Đường sắt Cát Linh – Hà Đông lỡ hẹn lần thứ 10 : Bộ trưởng GTVT giải trình thế nào?
Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có báo cáo gửi Quốc hội giải trình việc chậm tiến độ của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có báo cáo gửi Quốc hội trước phiên trả lời chất vấn giải trình về những nhóm vấn đề được chọn chất vấn, công trình giao thông trọng điểm đội vốn lớn, chậm tiến độ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tiến độ nhiều dự án chậm, đội vốn. Một trong số đó là dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông.
Đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông đầu tiên được đặt tại ga trên cao La Khê (Ảnh: Toàn Vũ)
Đây là dự án được Bộ GTVT phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư là hơn 550 triệu USD (tương đương gần 8.800 tỷ đồng), được phê duyệt điều chỉnh năm 2016 với tổng mức đầu tư là 868 triệu USD (tương đương 18.000 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông có kế hoạch hoàn thành ban đầu trong năm 2016. Dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 18.001 tỷ đồng, tăng 9.232 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu. Quy mô xây dựng tuyến đường sắt đô thị trên cao với chiều dài 13,05 km, bao gồm 12 ga và 1 depot; cung cấp và lắp đặt hệ thống thiết bị phục vụ.
Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng cho phép gia hạn thời gian thực hiện dự án với tiến độ hoàn thành giai đoạn thực hiện dự án trong quý 4/2018 với thời gian vận hành, chạy thử và thực hiện các công việc khác từ 3 – 6 tháng.
Tuy nhiên, đến nay có một số khó khăn vướng mắc dẫn đến chưa hoàn thành giai đoạn thực hiện để đưa dự án vào khai thác như tiến độ dự kiến.
Bộ trưởng Bộ GTVT giải trình nguyên nhân của việc chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư dự án là do công trình có quy mô, tổng mức đầu tư lớn, có tính chất kỹ thuật phức tạp, công nghệ mới lần đầu được triển khai ở Việt Nam. Nhiều hạng mục chưa có trong quy trình trong nước, phải vận dụng, sử dụng quy trình, công nghệ của Trung Quốc.
Dự án được triển khai trong khu vực trung tâm thành phố, nên công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật khó khăn, thời gian kéo dài. Quy hoạch kết nối giữa các tuyến đường sắt đô thị và kết nối với các loại hình vận tải công cộng chưa được xác định cụ thể nên mất nhiều thời gian thỏa thuận, phê duyệt làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án.
Quá trình chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án dài, bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về thể chế, biến động về giá nguyên nhiên vật liệu, chính sách tiền lương và tỷ giá ngoại tệ… làm ảnh hưởng không nhỏ đến tổng mức đầu tư dự án.
“Vì việc thời gian kéo dài như thế, dự án trải qua 2 đợt nền kinh tế Việt Nam bị lạm phát cao. Năm 2008 – CPI 19,9%; giai đoạn 2010 – 2011 CPI lần lượt là 11,8% và 18,13%. Tổng tỷ lệ lạm phát của 3 năm này là 49,83%, ảnh hưởng lớn đến giá nhân công, vật tư, vật liệu xây dựng. Cộng với đó, việc tăng chi phí giải phóng mặt bằng dẫn đến tăng tổng mức đầu tư dự án là khó tránh khỏi,” báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ.
Bộ trưởng Thể cũng cho biết ở trong nước chưa có nền công nghiệp đường sắt phát triển, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm cơ khí chưa cao làm tăng giá sản phẩm đầu vào, tăng tổng mức đầu tư dự án. Dự án sử dụng vốn vay ODA nên phụ thuộc vào Hiệp định vay đã được ký kết với Nhà tài trợ.
Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên áp dụng hình thức Hợp đồng EPC (tuy nhiên, quy định về hợp đồng EPC chưa đầy đủ nên việc áp dụng khó khăn, lúng túng, đặc biệt là quy định về tính trọn gói giữa các yếu tố kỹ thuật và tài chính), quá trình thực hiện phụ thuộc nhiều vào tổng thầu.
Video: Đường sắt Cát Linh – Hà Đông lỡ hẹn lần thứ 10
Nguyên nhân khác là do yếu tố khác biệt về quy định giữa hai quốc gia (các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về hồ sơ thiết kế, dự toán) gây khó khăn trong điều hành, tổ chức thực hiện.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng thừa nhận nguyên nhân chủ quan, đây là dự án đầu tiên ở Việt Nam, kinh nghiệm lập dự án ban đầu của tư vấn trong nước còn hạn chế, chưa kiểm soát được kỹ thuật công nghệ; nhiều nội dung chưa được đề cập và nghiên cứu kỹ nên tổng mức đầu tư chưa phù hợp.
Bộ máy quản lý dự án mới được hình thành, năng lực còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương có liên quan chưa chặt chẽ và đồng bộ, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các thủ tục đầu tư.
Ngoài ra, tổng thầu chưa phải là đơn vị chuyên nghiệp, không có đầy đủ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện dự án tổng thể bao gồm cả xây lắp, thông tin tín hiệu và đào tạo vận hành đồng bộ dẫn đến công tác quản lý điều hành của tổng thầu còn nhiều lúng túng và bất cập.
Công tác giải ngân của Hiệp định vay bổ sung gặp nhiều vướng mắc do các bên chưa thống nhất được ý kiến pháp lý (Hiệp định vay bổ sung được kết từ 11/5/2017 nhưng đến 28/12/2017 các bên mới thống nhất được ý kiến pháp lý và đến ngày 25/4/2018 mới thống nhất được 13 điều kiện cho lần giải ngân đầu tiên của dự án).
Đến nay, đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông hoàn thành 99% khối lượng xây lắp. Riêng vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 90% khối lượng thiết bị. Các đơn vị đang vận hành, căn chỉnh toàn hệ thống để đưa vào khai thác thương mại trong năm 2019.
MINH ĐỨC
Theo VTC
Đại biểu QH truy trách nhiệm để dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn "khủng"
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khi trả lời chất vấn sáng nay 5-6 cho biết Tổng thầu Trung Quốc trong dự án Đường sắt Cát Linh-Hà Đông do phía Trung Quốc chỉ định vì ràng buộc trong hiệp định vay vốn.
ĐB Nguyễn Minh Đức (TP HCM) chất vấn về trách nhiệm cá nhân khi để dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn khủng
Sáng nay 5-6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn văn Thể là thành viên Chính phủ thứ ba trả lời chất vấn trước Quốc hội (QH).
Vấn đề đội vốn các công trình giao thông, nhất là dự án đường sắt đô thị, xử lý trách nhiệm cá nhân để xảy ra tình trạng này được đại biểu (ĐB) QH rất quan tâm.
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Minh Đức (TP HCM) và ĐB Bùi văn Xuyền (Thái Bình) về truy trách nhiệm các cá nhân khi để dự án Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đội vốn "khủng", Bộ trưởng GTVT cho biết dự án này thực hiện theo hiệp định vay vốn giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó Tổng thầu do bên vay vốn là Trung Quốc chỉ định.
Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông gây nhiều bức xúc trong dư luận - Ảnh: Ngô Nhung
Theo ông Nguyễn Văn Thể, quá trình triển khai dự án, Tổng thầu Trung Quốc có kinh nghiệm xây dựng đường sắt tốt, nhưng vận hành đường sắt thì thiếu kinh nghiệm, vì thi công và vận hành tàu đường sắt đô thị là 2 việc khác nhau. Và Bộ GTVT đã làm việc với các đơn vị liên quan của Trung Quốc nhiều lần để cải thiện tình hình, cố gắng đưa dự án sớm đi vào vận hành.
Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết hiện dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, còn 1% là một số hạng mục nhỏ và tổng thầu đang triển khai công tác chứng minh an toàn hệ thống.
"Bộ GTVT đã thuê một số tư vấn nước ngoài, trong đó tư vấn Pháp đứng đầu để đánh giá an toàn hệ thống. Nếu tổng thầu cung cấp thông tin không chuẩn thì tư vấn sẽ không thông qua phương án an toàn hệ thống"- ông Thể nói.
Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định đang cùng tổng thầu, đơn vị liên quan cố gắng kết thúc 1% phần việc còn lại của dự án, trong đó có việc chứng nhận tất cả thiết bị bảo đảm an toàn hệ thống; khi đó mới có thể vận hành thương mại tuyến đường sắt này.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư hơn 550 triệu USD (gần 8.800 tỉ đồng). Năm 2016, dự án được phê duyệt điều chỉnh với tổng mức đầu tư 868 triệu USD (18.000 tỉ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.
Quy mô xây dựng tuyến đường sắt đô thị trên cao với chiều dài 13,05 km, bao gồm 12 ga và 1 depot từ Cát Linh đến bến xe Yên Nghĩa, Hà Đông.
Dự án khởi công vào tháng 10-2011 với mục tiêu hoàn thành vào tháng 6-2014 và đưa vào khai thác 1 năm sau (năm 2015). Tuy nhiên, sau đó dự án lùi tiến độ vận hành đến tháng 6-2016, rồi tiếp tục lùi đến cuối năm 2016, cuối quý 2-2017.
Sau khi được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 868 triệu USD (18.000 tỉ đồng), dự án lùi đến tháng 10-1017, và lại tiếp tục lùi đến tháng 2-2018 rồi cuối năm 2018.
Tháng 9-2018, dự án chạy thử nghiệm và lại lùi thời gian vận hành đến tháng 4-2019. Dịp 30-4 năm 2019, dự án tiếp tục lỡ hẹn, lùi đến quý 2-2019. Tính ra, đến nay, dự án đã chậm tiến độ tới 4 năm.
Văn Duẩn - Minh Chiến
Theo Nguoilaodong
"Nóng" vấn đề BOT, dự án chậm tiến độ, đội vốn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời thế nào với ĐBQH? Hôm nay, ngày 5/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể sẽ trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV về những vấn đề nóng của ngành giao thông đã xảy ra trong thời gian qua. Đặc biệt, những vấn đề liên quan đến trạm thu phí BOT, những dự án ODA đội vốn, chậm tiến...