Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông: Giá vé ngày là 30.000 đồng
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa đưa ra Dự thảo phương án giá vé vận chuyển hành khách công cộng có trợ giá trên tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh-Hà Đông.
Vận hành chạy thử tàu trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sẽ có giá vé ngày 30.000 đồng/ngày (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày) và giá vé tháng 200.000 đồng/người/vé (dành cho đối tượng hành khách phổ thông đi lại trên tuyến này).
Đây là nội dung được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra tại Dự thảo phương án giá vé vận chuyển hành khách công cộng có trợ giá trên tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh-Hà Đông.
Theo phía thành phố Hà Nội, phương án giá vé vận chuyển hành khách công cộng có trợ giá áp dụng trong thời gian thí điểm vận hành thương mại tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh-Hà Đông. Giá vé trên đã bao gồm tiền bảo hiểm thân thể hành khách đi trên tuyến 2A Cát Linh- Hà Đông và các khoản chi phí trung gian thanh toán nếu có.
Video đang HOT
Hà Nội cũng đề nghị Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế thành phố Hà Nội hướng dẫn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước Một thành viên Đường sắt Hà Nội thực hiện mức giá vé theo đúng đối tượng; chấp hành đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý vé, biên lai, ấn chỉ.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng quy trình mua vé tháng cho đối tượng ưu tiên theo các quy định hiện hành.
Trước đó, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, qua khảo sát, 95% số người được hỏi cho biết sẽ phải đi ít nhất là một lần đi thử và đa phần người dân có thể chấp nhận đi tuyến này giá vé lượt cao hơn buýt thông thường từ 35-37%. Tuy nhiên, số đông người dân thích sử dụng vé tháng hơn và chấp nhận cao hơn 10-15% xe buýt.
Đề cập về giá vé cụ thể, theo ông Trường, mức giá vé là do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định theo hướng làm sao để cạnh tranh với phương tiện cá nhân và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, giá vé sẽ được Nhà nước trợ giá nên cũng sẽ không quá cao.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã có một quy định khung về tiêu chuẩn thẻ vé. Vé đi metro, xe buýt phải cùng một khung công nghệ để có thể kết nối được với nhau, tiến tới có thể dùng cả cho đỗ xe và các phương tiện giao thông công cộng khác.
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng). Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi hết quý 1/2019 mới khai thác thương mại.
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến./.
Theo Việt Hùng (Vietnam )
Tàu Cát Linh - Hà Đông hoạt động miễn phí nửa tháng
Bộ GTVT vừa có kế hoạch đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Metro số 2A) vào vận hành thương mại từ tháng 4/2019 sau khi kết thúc vận hành thử nghiệm.
Để phục vụ cho kế hoạch này, Sở GTVT Hà Nội và đơn vị tiếp nhận, vận hành vừa đưa ra phương án điều chỉnh lộ trình 34 tuyến buýt để "hút" khách cho metro và chạy tàu miễn phí trong vòng nửa tháng.
Tàu Cát Linh-Hà Đông vận hành thương mại ra sao?
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Tổng thầu Trung Quốc vừa có đề xuất kết thúc chạy thử dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào cuối quý 1/2019 và chính thức đưa vào vận hành thương mại toàn tuyến từ tháng 4/2019. "Để chuẩn bị cho kế hoạch này, Bộ GTVT đã giao cho Ban quản lý dự án đường sắt và Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Metro Ha Noi) rà soát các hạng mục, kế hoạch vận hành để Bộ có quyết định cụ thể về việc này", ông Đông nói.
Trước đó, Ban quản lý dự án đường sắt và Tổng thầu Trung Quốc đã triển khai kế hoạch chạy thử các đoàn tàu metro từ tháng 9/2018, thời gian vận hành kỹ thuật dự kiến từ 3 đến 6 tháng, mục tiêu của kế hoạch này là sẽ đưa dự án vào khai thác trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Tuy nhiên, mục tiêu này đã không thực hiện được. Lý giải về việc này, đại diện Bộ GTVT cho rằng, dự án còn nhiều hạng mục cần có thêm thời gian khớp nối các thông số kỹ thuật, riêng phần xây lắp vẫn còn 4% chưa thi công xong.
Chuẩn bị cho tuyến metro Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động, Sở GTVT Hà Nội cũng vừa đưa ra phương án điều chỉnh lộ trình 34 tuyến buýt đang chạy song song hoặc cắt ngang hành trình tuyến metro số 2A. Cụ thể, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, dọc hành lang tuyến metro đang có 34 tuyến buýt đang hoạt động, các tuyến buýt này chiếm khoảng 30% số lượng tuyến của toàn mạng xe buýt tại Hà Nội.
Từ kế hoạch vận hành của tuyến metro số 2A, để tránh tình trạng xe buýt chạy trùng tuyến với metro, bên cạnh đó vẫn đảm nhiệm vai trò "hút" khách cho đường sắt trên cao, Sở GTVT đã xây dựng phương án điều chỉnh lộ trình 34 tuyến buýt theo 2 giai đoạn. Ở giai đoạn 1: Điều chỉnh đi tránh hoặc giảm tần suất khoảng 50% lượt xe của các tuyến buýt có lộ trình trùng với tuyến metro số 2A đoạn từ Ngã Tư Sở tới bến xe Yên Nghĩa (dài 9km); với 50% lượt xe còn lại vẫn duy trì hoạt động theo lộ trình như hiện nay để giảm xáo trộn, cùng với đó là trung chuyển và "hút" khách cho metro.
Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 18/2 về kế hoạch chuẩn bị tiếp nhận, vận hành tuyến metro đầu tiên của Hà Nội từ tháng 4 tới, ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Metro Ha Noi) cho biết, hiện Metro Hà Nội đã xây dựng xong kế hoạch tiếp nhận, vận hành. Với việc vận hành các đoàn tàu, ông Trường cho biết, bắt đầu từ 1/3 tới, thay vì hoạt động theo các thông số kỹ thuật của Tổng thầu, các đoàn tàu sẽ được hoạt động, điều hành theo kế hoạch vận hành của Metro Hà Nội.
Cũng theo ông Trường, để người dân có thời gian làm quen, tiếp cận và trải nghiệm tàu đô thị, Metro Hà Nội cũng có phương án, tàu sẽ hoạt động và chở khách miễn phí trong khoảng thời gian nửa tháng đầu.
TRỌNG ĐẢNG
Theo Danviet
TP.HCM kiểm điểm trách nhiệm sai sót ở tuyến Metro số 1 Ban quản lý đường sắt đô thị và các đơn vị liên quan phải rà soát lại toàn bộ quá trình thực hiện dự án, nguồn vay nước ngoài, trước ngày 31/3. UBND TP.HCM vừa giao Sở Nội vụ phối hợp các đơn vị liên quan kiểm điểm trách nhiệm, đề xuất hình thức xử lý các tập thể, cá nhân sai sót...