Đường sắt Cát Linh Hà Đông chỉ được đầu tư thêm 250 triệu USD
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, do có biến động giá rất lớn về mọi mặt dẫn đến trượt giá, nên năm 2013 Tổng thầu Trung Quốc đề nghị phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Trên cơ sở tính toán, Bộ GTVT và Tổng thầu thống nhất bổ sung thêm 250,62 triệu USD.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3 của Bộ GTVT vào chiều ngày 29/9.
Theo đó, tại cuộc họp báo trên, trả lời câu hỏi của PV liên quan đến tổng mức đầu tư, tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, dự án khởi công từ tháng 10/2009 với tổng mức đầu tư ban đầu là 550 triệu USD với nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc, theo hình thức tổng thầu EPC.
“Do có biến động giá rất lớn về mọi mặt dẫn đến trượt giá, nên năm 2013 Tổng thầu Trung Quốc đề nghị phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Trên cơ sở tính toán, Bộ GTVT và Tổng thầu Trung Quốc thống nhất bổ sung thêm 250,62 triệu USD”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, số vốn 250,62 triệu USD bổ sung cho dự án đã được thống nhất xong từ cách đây 3 năm. Mới đây nhân chuyến thăm của Thủ tướng sang Trung Quốc làm việc, hai bên thực hiện ký kết vay vốn cho dự án, không phải là vốn tăng thêm và vay mới.
Trước đó, đầu năm 2014, sau 5 năm thi công, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và sự phối hợp thực hiện, kinh nghiệm của ban quản lý dự án và năng lực nhà thầu đã khiến dự án chậm trễ, đội vốn đầu tư. Bộ GTVT đã kiến nghị cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án 552 triệu USD lên 891 triệu USD, tăng thêm 339 triệu USD so với tổng mức đầu tư được phê duyệt trước đó. Trong đó, các khoản phát sinh lớn nhất tại dự án là chi phí xây dựng (tăng 221 triệu USD), chi phí thiết bị (tăng 20 triệu USD), chi phí giải phóng mặt bằng (tăng 25 triệu USD)…
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2017.
Tại cuộc họp báo trên, đề cập đến tiến độ công trình, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, từ năm 2013 đến nay, theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, tiến độ của dự án đã được cải thiện tích cực, đến nay cơ bản kiểm soát tiến độ. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải giao cho Ban Quản lý dự án đường sắt đôn đốc, giám sát tiến độ của dự án.
Video đang HOT
Bộ đã làm với tổng thầu Trung Quốc chốt mốc thời gian cụ thể cuối năm nay, toàn bộ phần xây lắp liên quan tới kết cấu chính gồm hệ thống dầm, trụ, nhà ga… nói chung cơ bản phải hoàn thành.
“Đến tháng 6/2017, nhà thầu sẽ lắp đặt xong các thiết bị phục vụ cho đường sắt. Tới tháng 9/2017 sẽ đưa đường sắt Cát Linh- Hà Đông vào vận hành, khai thác thương mại. Chúng tôi khẳng định, đây là tiến độ cuối cùng và sẽ thực hiện được,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói.
Về thiết bị phục vụ hoạt động khai thác bao gồm 13 đoàn tàu, hệ thống đường ray, hệ thống thông tin tín hiệu, hệ thống nhà điều hành, nhà xưởng phục vụ bảo dưỡng,… Thứ trưởng Trường cho biết, hiện gói thiết bị (khoảng 200 triệu USD) đang được đàm phán để đảm bảo công nghệ mới nhất, đáp ứng tự động hoá cao, đặc biệt trong hệ thống thông tin tín hiệu và giá thành.
“Bộ GTVT đang mời các công ty thẩm định giá của Bộ Tài chính để thẩm định giá. Phía Trung Quốc cũng muốn Việt Nam sớm thẩm định giá để trên cơ sở giá đó triển khai đấu thầu”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói và khẳng định nếu không có gì thay đổi, hết quý I/2017 sẽ hoàn tất việc đấu giá cũng như mua sắm toàn bộ thiết bị. Sau 3 tháng lắp đặt, 3 tháng chạy thử, đến tháng 9/2017, dự án có thể khai thác thương mại.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng thầu EPC (Trung Quốc) tại cuộc họp giao ban định kỳ nhằm kiểm điểm tình hình thực hiện, kế hoạch, tiến độ thi công Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông vào chiều ngày 5/8 vừa qua, trong 6 tháng đầu năm, với tình hình rất khó khăn về nguồn vốn nhưng các nhà thầu phụ đã không ngừng thi công và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ. Hiện công tác thi công đã hoàn thành toàn bộ bệ trụ, thân trụ, xà mũ.
Ngoại trừ ga Cát Linh và ga Vành đai 3, còn lại 10 nhà ga khác đã xong toàn bộ kết cấu chính. Hiện nay đang thi công kết cấu phụ trợ, thang lên xuống và kết cấu thép.
Theo báo cáo, nhà điều hành khu Depot đang thi công kết cấu chính tầng 4, các công trình kiến trúc khác đang thi công phần móng cọc, bệ trụ. Công tác lao dầm cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn lại 18 phiến. Tỷ lệ ký kết hợp đồng với nhà thầu phụ đạt 90%, 10% còn lại chưa ký kết chủ yếu là hoàn thiện công trình phụ trợ, dự kiến sẽ ký xong vào cuối tháng 9.
Về tình hình giải ngân, thanh toán cho các nhà thầu phụ, đại diện Tổng thầu EPC cho biết, sau khi Tổng thầu điều động 60 triệu NDT vốn lưu động sang để chi trả, đơn vị này đã lần lượt thanh toán cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp vật tư và thanh toán chi phí quản lý dự án. Hiện còn nợ 340 tỷ, sau khi nhận được 19 triệu USD tạm ứng phần bổ sung, Tổng thầu sẽ lần lượt thanh toán cho các đơn vị…./.
Theo Thanh Niên
Hà Nội trồng hàng trăm cây xanh dưới gầm đường sắt trên cao
Hà Nội đã từng chặt hạ, đánh chuyển hàng trăm cây xanh cổ thụ khi triển khai xây dựng tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Gần đây thành phố lại triển khai trồng hàng loạt cây xanh ngay dưới gầm công trình đường sắt này, khiến nhiều người thắc mắc...
Nhiều người băn khoăn những cây xanh mới trồng này khi phát triển lên liệu có ảnh hưởng đến an toàn công trình đường sắt trên cao?
Theo ghi nhận của PV Dân trí, hiện nay tại phố Yên Lãng, Hoàng Cầu (quận Đống Đa - Hà Nội), ngay dưới gầm công trình đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông đã có hàng trăm cây xanh được trồng mới, chiều cao của những cây này khoảng 7-8m, đường kính thân chừng 15-30cm.
Người dân khu vực này cho biết, những cây trên mới được trồng từ đêm 28/9. Việc Hà Nội triển khai trồng hàng trăm cây xanh ngay phía dưới gầm công trình đường sất trên cao đã khiến nhiều người thắc mắc, lo ngại những cây này khi trưởng thành sẽ ảnh hưởng đến công trình đường sắt. Mặt khác, trước đó, Hà Nội đã từng chặt hạ và đánh chuyển hàng trăm cây xanh cổ thụ dọc tuyến đường Trần Phú (Hà Đông) - Nguyễn Trãi - đường Láng để triển khai xây dựng tuyến đường sắt nói trên, với lý do đảm bảo an toàn cho công trình này; nay lại trồng cây dưới gầm công trình, khiến nhiều người thấy lạ.
Liên quan đến nội dung trên, chiều 30/9, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Kiên Trung - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội. Ông Trung cho biết: "Việc triển khai trồng cây xanh dưới gầm đường sắt trên cao tại phố Yên Lãng, Hoàng Cầu là chủ trương của UBND TP Hà Nội và đã được Sở Xây dựng Hà Nội phê duyệt. Chúng tôi sẽ chăm sóc những cây này cẩn thận, đồng thời khống chế chiều cao, do đó sẽ không lo ảnh hưởng đến công trình đường sắt trên cao".
Nói thêm về kế hoạch tiếp theo cũng như chủng loại cây đang triển khai trồng tại khu vực trên, ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, trước mắt, công ty đang triển khai trồng thí điểm cây bàng lá nhỏ của Đài Loan trên phố Yên Lãng và Hoàng Cầu. Đặc tính của loại cây này là thân nhỏ, phát triển tán rộng, nếu có xảy ra gãy đổ cũng không làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình đường sắt trên cao.
"Chúng tôi cũng mới triển khai trồng cách đây được 2 ngày, trước mắt thí điểm trên phố Yên Lãng và Hoàng Cầu. Kế hoạch trồng tiếp theo như nào chúng tôi sẽ xin ý kiến của Sở Xây dựng Hà Nội" - ông Hưng cho biết.
Cũng theo ông Hưng, mục đích của việc trồng hàng trăm cây xanh nói trên là nhằm tạo ra cảnh quan đô thị xanh - sạch - đẹp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Một số hình ảnh hàng cây xanh mới trồng tại gầm đường sắt trên cao:
Công ty cây xanh cho biết, những cây bàng lá nhỏ này sẽ được khống chế chiều cao, do đó không ảnh hưởng đến công trình đường sắt trên cao.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Chốt thời gian khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông Lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, cuối năm 2016, nhà thầu sẽ thực hiện xong việc xây lắp dầm, trụ, nhà ga đường sắt đô thị, tuyến Cát Linh- Hà Đông. Đường sắt đô thị, tuyến Cát Linh- Hà Đông Ngày 29/9, Bộ GTVT tổ chức họp báo thường kỳ quý 3 năm 2016 tại trụ sở bộ. Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ...