanoi Metro cho biết, trong khoảng 2 tuần đầu tiên tuyến tàu điện này đưa vào hoạt động chính thức, người dân được đi lại miễn phí. Tại các sảnh đón khách ở các nhà ga sẽ được bố trí các dịch vụ tiện ích như mua sắm, dịch vụ ngân hàng, trưng bày sản phẩm, ăn uống nhẹ…
Đại diện Hà Nội Metro cũng cho hay, đơn vị đang chuẩn bị các điều kiện về tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực để xây dựng bộ máy khai thác vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội. Tuyến tàu điện này cũng đã đưa đoàn tàu đầu tiên về dự án và theo kế hoạch cũng sẽ được đưa vào khai thác 8,5 km trên cao, với 8 nhà ga vào cuối năm 2021.
Sau nhiều lần gia hạn vận hành, khai thác thương mại, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã cam kết sẽ đưa vào vận hành, khai thác tuyến này trong quý 1/2021.
Video đang HOT
Như vậy, sau khi chính thức vận hành khai thác vào đầu năm 2021, hành khách đi tàu có thể mua vé tàu Cát Linh – Hà Đông qua một hệ thống bán vé tự động hoặc tại quầy và sử dụng thẻ để ra vào ga.
Khi mua vé tàu Cát Linh – Hà Đông, hành khách sẽ phải tới các nhà ga thực hiện các thao tác trên hệ thống bán vé như: Chọn điểm đến, máy sẽ thông báo số tiền, hành khách chỉ cần đưa tiền vào máy sẽ trả vé và trả lại tiền thừa. Giá vé sẽ được làm tròn tới đơn vị nghìn đồng. Cụ thể, giá vé được TP Hà Nội lấy ý kiến sẽ có 3 loại, áp dụng theo tháng, ngày và vé lượt. Khách đi theo tháng, giá vé là 200.000 đồng, vé ngày 30.000 đồng đi không giới hạn. Đối với vé lượt, di chuyển toàn tuyến tối đa là 15.000 đồng/lượt/ người. Đi quãng đường ngắn nhất là 8.000 đồng/người. Vé lượt có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ.
Sau khi mua vé, hành khách sẽ đi qua cửa soát vé tự động, có 6 cửa soát vé, 3 vào, 3 cửa ra, mỗi 1 cửa trong 1 phút có thể đọc được 42 hành khách. Nếu tới điểm ra mà hành khách đi quá chặng sẽ phải cho vé vào máy để điều chỉnh. Hành khách đi không đúng điểm sẽ không ra được khỏi tàu. Đối với những hành khách mua nhầm vé tàu Cát Linh – Hà Đông, lãnh đạo Hà Nội Metro cho biết, nếu hành khách bị nhầm hướng sẽ vẫn phải trả tiền bằng mức quy định.
Trong tương lai sẽ tiến tới tích hợp 1 thẻ trả tiền trước có thể đi được cả xe buýt, tàu điện Metro, gửi xe, mua hàng. Nhưng giai đoạn trước mắt thẻ trả tiền trước này được áp dụng với Metro Hà Nội.
Với thông tin đưa vào vận hành chính thức trong quý I/2021 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, giới chuyên gia giao thông kỳ vọng, phương thức vận chuyển mới này sẽ phát huy hiệu quả đầu tư, nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, góp phần hạn chế vấn nạn ùn tắc giao thông của Hà Nội.
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Sẵn sàng các kịch bản vận hành
Từ ngày 12-12-2020 đến 31-12-2020, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bắt đầu vận hành thử toàn bộ hệ thống để hoàn thành đánh giá an toàn trước khi đưa vào khai thác thương mại.
Các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội khẳng định đã sẵn sàng các kịch bản tiếp nhận và vận hành phục vụ nhân dân Thủ đô.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành thử hệ thống trong 20 ngày để cấp chứng nhận an toàn. Ảnh: Huy Hùng
20 ngày vận hành thử toàn bộ hệ thống
Quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông - Vận tải) Vũ Hồng Phương cho biết, trong thời gian vận hành thử toàn bộ hệ thống, đoàn tàu vận hành theo đúng biểu đồ chạy tàu để tổng thầu, tư vấn đánh giá, kiểm chứng mức độ an toàn, chính xác của hệ thống; diễn tập các tình huống ứng phó khẩn cấp, nghiệm thu bảo vệ môi trường, hệ thống phòng cháy, chữa cháy... Trong thời gian vận hành thử có sự tham gia của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Cụ thể, từ ngày 12-12-2020, các đoàn tàu sẽ được vận hành từ 5h đến 23h hằng ngày. Trong giờ bình thường, tổ chức chạy 6 đoàn tàu, giờ cao điểm có 9 đoàn tàu chạy theo hai hướng từ đầu tuyến đến cuối tuyến hai ga Cát Linh và Yên Nghĩa.
Trước khi vận hành thử hệ thống 20 ngày, Tổng thầu EPC Trung Quốc của dự án cũng thực hiện chạy thử đoàn tàu 8 ngày để kiểm tra, nghiệm thu các hạng mục chuyên biệt.
Về phía đơn vị đảm nhận việc vận hành dự án, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường cho biết, các nhân sự được đào tạo cho dự án đến nay đã sẵn sàng cho công tác vận hành thử, trong đó các lái tàu có thể độc lập điều khiển tàu, không cần sự kèm cặp trực tiếp của chuyên gia đào tạo thực hành.
3 kịch bản kết nối và vận hành
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) Thái Hồ Phương cho biết, thành phố đã sẵn sàng các kịch bản kết nối giữa dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông với hệ thống xe buýt để phát huy hiệu quả cho hệ thống giao thông công cộng Thủ đô.
Theo đó, thành phố đã chia ra làm 3 kịch bản. Kịch bản thứ nhất, trong 15 ngày đầu chạy miễn phí sẽ tổ chức khai thác các tuyến buýt theo như phương án hiện đang vận hành, các chỉ tiêu khai thác giữ nguyên như hiện tại để bảo đảm việc đi lại của hành khách không bị xáo trộn.
Kịch bản thứ hai, sau thời gian chạy miễn phí (đường sắt đô thị hoạt động bình thường với 10 đoàn tàu) sẽ tổ chức, điều chỉnh lại các tuyến buýt bảo đảm nguyên tắc và mục tiêu kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống xe buýt với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, bảo đảm theo lộ trình, các tuyến buýt ít bị ảnh hưởng điều chỉnh trước, các tuyến buýt bị ảnh hưởng lớn điều chỉnh sau, hạn chế tới mức thấp nhất đối với hành khách hiện nay do xe buýt đảm nhận. Với kịch bản này sẽ điều chỉnh có lộ trình đối với 4 tuyến buýt (tuyến số 02, 21, 27, 33) trùng lộ trình với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Cụ thể, sau 3 tháng tàu đi vào khai thác thương mại sẽ điều chỉnh hợp nhất 2 nhánh tuyến 21A (Bến xe Giáp Bát - Bến xe Yên Nghĩa) và nhánh tuyến 21B (Khu đô thị Pháp Vân, Tứ Hiệp - Bến xe Mỹ Đình) thành một tuyến buýt ngang số 21 (Khu đô thị Pháp Vân, Tứ Hiệp - Trần Vỹ) kết nối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tại 2 ga (Thượng Đình, Vành đai 3), cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ Ga Vành đai 3 đến Ga Yên Nghĩa (7,5km) bảo đảm tăng cường kết nối ngang, giảm dần kết nối dọc.
Sau 6 tháng tàu đi vào khai thác thương mại sẽ điều chỉnh tuyến buýt 27 (Bến xe Yên Nghĩa - Nam Thăng Long) thành tuyến buýt kết nối ngang (Khu đô thị Định Công - Nam Thăng Long) kết nối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tại Ga Láng, cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ Ga Láng đến Bến xe Yên Nghĩa (10km). Sau 9 tháng tàu đi vào khai thác thương mại sẽ điều chỉnh tuyến buýt 02 (Bác Cổ - Bến xe Yên Nghĩa) thành tuyến buýt ngang (Bác Cổ - Bến xe Mỹ Đình) kết nối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tại Ga Láng, cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ Ngã Tư Sở tới Bến xe Yên Nghĩa (9km)...
Kịch bản thứ ba là khi đoàn tàu gặp sự cố. "Đây là điều được thành phố tính tới nhằm bảo đảm an toàn hệ thống và ít ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân. Khi đó sẽ tổ chức thêm các lượt xe tăng cường để giải tỏa hành khách... Cùng với đó, thành phố Hà Nội sẽ phát triển thẻ vé điện tử cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Loại vé này sẽ tích hợp với thẻ vé của các hệ thống đường sắt đô thị cũng như xe buýt thường, xe buýt nhanh trong tương lai nhằm bảo đảm tiện lợi nhất cho hành khách", ông Thái Hồ Phương nói.
Chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông Những ngày này, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trên địa bàn TP Hà Nội bắt đầu được vận hành thử toàn bộ hệ thống để hoàn thành đánh giá an toàn trước khi đưa vào khai thác thương mại. Các cơ quan chức năng của TP Hà Nội khẳng định đã sẵn sàng tiếp nhận và vận hành...